IT Governance (Quản trị CNTT) là gì?

Thông tin là một nguồn lực quan trọng của tất cả các doanh nghiệp và công nghệ giữ một vai trò cũng quan trọng từ khi thông tin được hình thành đến khi thông tin bị phá hủy. Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và trở nên phổ biến hơn trong doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng và môi trường kinh doanh. Chính vì vậy, các tổ chức và các nhà quản lý của tổ chức cố gắng để:

=> Duy trì các thông tin có chất lượng cao để hỗ trợ ra quyết định kinh doanh;

=>Tạo ra các giá trị kinh doanh thông qua việc đầu tư vào công nghệ thông tin (CNTT);

=> Hoàn thành công việc tốt nhất thông qua các công nghệ tin cậy và hiệu quả;

=> Duy trì các rủi ro liên quan đến công nghệ thông tin ở mức chấp nhận được.

=> Tối ưu hóa chi phí cho dịch vụ và công nghệ của CNTT.

=> Tương thích với luật lệ, quy định, thỏa thuận và chính sách.

Quản trị công nghệ thông tin (IT Governance) là xây dựng, áp dụng một mô hình hoặc khuôn khổ (framework) nhằm hỗ trợ việc quản lý hiệu quả các nguồn lực thông tin của tổ chức để thực hiện thành công các mục tiêu của tổ chức. Quản trị công nghệ thông tin tập trung vào đo lường và quản lý chất lượng của hoạt động công nghệ thông tin nhằm đảm bảo kiểm soát được các rủi ro và chi phí liên quan đến công nghệ thông tin. Các tổ chức và các nhà quản lý cần sử dụng nhiều khuôn khổ theo hướng tích hợp (cần thiết kế kiến trúc quản trị) khác nhau để quản trị công nghệ thông tin như:

+ ISO/IEC 38500:2008

+ COBIT 5

+ COSO

+ BSC (Balance Scorecard)

+ CMMI (Capability Maturity Model Integrity)

+ ITIL V3.1/ ISO 20000 (IT Service Management)

+ ISO 27001 (Information Security Management)

+ ISO 22301 (Business Continuity Management)

II – Tại sao cần có chiến lược IT Governance?

Các lý do mà các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng 01 chiến lược quản trị thông tin và CNTT như sau:

01- Chiến lược quản trị CNTT là một trụ cột trong 04 trụ cột của chiến lược CNTT, bao gồm: Chiến lược ứng dụng CNTT và số hóa doanh nghiệp; Chiến lược cho cơ sở hạ tầng CNTT; Chiến lược về nguồn lực CNTT và Chiến lược quản trị CNTT. Nếu đã làm chiến lược CNTT thì phải có chiến lược quản trị thông tin và CNTT;

02- Các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam phần lớn có sự hiểu biết, nhận thức về lĩnh vực CNTT nói chung và quản trị CNTT nói riêng còn chưa đầy đủ, khá sơ sài (không muốn nói là thiếu hiểu biết..hehe) và họ giao toàn quyền về CNTT cho 01 anh sếp IT để tự anh ấy lo liệu và phó mặc cho anh ấy nhằm tập trung vào các sứ mệnh kinh doanh quan trọng hơn. Cần chú ý rằng quản trị thông tin và CNTT là một sứ mệnh chiến lược của ban lãnh đạo doanh nghiệp;

03- Các nhà lãnh đạo, quản lý CNTT khi được giao nhiệm vụ quản trị CNTT thì do đây là lĩnh vực mới mẻ, nhận thức chưa đầy đủ nên thực hiện còn mang tính đối phó, giải quyết các vấn đề quản trị theo thực tế phát sinh, thấy cái framework nào hay hay ở đâu đó làm rồi thì mang về áp dụng hoặc do bị cơ quản chủ quản (ví dụ: Ngân hàng Nhà nước) ra lệnh thì làm thôi. Tóm lại là chưa nhìn ra được quản trị CNTT như là một vấn đề chiến lược và cần thiết kế kiến trúc quản trị nhằm tương thích với nhiều framework hoặc tiêu chuẩn khác nhau. Với cách tiếp cận quản trị CNTT theo kiểu này thì tương lai chắc chắn sẽ làm doanh nghiệp tốn nhiều công sức, chi phí, thời gian để rà soát, dọn dẹp vả chỉnh sửa.

Hy vọng là qua bài viết này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần chú ý nhiều hơn nữa cho công tác quản trị thông tin và CNTT trong doanh nghiệp mình, hãy nhìn nhận nó như là nhân tố chiến lược nằm trong chiến lược kinh doanh và chiến lược CNTT của tổ chức.

Thegioibantin.com | VinaAspire News

Trần Nhật Huy