Giá dầu sẽ tăng trở lại trong những quý tới
Với tình hình kinh tế và chính trị hiện nay, các chuyên gia ngành dầu khí dự báo giá dầu thô trong những quý tới sẽ tăng trở lại, nhưng chỉ ở mức 65-75USD/thùng.
TS. NGUYỄN XUÂN THẮNG – Phó chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam
TH.S TRẦN THANH TÙNG – Ban Kiểm soát nội bộ PVN
Giá các loại dầu thô và sản phẩm dầu của thế giới diễn biến phức tạp trong 4 tháng qua, riêng tháng 1-2015 tiếp tục giảm sâu so với quý IV/2014, cuối tháng 2, giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm đến tận cuối quý I/2015.
Giỏ giá dầu thô
Thế giới có các loại giá dầu thô (khối OPEC thường gọi là giỏ giá) như: Giá dầu Brent (loại dầu thô chuẩn khai thác tại Biển Bắc thuộc Anh). Dầu Dubai thường áp dụng cho giao dịch trên giấy.
Giá dầu Oman, giá dầu Oman và giá dầu Dubai thường được sử dụng làm giá chuẩn cho hầu hết các loại dầu thô vùng Vịnh Pecxich, bán theo các hợp đồng dài hạn (hợp đồng term) cho các khách hàng châu Á và Viễn Đông.
Những quý tới, giá dầu thô sẽ dần phục hồi nhưng chỉ ở mức 65-75USD/thùng. Ảnh: 123cafe.com
Giá dầu WTI (West Texas Intermediate, Texas Mỹ), loại giá dầu này dùng làm giá chuẩn cho cho nhiều loại dầu thô giao dịch trên thị trường Bắc Mỹ, cùng các loại dầu thô Trung Đông, Tây Phi bán vào khu vực Bắc Mỹ.
Giỏ giá dầu thô OPEC (basket price): Là giá trung bình hằng ngày của 11 loại dầu thô các nước thuộc khối.
Giá dầu Minas là loại dầu thô ngọt, nhẹ trung bình là loại dầu chính được sản xuất tại Indonesia. Giá dầu Tapis là loại dầu ngọt nhẹ (45-46oAPI, 0,02%S) là loại dầu có sản lượng cao nhất Malaysia.
Có công thức lấy giá trung bình tháng của loại dầu thô được công bố trên Platts. Công thức giá dầu này được Việt Nam áp dụng từ khi Việt Nam khai thác dầu thô năm 1986 đến khoảng năm 2014 do loại dầu này có đặc tính tương đương dầu thô ngọt mỏ Bạch Hổ. Sau đó, do sản lượng mỏ sụt giảm nên không được lấy làm chuẩn nữa.
Với các nhân tố kinh tế, chính trị và cung cầu, từ quý II/2014 đến nay giá dầu thế giới đã sụt giá rất mạnh, từ trên 120USD/thùng xuống đến mức 40-50USD/thùng.
Từ đầu năm 2015 đến nay, giá dầu Brent bình quân đạt 54USD/thùng, giảm đến 49% so với cùng kỳ năm 2014.
Ở Việt Nam ta, giá dầu thô Bạch Hổ quý I/2015 là 58USD/thùng, giảm gần 50% so với cùng kỳ của năm trước.
Việt Nam hiện nay chỉ có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sản xuất, lọc dầu với công suất danh định là 6,5 triệu tấn/năm.
Sản lượng này mới đảm bảo được khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa, phần lớn các doanh nghiệp xăng dầu trong nước vẫn phải nhập khẩu đến 70% khối lượng sản phẩm cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Phần lớn trong số sản phẩm xăng, dầu nhập khẩu chủ yếu từ Singapore. Theo số liệu thống kê của PV Oil thì giá sản phẩm xăng dầu Singapore có diễn biến đồng pha với giá dầu thô thế giới và đã tăng trở lại từ nửa cuối tháng 1-2015 đến cuối tháng 2-2015 và giảm nhẹ dần đến nay.
Trung bình quý I/2015 giá xăng giảm khoảng 22-25% (19-21USD/thùng) so với trung bình quý IV/2014, bằng 55-58% so với cùng kỳ năm 2014.
Giá dầu DO giảm 25% (khoảng 22USD/thùng) so với trung bình quý IV/2014 và bằng 56% so với cùng kỳ năm 2014.
Giữa tháng 4/2015 giá dầu thô thế giới tiếp tục ấm lên, giá dầu thô Brent khoảng 62-66USD/thùng. Giá dầu Bạch Hổ của Việt Nam cao hơn dầu Brent khoảng 3-4USD/thùng.
Ảnh hưởng đến Việt Nam
Do giá dầu thô sụt giảm, những nước sản xuất và xuất khẩu dầu khí, đặc biệt là những nước chủ yếu dựa vào nguồn thu xuất khẩu dầu thô thì bị chịu ảnh hưởng mạnh.
Những nước như Việt Nam vừa sản xuất vừa tiêu thụ xăng dầu thì một phần thu ngân sách Nhà nước có giảm, nhưng do giá sản phẩm xăng dầu giảm nên giá thành sản xuất hạ, kích thích sản xuất phát triển.
Việc điều hành kinh doanh xăng dầu thời gian qua các bộ, ngành đã phối hợp điều chỉnh giá 6 lần, việc điều chỉnh chính sách kinh doanh với biên độ 15 ngày phù hợp với diễn biến giá trên thị trường thế giới. Duy trì ổn định thuế nhập khẩu ở mức cao 30-35% để giúp cân đối một phần ngân sách quốc gia.
Với tình hình kinh tế và chính trị hiện nay thì giá dầu thô sẽ dần phục hồi, tăng trở lại nhưng chỉ ở mức 65-75USD/thùng trong những quý tới.
Ngân hàng HSBC dự báo, nền kinh tế Việt Nam các năm 2015-2016 tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì quý I/2015 tăng trưởng phục hồi mạnh mẽ với GDP tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với ngành Dầu khí Việt Nam, trong điều kiện giá dầu giảm vừa qua, lãnh đạo và các đơn vị đã kịp thời có các phương án, giải pháp để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.
Đặc biệt, các đơn vị và nhà thầu đã tính toán lại cơ cấu chi phí, giá thành, đảm bảo hiệu quả cho toàn ngành, bởi các dịch vụ dầu khí chuyên ngành chiếm 60-75% trong giá thành một thùng dầu.
Đối với các bộ, ngành và Chính phủ trong điều kiện hiện nay cần tạo điều kiện cho Petrovietnam tiếp tục đầu tư, đặc biệt là khâu tìm kiếm, thăm dò dầu khí.
Giảm các thủ tục hành chính như Chính phủ đã chỉ đạo, có như vậy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mới tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã giao giai đoạn 2006-2015.
Nguồn: NangluongVietnam.vn