Cách thương hiệu có thể khiến khách hàng tự tin hơn với quyết định mua hàng
Từ bối rối và khó hiểu đến rõ ràng và tin tưởng hơn, các thương hiệu có thể làm gì để khách hàng có thể tự tin hơn với các quyết định mua sắm của họ thông qua công cụ tìm kiếm.
Khi nói đến việc phải mua sắm một thứ gì đó, đặc biệt là mua sắm lần đầu, bạn thường làm gì, có thể bạn sẽ tìm kiếm những lời khuyên từ những người mà bạn biết, “lướt” qua các nền tảng truyền thông mạng xã hội như Facebook hay TikTok để tìm cảm hứng hoặc cũng có thể bạn sẽ tìm đến các công cụ tìm kiếm.
Cuối cùng, một cảm giác mà bạn và rất nhiều người cũng đang mắc phải đó là bối rối vì có quá nhiều thông tin và sự lựa chọn.
Làm sao tôi có thể chắc chắn rằng mình đã mua sản phẩm tốt nhất? Làm sao tôi có thể biết khi so sánh với các sản phẩm khác, thì tôi đang mua đúng ? Tôi cần một nguồn thông tin đáng tin cậy để giúp tôi có đủ tự tin khi quyết định.
Theo nghiên cứu mới nhất của Google, mọi người thường trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong suốt hành trình mua hàng của họ.
Từ tò mò và bối rối đến rõ ràng và tin tưởng, mọi người thường phải vật lộn để tìm ra những điểm chạm đáng tin cậy nhất (trusted touchpoints), thứ sẽ hướng dẫn và chi phối họ trong suốt hành trình mua hàng đầy phức tạp.
Để đưa ra quyết định mua hàng một cách tự tin và chắc chắn, người mua sắm đã sử dụng công cụ tìm kiếm như là điểm chạm số một để biết thêm những thông tin liên quan.
Một trong những sự ưu tiên và động lực ra quyết định mua hàng quan trọng khác của khách hàng đó là sự hiện diện của thương hiệu (brand presence).
Khi các thương hiệu cung cấp những nội dung có liên quan và đáng tin cậy trực tuyến, họ có thể tăng mức độ ưa thích của người tiêu dùng lên đến hơn 70%.
Mọi người muốn mua sắm khi có đủ thông tin và thương hiệu có thể giúp họ đưa ra các quyết định mua hàng cuối cùng.
Để nuôi dưỡng lòng tin của người tiêu dùng và hiểu rõ hơn về hành trình mua hàng của họ, trước tiên các thương hiệu cần hiểu được yếu tố cảm xúc nào đã làm thúc đẩy hành vi mua hàng của họ.
Dưới đây là 03 consumer insights chính mà các thương hiệu có thể sử dụng để phát triển các chiến lược tiếp thị tìm kiếm nhằm mục tiêu khiến người tiêu dùng tự tin hơn.
Yếu tố cảm xúc đóng vai trò then chốt trong việc ra quyết định mua hàng.
Hành trình của khách hàng được đánh dấu bởi những yếu tố cảm xúc và mọi người muốn có cảm giác chắc chắn và tự tin trước khi mua hàng. Khi họ hoài nghi, họ muốn được bị thuyết phục. Khi họ bối rối, họ muốn sự rõ ràng.
Mọi người có xu hướng tìm kiếm thông tin để có được những trạng thái cảm xúc đó. Theo nghiên cứu của Google, 57% người được hỏi cho biết họ nghiên cứu trước khi mua hàng để cảm thấy tin tưởng hơn vào những gì họ sẽ mua và 69% cho biết họ nghiên cứu để đảm bảo họ nhận được đúng sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ cần.
Nhu cầu về cảm xúc này đã thúc đẩy mọi người đến với tất cả các nguồn thông tin: từ mạng xã hội, các website tin tức, website đánh giá, các cửa hàng đến bạn bè hay gia đình của họ.
Cũng theo Google, 81% người tiêu dùng mua sản phẩm hoặc dịch vụ từ các thương hiệu cung cấp những thông tin khiến họ cảm thấy được trao quyền khi mua hàng.
Tìm kiếm là điểm chạm hàng đầu đối với người mua sắm trong hành trình khách hàng đầy cảm xúc của họ. Nó đóng vai trò sắp xếp và ngữ cảnh hóa những thông tin có sẵn trên các nền tảng trực tuyến, đồng thời kết nối người mua sắm với các điểm chạm khác.
Khi mọi người khám phá và đánh giá các lựa chọn của họ, thương hiệu có thể giúp họ cảm thấy được trao quyền bằng cách cung cấp cho họ những thông tin hữu ích nhất, chẳng hạn như các thông số sản phẩm rõ ràng, các đánh giá sản phẩm chân thật hoặc thông tin được cung cấp từ các chuyên gia uy tín (trong ngành).
Chiến lược quảng cáo tìm kiếm thích ứng có thể đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này. Giải pháp máy học của Google Ads có thể sử dụng các dòng tiêu đề và mô tả khác nhau do người làm marketing cung cấp để tạo ra các tuỳ chọn quảng cáo phù hợp nhất với các quy vấn tìm kiếm (từ khoá) của khách hàng.
Theo Google, chiến lược này có thể tăng trung bình 7% tỷ lệ chuyển đổi.
Mọi người muốn các nguồn thông tin đáng tin cậy.
Mọi người ngày càng nhận ra rằng trong suốt hành trình khách hàng của họ, việc có được thông tin từ các nguồn đáng tin cậy trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Với tư cách là người làm marketing, bạn cần xây dựng và củng cố thương hiệu của mình để đáp ứng nhu cầu này của họ
So với trước COVID-19, 87% người dùng nói rằng việc tìm những nguồn thông tin đáng tin cậy hiện đang trở nên quan trọng hơn.
85% mọi người cũng nói rằng họ sẽ mua hàng từ các thương hiệu cung cấp những thông tin đáng tin cậy và 63% cho biết họ sẽ không mua hàng từ các thương hiệu cung cấp các thông tin không liên quan.
Các thương hiệu có thể tận dụng công cụ tìm kiếm để xây dựng lòng tin của khách hàng bằng cách tạo ra những nội dung trực tuyến đáng tin cậy và có liên quan, chẳng hạn như những nội dung do người dùng tạo ra (UGC) hay các trang đích (landing page) có thông tin và mô tả sản phẩm rõ ràng.
Nghịch lý của sự lựa chọn.
Việc nghiên cứu tất cả các thông tin liên quan về sản phẩm hoặc dịch vụ là điều quan trọng để người tiêu dùng có thể tự tin ra quyết định mua hàng của họ, nhưng tình trạng quá tải thông tin trong quá trình này thực sự là một vấn đề lớn.
Theo Google, 94% người dùng nói rằng điều quan trọng trước khi mua hàng đó là phải nghiên cứu kỹ thông tin.
Tuy nhiên, song song với đó, 80% người gặp phải khó khăn khi đưa ra quyết định mua hàng vì họ được cung cấp quá nhiều thông tin hoặc quá nhiều sự lựa chọn.
Và đây chính là lúc các thương hiệu có thể xuất hiện và giúp đỡ họ.
Để giảm bớt tình trạng quá tải này, các thương hiệu nên có mặt vào đúng thời điểm để hướng dẫn người mua hàng. Theo Google, 84% người tiêu dùng nói rằng họ sẽ mua hàng từ một thương hiệu cung cấp thông tin hữu ích khi họ đang tìm hiểu các lựa chọn.
Các thương hiệu có thể sử dụng công nghệ máy học để cung cấp những thông tin phù hợp và được cá nhân hóa cho người dùng khi họ tìm kiếm thông tin.
Với từ khóa đối sánh rộng và chiến lược đặt giá thầu thông minh, các thương hiệu có thể đảm bảo các quảng cáo của họ tiếp cận đúng các truy vấn tìm kiếm và thúc đẩy quyết định mua hàng của khách hàng. Các thương hiệu sử dụng đồng thời từ khóa đối sánh rộng và chiến lược đặt giá thầu thông minh có thể tăng lượt chuyển đổi lên đến 25%.
Hành trình mua hàng là một hành trình đầy cảm xúc và phức tạp, và thương hiệu luôn có thể hỗ trợ khách hàng trong mọi trải nghiệm mua sắm của họ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Long Trần
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Nguồn : https://marketingtrips.com/brand/cach-thuong-hieu-co-the-khien-khach-hang-tu-tin-hon-voi-quyet-dinh-mua-hang/