Đại gia Việt lại ngồi trên núi tiền
Là những doanh nghiệp nổi danh trên sàn chứng khoán nên không có gì ngạc nhiên khi hàng loạt đại gia Việt như GAS, Đạm Phú Mỹ,… sở hữu núi tiền khổng lồ.
Trong nhiều năm trở lại đây, Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) luôn đứng đầu trong danh sách các đại gia sở hữu núi tiền mặt khổng lồ nhất. Nhưng gần đây, khi giá dầu sụt giảm mạnh, hoạt động kinh doanh của GAS bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, không ít người lo ngại vi trí này của GAS sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016 của GAS lại cho thấy lượng tiền mặt của GAS không bị ảnh hưởng nhiều. Cuối kỳ, chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền của GAS đạt 17.114 tỷ đồng, giảm 634 tỷ đồng so với cuối năm 2015.
Bên cạnh tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng ngắn hạn giúp GAS có tới 23.000 tỷ đồng. Như vậy, tiền và các khoản có thể dễ dàng chuyển hóa thành tiền của GAS chiếm tới 38,3% tổng tài sản.
Điều đáng nói, GAS dồi dào tiền mặt trong bối cảnh lợi nhuận công ty suy giảm nghiêm trọng. Lợi nhuận sau thuế quý 2/2016 của đại gia dầu khí chỉ đạt 1.658 tỷ đồng, giảm 1.019 tỷ đồng, tương ứng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 6 tháng đạt 3.137 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lãi 5.173 tỷ đồng nửa đầu năm 2015.
Thêm một điều đáng nói nữa chính là dù có nhiều tiền nhưng GAS vẫn sở hữu khối nợ khủng. Tính tới quý 2 năm nay, GAS vay nợ khoảng 8.000 tỷ đồng. Nợ vay khiến công ty đối diện với áp lực trả lãi ngân hàng. Chi phí lãi vay trong kỳ của GAS là 109 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) cũng là đại gia lắm tiền nhiều của. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016, cuối kỳ, DPM sở hữu tiền và các khoản tương đương tiền là 5.143 tỷ đồng, chiếm 71,7% tài sản ngắn hạn, chiếm gần 50% tổng tài sản.
Đây không phải lần đầu tiên DPM sở hữu núi tiền. Cùng kỳ năm ngoái, DPM nắm giữ số tiền lên tới 5.690 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt của DPM sụt giảm là do công ty thanh toán cổ tức trong tháng 6. Hồi cuối tháng 6, DPM đã chi hơn 587 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%.
Sở dĩ DPM có thể duy trì được lượng tiền mặt lớn là do hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty có nhiều cải thiện. Trong quý 2/2016, lợi nhuận sau thuế của DPM đạt 379 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 290 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Cũng giống như GAS, dù nắm giữ nhiều tiền trong tay nhưng DPM vẫn đi vay ngân hàng. Với khoản nợ vay đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Dù vậy, khoản nợ này không gây quá nhiều áp lực cho DPM khi lãi vay trong kỳ chỉ là hơn 1 tỷ đồng.
Không nắm giữ hàng ngàn, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng như DPM hay GAS nhưng Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng sở hữu núi tiền khổng lồ. Đặc biệt, núi tiền khổng lồ xuất hiện trong bối cảnh công ty thua lỗ do áp lực tỷ giá.
Cụ thể, cuối quý 2/2016, tiền và các khoản tương đương tiền của PPC đạt 550 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 714 tỷ đồng hồi đầu năm. Mặc dù chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng tài sản nhưng 550 tỷ đồng vẫn là con số không hề nhỏ khi công ty chịu áp lực thua lỗ.
Quý 2 năm nay PPC phải gánh chịu khoản lỗ lên tới 192 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 350 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái công ty lãi 317 tỷ đồng.
Thời gian qua, khi Brexit quét qua thị trường tài chính, PPC được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Brexit vì Brexit khiến đồng Yên tăng giá quá mạnh. Mà PPC sở hữu khoản nợ bằng đồng yên rất lớn. Báo cáo tài chính quý 2 cho thấy dự báo của nhà đầu tư và chuyên gia hoàn toàn có cơ sở. Chênh lệch tỷ giá khiến PPC thua lỗ tới 415,76 tỷ đồng.
Nếu không có khoản lỗ vì chênh lệch tỷ giá, chắc chắn PPC vẫn duy trì được khoản lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng.
Thegioibantin.com
(VTC ngày 29/7, mục kinh tế, tác giả Bảo Linh).