Flags of Our Fathers (Ngọn cờ của cha)
Flags of Our Fathers (Ngọn cờ của cha), tác giả: James Bradley và Ron Powers, người dịch: Diệp Minh Tâm, Nhà xuất bản Tri thức 2008.
Bức ảnh sáu người lính cắm lá cờ Mỹ trên đảo Iwo Jima (Nhật Bản) vào ngày 23/2/1945 do phóng viên ảnh Joe Rosenthal (hãng AP) tình cờ chụp được đã trở thành một trong những khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Khi một trong hai tác giả của cuốn sách, James Bradley, hỏi cha mình là bác sĩ John Bradley, một trong ba người lính sống sót trở về, tại sao ông không treo bức ảnh nổi tiếng ấy trong nhà, John Bradley đã trả lời: “Những người hùng thực sự của Iwo Jima là những chàng trai không bao giờ trở về”.
Đó là câu chuyện có thực về những con người bình thường trong những hoàn cảnh khác thường được kể một cách sinh động, bi tráng và truyền cảm.
Tháng Hai năm 1945, khi chiến thắng ở châu Âu đã nằm trong tầm tay quân đồng minh, cuộc chiến trên Thái Bình Dương vẫn tiếp diễn. Một trong những trận đánh chủ chốt và đẫm máu nhất là trận đánh tranh giành hòn đảo Iwo Jima. Năm người lính thủy quân lục chiến và một bác sĩ quân y được cử đi lên ngọn đồi cao nhất, đỉnh Suribachi, để dựng lên lá cờ chiến thắng. Sáu chàng trai Mỹ ở chân cột cờ lập tức trở thành anh hùng.
Nhưng tàn quân phát xít Nhật vẫn còn và sau khi dựng lá cờ xong, họ phải tiếp tục chiến đấu. Ba người ngã xuống mà không bao giờ biết mình đã trở thành bất tử. Ba người còn sống có cách hành xử khác nhau: Người choáng ngợp trong vòng hào quang, người chạy trốn nỗi đau và những ám ảnh về chiến tranh trong những cơn say bất tận, người khước từ tất cả những gì còn gợi đến chiến tranh. Nhưng dù sao đi nữa, họ không muốn được ca tụng là anh hùng và không xem bản thân mình là anh hùng. Với họ, những đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống trên hòn đảo ấy mới chính là những anh hùng thực sự.
Phần hay nhất của cuốn sách có lẽ là ở đoạn này: John, Rene và Ira, ba người lính còn sống, đã trở thành những người hùng của nước Mỹ trong thời điểm đó. Và họ bị buộc phải tái hiện cảnh cắm cờ trên ngọn đồi với một mô đất giả được đắp lên để các phóng viên chụp ảnh.
Song song với tình cảnh đáng thương đó là những dằn vặt trong tâm hồn ba người lính, một khoảng tối bi kịch chiến tranh mà họ buộc phải im lặng, chôn kín trong lòng. Để có ba người lính trở về, có thể đã có trăm ngàn người lính khác ngã xuống. Những người trở về được tung hô là anh hùng, còn những người ngã xuống thì sao?
Những người cha, người mẹ, người chị mất con, mất em thì sao? Họ có phải là anh hùng? Những câu hỏi rất dễ trả lời nhưng mãi mãi không có câu trả lời đã làm cho quãng đời còn lại của ba người lính không được bình yên khi nhớ về đồng đội của mình. Cho nên Flags of Our Fathers không chỉ là một cuốn sách đơn giản để ca ngợi quân đội Mỹ.
James Bradley là con thứ tư trong số tám người con của bác sĩ quân y John Bradley. Ông đã theo học Đại học Notre Dame, Đại học Sophia ở Tokyo, Nhật Bản và tốt nghiệp Đại học Wisconsin về ngành Lịch sử Đông Á. Hiện ông thường đi diễn thuyết và viết sách. Ông cũng là tác giả quyển sách bán chạy Flyboys: A True Story of Courage (tạm dịch: Những chàng trai phi công: Một câu chuyện thật về lòng dũng cảm), được xuất bản năm 2003, kể về không lực Mỹ trên chiến trường khác nhưng cùng thời điểm diễn ra trận Iwo Jima.
Gần đây, ông thành lập một quỹ nhằm hỗ trợ chương trình trao đổi học sinh và sinh viên giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản để giúp họ tìm hiểu về văn hóa hai nước. Còn Ron Powers là ký giả và tác giả một số tựa sách. Ông nhận được Giải thưởng Pulitzer với tác phẩm White Town Drowsing and Dangerous Water: A Biography of the Boy Who Became Mark Twain (tạm dịch: Thị trấn trắng chìm ngập và vực nước nguy hiểm: Tiểu sử của Mark Twain thời trai trẻ), viết về tiểu sử của nhà văn Mỹ Mark Twain.
Ở một khía cạnh nào đó, James Bradley đã soạn một bài điếu văn cho người cha của mình. Bài điếu văn tôn vinh người cha anh hùng vì những phẩm chất đích thực của ông, đồng thời tái tạo bức tranh khó quên về một trong những trận đánh ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Hai tác giả còn dành một số chương trong cuốn sách để suy tư về bản chất của người anh hùng, để thể hiện sự cảm nhận của công chúng và sự mâu thuẫn tàn nhẫn của hai vấn đề này trong bối cảnh chung của lòng tự hào dân tộc và thái độ chán ghét chiến tranh.
Nguồn: vungtauHR.com