Bài học kinh điển từ Tam Quốc: Tuổi trẻ nhìn xa, tuổi trung niên trông rộng, về già thấy mà “như không”
Bài học Tam Quốc có dạy rằng bản lĩnh là khi có tầm nhìn xa rộng và không bị mắc kẹt bởi hiện tại. Bởi khi bạn có được điều ấy thì bạn đã giành được tương lai và gặt hái được cuộc sống viên mãn.
Bài học cốt lõi luận từ Tam Quốc
Người trẻ say mê đọc Thủy Hử vì thích chủ nghĩa anh hùng. Người trưởng thành lại say mê Tam quốc diễn nghĩa vì đúc rút được những chiêm nghiệm về đời sống. Thời gian thấm thoát thoi đưa, chớp mắt con người đã bước sang sườn dốc phía bên kia của cuộc đời. Sau khi đã trải qua những phong ba bão táp, ta mới thấm thía:
Khi còn trẻ, hãy tìm một người sếp tốt.
Khi trung niên, hãy bình định tâm tính.
Khi về già, hãy bao dung và buông bỏ.
Khi còn trẻ, hãy tìm một người sếp tốt
Người không có chí hướng thì sẽ không làm được việc gì. Tài năng sẽ bị phí hoài nếu như không có chí hướng soi đường. Chí hướng sẽ quyết định số phận. Con người muốn lớn mạnh thì phải biết cách đứng trên vai của những người khổng lồ.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, có hai vị mưu sĩ nổi tiếng ngang tài ngang sức. Hai người đều nuôi chí phò trợ minh quân, bình định thiên hạ. Nhưng kết cục của hai người lại hoàn toàn khác nhau.
Một người là Gia Cát Lượng tiếng tăm lừng lẫy. Từ thống lĩnh ba quân bắc phạt Trung Nguyên đến diệt gian trừ tà, phục hưng Hán thất đều thể hiện chí lớn ngút trời của bậc đại quân sư.
Với quan điểm “không có chí thì không thể học, không học thì không thành tài”, Gia Cát Lượng đã trở thành người mà những Nho gia luôn sùng bái. Khổng Minh cũng luôn nhất mực trung thành phò trợ nhà Hán.
Thời Tam Quốc, Trần Cung là mưu sỹ từng phụng sự cho Tào Tháo và Lữ Bố. Lưu Bị từng phải đích thân ba lần đến lều tranh mới mời được Gia Cát Lượng ra làm quân sư. Nhưng Trần Cung lại đồng ý đi theo Tào Tháo chỉ vì bị dăm ba câu nói làm cho cảm động. Sau này, Trần Cung phản Tào, quy phục Lữ Bố, nhưng nhận ra Lữ Bố là kẻ bất tài nên cuối cùng phải tự sát ở lầu Bạch Môn.
Nguyên nhân dẫn đến bi kịch cuộc đời của Trần Cung chính là vì ông đã không biết chọn cho mình một người chủ tốt. Trần Cung ý chí không vững nên dễ dàng tin vào một người giảo hoạt như Tào Thào. Tầm nhìn của Trần Cung quá hạn hẹp nên mới theo một kẻ hữu dũng vô mưu như Lữ Bố.
Người xưa có câu: “Anh hùng xuất thiếu niên.” Chí hướng thuở thiếu thời sẽ quyết định thành tựu cả đời. Người bình thường chỉ cầu cơm no áo ấm với vợ đẹp con khôn. Những vị anh hùng hào kiệt thường đặt tâm tư vào việc nước việc dân. Con người phải biết nuôi dưỡng những hoài bão tốt đẹp thì mới có thể làm nên đại sự. Trong tim có chí, vạn sự ắt thành.
Khi trung niên hãy bình định tâm tính
Tính xấu của con người là ghen ghét người hiền đức và đố kỵ người giỏi hơn mình. Khi bị bủa vây bởi những toan tính và tham vọng, bạn cần phải giữ được sự tỉnh táo và khiêm nhường. Chỉ có như vậy, bạn mới tránh được tai họa và tìm ra ánh sáng. Khi bạn quá huênh hoang và hống hách thì cũng chính là lúc bạn đang tự chuốc họa vào thân.
Khi Tào Tháo còn chưa dẫn quân tiến vào thành Hàng Châu, Hứa Du đã tự cho mình công cao hơn chủ. Y lớn tiếng nói: “A Man, nếu như không có ta, sao ngài có thể tiến vào thành Ký Châu được chứ?”
Khi gặp mãnh tướng Hứa Chử ở cửa Nghiệp Thành, đối phương vẫn còn chưa lên tiếng. Hứa Du đã ngạo mạn kể công: “Nếu như không có ta, thì những tên thất phu lỗ mãng như các ngươi sao có thể tự do đi lại ở đây được chứ?”
Ngày thường khi ở cùng Tào Tháo, Hứa Du vẫn chứng nào tật ấy. Y ỷ thế công cao hơn người nên hay gọi thẳng tên thật của Tào Tháo. Rất nhiều người đều cảm thấy bất mãn với y.
Sự lộng hành không biết tôn ti trên dưới của y cũng làm cho Tào Tháo không vừa ý. Những kẻ cuồng ngôn là những kẻ đang tự đi tìm cái chết. Khiêm tốn không phải là tự hạ thấp mà chính là tự bảo vệ bản thân khỏi những tai họa thị phi.
Một vị mưu sĩ khác nổi tiếng của Tào Tháo là Tư Mã Ý. Tư Mã Ý là người khiêm nhường, không thích khoa trương. Dù là đối với Tào Tháo hay là hậu duệ của Tào gia sau này, ông vẫn luôn cẩn trọng và giữ đúng tôn nghiêm quân thần.
Ông từng bước âm thầm củng cố quyền lực. Về sau, Tư Mã Ý đã giả bệnh lừa Tào Sảng để đoạt lấy hoàng quyền của nhà Ngụy. Không chỉ tránh được họa sát thân như Hứa Du, Tư Mã Ý còn là người đặt nền móng xây dựng nhà Tấn.
Lần đầu đọc Tam quốc diễn nghĩa, tôi luôn nghĩ Tào Tháo là một kẻ hẹp hòi. Tào Tháo không thể bao dung cho những người có tài nhưng kiêu ngạo như Khổng Dung và Dương Tu. Tào Tháo không chấp nhận những người can gián thẳng thừng như Thôi Diễm, Di Hằng. Thậm chí, Tào Tháo còn nói: “Thà ta phụ thiên hạ, chứ không để thiên hạ phụ ta.”
Bây giờ đọc lại, tôi mới được vỡ lẽ ra nhiều thứ. Khi làm bất cứ chuyện gì, ta phải nhớ luôn để lại đất diễn cho người khác. Nếu có thể thì hãy nhường cho người ta một bước. Đời sống này vốn dĩ rất phức tạp. Đó là chốn thị phi với rất nhiều người đang tranh nhau xâu xé lợi ích.
Họ đa nghi là bởi họ đã phải nếm trải đủ những đắng cay ở đời, những khổ đau này đã giúp họ học được cách thu vén tâm tư. Họ không còn phóng khoáng như xưa vì họ đang phản công từ cõi chết sau khi bị số phận chơi cho một vố đau.
Dù là bất cứ chuyện gì, chúng ta cũng nên nghĩ thoáng ra. Làm việc nhớ chừa lại đường lui. Làm người xin đừng quá tuyệt tình. Tha thứ cho người khác cũng chính là tha thứ cho chính mình.
Thời tam quốc trong trận Quan Độ, Tào Tháo đã lấy ít thắng nhiều, đánh bại quân Viên Thiệu. Trong lúc thu dọn trận mạc, Tào Tháo phát hiện có một vài thuộc hạ từng viết thư thề trung thành với Viên Thiệu. Nhưng ông không trách quân mà chỉ đem đốt toàn bộ chỗ thư đó.
Trương Tú phản bội khiến Tào Tháo mất đi trưởng tử Tào Ngang và ái tướng Điển Vĩ. Nhưng không lâu sau, Trương Tú lại quay về đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo không những không từ chối mà còn phong cho chức tướng quân.
Khi Viên Thiệu phát quân thảo phạt Tào Tháo, Trần Lâm đã soạn bài hịch mắng Tào Tháo là đồ hại nước hại dân. Sau đó, Trần Lâm bị Tào Tháo bắt sống. Nhưng Tào Tháo lại không trừng phạt mà thu nạp Trần Lâm về dưới trướng mình.
Những người cũ dưới trướng Viên Thiệu nay một lòng quy phục Tào Tháo. Trương Tú đã hiến mạng vì Tào Tháo. Trần Lâm cũng hết lòng phò trợ Tào Tháo làm nên cơ đồ.
Trên đường đời, hãy cứ tìm chỗ rộng bằng phẳng mà bước đi. Chỉ khi biết tha thứ cho người, chúng ta mới cảm thấy thanh thản. Khi về già, chúng ta chẳng còn sức đâu để chen chân vào con đường chật chội và nhỏ hẹp kia. Vì thế, hãy cứ chọn chỗ rộng rãi, thoáng đãng mà đi.
Thế sự biến hóa khôn lường. Nhân sinh tựa như giấc mộng ngắn ngủi. Một câu chuyện lịch sử để lại nhiều bài học quý giá cho hậu thế về sau. Đời người vì có duyên mà gặp gỡ, vì hết duyên mà chia xa.
Bài học Tam quốc cho thấy chúng ta không cần phải cố chấp vì danh lợi hay ưu phiền vì sinh tử. Vì đến cuối cùng, con người vẫn lại quay về với đất mẹ. Cát bụi vẫn về với cát bụi mà thôi.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://baihoc.com.vn/thanh-cong/bai-hoc-thanh-cong/bai-hoc-kinh-dien-tu-tam-quoc-tuoi-tre-nhin-xa-tuoi-trung-nien-trong-rong-ve-gia-thay-ma-nhu-khong.html