Đối phó với giá dầu thấp: Kinh nghiệm của Petronas và Petrobras
Chu kỳ giá dầu thô thấp bắt đầu từ giữa năm 2014 đến nay chưa chấm dứt và có thể còn kéo dài sang các năm sau. Trong giai đoạn đó, tất cả các công ty dầu khí thượng nguồn đều gặp khó khăn, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản, nhất là ở các nước trong đó nạn hối lộ, tham nhũng hoành hành không có giải pháp đối phó hữu hiệu. Nhưng cũng có một số ít tập đoàn dầu khí quốc gia đã và đang thích nghi với điều kiện thị trường bất lợi, vượt lên trở ngại, tiếp tục phát triển. Petronas và Petrobras là 2 tập đoàn như vậy.
TS. TRẦN NGỌC TOẢN, Đại học Duy Tân Đà Nẵng
Chu kỳ giá dầu thô thấp bắt đầu từ giữa năm 2014 đến nay chưa chấm dứt và có thể còn kéo dài sang các năm sau. Trong giai đoạn đó, tất cả các công ty dầu khí thượng nguồn đều gặp khó khăn, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản, nhất là ở các nước trong đó nạn hối lộ, tham nhũng hoành hành không có giải pháp đối phó hữu hiệu. Nhưng cũng có một số ít tập đoàn dầu khí quốc gia đã và đang thích nghi với điều kiện thị trường bất lợi, vượt lên trở ngại, tiếp tục phát triển. Petronas và Petrobras là 2 tập đoàn như vậy.
Petronas
Mùa hè 2016, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) xuất xưởng lần đầu tiên trên thế giới thiết bị hóa lỏng khí đốt nổi (PFLNG Satu), vượt trước con tầu Prelude của Shell có công suất cao gấp 3 lần hơn một năm. PFLNG Satu sẽ xử lý 1,2 triệu tấn LNG/năm, phục vụ cho khai thác mỏ khí Kanowit vùng nước nông của Malaysia, tuy nhỏ hơn nhưng đóng vai trò tiên phong trong công nghệ mới này. Thiết bị nổi cùng loại thứ hai, công suất 1,5 triệu tấn/năm, đang được đóng, phục vụ cho mỏ khí vùng nước sâu Rotan, có thể sẽ xuất xưởng sau 2-3 năm nữa. Một khi sử dụng thành công ở hai mỏ nói trên, phương tiện hóa lỏng khí đốt nổi mang thương hiệu Malaysia sẽ phục vụ khai thác các mỏ khí biển ở các vùng xa xôi, hẻo lánh trong nước lẫn ở nước ngoài, tránh được việc phải xây dựng các đường ống dẫn khí ngầm dưới biển vừa tốn kém, vừa rất mất nhiều thời gian, làm cho giá thành khai thác khí cao, nhất là các mỏ không có trữ lượng lớn. Petronas tự hào gọi phương tiện hóa lỏng khí nổi của mình là “người thay đổi ván bài”.
Với thành tựu công nghệ mới này, Petronas được chọn xếp vào danh sách các tập đoàn dầu khí quốc gia (NOC) đứng đầu thế giới gồm: Saudi Aramco, StatOil (Nauy), Petrobras (Brazil) trong việc dám đầu tư phát triển công nghệ mới, cạnh tranh với các tập đoàn dầu khí tư nhân quốc tế lớn từ lâu được mệnh danh là “vua dầu mỏ”. Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh này cũng rất mạnh dạn đầu tư vào công nghệ vùng nước sâu ở Malaysia, với tư cách là đối tác của Exxon-Mobil trong liên doanh tăng cường thu hồi dầu (EOR) lớn nhất ở Đông Nam Á có vốn 2,5 tỷ USD tại đề án Tapis, thềm lục địa Terengganu. Petronas cũng là một trong những tổ chức sản xuất và kinh doanh LNG lớn nhất thế giới.
Theo quy mô hoạt động dầu khí trong nước và nước ngoài, Petronas được xếp vào loại tập đoàn quốc gia hạng trung bình. Hiện nay, Petronas thăm dò – khai thác dầu khí trên 20 nước, vốn đầu tư trong lĩnh vực này chiếm đến một nửa vốn đầu tư của toàn tập đoàn và có khá nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thương mại LNG toàn cầu, cung cấp hơn 90 chuyến hàng (cargo) cho 20 nước. Các hoạt động hạ nguồn cũng được triển khai trên 40 nước.
Với sự phụ thuộc lớn vào hoạt động buôn bán dầu thô cũng như sản phẩm lọc dầu và các hoạt động hạ nguồn khác trên thị trường thế giới còn rất nhỏ so với các tập đoàn dầu khí quốc tế (IOC) nên Petronas bị chịu nhiều thiệt hại khi giá dầu thấp.
Về trữ lượng, hiện tại Petronas quản lý 23,2 tỷ thùng dầu quy đổi (boe) trong nước so với 10 tỷ boe ở nước ngoài. Điều đó cho thấy hoạt động khai thác của tập đoàn này dựa chủ yếu vào trữ lượng dầu khí nội địa. Sản lượng khí đốt trong nước tương đối dồi dào giúp Petronas đứng thứ ba trong lĩnh vực sản xuất – xuất khẩu LNG thế giới, sau Qatar và Australia.
Tương tự như vậy, các hoạt động trong lĩnh vực thượng nguồn khác cũng chiếm vị trí chủ đạo trong nội địa. Các trách nhiệm tài chính của Petronas đối với cổ đông và nhà nước đến nay chưa có thể dự báo được nên vai trò của Petronas đối với xã hội còn chưa rõ ràng. Các tài sản dầu khí của Petronas tại những quốc gia chưa ổn định như Nam Sudan, Iraq chứa đựng nhiều rủi ro địa chính trị rất cao. Nhưng bù lại, sự ưu đãi của chính phủ đối với Petronas về quản lý tài nguyên nội địa được cho là hồng phúc của tập đoàn và là giấc mơ của các IOC.
Trong nước, Petronas đang là ông chủ cuả 198 mỏ đang khai thác, 155 giàn khoan trên thềm lục địa trong 101 hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) và 6 hợp đồng phân chia rủi ro. Công suất tổng hợp của 8 dây chuyền sản xuất tại các liên hợp MLNG của Malaysia lên đến 26 triệu tấn/năm. Dây chuyền thứ 9 đang xây dựng, công suất 3,6 triệu tấn/năm, sẽ đưa vào sản xuất trong quý I/2017, nâng tổng công suất sản xuất LNG của Petronas lên gần 30 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, Petronas còn có 27,5% cổ phần trong các nhà máy LNG, công suất 7,8 triệu tấn/năm, sử dụng khí than làm nguyên liệu ở Australia. Petronas còn là một trong những nhà đại diện và là chi nhánh đầu tư thương mại cho các công ty nước ngoài và kết nối quan hệ giữa họ với các nhà nhập khẩu LNG ở các nước như Đài Loan, Nhật bản. Tài sản dầu khí của Petronas ở Australia và ở một số nước tương đối ổn định về kinh tế và chính trị cũng là một giải pháp giúp cắt giảm rủi ro địa chính trị cho các tài sản của tập đoàn ở nước ngoài. Ở Bắc Mỹ, OPEC có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí do Công ty Progress Energy của họ khai thác tại đông bắc bang British Columbia và tây bắc bang Alberta về nhà máy hóa lỏng khí Pacific NorthWest LNG có giá trị 11 tỷ USD, công suất ban đầu khoảng 12 triệu tấn/năm, đặt trên đảo Lelu, gần Prince Rupert, bờ tây Canada. Nhà máy này dự kiến bắt đầu được xây dựng vào năm 2015 nhưng do chưa đầy đủ về phương diện pháp lý, nhất là đánh giá tác động môi trường chưa được chính phủ Canada phê duyệt nên phải dừng. OPEC đang xem xét lại các điều kiện thị trường trong hoàn cảnh mới để hoàn thiện quyết định đầu tư cuối cùng vào cuối năm nay. Nếu mọi việc đều trôi chảy thì Petronas có thể xuất khẩu LNG sản xuất tại đây vào năm 2020-2021.
Tài sản LNG chiếm gần 1/5 doanh thu năm 2015 của Petronas. Nếu khối tài sản này được phát triển ở nước ngoài theo đúng kế hoạch thì doanh thu từ LNG của tập đoàn càng tăng cao hơn nữa.
Tuy đã hạn chế được nhiều tác động tiêu cực của giá dầu thấp, nhưng là một nước xuất khẩu dầu khí nên thiệt hại của Petronas không hề nhỏ. Riêng quý II/2016, lợi nhuận của tập đoàn giảm 85% xuống còn 1,62 tỷ RM (Rigit Malaysia, tương đương 402 triệu USD) từ mức 11,07 tỷ RM của quý II/2015. Doanh thu giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, còn 48,4 tỷ RM. Nộp các loại nghĩa vụ giảm mạnh, chỉ còn 7,16 tỷ RM. Lãi sau thuế các hoạt động thượng nguồn cả năm 2016 giảm còn 3,7 tỷ MR, từ mức 6,17 tỷ RM năm trước, còn lãi sau thuế của các hoạt động hạ nguồn đạt 2,26 tỷ RM, từ mức 3,29 tỷ RM của năm 2015. Tình hình sản xuất – kinh doanh của Petronas năm 2017 có thể cũng không khả quan hơn so với năm 2016 vì giá dầu thô và sản phẩm dầu được dự báo sẽ tăng rất ít và rất chậm.
Đứng trước bối cảnh ấy, Petronas tiếp tục cải tiến tổ chức, giảm biên chế, nhất là trong đội ngũ quản lý (năm 2016 lãnh đạo tập đoàn chỉ còn 1 tổng giám đốc và 2 phó tổng giám đốc), giản tiến độ – hoãn – cắt bỏ các đề án ít hoặc không có khả năng mang lại lợi nhuận, tập trung vốn cho đầu tư phát triển công nghệ cao và các đề án được chọn lọc có lãi lớn, nhất là trong các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn. Giải pháp nâng cao chất lượng công nghệ – kỹ thuật – quản lý – phát triển nhân lực và tiết kiệm được coi trọng hàng đầu, đồng thời chuẩn bị tất cả các điều kiện để cất cánh sau khi kinh tế thế giới ra khỏi khủng hoảng. Kế hoạch năm 2017 được lập trên cơ sở dự báo giá dầu thô ở mức chỉ 30 USD/thùng. Công ty tư vấn đầu tư Moody đánh giá cơ cấu chương trình tiền mặt của Petronas trong năm tới thuộc loại “excellent”. Với lợi thế có nguồn tài nguyên dầu khí nội địa khá dồi dào, cơ sở hạ tầng tốt, cộng với kinh nghiệm sản xuất, quản lý có kinh nghiệm, đất nước lại nằm trên một trong những con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới, Petronas không chỉ nằm trong danh sách 500 công ty dầu khí hàng đầu mà còn có thể nhanh chóng trở thành một trung tâm lọc hóa dầu và phân phối dầu khí lớn trong khu vực, đủ sức cạnh tranh với vị trí của Singapore đang nắm giữ. Theo cách nhìn nhận của các cơ quan thông tin, Việt Nam đứng vị trí thứ ba về công nghiệp dầu khí trong ASEAN, ngay sau Malaysia, nhưng xét trên thực tế Petrovietnam còn có một khoảng cách khá xa so với Petronas. Một nghiên cứu nghiêm túc về Petronas sẽ giúp cho ngành dầu khí nước ta có một chiến lược phát triển nhanh, hiệu quả là một việc rất nên làm hiện nay.
Petrobras
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia của Brasil trước đây mười năm được xem là tổ chức công nghiệp dầu mỏ hàng đầu của khối các nước đang phát triển. Nhưng với những tác động của giá dầu thấp kéo dài và sau những bê bối trong quản lý cùng nạn tham nhũng nặng nề, Petrobras đã mất đi vị thế quang vinh đó trong các năm gần đây. Các cải cách đầy quyết tâm trong thời gian qua đã cải thiện đáng kể hình ảnh của tập đoàn trong cộng đồng dầu khí quốc tế. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Petrobras Pedro Parente cho biết, cán bộ và công nhân toàn tập đoàn đang tiếp tục làm việc tích cực trong điều kiện đời sống khó khăn để đáp ứng cao nhất những mục tiêu đầy kỳ vọng của tập thể lãnh đạo tập đoàn.
Ông Pedro Parente nói: “Các nỗ lực của chúng tôi đã được thị trường tiếp nhận rất nồng nhiệt. Họ tin rằng chúng tôi có một kế hoạch tốt và đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện kế hoạch đó. Quan điểm của Petrobras là tập đoàn phải trở thành một công ty năng lượng tích hợp các chuyên ngành dầu khí gắn mình chặt chẽ với xã hội, tạo ra giá trị cao bằng công nghệ cao. Công ty đang là một đơn vị nhà nước có khả năng tạo ra lợi nhuận. Trong điều kiện rất khó khăn, Petrobras đang đứng trước mâu thuẫn giữa việc phải hoàn thành các nghĩa vụ với nhà nước và sự thiếu thốn phương tiện sản xuất, kinh doanh. Trước mắt, việc cần nhất là phải tạo ra lợi nhuận để giúp tạo ra một trạng thái bền vững cho tập đoàn, trong đó Petrobras có thể đáp ứng các nghĩa vụ do pháp lý ràng buộc trong các năm tới. Công ty đang triển khai thực hiện một kế hoạch hướng tới một chiến lược kinh doanh mới, với một lực lượng lao động có trình độ tốt, đồng thời đang tìm các giải pháp để vượt qua các điểm yếu trong chính sách của nhà nước trước đây đã kìm hãm những thành tựu của công ty. Petrobras đang phải đối phó với những bê bối còn lại từ năm 2007 và tác động của giá dầu từ 100 USD/thùng xuống còn 30 USD/thùng gây ra.”
Cũng giống như ở các nước khác, vụ bê bối ở Petrobras do một nhóm nhỏ cán bộ lãnh đạo, điều hành sản xuất – kinh doanh vi phạm quy chế quản lý tài chính của tập đoàn, nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân và lợi ích của các đối tác để nhận hối lộ cũng như câu kết với một số chính khách tham nhũng trong bộ máy quản lý của nhà nước gây ra. Cảnh sát liên bang năm 2007 đã bắt và truy tố 13 người về tội tham nhũng thông qua cung cấp thông tin cho các đối tác tư nhân thắng thầu các công trình của nhà nước trong ngành dầu khí. Tập đoàn đã thu lại 2,1 tỷ USD tiền hối lộ từ các biên lai thanh toán không hợp lệ do tài liệu điều tra chống tham nhũng Liên bang cung cấp. Để không lặp lại những sai lầm này, hạ viện Liên bang hiện nay đã phê chuẩn quy định các chi phí trần và văn bản này đang được thượng viện xem xét. Chính phủ mới của Brazil tin rằng cuối tháng 12/2016 nghị định sẽ được ban hành.
Sử dụng, lạm dụng tiền nhà nước để đầu tư ra ngoài ngành vào những lĩnh vực mình thiếu kiến thức cũng như đầu tư vốn khổng lồ vượt rất xa so với dự toán được duyệt vào các công trình dầu khí mà dư luận trong ngành biết rõ khó có khả năng sinh lời, tạo điều kiện cho các hoạt động tiêu cực phát triển của lãnh đạo khóa trước đã để lại cho Petrobras nhiều món nợ vay lớn đã hết hạn và đang phải trả lãi quá hạn.
Để giải quyết các vấn đề này, Petrobras áp dụng 3 nhóm giải pháp chính:
– Quyết định chính sách định giá mới cho các sản phẩm lọc dầu – hóa dầu dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa giá nội địa và giá nhập khẩu của loại hàng tương đương và kết quả phân tích tỷ phần thị trường.
– Giảm chi phí cơ bản nhưng không để ảnh hưởng đến loại hình sản xuất một cách quá mức. Kế hoạch sản xuất năm 2017 dựa trên mức đầu tư đã được duyệt, bao gồm bổ sung năng suất của các phương tiện sản xuất nổi, bồn chứa, thiết bị bốc dỡ, nâng cao hiệu quả lãi, tối ưu đề án để giảm đầu tư, đưa năng suất giếng khai thác lên cao, giảm thời gian phát triển mỏ thuộc sở hữu của Petrobras. Dự kiến giảm capex từ 98,4 tỷ USD trong kế hoạch 5 năm kết thúc vào năm 2019 xuống còn 74,1 tỷ USD trong kế hoạch 5 năm kết thúc vào năm 2021. Vấn đề nảy sinh là trong thời gian giảm đầu tư đó, làm thế nào để giữ được sản lượng đã duyệt là câu hỏi đang để ngỏ.
– Giảm chi phí điều hành sản xuất 18% trong giai đoạn 2017-2021 từ 153 tỷ USD xuống còn 126 tỷ USD. Phần lớn mức giảm này dựa vào giảm nhân sự. Hiện nay, Tập đoàn đang kết thúc giai đoạn cho nghỉ tự nguyện, lực lượng lao động giảm được khoảng 20.000 người. Nếu tính cả số người làm hợp đồng thì nhân lực của Petrobras hiện nay là 200.000 người.
– Phát triển quan hệ đối tác và thoái vốn. Sử dụng đối tác/hợp tác để tạo ra lợi nhuận trong các hợp đồng chia sẻ rủi ro, giảm chi tiêu cơ bản và tăng khả năng đầu tư dọc theo chuỗi giá trị, chuyển giao công nghệ, tăng cường quản lý chất lượng nhân lực. Chương trình phát triển đối tác và thoái vốn đang nâng mức đầu tư của bên thứ 3 để có thể vượt mức 40 tỷ USD trong 10 năm tới. Mục tiêu thoái vốn 15,1 tỷ USD trong hai năm 2015-2016 sẽ hoàn thành cuối năm nay (2016). Trong hai năm tiếp theo (2017-2018), ước tính sẽ còn thoái vốn 19,5 tỷ USD. Khi có các đối tác có trình độ quản lý cao họ sẽ giúp cho tập đoàn nâng cao kỹ năng quản lý của mình lên rất tốt, nhất là trong lĩnh vực hạ nguồn.
Qua hai tập đoàn dầu khí quốc gia được trình bày trên đây cho thấy, bản lĩnh chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo từ nhà nước đến cấp cơ sở chi phối (cả đúng và sai) lớn đến như thế nào đến các chủ trương xây dựng, phát triển tập đoàn khi điều kiện thuận lợi và xử lý các sai lầm khuyết điểm bằng các giải pháp thực tiễn ra sao để đưa tập đoàn tiếp tục tiến lên phía trước khi môi trường hoạt động đã thay đổi. Trong giai đoạn giá dầu cao, doanh thu của tập đoàn lớn vượt bậc được hiểu nhầm là do năng suất lao động tạo ra, người điều hành dễ sinh tự mãn, tin rằng các chủ trương đã đề ra tiếp tục đúng trong mọi trường hợp nên đề xuất những chiến lược lãng mạn, xa rời thực tế cũng như nảy sinh bảo thủ, chống lại các chủ trương đổi mới dựa trên tư duy khoa học. Tâm lý đó dẫn đến thất bại khi giá dầu giảm mạnh làm cho thị trường trở thành bất lợi. Và khi đó lúng túng không tìm ra được giải pháp để đổi mới cả hệ thống mà chỉ sửa sai chắp vá, không đồng bộ, không kịp thời, nhất là không chặn đứng được các hiện tượng tiêu cực liên quan đến lòng tham và tính thiếu trách nhiệm đối với tài sản công. Các yếu tố quan trọng nhất trong các giải pháp giúp đưa tập đoàn thoát khỏi khủng hoảng chủ yếu vẫn là nâng cao năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo, trình độ cao của nhân sự kỹ thuật lẫn nghiệp vụ và sử dụng công nghệ cao trong mọi hoạt động của tập đoàn.
Trên thế giới, các công ty dầu khí tư nhân chống đỡ rất tốt trong giai đoạn khủng hoảng so với các công ty nhà nước, nên trong ngành công nghiệp dầu mỏ chủ trương cổ phần hóa các tập đoàn quốc doanh theo nhiều mức độ khác nhau được triển khai rộng khắp trên mọi quốc gia. Đó là xu thế chung không thể cưỡng lại được.
Thegioibantin.com
Nguồn: NangluongVietnam Online