Bất định giá dầu và lựa chọn của Việt Nam
Năm 2016, nhiều biến động về cả chính trị, kinh tế và kỹ thuật đã cho thấy dầu mỏ vẫn tiếp tục là chiến trường giữa các quốc gia nhằm gây sức ép và thử thách sức chịu đựng lẫn nhau… Đặc biệt cần nhấn mạnh, chưa bao giờ giá dầu lại chịu cộng hưởng từ những yếu tố không chắc chắn của tương lai như hiện nay.
TS. NGUYỄN MINH PHONG, Ths. NGUYỄN TRẦN MINH TRÍ
Thăng trầm giá dầu năm 2016
Trong năm 2016, giá dầu mỏ thế giới đã từng dưới 28 USD/thùng hồi cuối tháng 1 và sau đó hồi phục, có lúc lên tới gần 50 USD/thùng; tuy nhiên, sự kiện nước Anh sẽ rời Liên hiệp châu Âu (Brexit) trong tháng 8 và khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 7 đã khiến giá dầu giảm xuống ngưỡng 40 USD/thùng. Đồng thời, mới đây Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, trữ lượng dầu thô Mỹ tăng 14,4 triệu thùng hồi 28-10, kết hợp việc các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng đã đóng góp vào sự giảm giá dầu.
Tính đến ngày 13-11-2016, giá dầu Brent dạt 44,75 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI đạt 43,41 USD/thùng (giảm hơn 10% so hồi cuối tháng 10-2016) và vẫn có thể xuống tiếp do ảnh hưởng của sự kiện Brexits, cũng như kết quả bầu cử tổng thống Mỹ… Sự thiếu nhất chí của các quốc gia cả trong và ngoài OPEC về việc tiết giảm sản lượng khai thác cũng khiến xu hướng giảm lấn át xu hướng tăng.
Tuy nhiên, vào ngày 30-11, OPEC sẽ tổ thức thảo luận về thỏa thuận đóng băng sản lượng đã đạt được hồi tháng 9. Đây là động thái nổi bật làm ấm lòng giới đầu tư. OPEC hiện đang tích cực tìm cách hợp tác với các nước xuất khẩu ngoại khối chủ chốt khác.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng cho biết, nước này sẽ tích cực tham gia bất kỳ cuộc gặp nào giữa các quốc gia trong và ngoài khối OPEC để đi đến thống nhất có lợi nhất giúp đóng băng nguồn cung dầu mỏ. Nếu thỏa thuận trên thành công, rất có khả năng giá dầu sẽ được duy trì ở mức hơn 50USD/thùng.
Chiến thắng đầy kịch tính của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ ngày 9-11 đã một lần nữa khiến các dự báo về giá dầu trở nên khó đoán định hơn, có thể khiến giá dầu thế giới có bước tiến giảm và thậm chí được dự đoán có thể xuống mức 20 USD/thùng, đặc biệt là tại thời điểm chính thức nhậm chức tổng thống vào tháng 1-2017 của ông.
Thị trường dầu mỏ thế giới luôn luôn song hành cùng tình hình kinh tế thế giới, vốn đang có tốc độ tăng trưởng chậm và thiếu bền vững. Cụ thể, tăng trưởng thế giới tiếp tục duy trì ở mức 2,9% trong năm 2016 và 3,1% trong năm 2017. Tăng trưởng GDP của Mỹ được dự đoán thấp hơn dự kiến, giữ nguyên mức 1,5% trong năm 2016 và 2,1% trong năm 2017. Tăng trưởng GDP của Nhật Bản cũng tiếp tục được dự báo giữ nguyên ở mức thấp, đạt 0,7% trong năm 2016 và 0,9% trong năm 2017. Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng GDP ba quý gần đây nhất đạt 6,7%, hứa hẹn duy trì con số này cho suốt cả năm 2016. Sang năm 2017, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng GDP lên 6,2%.
Theo IMF dự báo tháng 10-2016, GDP toàn thế giới chỉ tăng trưởng 3,1% năm đến hết 2016 và sang 2017, con số này là 3,4%. Đây là mức giữ nguyên so với dự báo tháng 7-2016, nhưng vẫn thấp hơn 0,1% so dự báo hồi tháng 4-2016.
Về tổng thể, giá dầu thô cuối năm 2016 có thể đạt hơn 50 USD/thùng, song khó vượt được 60 USD/thùng, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế thế giới khó có đột biến nói chung và ảnh hưởng của Mỹ đến thị trường dầu mỏ nói riêng.
Bất định giá dầu năm 2017
Sang năm 2017, giá dầu có thể tăng do nhu cầu dầu thô của thế giới có thể tăng nhẹ và sự đồng thuận đậm nét hơn (dù công khai hay ngấm ngầm) của các nước xuất khẩu dầu mỏ, song các rủi ro làm giảm nhu cầu xăng dầu có thể đến từ các nguồn nhiên liệu thay thế, đặc biệt là sự xuất hiện của các phương tiện đi lại tiết kiệm năng lượng.
Theo nhiều dự báo, trong năm 2017, nhu cầu dầu mỏ của các nước Trung Đông sẽ tăng 0,11 triệu thùng/ngày; nhu cầu dầu mỏ của Mỹ sẽ tăng nhẹ và của Trung Quốc tăng 0,27 triệu thùng/ngày. Các quốc gia châu Âu đều tăng nhẹ nhu cầu dầu mỏ, với mức tăng ước đạt khoảng 0,15 triệu thùng/ngày trong năm 2017 so với 0,14 triệu thùng/ngày trong năm 2016.
Tuy triển vọng nhu cầu dầu mỏ khá tích cực, song các yếu tố bất ổn liên quan đến kinh tế và chính trị trong khu vực có tiềm năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu mỏ nói chung.
Tại Nhật Bản, năm 2017, nhu cầu dầu mỏ suy giảm do tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân sau khi bị tạm ngừng. Hàn Quốc, Ấn Độ và Mỹ Latinh đều có nhu cầu về dầu mỏ tiếp tục tăng năm 2017.
Về nguồn cung dầu mỏ, các quốc gia ngoài OPEC được dự đoán sẽ giảm sản lượng xuống mức trung bình 56,2 triệu thùng/ngày đến hết năm 2016, và giảm còn 56,43 triệu thùng/ngày sang năm 2017. Sản lượng khí hóa lỏng của OPEC được dự kiến đạt trung bình 6,43 triệu thùng/ngày vào năm 2017, tăng 0,15 triệu thùng/ngày so với hiện nay.
Một yếu tố quan trọng không thể không nhắc tới là các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Kể từ tháng 4-2014, cuộc cách mạng dầu đá phiến đã đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu thô và khí hóa lỏng lớn nhất thế giới. Các nhà sản xuất dầu đá phiến sẵn sàng tham gia thị trường và tăng số dàn khoan ngay khi giá dầu dao động sát mức 50 USD/thùng, hứa hẹn lặp lại chặng đường tuột dốc không phanh của giá dầu hồi năm 2014.
Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống mới hứa hẹn sẽ tháo gỡ các quy định về khai thác nguyên liệu hóa thạch, thúc đẩy hoạt động khai thác dầu đá phiến và than đá và thậm chí xem xét lại quan hệ với Iran. Các yếu tố này đã góp phần làm giảm khả năng tăng giá của dầu thô trong năm tới…
Dự báo, năm 2017 sẽ còn chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ cả về kinh tế lẫn chính trị có thể ảnh hưởng đến giá dầu, song trước mắt theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định, nếu các quốc gia không đạt được thỏa thuận về tình trạng dư cung, rủi ro giá dầu tiếp tục giảm trong năm 2017 là rất lớn.
Là quốc gia có tỷ trọng ngân sách từ xuất khẩu dầu mỏ lớn, việc chủ động thu hẹp khai thác dầu thô và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu này là lựa chọn đúng đắn của Việt Nam để vừa không lãng phí tài nguyên quốc gia, vừa tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững…
Thegioibantin.com
NangluongVietnam Online