Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 có thể ở 6,67%
Đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhiều nhất trong số 3 kịch bản được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Dự báo kinh tế xã hội phục vụ lập kế hoạch trung hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế” ngày 02/12/2015.
3 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020
Thay mặt Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia, TS. Đặng Đức Anh phân tích tình hình kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2015. TS. Đặng Đức Anh cho rằng, mặc dù cơ cấu đầu tư có chuyển biến tích cực, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP giảm, phân bổ vốn ngân sách nhà nước tập trung hơn, đã huy động được khá mạnh nguồn vốn của tư nhân vào đầu tư vào kết cấu hạ tầng, tuy nhiên vốn đầu tư của khu vực nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư thấp, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp…
Đưa ra kịch bản dự báo cho giai đoạn 2016-2020, TS. Đặng Đức Anh cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ khả quan hơn trong giai đoạn 2016-2020. Động lực phát triển cho kinh tế toàn cầu sẽ được chuyển từ các nước phát triển trong giai đoạn đầu (2016-2017) sang các nước đang phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, tốc độ tăng thương mại toàn cầu giai đoạn 2016-2020 dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2 năm đầu tiên và duy trì mức tăng nhẹ ở 3 năm còn lại. Tình hình kinh tế trong nước cũng được đánh giá phục hồi, các dòng vốn tăng mạnh trở lại, đặc biệt là dòng vốn khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, hiệu quả đầu tư được cải thiện, lạm phát được dự báo duy trì ở mức thấp.
Ở kịch bản trung bình, cũng là kịch bản chủ đạo, với nhiều khả năng xảy ra nhất. Giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức trung bình 4%; tốc độ tăng đầu tư trung bình giai đoạn 7% và hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành chính sách và tiền tệ linh hoạt. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 6,67%/ năm và lạm phát khoảng 5%.
Ở kịch bản cao, ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình nhưng tiến trình cải cách cũng như chuyển đổi nền kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn. Tăng trưởng kinh tế và lạm phát trung bình giai đoạn tương ứng là 7,04% và 6,1%.
Ở kịch bản thấp, tuy không nhiều khả năng nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển như mô hình kinh tế cũ, những rủi ro nợ công và hệ thống tài chính ngày một lớn và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dựa vào tăng quy mô vốn và không khống chế được nhập siêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế thể chỉ ở mức là 6% và lạm phát có thể tăng cao trở lại 7%.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế “Dự báo kinh tế xã hội phục vụ lập kế hoạch trung hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Nhìn từ khía cạnh năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Khoa Kinh tế phát triển, ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, để “tránh xa kịch bản thấp”, yêu cầu sống còn là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
TS Việt khuyến nghị: “Có 3 thách thức lớn cần phải vượt qua, đó là phải thay đổi mục tiêu tăng trưởng cao, chấp nhận tăng trưởng bền vững; thay đổi đối tượng hưởng lợi (hiện nay đang là những người liên quan đến phân bổ nguồn lực gắn với thể chế đang hiện hữu) và thay đổi ưu đãi trong đầu tư (lĩnh vực công nghiệp đang được hưởng nhiều ưu đãi sẽ không được nhận thêm ưu đãi nữa)”.
Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS. Phan Đức Hiếu cho biết, một trong những giải pháp tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới là phải vượt qua được tư duy “năng lực quản lý đến đâu thì mở đến đó” và thay bằng tư duy “năng lực quản lý phải được xây dựng để phù hợp và thúc đẩy sự phát triển của đất nước”.
Đồng quan điểm, TS. Đặng Đức Anh cho rằng thời gian tới, cần tiếp tục củng cố và duy trì ổn định vĩ mô, đảm bảo sự bền vững của các cân ngân sách. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ hơn đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia để hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đặng Huy Đông cho biết, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh trong giai đoạn 2016-2020 nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hóa thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhu cầu bên ngoài, cùng với những cải cách về thể chế.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam chưa được khắc phục triệt để, nhiệm vụ của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề… Do đó, việc đánh giá một cách toàn diện, khoa học bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế cũng như giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững thời gian tới là rất cần thiết”, Thứ trưởng nhấn mạnh thêm./.
ThegioiBantin.com