Điểm báo tin tức trong ngày 08 & 09/09/2016
1. Petrovietnam tăng cường hợp tác với Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia.
Từ ngày 06- 07/9/2016, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) dẫn đầu Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Bộ Mỏ và Năng lượng (MME), Vương quốc Campuchia.
Trong buổi làm việc, Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn đã đề nghị MME hỗ trợ Công ty Đạm Cà Mau mở rộng và phát triển thị trường, đồng thời cũng trình bày và phân tích nguyên nhân những thách thức đang gặp phải đối với hai dự án là Dự án Nhà máy Pha chế Xăng dầu từ Condensate Blending Facility (gọi tắt là CBF) và Dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí tại lô XV, đất liền, Vương quốc Campuchia.
Về phía Bộ trưởng Suy Sem của Campuchia cũng cam kết sẽ tìm cách hỗ trợ trên cơ sở đề nghị của Petrovietnam, cụ thể là: Đề nghị gia hạn lập Báo cáo đầu tư (DFS) cho Dự án CBF của Công ty PVoil Cambodia đến tháng 6/2017; Đề nghị hỗ trợ gia hạn hợp đồng hoặc cho phép ký hợp đồng mới và điều chỉnh khối lượng công việc cam kết cho phù hợp với tiềm năng dầu khí của Lô XV.
http://petrotimes.vn/petrovietnam-tang-cuong-hop-tac-voi-bo-mo-va-nang-luong-campuchia-476646.html
2. Hạ thủy giàn bơm ép khí và khối nhà ở mỏ Sư Tử Trắng.
Sáng ngày 05/09/2016, tại Công trường Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (Công ty CKHH), Số 65A, Đường 30/4, Thành phố Vũng Tàu đã diễn ra Lễ Hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt khối thượng tầng giàn bơm ép khí (PIP) Module 1 và Module 2 thuộc Dự án Phát triển toàn mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 1 (STTFFD-P1) do Công ty liên doanh điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC) làm Chủ đầu tư, Công ty CKHH làm tổng thầu thiết kế chi tiết, mua sắm, thi công và lắp đặt ngoài khơi (EPCI).
Dự án STTFFD-P1 có yêu cầu kỹ thuật rất cao và rất nhiều thử thách: một số trang thiết bị công nghệ rất mới chưa từng thực hiện ở trong nước, thời gian thi công rất ngắn (chỉ khoảng 18 tháng cho 2 giàn PIP và nhà ở, tổng khối lượng hơn 13 ngàn tấn). Đặc biệt, Dự án thực hiện trong giai đoạn giá dầu giảm nên toàn thể Ban dự án phía Chủ đầu tư và các nhà thầu đã tập trung cao độ nhằm tối ưu hóa hệ thống để có chi phí thấp nhất.
Việc hoàn thành công tác hạ thủy Dự án STTFFD-P1 đã tiếp tục khẳng định bước phát triển vững chắc của Công ty CKHH, nâng cao vị thế, chứng minh năng lực quản lý dự án, nguồn lực, trí tuệ, tay nghề cao cùng hệ thống trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng thi công hiện đại xứng với tầm vóc mới của Công ty CKHH – một trong những nhà cung cấp dịch vụ uy tín, chất lượng cao tại Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực cơ khí dầu khí.
3. Được “gỡ khó”, lọc dầu Dung Quất tự tin cạnh tranh.
Chính phủ vừa quyết định tăng tỷ lệ thu điều tiết đối với sản phẩm xăng của Dung Quất từ 7% lên 10% bắt đầu từ ngày 3/9 đến hết năm 2016, như vậy, vướng mắc lớn nhất của nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được xóa bỏ, tạo thuận lợi cạnh tranh với xăng dầu ngoại.
Cụ thể, theo quy định mới, Nhà nước sẽ chỉ thu tiền điều tiết với mặt hàng xăng là 10%, các mặt hàng khác về 0%, áp dụng từ ngày 3/9/2016 đến hết ngày 31/12/2016. Như vậy, với việc thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN hiện là 20%, Hàn Quốc là 10%, thì việc áp dụng với Dung Quất 10% đã tạo ra lợi thế đáng kể với sản phẩm từ nhà máy này.
4. Cảng quốc tế Cái Mép lên kế hoạch đón tàu biển lớn nhất thế giới.
Tàu siêu lớn loại Triple – E tải trọng 18.000 TEU của liên minh 2M (Maersk Line và MSC) sẽ cập thử nghiệm tại cảng quốc tế Cái Mép vào đầu tháng 10/2016.
Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết tàu Triple – E là tàu khổng lồ lớn nhất thế giới hiện nay. Việc liên minh 2M quyết định xem xét đưa Cái Mép vào mạng lưới các cảng có thể tiếp nhận đội tàu loại Triple – E thể hiện vị trí chiến lược của cảng trong hoạt động hàng hải quốc tế. Cái Mép sẽ trở thành một trong số ít cảng tại châu Á có khả năng làm hàng cho tàu 18.000 TEU như Busan, Hồng Kong, Thượng Hải, Singapore…
http://baodautu.vn/cang-quoc-te-cai-mep-len-ke-hoach-don-tau-bien-lon-nhat-the-gioi-d51205.html
5. Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu tiền khả thi Dự án cảng Liên Chiểu.
Thông qua Chương trình hợp tác giữa TP Đà Nẵng và thành phố Yokohama (Nhật Bản), Thành phố Yokohama đã xúc tiến và được Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đồng ý hỗ trợ thực hiện Nghiên cứu tiền khả thi DA Xây dựng Cảng Liên Chiểu, dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong tháng 9/2016.
Dự án cảng Liên Chiểu là dự án chiến lược, quan trọng của TP Đà Nẵng nhằm giảm tải cho cảng Tiên Sa được dự báo là sẽ quá tải trong thời gian ngắn sắp tới, đồng thời cũng nằm trong mục tiêu chuyển cảng Tiên Sa thành cảng phục vụ du lịch và xây dựng cảng Liên Chiểu làm cảng bốc dỡ hàng hóa công nghiệp của TP Đà Nẵng.
Dự án Xây dựng Cảng Liên Chiểu có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.913 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA là 3.584 tỉ đồng, vốn đối ứng của thành phố là 300 tỉ đồng.
6. Biển Đông nóng khi Bắc Kinh quyết lấy lại “danh dự” sau phán quyết của trọng tài.
Nhiều chuyên gia, học giả cảnh báo, sau Hội nghị thượng đỉnh G-20, Bắc Kinh sẽ có những động thái để lấy lại “danh dự” sau phán quyết của Tòa trọng tài.
Theo nhà bình luận kỳ cựu Frank Ching, phán quyết của PCA không thể ngăn Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi mưu đồ thống trị trong khu vực. Và việc này được thể hiện qua thông tin đáng lo ngại của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte – Trung Quốc có thể đang cho xây dựng các cấu trúc ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
Bắc Kinh đã củng cố lực lượng hải cảnh, quân sự hóa các đội tàu đánh cá và trợ cấp nước uống, xăng dầu cũng như chi phí để ngư dân đóng tàu to hơn, tốt hơn, nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
http://thanhnien.vn/the-gioi/hai-canh-trung-quoc-gay-han-nhieu-nhat-o-bien-dong-741865.html
7. Siêu dự án thép Hoa Sen – Cà Ná: Đằng sau báo cáo đẹp.
Công nghiệp luyện thép và bảo vệ môi trường: một lần nữa hai vấn đề này lại gây nóng dư luận khi ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) tuyên bố sẽ đầu tư 10,6 tỉ USD để xây dựng một siêu nhà máy thép với công suất 16 triệu tấn/năm tại khu vực ven biển Cà Ná, Ninh Thuận.
Tuy nhiên, bài học về Formosa vẫn còn nóng thì lo lắng về siêu dự án thép Hoa Sen – Cà Ná hoàn toàn dễ hiểu.
Liệu khi nhà máy thép ở Cà Ná hoạt động thì sự thiếu hụt nguồn nước sẽ như thế nào trong khi Ninh Thuận thường xuyên xảy ra hạn hán.
Vấn đề về công nghệ sẽ ra sao khi Tập đoàn Hoa Sen nói sẽ dùng công nghệ hiện đại, đến từ Tây Âu, Tư vấn thiết kế dự án cũng là một tập đoàn của Mỹ. Tuy nhiên việc khảo sát xây dựng nhà máy, Hoa Sen đã đề nghị Ninh Thuận sắp xếp cho 6 người Trung Quốc là người của CISDI (CISDI là đơn vị đã tư vấn thiết kế và làm tổng thầu cho dự án xây dựng hai lò cao – hạng mục quan trọng hàng đầu trong dự án của Formosa Hà Tĩnh).
8. Bán hết cho nước ngoài: Nguy cơ tiêu tan thương hiệu Việt.
Rất nhiều ngành kinh doanh của Việt Nam đã rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài và nguy cơ các thương hiệu Việt tầm vóc quốc gia sẽ còn tiếp tục biến mất ngày càng rõ nét khi mà yêu cầu thoái vốn bức thiết còn các doanh nhân Việt không đủ sức và nhiều khi cũng không mặn mà nắm giữ.
Mua bán sáp nhập, chuyển đổi chủ là rất bình thường. Tuy nhiên, điều mà không ít chuyên gia đề cập đến là một vấn đề báo động: các tỷ phú nước ngoài không chỉ thuần túy thâu tóm 1 DN, một vài DN đầu ngành mà là thâu tóm 1 thị trường, khống chế một thị trường, chi phối các hệ thống phân phối như trong lĩnh vực bán lẻ, bánh kẹo… và sắp tới có thể là bia, sữa, nhựa gia dụng…
9. Đề án tăng lương phải lên bàn Thủ tướng trong tháng 9.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo: các bộ ngành liên quan phải đánh giá tỷ lệ đóng, hưởng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và nghiên cứu điều chỉnh mức đóng, hưởng cho phù hợp, đồng thời hoàn tất việc lấy ý kiến về phương án mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 để trình Thủ tướng ký ban hành trong tháng 9 này.
Hội đồng Tiền lương quốc gia mới đây đã thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 2017 trung bình là 7,3%.
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện chính sách thu bảo hiểm xã hội theo luật mới nên nhiều doanh nghiệp lo lắng tăng chi phí chi trả. Hiện tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội là 32,5%, trong đó chủ sử dụng lao động phải chi trả 22%. Nhiều chủ sử dụng lao động đề nghị giảm từ 22% xuống 18%.
10. Lại đề xuất phạt xe máy không kiểm tra khí thải.
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ đề án kiểm soát khí thải xe máy và đưa ra lộ trình thực hiện từ 2018 -2020.
Theo đó, từ 1/7/2018 sẽ kiểm tra khí thải với xe môtô có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên tại 5 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng. Thời hạn kiểm định khí thải là một năm/lần, thời gian kiểm khí thải trung bình khoảng 15 phút/xe, và dự kiến chi phí kiểm tra khí thải đối với xe máy mỗi người dân phải chi trả là 60.000 đồng/xe/năm.
11. 10 loại thực phẩm càng ăn càng “nuôi” ung thư.
Lựa chọn thực phẩm sạch dường như khó khăn hơn bao giờ hết khi rất nhiều loại thức ăn ngày nay chứa tác nhân gây ung thư. Trang Get holistic health đã liệt kê 10 loại thực phẩm phổ biến mà người tiêu dùng nên tránh “bằng mọi giá”.
Đó là: cà chua đóng hôp, cá hồi nuôi, thịt chế biến, nước ngọt, bắp rang bơ bằng lò vi sóng, thực phẩm hun khói, thực phẩm biến đổi gen, khoai tây chiên, đường tinh chế, thịt đỏ.
12. Báo động việc lạm dụng kháng sinh.
Sử dụng kháng sinh có thể tiêu diệt những căn bệnh lây nhiễm, nhưng đồng thời cũng giết chết những vi khuẩn có lợi cho sức khỏe.
Lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, gây khó khăn cho việc chuẩn đoán một số bệnh, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn.
Dùng kháng sinh chính xác theo đơn chỉ dẫn của bác sĩ, phải dùng đủ liều, đủ thời gian và theo dõi tác dụng của kháng sinh đối với nhiễm khuẩn, như vậy mới có kết quả chắc chắn, nếu có tác dụng phụ thông thường cũng được giảm nhẹ.
http://www.suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/bao-dong-viec-lam-dung-khang-sinh-22396/
Thegioibantin.com