Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC M&C: Trong và sau đại dịch Covid-19
Với việc triển khai nhiều giải pháp, Công ty TNHH Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã cơ bản kiểm soát và vượt qua được khó khăn “kép” do tác động của dịch Covid-19 và giá dầu “lao dốc”.
An toàn sức khoẻ người lao động là số 1
PTSC M&C là một đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) trong lĩnh vực dịch vụ tổng thầu xây lắp các công trình dầu khí ngoài khơi tại Việt Nam và nước ngoài.
Ở thời điểm hiện tại, PTSC M&C đang triển khai đồng thời 4 dự án cho cả các khách hàng trong và ngoài nước bao gồm dự án SV-ĐN (Idemitsu Kosan, Dự án tại Việt Nam), Gallaf Batch 1 (North Oil Company, Dự án tại Qatar), Chân đế LQUP (ONGC, Dự án tại Ấn Độ) và Pre-dressing Columns (Linde AG, Dự án tại Singapore).
Theo Giám đốc PTSC M&C Đồng Xuân Thắng, dịch vụ thi công xây lắp có đặc thù là tập trung quy mô lớn nhân lực tại công trường, có lúc lên đến hơn 4.000 người và đa dạng thành phần như chủ đầu tư, đối tác, khách hàng, nhà cung cấp, nhà thầu phụ và đội ngũ người lao động của Công ty. Vì vậy nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 sẽ rất cao nếu có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng chưa được kiểm soát hoặc chưa được phát hiện.
Xác định các nguy cơ này, ngay từ những tháng đầu năm, PTSC đã nhanh chóng thành lập Ban phòng chống dịch bệnh COVID-19 (Ban chỉ đạo) gồm 12 thành viên; trong đó bao gồm: đại diện Ban giám đốc, Chủ tịch công đoàn, Trưởng/Phó bộ phận, Đoàn thanh niên, Bộ phận y tế công ty nhằm trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Công ty.
Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo 3 kịch bản gồm: Việt Nam có ca nhiễm COVID-19; Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có ca nhiễm COVID-19 và PTSC M&C phát hiện ca nhiễm COVID-19. Vì vậy, mặc dù Bà Rịa-Vũng Tàu chưa phát hiện ca nhiễm bệnh nào nhưng khi Chính phủ công bố dịch trên toàn quốc, Công ty đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống theo kịch bản thứ hai để đảm bảo an toàn sức khoẻ người lao động, từ đó duy trì liên tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các phòng ban chức năng và toàn thể người lao động thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn ngừa dịch bệnh tại Công ty.
Cụ thể, PTSC M&C thực hiện hạn chế tối đa kế hoạch công tác ngoại tỉnh và nước ngoài; tăng cường áp dụng các hình thức họp trực tuyến để hạn chế tiếp xúc. Công ty cũng tạm dừng các hoạt động, dịch vụ công cộng để hạn chế tập trung đông người như: xe buýt đưa đón cán bộ công nhân viên, sân bóng đá, sân bóng chuyền và nhà ăn Công ty.
Để đảm bảo môi trường làm việc an toàn, hàng tuần, PTSC M&C phun thuốc khử trùng tại tất cả các văn phòng của Công ty và Ban Dự án. Công ty cũng thực hiện triệt để việc đeo khẩu trang đối với toàn thể người lao động, khách hàng, đối tác khi ra, vào Công ty và kể cả khi làm việc trên công trường; phát khẩu trang miễn phí cho toàn bộ người lao động, bố trí nước rửa tay sát khuẩn tại các khu vực.
Ngoài ra, Công ty đã cấp phát cho toàn thể cán bộ công nhân viên dung dịch sát khuẩn tay và khẩu trang kháng khuẩn để phòng dịch cá nhân và gia đình.
Để chủ động phát hiện và sàng lọc các trường hợp nghi lây nhiễm SARS-CoV-2, Công ty thực hiện đo thân nhiệt cho toàn thể người lao động, khách hàng, đối tác khi ra vào cơ quan. Bên cạnh đó, tất cả người lao động, khách hàng, đối tác khi vào làm việc tại Công ty đều phải tiến hành khai báo y tế theo quy định.
PTSC M&C cũng thay đổi thời gian làm việc, thời gian ra về của từng bộ phận để tránh ùn tắc tại các cổng ra và cổng vào Công ty, đảm bảo giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Với lực lượng lao động trực tiếp, Công ty điều chỉnh giảm giờ làm xuống còn 7 tiếng/ca để giãn thời gian đi lại.
Với các bộ phận không bắt buộc phải giao tiếp thường xuyên, Công ty thực hiện chế độ làm việc từ xa cho các nhân sự.
Đặc biệt, các nhân sự mới nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly theo quy định của Nhà nước trước khi vào Công ty làm việc, liên hệ công tác.
Công ty cũng chủ động bố trí cán bộ công nhân viên đi công tác nước ngoài về tự cách ly tại nơi cư trú 14 ngày trước khi Chính phủ có quy định bắt buộc. Người lao động cũng phải khai báo lịch sử di chuyển hàng tuần trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh.
Với sự quyết liệt từ Ban chỉ đạo, sự đồng thuận của toàn thể người lao động trong Công ty cùng các khách hàng, đối tác, đến thời điểm hiện tại, PTSC M&C đã kiểm soát được dịch bệnh trong phạm vị nội bộ, không để xảy ra lây nhiễm Covid-19 trong Công ty; không có trường hợp người lao động buộc phải nghỉ việc cũng như duy trì mức lương ổn định, đảm bảo cho người lao động yên tâm làm việc.
Linh hoạt các giải pháp sản xuất, kinh doanh
Mặc dù vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng dịch bệnh COVID-19 cũng tác động không nhỏ đối với việc triển khai các dự án tại Công ty.
Theo ông Thắng, chi phí sản xuất kinh doanh gia tăng do PTSC M&C phải đầu tư mua trang thiết bị phòng chống dịch bệnh. Thêm vào đó, năng suất lao động cũng bị ảnh hưởng do điều chỉnh giảm giờ lao động cũng như do phải giảm mật độ, gia tăng giãn cách trong quá
trình thi công.
Cùng đó, tiến độ, chí phí các dự án bị ảnh hưởng đáng kể do việc hạn chế đi lại, tiếp xúc ảnh hưởng đến công tác tổ chức quản lý, điều hành các dự án của Công ty, đặc biệt với các công việc có liên quan tới đến chủ đầu tư, nhà thầu có yếu tố nước ngoài.
Thực tế là, tiến độ giao hàng của vật tư thiết bị cho các dự án hầu hết đều bị chậm so với kế hoạch trong giai đoạn dịch bùng phát do các vật tư thiết bị chủ yếu có xuất xứ từ châu Âu (Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha) và Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản).
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát và nhiều nước thực hiện phong toả khiến các hoạt động sản xuất gần như bị tê liệt, PTSC M&C đã phải điều chỉnh điều kiện giao hàng của một số hạng mục sang hình thức vận chuyển bằng đường hàng để đảm bảo cho tiến độ thi công tại công trường. Việc điều chỉnh này không chỉ khiến chi phí phát sinh cao mà còn khiến thời gian giao nhận cũng bị kéo dài.
Đặc biệt, kế hoạch tiếp nhận tàu bè chuyên dụng phục vụ công đoạn vận chuyển lắp đặt thiết bị ngoài khơi gặp nhiều khó khăn do các loại tàu này không được nhập cảnh hoặc cập cảng trong giai đoạn dịch bùng phát.
Đối mặt với những khó khăn này, PTSC đã và đang tăng cường quản lý dự án, đẩy nhanh tiến độ các công việc tại công trường cũng như nỗ lực đàm phán với khách hàng để chia sẻ những khó khăn và các chi phí phát sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Giám đốc PTSC M&C Đồng Xuân Thắng cho biết, trong giai đoạn sắp tới, các dự án của Công ty sẽ bước vào giai đoạn cuối cùng là lắp đặt, chạy thử và hoàn thiện các công trình ngoài khơi cho các dự án cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài. Đây là các công đoạn quan trọng trước khi bàn giao cho khách hàng nên có vai trò quyết định đối với sự thành công của dự án.
Vì vậy, Công ty phải huy động các chuyên gia nước ngoài từ các nhà thầu, nhà cung cấp sang Việt Nam để hỗ trợ thực hiện; đồng thời cũng phải điều chuyển nguồn lực ra khơi để triển khai các công đoạn ngoài khơi.
Trong khi đó, các thủ tục, giấy phép từ các cơ quan quản lý cho việc huy động này là khá phức tạp, đặc biệt đối với các dự án tại nước ngoài lại càng khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát tại các nước có liên quan tới hoạt động của PTSC M&C.
Cụ thể, với dự án Gallaf Batch 1 tại Qatar, Công ty đang lên kế hoạch điều chuyển vài trăm nhân sự sang làm việc tại vùng biển Qatar trong quý 3/2020.
Ngoài việc phải thực hiện các thủ tục tại Việt Nam và tìm kiếm phương tiện chuyển nhân sự từ Việt Nam sang Qatar, Công ty còn phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe, phức tạp về kiểm soát dịch bệnh tại nước sở tại trong tình hình các ca mắc COVID-19 tại Qatar vẫn đang tăng lên hàng ngày. Đó là chưa kể việc kiểm soát dịch bệnh với vài trăm nhân sự sau khi hoàn thành công tác tại Qatar quay về lại Việt Nam cũng là một vấn đề nan giải, ông Thắng chia sẻ.
Ở góc độ khác, sự lao dốc của giá dầu thế giới cũng đang tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PTSC M&C. Việc giá dầu quay đầu giảm về mức thấp tương tự như thời điểm cuối năm 2014 đã khiến cho các nhà điều hành dầu khí trên thế giới gần như đồng loạt đưa ra những quyết định cắt giảm ngân sách đầu tư, phát triển dự án cho năm 2020 với mức cắt giảm trung bình 20-30%, thậm chí 65% đối với những loại hình khai thác tốn nhiều chi phí.
Tình trạng trì hoãn hoặc giãn tiến độ của các dự án xảy ra trên quy mô toàn cầu và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Thực tế là ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới từ tác động kép của đại dịch COVID 19 và giá dầu suy giảm, thậm chí còn nặng nề hơn so với cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2014 vừa qua. Tất cả những yếu tố này đang khiến cho sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ cơ khí hàng hải vốn đã rất lớn nay lại càng “khốc liệt”.
Vì vậy, bên cạnh nỗ lực cao độ của doanh nghiệp, việc tạo các điều kiện thuận lợi nhất để các nhà thầu trong nước tham gia tối đa vào các dự án sắp triển khai tại Việt Nam chính là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam; trong đó có doanh nghiệp cơ khí hàng hải như PTSC M&C có được việc làm cho người lao động và đảm bảo giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về lâu dài, đây cũng chính là giải pháp quan trọng tạo động lực cho ngành cơ khí hàng hải có thể phát triển tốt ngay chính trên “sân nhà” thay vì phần lớn phải làm thầu phụ giá rẻ cho nhà thầu nước ngoài như hiện nay, ông Thắng đề xuất./.
ANH NGUYỄN
Thegioibantin.VN | VinaAspire News
Nguồn: Năng lượng Việt Nam