Ba nhân tố giúp Lọc dầu Dung Quất phát triển bền vững

0

Ngành công nghiệp lọc – hóa dầu là một trong những ngành kinh tế trọng tâm và mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước không có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… nhiều tập đoàn dầu khí chủ lực của các quốc gia này như: JX Nippon, Idemitsu (Nhật Bản), SK Energy, KNOC (Hàn Quốc), PTT, SCG (Thái Lan) với doanh thu và lợi nhuận siêu khủng đã đóng góp tỷ trọng rất lớn cho GDP, thu ngân sách và sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Do đó, quan điểm và mục tiêu chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là phát triển đồng bộ, toàn diện ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam, hoàn chỉnh chuỗi giá trị từ khâu thượng nguồn (khai thác) đến hạ nguồn (chế biến), tập trung vào 5 lĩnh vực chính là thăm dò – khai thác, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ kỹ thuật, trong đó lọc – hóa dầu là lĩnh vực cốt lõi của PVN và chủ lực là Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất với xu hướng sẽ trở thành trung tâm lọc – hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Bình Sơn, Quảng Ngãi, cùng với Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), Long Sơn (LSP) nhằm đa dạng hóa sản phẩm giá trị cao, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh và cho nền kinh tế Việt Nam.

Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (“BSR”) là đơn vị đang quản lý và điều hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây là nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; công suất chế biến trên 6,5 triệu tấn dầu thô/năm; cung cấp sản phẩm LPG, xăng dầu và hóa dầu có chất lượng cao, đáp ứng trên 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Sau gần 9 năm đi vào hoạt động từ tháng 2/2009, Nhà máy đã nhập và chế biến trên 52,8 triệu tấn dầu thô, sản xuất và xuất bán gần 48 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 854 ngàn tỉ đồng (~ 38 tỷ USD), nộp ngân sách nhà nước gần 140 ngàn tỷ đồng (trên 6 tỷ USD) và lợi nhuận trên 15 ngàn tỷ đồng. Kết quả đạt được đã khẳng định NMLD Dung Quất xứng đáng là một công trình trọng điểm quốc gia, biểu tượng công nghiệp Việt Nam, là trái tim của KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi và là động lực phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực miền Trung, Tây nguyên, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đai hóa đất nước.

Khác với khâu thượng nguồn là lĩnh vực khai thác dầu thô, lĩnh vực hạ nguồn về chế biến lọc hóa dầu thực hiện phần gia công chế biến từ dầu thô cho ra các sản phẩm dầu mỏ, tạo ra giá trị gia tăng rất lớn với các sản phẩm có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao từ NMLD Dung Quất như xăng, dầu, hạt nhựa PP… Bên cạnh đó, do ít bị ảnh hưởng bởi xu hướng tăng/giảm giá dầu thô nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả và lợi nhuận của BSR luôn ổn định và tăng trưởng ở mức cao qua các năm (trung bình từ 4 – 6 ngàn tỷ đồng/năm).

Thực tiễn sản xuất kinh doanh qua các năm cho thấy, lợi nhuận của NMLD Dung Quất luôn ổn định và bền vững chủ yếu nhờ vào 3 yếu tố chính sau:

Thứ nhất, khoảng cách chênh lệch giữa giá các sản phẩm chính bán ra và giá dầu thô nguyên liệu đầu vào (crack spread), mức crack spread của NMLD Dung Quất trong những năm qua tương đối tốt, luôn duy trì ổn định ở mức từ 11 – 15 USD/thùng thể hiện như biểu đồ dưới đây, điều đó góp phần lý giải tại sao mức lợi nhuận của Nhà máy rất tốt mặc dù giá dầu thô trong thời gian từ cuối năm 2014 đến nay luôn duy trì ở mức thấp. Ngoài ra, việc đầu tư bổ sung và đưa vào vận hành phân xưởng thu hồi lưu huỳnh SRU2 từ 08/2015 đã giúp Nhà máy tăng khả năng tiếp nhận, phối trộn và chế biến các loại dầu thô xấu hơn (tỷ trọng và hàm lượng lưu huỳnh cao hơn) có giá thấp hơn. Đến nay, Nhà máy có khả năng chế biến đa dạng trên 67 chủng loại dầu thô khác nhau ngoài dầu thô Bạch Hổ (10 loại dầu trong nước và trên 57 loại dầu nước ngoài). Trong đó, có nhiều chủng loại dầu có tỷ lệ phối trộn thay thế dầu Bạch Hổ với tỷ lệ lên đến trên 50% như: Sử Tử Đen, Tê Giác Trắng, Azeri Light… Điều này tạo ra cơ hội lớn cho nhà máy trong việc lựa chọn nguồn cung dầu thô với giá rẻ, cạnh tranh hơn trong những năm đến.


Biều đồ xu hướng giá dầu thô và sản phẩm chính từ năm 2014 đến nay. (Nguồn: Platts Singapore & BSR)

Thứ hai, nâng cao sản lượng sản xuất và xuất bán ra thị trường nhằm tối đa doanh thu và lợi nhuận. Để làm được điều đó, Nhà máy phải luôn được duy trì vận hành an toàn, liên tục ở công suất cao. Hiện tại, hầu hết các phân xưởng công nghệ chính của Nhà máy đều chạy ở công suất tối đa trong giới hạn an toàn: CDU (114%), RFCC (105%), NHT (125%), ISOM (125%), PP Plant (110%). Các phân xưởng này đang được nghiên cứu, đánh giá để tiếp tục tăng tối đa công suất vận trong các năm tiếp theo. Đồng thời, BSR luôn chủ động tăng cường công tác bán hàng, mở rộng thị trường/thị phần, phát triển các đầu mối tiêu thụ trong và ngoài nước. Hằng năm, NMLD Dung Quất cung cấp ra thị trường trung bình khoảng 7,5 – 8,0 triệu tấn sản phẩm các loại (vượt từ 15% – 25% so với kế hoạch).

Thứ ba, tối ưu hóa giảm chi phí vận hành (OPEX) của Nhà máy thông qua chiến lược và lộ trình tổng thể trong việc triển khai áp dụng các sáng kiến, cải tiến, công trình nghiên cứu khoa học nhằm tối ưu hóa và hợp lý hóa sản xuất, công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng; giảm lưu kho vật tư, hóa phẩm xúc tác, dầu thô và sản phẩm; giảm hao hụt mất mát dầu thô và sản phẩm, linh động các chế độ vận hành nhằm tối đa sản phẩm có hiệu quả cao theo nhu cầu của thị trường…, kết hợp với các giải pháp quản lý, quản trị tiên tiến nhằm tiết giảm chi phí quản lý chung và chi phí tài chính. Một trong những trường hợp tiêu biểu là BSR đã giảm Chỉ số tối ưu hóa năng lượng Energy Intensity Index (EII) của NMLD Dung Quất từ 118% đầu năm 2015 xuống 103%-104% như hiện nay đã giúp giảm chi phí OPEX hay tăng thêm lợi nhuận cho BSR từ 40 – 45 triệu USD/năm (Theo Solomon – Tổ chức đánh giá năng lượng quốc tế thì khi giảm 1% chỉ số EII sẽ giúp giảm chi phí OPEX từ 2,5 – 3 triệu USD/năm, tùy theo giá dầu thô).

Kết quả thực hiện kế hoạch 8 tháng đầu năm 2017 của BSR đạt lợi nhuận rất cao 4.002 tỷ đồng, trong đó phần đóng góp từ chênh lệch giá sản phẩm và dầu thô là 28,9% (1156 tỷ đồng), tăng sản lượng chế biến và xuất bán là 22,2% (889 tỷ đồng) và 53% (2121 tỷ đồng) đến từ hoạt động tối ưu hóa và giảm chi phí của Nhà máy. Đồng thời, các chỉ số kinh doanh của BSR trong 8 tháng đầu năm 2017 rất tốt với tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 12,1% và ROS là 8,5%, khá cao trong ngành lọc hóa dầu.

Như vậy, với vai trò tiên phong trong ngành lọc hoá dầu tại Việt Nam, cùng với ưu thế về nguồn nguyên liệu dầu thô được mở rộng và giá tốt hơn, kỹ thuật công nghệ chế biến hiện đại và tối ưu tiệm cận với các NMLD hàng đầu trên thế giới, hệ thống quản lý, quản trị được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, nguồn lực tài chính vững mạnh, giá bán sản phẩm cạnh tranh trên thị trường, cũng như chiến lược tập trung chế biến sâu, đầu tư vào hoá dầu tạo ra các sản phẩm có giá trị cao trong tương lai sẽ tiếp tục góp phần vào tăng trưởng ổn định, lợi nhuận bền vững cho BSR và giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế Việt Nam.

Thegioibantin.com | Vina Aspire

Nguồn: NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ