Chặng đường mới của mỏ Thăng Long – Đông Đô

0
Chúng tôi có mặt trên giàn Thăng Long, giàn Đông Đô và FPSO mang thương hiệu PTSC Lam Sơn một ngày trước khi diễn ra lễ First Oil giàn Thăng Long và cảm nhận được sự hồi hộp, đợi chờ, lo lắng xen lẫn cảm xúc vui mừng, hạnh phúc của tập thể cán bộ, người lao động sau 11 năm phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô thành công. Giờ đây, mỏ Thăng Long – Đông Đô đã bước sang một chặng đường mới.

11 năm vì mỏ Thăng Long – Đông Đô

Khi mỏ Thăng Long đón dòng dầu thương mại đầu tiên vào ngày 6/6/2014 thì Công ty Điều hành chung Lam Sơn (Lam Sơn JOC, sở hữu 50% PVEP và 50% Petronas) đã đi gần trọn 11 năm kể từ ngày Lam Sơn JOC được thành lập để tiến hành công tác tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô tại Lô 01/97 và 02/97 thuộc bể trầm tích Cửu Long, cách bờ biển Vũng Tàu 160km về phía đông. Kế hoạch phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô bao gồm 2 giàn khai thác (WHP) và một kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu (FPSO). Giàn Thăng Long và giàn Đông Đô do Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng Hải (PTSC M&C), một đơn vị thành viên của PTSC làm tổng thầu từ thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) đến vận chuyển và lắp đặt giàn ngoài khơi (T&I). Đồng thời, PTSC cũng chính là đơn vị cung cấp FPSO cho dự án phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô.

 

Đúng 6 giờ 6 phút 6 giây chiều cùng ngày, mỏ Thăng Long bắt đầu đưa dòng dầu đầu tiên (First Oil) đã về đến giàn khai thác (WHP) để được chuyển tiếp đến FPSO PTSC Lam Sơn. Và dòng dầu đầu tiên về đến FPSO PTSC Lam Sơn vào lúc 23 giờ 35 phút tối cùng ngày, đuốc khí bừng sáng lúc 23 giờ 46 phút. Không thể tả nổi niềm vui, xúc động, hạnh phúc dâng trào của cán bộ, nhân viên tham gia Dự án FPSO nói riêng và những đơn vị đã cùng tham gia dự án phát triển mỏ nói chung.

 

Tàu FPSO PTSC Lam Sơn

Trước đó một ngày (5/6), đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang dẫn đầu, cùng các ông Trần Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Thăm dò Khai thác Dầu khí Tổng cục Năng lượng; Phó tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn; ông Lê Ngọc Sơn, Trưởng ban Khai thác Petrovietnam; cùng đại diện nhà điều hành Lam Sơn JOC ông Tổng giám đốc Phùng Đắc Hải; đại diện các nhà thầu dịch vụ ông Lê Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và ông Phạm Tiến Dũng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) và đại diện của PVEP, Petronas, PCVL đã ra thăm giàn Thăng Long, giàn Đông Đô và tàu PTSC Lam Sơn. Hôm đó, tôi có dịp đi cùng đoàn ra thăm các công trình.

Trên máy bay trực thăng, tôi ngồi đối diện với Tổng giám đốc Lam Sơn JOC Phùng Đắc Hải gần cửa sổ máy bay để tiện cho việc tác nghiệp. Tổng giám đốc Hải chỉ cho chúng tôi xem vị trí giàn Thăng Long, vị trí giàn Đông Đô và kho chứa PTSC Lam Sơn khi chiếc trực thăng chuẩn bị hạ cánh. Tiếc là hôm đó trời âm u, mưa nhiều nên không có những khung hình đẹp nhưng qua khung cửa trực thăng, chúng tôi được nhìn các công trình thuộc mỏ Thăng Long – Đông Đô đang hoàn thiện giai đoạn cuối cùng với niềm háo hức đợi chờ được đặt chân lên tàu và lên giàn. Có lẽ mỗi người trên chuyến bay hôm đó đều có chung cảm xúc hạnh phúc, tự hào vì trong những ngày này Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 đặt vào vùng đặc quyền kinh tế của ta và họ còn ngang ngược tuyên bố rằng đó là vùng biển của họ. Những việc làm của Trung Quốc đi ngược lại đạo lý của hai dân tộc và luật pháp quốc tế nên hiện nay mỗi khi có một mỏ dầu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam chuẩn bị  đón dòng dầu thương mại đầu tiên (First Oil), đó không chỉ niềm vui về mặt kinh tế, thương mại mà còn là niềm hạnh phúc trong việc khẳng định chủ quyền của đất nước.

Mang túi máy ảnh nặng gần 3kg cùng bộ đồ và đôi giày bảo hộ khá nặng, tôi vừa đi vừa chạy theo đoàn công tác để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời một ngày trước khi lễ Fisrt Oil diễn ra. Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cùng đoàn đã kiểm tra từng hạng mục công trình. Anh Trường Sơn làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ, ở từng hạng mục công trình anh trò chuyện với từng kỹ sư, công nhân, giàn trưởng đang điều hành giàn để chắc chắn rằng, đúng vào ngày 6/6/2014 sẽ First Oil. Với quy mô mỏ nhỏ, cận biên, để tiết kiệm chi phí trong quá trình phát triển mỏ, nhà điều hành Lam Sơn JOC thiết kế hai giàn Đông Đô, Thăng Long không có người và điện được cấp từ tàu FPSO, công tác điều hành và kiểm soát tự động sẽ được thực hiện thông qua hệ thống điều khiển, nối trực tiếp với FPSO PTSC Lam Sơn.

Sau khi đoàn thăm và kiểm tra các hạng mục công trình trên giàn Đông Đô và chuẩn bị qua giàn Thăng Long thì trời mưa to, máy bay không thể cất cánh. Cả đoàn đành phải chờ hơn một giờ trong phòng đợi. Thế là tôi có dịp trò chuyện cùng các đồng chí lãnh đạo trong chuyến đi nhiều hơn. Trò chuyện với anh Phùng Đắc Hải, tôi cảm nhận được sự hồi hộp đợi chờ, sự lo lắng, ưu tư của anh. Làm sao mà không hồi hộp vì sau 11 năm anh về đảm nhận chức Giám đốc Lam Sơn JOC khi liên doanh này thành lập, với bao bộn bề, thử thách và khó khăn. 11 năm đối với công tác phát triển mỏ cũng không quá dài nhưng đối với một vị giám đốc đã sắp đến tuổi về hưu như anh thì không hề ngắn chút nào.

Quá trình phát triển mỏ không thuận lợi, xuôi chèo như mong đợi vì chỉ riêng việc xử lý dầu thô trên mỏ Đông Đô đã quá vất vả với lượng H2S quá cao. Đối với ngành Dầu khí, trong công tác khoan, khai thác, xử lý dầu có H2S vô cùng khó khăn, nhất đối với các mỏ nhỏ. Do đó, nhà điều hành phải rất tiết kiệm trong quá trình phát triển mỏ để đảm bảo lợi nhuận, hiệu quả cho các nhà đầu tư. Khó khăn tiếp theo nữa của Dự án Thăng Long – Đông Đô cũng như rất nhiều công trình dầu khí khác là quá trình kết nối, mua sắm vật tư, chế tạo, lắp đặt chân đế, giàn đầu giếng và hệ thống xử lý thượng tầng (topside) phải thực hiện đúng vào mùa biển lặng. Do đó, nhà thầu và nhà điều hành phải cố gắng đảm bảo tiến độ công trình không vướng vào thời điểm mùa biển động để dẫn đến tạm dừng công trình. Đối với công trình này, Lam Sơn JOC cố gắng tối ưu hóa và đưa ra các quyết định xây dựng hai chân đế, topside tỷ lệ bị dừng bởi thời tiết là thấp nhất, so với chi phí dự kiện đã tiết kiệm được 20 triệu USD.

Hiện nay, trừ Liên doanh Vietsovpetro có thể làm được hầu như các khâu trong công tác phát triển mỏ (trừ khâu chế biến và lọc hóa dầu) thì những nhà điều hành khác đều phải dựa vào các nhà thầu dịch vụ. Đối với mỏ Thăng Long – Đông Đô, Lam Sơn JOC đã phối hợp cùng nhà thầu PTSC và PVD để thực hiện. Anh Phùng Đắc Hải chia sẻ, việc hoàn thành kế hoạch phát triển mỏ phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm của các nhà thầu dịch vụ. Đối với dự án phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô, Lam Sơn JOC đánh giá rất cao tinh thần làm việc và trách nhiệm cao của nhà thầu dịch vụ PTSC trong hai năm qua. Dù rằng quá trình thực hiện các công trình, PTSC phải chịu sự kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ của nhà điều hành Lam Sơn JOC, cả quá trình thực hiện các giàn đầu giếng, hệ thống nội mỏ, đặc biệt là tàu FPSO. Nhà điều hành Lam Sơn JOC đánh giá rất cao sự nổ lực vượt bậc của nhà thầu dịch vụ PTSC quyết tâm đưa Dự án First Oil trong những ngày đầu tháng 6 so với tiến độ đề xuất là cuối tháng 6 (29/6/2014). Chính việc đưa 6 giếng đã khoan của mỏ Thăng Long vào khai thác vào ngày 6/6/2014 đã chứng minh cho quá trình làm việc không mệt mỏi của PTSC.

Còn Phó tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường thì vui mừng thông báo, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các công trường và nhà máy ở nhiều nước trên thế giới tham gia Dự án FPSO PTSC Lam Sơn làm việc liên tục trong gần 2 năm qua an toàn, chưa xảy ra sự cố mất thời gian làm việc (No Lost Time Injury) và đã đạt hơn 7,2 triệu giờ làm việc liên tục an toàn. Đây là một thành tích rất đáng tự hào của PTSC so với các nhà thầu danh tiếng khác trên thế giới.

Với những nỗ lực vượt bậc của các đơn vị liên quan, sau 24 tháng kể từ ngày Hợp đồng được ký kết (7/6/2012 – 6/6/2014) giữa Lam Sơn JOC và PTSC thì FPSO PTSC Lam Sơn đã được đưa vào khai thác và đón dòng dầu đầu tiên an toàn. FPSO PTSC Lam Sơn được đưa vào khai thác chỉ sau 9 ngày từ khi hoàn thành công tác lắp đặt đấu nối (OIC). Đây là một kỷ lục mới trong ngành dầu khí Việt Nam. Sau khi giàn Thăng Long cho dòng dầu thương mại đầu tiên vào ngày 6-6-2014 thì mỏ Đông Đô bắt đầu khoan và dự kiến cuối tháng 6 thì mỏ Đông Đô sẽ cho dòng dầu thương mại đầu tiên. Tổng giám đốc Phùng Đắc Hải cho biết, hiện mỏ Thăng Long cho sản lượng khoảng 6.000 thùng/ngày.

Từ tàu dầu thành tàu chứa FPSO PTSC Lam Sơn

Dự án thiết kế hoán cải và chế tạo FPSO PTSC Lam Sơn có quy mô rất lớn với (tổng giá trị đầu tư hơn 400 triệu USD), lần đầu tiên do một nhà thầu trong nước, PTSC tự đứng ra thực hiện tất cả các khâu, từ thu xếp vốn dự án, thiết kế, mua sắm, chế tạo, chạy thử, vận chuyển, lắp đặt ngoài khơi, đến vận hành, bảo dưỡng trong suốt thời gian hợp đồng cho thuê tàu với khách hàng Lam Sơn JOC. Tàu được dùng để hoán cải thành FPSO không phải là tàu mới mà PTSC mua lại con tàu chở dầu của PV Trans có tuổi thọ trên 15 năm, sau đó tiến hành cải hoán, sửa chữa và đóng mới hệ thống công nghệ phù hợp với yêu cầu của nhà điều hành Lam Sơn JOC.

Ông Lê Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc PTSC chia sẻ, với một khối lượng công việc khổng lồ khi tiếp quản dự án từ một nhà thầu Na Uy (đơn vị nước ngoài trúng thầu nhưng sau đó đã từ chối thực hiện dự án do một số lý do chủ quan và khách quan), PTSC đã đứng ra thu xếp vốn và triển khai dự án trong khoảng thời gian cực kỳ gấp rút. Dự án FPSO PTSC Lam Sơn là Dự án FPSO lần đầu tiên PTSC đảm nhận làm toàn bộ việc thực hiện dự án từ khâu thiết kế, mua sắm, sửa chữa, vận chuyển, lắp đặt và chạy thử. PTSC đã tận dụng và phát huy tối đa nội lực của các thành viên trong toàn tổng công ty vì sự thành công chung của dự án.

FPSO PTSC Lam Sơn được thiết kế có sức chứa tối thiểu 350.000 thùng dầu, khả năng xử lý 18.000 thùng dầu/ngày và làm việc liên tục (không sửa chữa Dock) trên 10 năm tại mỏ. Các hệ thống công nghệ xử lý, lọc tách dầu thô và hỗ trợ khai thác bao gồm các hệ thống phát điện turbine khí, nồi hơi, hệ thống tách/lọc, khí nén (export gas), nước/khí ép vỉa, cấp điện/điều khiển cho các giàn khai thác, đo đếm, neo với 5 ống risers, 2 cáp điện/cáp quang ngầm, các thiết bị an toàn, cứu sinh theo tiêu chuẩn quốc tế…

Đoàn công tác thăm và làm việc trên giàn Đông Đô

Cách đây gần 3 tháng, vào ngày 8/3/2014, tại Nhà máy Đóng tàu Keppel, Singapore, trong lễ đặt tên tàu kho nổi, xử lý, chứa, và xuất dầu (FPSO) “PTSC Lam Sơn”, dưới sự chứng kiến của ngài Trần Hải Hậu – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Singapore; TS Phùng Đình Thực – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, TS Nguyễn Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thay mặt lãnh đạo Tập đoàn phát biểu nhấn mạnh rằng, với thành công trong dự án này, PTSC đã tiếp tục khẳng định năng lực, nâng tầm cao mới vươn mình trở thành một trong những nhà thầu FSO/FPSO hàng đầu khu vực. Và lần thành công con tàu PTSC Lam Sơn này, PTSC đã đáp ứng được kỳ vọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với chủ trương giao cho PTSC làm đầu mối trong toàn Tập đoàn về dịch vụ cung cấp, vận hành và bảo dưỡng FSO/FPSO.

Đến ngày 15/4/2014, từ Nhà máy đóng tàu Keppel Singapore, PTSC đã thực hiện đúng kế hoạch, đưa FPSO PTSC Lam Sơn ra kết nối vào vị trí khai thác tại mỏ Thăng Long – Đông Đô ngày 22/4/2014. Và cho đến hôm nay, FPSO PTSC Lam Sơn như một nhà máy đứng sừng sững giữa biển trời bao la, đêm đến thì như thành phố nổi, một cung điện nguy nga tráng lệ trên mặt biển. Ngoài việc đón nhận dòng dầu thương mại từ mỏ Thăng long – Đông Đô làm giàu cho Tổ quốc, kho nổi PTSC Lam Sơn còn là một thành phố nổi trên Biển Đông khẳng định chủ quyền đất nước.

Dự án FPSO PTSC Lam Sơn cũng là dự án tiếp nối việc đầu tư và thực hiện thành công dự án cung cấp kho nổi và chứa dầu (FSO) PTSC Biển Đông cho khách hàng Biển Đông POC. Thành công của dự án này, một lần nữa PTSC đã khẳng định năng lực, uy tín và sự trưởng thành vượt bậc của mình trong lĩnh vực đầu tư, thi công, khai thác, vận hành và bảo dưỡng FPSO/FSO; là một trong sáu lĩnh vực kinh doanh chính và mũi nhọn của PTSC. Riêng trong năm 2013, doanh thu của dịch vụ cung cấp, vận hành và bảo dưỡng kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu (FSO/FPSO) đạt 1.170,0 tỉ đồng.

Nhân dịp ra thăm các hạng mục công trình thuộc mỏ Thăng Long – Đông Đô, thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Lê Dương Quang chúc mừng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đặc biệt là Lam Sơn JOC, PTSC, PVD, PVEP… và tất cả đối tác của Dự án phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô. Đồng thời, Thứ trưởng bày tỏ sự cảm ơn lực lượng kỹ sư, công nhân làm việc trực tiếp trên công trình đã lao động không ngừng trong điều kiện nhiều hiểm nguy, vất vả để góp phần mang những dòng dầu về làm giàu cho đất nước. Chính việc đón dòng dầu đầu tiên trên FPSO PTSC Lam Sơn, đưa vào khai thác Dự án mỏ Thăng Long – Đông Đô ngày 6/6/2014 góp phần bổ sung vào sản lượng khai thác dầu hằng năm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.

“Tôi rất ấn tượng quá trình làm việc vô cùng áp lực, vất vả của các đơn vị tham gia công trình này. Chính sự thành công trong quá trình phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô sẽ giúp Việt Nam bản lĩnh, tự tin làm chủ trong các dự án phát triển mỏ có độ phức tạp tương tự hoặc khó khăn hơn trong tương lai. Mỏ Thăng Long – Đông Đô có ý nghĩa quan trọng trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Đồng thời, trong giai đoạn có nhiều căng thẳng trên Biển Đông thì mỏ Thăng Long – Đông Đô rất có ý nghĩa về mặt chính trị, góp phần khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên Biển Đông”, Thứ trưởng Lê Dương Quang khẳng định.

Phải khẳng định rằng, với hơn 20 năm xây dựng và phát triển, thực hiện thành công rất nhiều dự án có quy mô lớn, PTSC tiếp tục khẳng định vị thế của một nhà thầu cung cấp dịch vụ với hàm lượng chất xám cao hàng đầu trong ngành dịch vụ dầu khí trong nước và quốc tế. PTSC quả xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng Lao động” mà Đảng và Nhà nước đã trao.

Nguồn: pvn.vn, Thiên Thanh

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ