“Fukushima dầu” tại Vịnh Bột Hải
Hiện tại, cứ mỗi phút lại có ít nhất 20 vệt dầu nổi lên từ đáy Vịnh Bột Hải. Vòi phun dầu tràn không thể nào ngăn chặn từ tháng Sáu tới nay. Cục Quản lý hải dương Trung Quốc thừa nhận – nhà điều hành giếng khoan ConocoPhillips Trung Quốc chưa thể phát hiện chính xác vị trí rò rỉ dầu để ngăn chặn hiệu quả.
Nhà bảo vệ môi trường Alexei Knizhnikov, phụ trách Chính sách môi trường các tổ hợp nhiên liệu và năng lượng thuộc Quĩ Động vật hoang dã thế giới, cho biết: “Đã vài tháng nay, chúng tôi nhận được những thông tin về ô nhiễm dầu tại Vịnh Bột Hải. Trong khi đó, công ty khai thác vẫn không xác định được chính xác nguồn ô nhiễm. Nhiều khả năng, vấn đề liên quan tới một số tình huống bất thường trong các giếng khoan. Đó có thể là do áp lực cao tại các tầng dầu trên. Bởi những sai sót nào đó trong hoạt động khoan, dầu chảy ra khỏi không gian giếng. Trong trường hợp như vậy, vụ tràn dầu sẽ cực kỳ khó phát hiện và khắc phục. Đây có khả năng là một vấn đề rất phức tạp”.
Vụ tràn dầu ở Vịnh Bột Hải đã từ lâu không chỉ còn là vấn đề nhức nhối của các công ty đang khai thác giếng “Bồng Lai 19/03″ và chính quyền Trung Quốc mà đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng toàn cầu.
Ông Knizhnikov nói: “Ở đây thấy rõ một tác hại rất lớn đối với ngành thương mại hải sản, cũng như thế giới động vật. Vịnh Bột Hải có vai trò rất quan trọng về tài nguyên nước, nuôi trồng hải sản, vì vậy những lợi ích kinh tế ở đây có thể bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Và đương nhiên, tai nạn này là một đòn mạnh giáng vào các hệ động thực vật của thế giới nước. Đại dương đang trải qua những áp lực tiêu cực lớn từ mọi hướng. Năm nay chúng ta đã chứng kiến sự rò rỉ lúc ở Biển Bắc, lúc ở ngoài khơi Trung Quốc. Đó là lý do tại sao các tổ chức môi trường yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn an toàn cho khai thác dầu ngoài khơi và áp đặt những hạn chế về chế biến dầu nhằm giảm nguy cơ thảm họa sinh thái”.
Tai nạn tràn dầu năm ngoái tại Vịnh Mexico đã được các chuyên gia so sánh như một “Chernobyl dầu”. Còn thảm họa ở Vịnh Bột Hải rất có khả năng đạt qui mô một “Fukushima dầu”. Lý do một phần bởi cũng như nhà điều hành Fukushima Nhật Bản, ConocoPhillips Trung Quốc đã tìm cách ỉm thông tin về tình hình thực tế.
Như doanh nghiệp khai thác nhà máy điện hạt nhân Fukushima, rõ ràng ConocoPhillips Trung Quốc không đủ khả năng kiểm soát tình hình. Vậy nhưng, cả công ty dầu cũng như các cơ quan chức năng hải dương Trung Quốc đã không tìm kiếm sự trợ giúp từ đối tác quốc tế.
Phía Nhật Bản từng tỏ rõ nỗ lực hoàn toàn dựa vào bản thân để khắc phục tác hại thảm họa hạt nhân ở Fukushima. Điều này gây nên sự chỉ trích trên thế giới, kể cả từ Trung Quốc. Giờ đây, có lẽ đến lượt Trung Quốc thể hiện tấm gương trong việc đối phó với “Fukushima dầu” ở Vịnh Bột Hải.
Theo Tiếng nói nước Nga