Bước đột phá về tổ chức của ngành Năng lượng Việt Nam

0

Ngành năng lượng vốn có tính hệ thống rất cao, nhưng cả quá trình phát triển vừa qua, chúng ta chưa chú ý đầy đủ đặc điểm này, các phân ngành: điện, than, dầu-khí, điện hạt nhân, năng lượng tái tạo… được xây dựng chiến lược, quy hoạch khá biệt lập, thiếu thống nhất. Do vậy, việc quyết định thành lập Tổng cục Năng lượng được bình luận là một giải pháp quan trọng nhằm khắc phục “lỗi hệ thống” của ngành năng lượng quốc gia.

NGUYỄN HOÀNG LINH

“Tham mưu” hay “tác chiến”?

Từ tháng 10/1995, khi các bộ: Công Nghiệp nặng, Năng lượng, Công Nghiệp nhẹ hợp nhất thành Bộ Công nghiệp và từ tháng 7/2007, Bộ Công nghiệp hợp nhất với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương, vai trò quản lý nhà nước về năng lượng đã được hòa quyện cùng các ngành liên quan trong “siêu bộ”.

Sau một thời gian ngắn, Tổng cục Năng lượng được thành lập theo Quyết định 50/2011/QĐ-TTg ngày 5/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này, Tổng cục Năng lượng là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghiệp năng lượng (gồm điện, điện hạt nhân, dầu khí, than, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng); quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.

Như vậy, nếu xét về “chức năng” thì Tổng cục chỉ là “cơ quan tham mưu” giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về “công nghiệp năng lượng”.

Thế nhưng, khi đọc đến phần “nhiệm vụ và quyền hạn” trong Quyết định 50/2011/QĐ-TTg thì mới thấy mấy dòng “chức năng” nêu trên chỉ là phần nổi của một tảng băng khổng lồ.

Theo đó, đầu mục công việc mà Tổng cục Năng lượng phải đảm đương tròn trĩnh với con số hai mươi, gồm: xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; xây dụng các chiến lược, quy hoạch ngành,… trình Bộ Công Thương ban hành, hoặc để Bộ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ban hành các văn bản chuyên môn; chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền đối với các dự án công nghiệp năng lượng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công nghiệp năng lượng; phát triển các phân ngành: điện, than, dầu khí, điện hạt nhân; năng lượng tái tạo; tiết kiệm năng lượng; thực hiện hợp tác quốc tế về công nghiệp năng lượng; nghiên cứu, ứng dụng các để tài khoa học; tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành năng lượng;… cùng nhiều công việc có liên quan đến sự phát triển năng lượng nói chung.

Rõ ràng, để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, không phải chỉ là “tham mưu” mà phải “xắn tay đốc chiến” và “tác chiến”. Các nhiệm vụ cũng chưa thể hiện rõ tính hệ thống của năng lượng, Tổng cục Năng lượng sẽ chỉ huy, điều phối hoạt động tổ hợp liên ngành này như thế nào?

Khi Tổng cục Năng lượng được thành lập, nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá đây là một bước góp phần khắc phục “lỗi hệ thống”, là một “bông hoa” trong quản lý năng lượng. Vâng, “bông hoa” ấy giờ đây đã hé nở và đã bắt đầu tỏa hương…

Tính hệ thống

Ngày 12/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Mục tiêu đầu tiên được nêu ra trong Chiến lược này là: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các cân đối lớn; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các bon thấp. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực”.

Với chức năng hiện nay của Tổng cục Năng lượng, liệu đã có thể đảm đương nổi phát triển bền vững và an ninh năng lượng?

Cách đây hơn 2 năm, nhân dịp ra mắt Tổng cục Năng lượng, PGS.TS Bùi Huy Phùng – Chủ tịch Hội đồng khoa học của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – đã có một bài viết khá sâu sắc, phân tích thực trạng của ngành năng lượng Việt Nam.

Ông khẳng định, bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, ngành năng lượng Việt Nam còn những tồn tại rất cần được khắc phục về quản lý ngành, hiệu quả, khoa học công nghệ, môi trường, để phát triển bền vững, an ninh năng lượng.

Ngành năng lượng có tính hệ thống rất cao, các phân ngành than, dầu khí, điện lực, năng lượng tái tạo có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ và đồng thời quan hệ gắn bó với các ngành kinh tế khác. Song lâu nay chúng ta quản lý khá biệt lập. Mỗi phân ngành được xây dựng chiến lược, quy hoạch riêng, thiếu phối hợp tổng thể.

Trên thực tế nhiều năm đã có sự khập khiễng, thiếu đồng bộ cả về tư duy lẫn quản lý ngành năng lượng nói chung. Quan điểm điện, năng lượng đi trước một bước trong điều kiện kinh tế thị trường có thể là không thoả đáng nên được nghiên cứu. Một bước là bao nhiêu năm, dài hay ngắn, “một bước” sẽ gây đọng vốn, dự trữ hệ thống lớn, chưa xác định rõ đối tượng cần cung cấp. Để đảm bảo hiệu quả, điện và năng lượng nói chung cần phát triển đồng bộ, kịp thời, đảm bảo cung cấp đầy đủ với giá cả hợp lý cho nhu cầu .

Ông phân tích, cho tới nay chúng ta vẫn chưa có một quy hoạch phát triển tổng thể về năng lượng (nội dung này, trong Luật Điện lực sửa đổi 2013 đã có quy định). Trong đó xác định rõ những mục tiêu chung về nhu cầu năng lượng, công nghệ, môi trường mà đặc biệt là vốn đầu tư hợp lý giữa các phân ngành, tạo điều kiện để các phân ngành phát triển.

Công tác xây dựng quy hoạch các phân ngành năng lượng nhìn chung chậm và ít đổi mới . Quy hoạch than, dầu khí chưa cập nhật kịp với phân ngành điện. Phân ngành điện tới nay đã trải qua 7 tổng sơ đồ, nhìn lại cách thực hiện vẫn theo nếp cũ. Dự báo nhu cầu điện còn khá thủ công, theo kiểu cộng dồn nhu cầu các địa phương, theo hệ số tăng trưởng, dẫn tới kết quả thiếu chính xác, thiên cao, tiếp đến tính nguồn lưới chưa kỹ, làm cho kế hoạch xây dựng nguồn và lưới điện dồn dập, đầu tư lớn.

Khách quan mà nói, trong công tác xây dựng quy hoạch trước đây, cán bộ và cơ quan đảm nhận cũng gặp khó khăn, bởi thông thường tư liệu phát triển kinh tế xã hội chỉ mới là định hướng, cán bộ làm quy hoạch năng lượng phải tự làm lấy những chỉ tiêu cần thiết…

Chỉ với bấy nhiêu thôi đã thấy rằng, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững về năng lượng quả là chặng đường còn gập ghềnh mà các cơ quan tham mưu quan trọng như Tổng cục Năng lượng phải có “nguồn năng lượng” được tích tụ dồi dào mới có thể vượt qua.

Để chứng minh quan điểm của mình, PGS.TS Bùi Huy Phùng nêu ví dụ về ngành điện. Theo Quy hoạch điện VII (QHĐ VII), yêu cầu đến 2020 sản xuất điện theo kịch bản cơ sở đạt 330 tỷ kWh cần có 75.000MW, nghĩa là trong vòng 9 năm phải xây dựng thêm 51.000MW; đến 2030 yêu cầu tổng sản xuất điện đạt 695-834 tỷ kWh trong đó nhiệt điện than theo kịch bản cơ sở sẽ là 75.000MW sản xuất khoảng 392 tỷ kWh, tiêu thụ trên 170 triệu tấn than. Điện hạt nhân đến 2020 khoảng 1000MW; đến 2030 khoảng 10.000MW chiếm 10% tổng sản xuất điện, đây là một thách thức lớn!

Với các chỉ tiêu này thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ sản xuất điện ngang với Đức, Nga hiện nay. Tuy nhiên thực tế cho thấy từ QHĐ VI đến nay, chúng ta đã đề ra các chỉ tiêu khá “lãng mạn” và kết quả chỉ đạt bình quân cả nguồn và lưới khoảng trên 50% kế hoạch. Quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch, chọn thầu, đền bù, giải ngân…, phải trải qua rất nhiều khâu. Nhiều chuyên gia kinh tế, kỹ thuật đều cho rằng dù chúng ta có giải quyết được vấn đề đầu tiên là “tiền đâu” thì cũng khó thực hiện.

Với ngành Than, trong một bài viết có tựa đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng của TKV một cách bài bản”, TS. Nguyễn Thành Sơn đã phân tích về những cơ hội và thách thức của ngành Than Việt Nam theo mô hình SWOT khá phổ biến trên thế giới.

Phân tích SWOT là một trong 5 bước hình thành chiến lược sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp, bao gồm: xác lập tôn chỉ của doanh nghiệp, phân tích SWOT, xác định mục tiêu chiến lược, hình thành các mục tiêu và kế hoạch chiến lược, xác định cơ chế kiểm soát chiến lược. SWOT là tập hợp viết tắt những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – là một mô hình nổi tiếng trong phân tích kinh doanh của doanh nghiệp.

Xin nói thêm về mô hình SWOT, đây là kết quả của Viện Nghiên cứu Standford khi đánh giá ưu điểm và nhược điểm của doanh nghiệp. Theo nhóm nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp nên bắt đầu hệ thống này bằng cách tự đặt câu hỏi về những điều “tốt” và “xấu” cho hiện tại và tương lai. Những điều “tốt” ở hiện tại là “Những điều hài lòng” (Satisfactory), và những điều “tốt” trong tương lai được gọi là “Cơ hội” (Opportunity); những điều “xấu” ở hiện tại là “Sai lầm” (Fault) và những điều “xấu” trong tương lai là “Nguy cơ” (Threat). Công việc này được gọi là phân tích SOFT. Năm 1964, nhóm nghiên cứu quyết định đổi chữ F thành chữ W và từ đó SOFT đã chính thức được đổi thành SWOT

Với phương pháp phân tích này, TS. Nguyễn Thành Sơn cho rằng ngành Than hiện nay có nhiều cơ hội cần được chính tận dụng triệt để. Đó là: Nhu cầu về than của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng tăng; giá năng lượng có xu hướng đang tăng, giá dầu mỏ và khí đốt trên thế giới dự kiến sau 2013 sẽ ngày càng tăng; tỷ trọng của than trong cân bằng năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng; các “đối thủ” cạnh tranh của than (dầu mỏ, khí đốt, thủy điện, điện nguyên tử ở Việt Nam và than nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam) đang có nhiều khó khăn; trong giá thành sản phẩm của than và khoáng sản không có khoản mục “nguyên liệu chính”; các công nghệ sử dụng than sạch ngày càng được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam và trên thế giới; …

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít những thách thức như: than cấp cho điện trong nước có nhu cầu lớn, nhưng trong tương lai phải cạnh tranh với than nhập khẩu; hạ tầng kỹ thuật ở vùng than Quảng Ninh tương đối thuận lợi, nhưng chưa đáp ứng; công nghệ khai thác than hầm lò ngày càng phức tạp, tỷ trọng khai thác hầm lò ngày càng tăng; trữ lượng than vùng Quảng Ninh đang ngày cạn kiệt nhanh, mức độ thăm dò than không đáp ứng; hạ tầng xã hội ở các vùng miền khác đều đang ngày càng được cải thiện, nhưng còn chậm; dân trí và mức sống có tăng nhưng nghề mỏ vẫn kém hấp dẫn; việc khai thác, chế biến khoáng sản còn tổn thất cao, hiệu quả của việc sử dụng khoáng sản còn thấp…

Đó chỉ là những ví dụ về một vài ý kiến trong hàng trăm, hàng ngàn bản tham luận khoa học có giá trị về lĩnh vực năng lượng. Ý kiến của các nhà khoa học thì như vậy, với nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Tổng cục Năng lượng như đã nêu trên, “bộ lọc” đáng tin cậy nào có thể khai thác hiệu quả chất xám của các nhà khoa học để phục vụ cho sự nghiệp phát triển năng lượng bền vững của nước nhà?

Và còn nhiều nội dung lớn khác trong phân ngành dầu-khí, năng lượng tái tạo, từ chiến lược, quy hoạch phù hợp phát triển tổng thể, tái cấu trúc ngành, xây dựng thị trường năng lượng, phát triển kinh tế với cường độ năng lượng thấp mà đem lại giá trị gia tăng cao… đều là những vấn đề được đặt hy vọng vào Tổng cục Năng lượng.

Thách thức và phát triển

Nếu chiểu theo các nội dung trong phần nhiệm vụ và quyền hạn được giao, nhiều người nghĩ rằng bộ máy của Tổng cục Năng lượng hiện nay phải hoành tráng không kém gì so với Bộ Năng lượng trước đây. Nhưng như thế cũng có thể coi là một thành tích cần phải được ghi nhận, bởi hiện nay, các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng của nước nhà đã gấp hàng chục lần so với trước đây.

Hãy điểm lại những gì mà Tổng Cục Năng lượng đã làm được trong năm 2013. Năm qua, Tổng cục đã hoàn thành toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Công Thương giao, cùng với đó là 18 đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có một số đề án, báo cáo quan trọng về tiến độ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sơ kết 7 năm thực hiện Kết luận 41-KL/TW về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí, đề án Chương trình điện nông thôn, miền núi hải đảo chưa có điện giai đoạn 2013-2020. Trình Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương triển khai thực hiện gói thầu EPC các Dự án nhiệt điện: Long Phú 1, Vĩnh Tân 4, Thái Bình 1 và các vấn đề có liên quan đến hợp đồng EPC Nhiệt điện Uông Bí Mở rộng. Đặc biệt, năm 2013 Tổng cục Năng lượng chủ trì đàm phán Bảo lãnh Chính phủ (GGU) Dự án Liên hợp lọc, hóa dầu Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận (Bộ trưởng đã thay mặt Chính phủ ký các văn bản của Dự án vào ngày 15 tháng 01 năm 2013) và khởi công vào tháng 10 năm 2013.

Ngoài ra, Tổng cục Năng lượng đang là đầu mối Việt Nam trong các hoạt động hợp tác đa phương khuôn khổ ASEAN, APEC, Hạ Mê Kông, Mỹ, IEF. Tổng cục Năng lượng chủ trì đàm phán và ký kết một số hiệp định, nghị định thư, MOU, MOC về hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác khí tại thềm lục địa Việt Nam với các đối tác trong lĩnh vực dầu khí; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với một số đối tác trong khu vực và trên thế giới về điện hạt nhân, phong điện…; chủ trì thẩm định các dự án ODA đúng tiến độ, thực hiện theo đúng mọi quy định và đạt chất lượng… Bên cạnh đó, Tổng cục Năng lượng còn thực hiện xây dựng các đề án quy hoạch của phân ngành Than, Dầu khí, Điện cũng như việc quản lý đầu tư phát triển các dự án năng lượng nói chung. Đặc biệt sau nhiều năm đàm phán, năm 2013 Tổng cục Năng lượng đã hoàn thành việc đàm phán và tổ chức ký kết chính thức các Hợp đồng Dự án BOT Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 với các chủ đầu tư (lễ ký kết đã được tổ chức vào ngày 12 tháng 12 năm 2013).

Tuy mới thành lập, nhưng để việc quản lý hành chính nhà nước từng bước hiện đại hoá, tiêu chuẩn hoá, Tổng cục Năng lượng đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 đối với các thủ tục hành chính và các quy trình công tác thuộc phạm vi chức năng của mình (dự kiến sẽ chính thức áp dụng thực hiện trong tháng 6 năm 2014).

Chỉ với bấy nhiêu đầu việc, cũng đã thấy “ngổn ngang tứ bề”, nhưng để hoàn thành một “núi” công việc của một tổ chức với chỉ vẽn vẹn 85 con người và trang bị rất hạn chế, quả là một nỗ lực lớn của Tổng cục Năng lượng.

Đến thời điểm này, “lỗi hệ thống” của ngành năng lượng đã được giải quyết đến đâu? Các cơ chế, chính sách dành cho Tổng cục Năng lượng như thế nào? Chắc còn phải thảo luận…

Năm 2013 Tổng cục Năng lượng chủ trì đàm phán Bảo lãnh Chính phủ (GGU) Dự án Liên hợp lọc, hóa dầu Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận (Bộ trưởng đã thay mặt Chính phủ ký các văn bản của Dự án vào ngày 15 tháng 01 năm 2013) và khởi công vào tháng 10 năm 2013.

Lời kết…

Khi Tổng cục Năng lượng được thành lập, nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá đây là một bước góp phần khắc phục “lỗi hệ thống,” là một “bông hoa” trong quản lý năng lượng. Vâng, “bông hoa” ấy giờ đây đã hé nở và đã bắt đầu tỏa hương. Nhưng để đáp ứng được nhu cầu quốc kế dân sinh, Tổng cục Năng lượng cần có thêm những nguồn lực quan trọng mà tự chúng không thể tạo ra được.

Theo nhiệm vụ và quyền hạn được Chính phủ giao thì Tổng cục Năng lượng phải là điểm nhấn đột phá, góp phần xứng đáng thực hiên chiến lược phát triển năng lượng bền vững Việt Nam. Để làm được điều này Tổng cục Năng lượng cần phải tích đủ “năng lượng” hơn nữa cả về cơ cấu tổ chức cũng như tiềm lực con người và vật chất.

Nguồn: NangluongVietnam.vn

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ