Ngày lễ Thánh Patrick là ngày gì ? Nguồn gốc & ý nghĩa ?
Tháng 3 có ngày lễ quan trọng nhất đối với cộng đồng người dân Ireland trong nước và ở khắp nơi trên thế giới. Đó là ngày St. Patrick’s Day 17/3 – ngày Quốc khánh Ireland, cũng chính là ngày mất của Thánh Patrick, vị thánh bảo hộ của đất nước này. Trong suốt cả tuần lễ, rất nhiều hoạt động văn hóa diễn ra không chỉ ở Ireland, mà ở khắp nơi trên thế giới, nơi có đông đảo cộng đồng người Ireland, đặc biệt là vùng Đông bắc châu Mỹ. Hãy cùng tìm hiểu những điều hấp dẫn về lễ hội đặc sắc này của xứ sở Cỏ ba lá nhé!
-
Chuyện ngày xửa ngày xưa
Thánh Patrick, tên thật là Patricius Magonus Sucatus, sinh khoảng năm 389, trong một gia đình người Anh gốc La Mã. Năm 16 tuổi khi đang sống ở xứ Wales thì bị cướp biển bắt làm nô lệ và bán cho một địa chủ ở Ireland, 6 năm sau, ông trốn thoát và bắt đầu sự nghiệp một tín đồ Thiên chúa giáo bằng việc học hành suốt 12 năm. Thánh Patrick trở thành linh mục năm 417, năm 432 được Giáo hoàng tấn phong làm giám mục và phái về Ireland để truyền giáo và cải đạo cho dân chúng.
Thời đó tín ngưỡng Ireland được điều hành bởi các đạo sĩ và các nghi lễ bị coi là tà giáo. Do đó, trong nhiều năm đi khắp đất nước Ireland để giảng đạo, xây dựng nhà thờ, tín ngưỡng Thiên Chúa, ông nhiều lần bị bắt nhưng sau đó đều trốn thoát để tiếp tục công việc. Ông mất ngày 17 tháng 3 năm 461 tại DownPatrick, hưởng thọ 72 tuổi. Sự cống hiến của ông được người dân Ireland tôn vinh và Giáo hội ghi nhận. Ông được phong Thánh và đất nước Ireland chọn ngày mất của ông – ngày 17 tháng 3 – làm quốc lễ: Ngày lễ thánh Patrick (St. Patrick’s Day).
Có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến Thánh Patrick. Một trong số đó là Thánh Patrick có khả năng làm người chết sống dậy. Và huyền thoại lớn nhất về Thánh Patrick là khi ông giảng đạo trên đỉnh một ngọn đồi và đọc lời nguyền của Thiên chúa giáo, khiến cho toàn bộ các loài rắn có nọc độc bị đuổi khỏi Ireland và chết ngoài biển khơi. Có thể nói, rắn là hình ảnh ẩn dụ cho những tà giáo đã được Thánh Patrick loại bỏ khỏi Ireland.
Chuyện kể rằng mỗi khi truyền đạo, Thánh Patrick thường dùng cây cỏ ba lá để giải thích về ý nghĩa của Chúa Ba ngôi (Cha, Con và Thánh thần). Đó là lý do vì sao đến Ireland chúng ta có thể thấy tràn ngập khắp nơi hình ảnh cỏ ba lá. Ngoài ra, đối với người dân Ireland, cỏ ba lá còn mang ý nghĩa may mắn. Trong ngày lễ Thánh Patrick, người ta vẽ cỏ ba lá lên mặt, lên quần áo và các vật dụng. Màu xanh lá cây cũng trở thành màu biểu tượng cho hòn đảo Ngọc lục bảo. Trong ngôn ngữ Ireland, cụm từ “mặc màu xanh” (wearing of the green) trở nên rất phổ biến, thể hiện tinh thần Ireland. “Màu xanh Ireland” và cỏ ba lá đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đậm chất… Ireland trong ngày lễ Thánh Patrick trên toàn thế giới.
3. Lễ hội và lễ diễu hành ngày Thánh Patrick
Vào ngày quốc khánh thiêng liêng và cũng là lễ hội văn hoá lớn nhất của của đất nước Ireland xinh đẹp này, người dân Ireland đều dừng hết tất cả công việc và cùng nhau hưởng trọn không khí tưng bừng của lễ hội. Các công sở, trường học… đều được nghỉ vào dịp lễ hội để không ai bỏ lỡ ngày quốc lễ quan trọng này. Ngày lễ thánh Patrick được chính thức được công nhận là ngày lễ quốc gia vào khoảng thế kỷ XVII và dần dần trở thành ngày lễ tiêu biểu của cộng đồng Ireland trên khắp thế giới.
Vào ngày lễ, vạn vật trên khắp các con đường và góc phố, từ các công trình kiến trúc đến những món ăn, đồ uống đều khoác lên mình sắc xanh lá Ireland truyền thống. Có người còn trang trí cỏ ba lá lên mặt, lên quần áo và các vật dụng, có người thì chọn cho mình những bộ quần áo hóa trang cầu kỳ nhưng điều kiện tiên quyết phải là màu xanh lá. Ở một số nơi, người dân còn nhuộm xanh cả một dòng sông, đài tưởng niệm và thậm chí cả khu trượt tuyết cũng biến thành màu xanh để kỷ niệm dịp lễ trọng này. Tâm điểm của lễ hội là lễ diễu hành hoành tráng với sự tham gia của đông đảo dân chúng, hóa trang thành nhiều nhân vật khác nhau trong các trang phục rực rỡ, sau đó họ cùng nhau ăn các món ăn truyền thống, uống bia và thưởng thức âm nhạc.