Gia tăng trữ lượng dầu khí là mục tiêu hàng đầu của PVN trong năm 2019
Năm 2019 là năm thứ tư PVN thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2019 có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ sở, tiền đề vững chắc để thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, góp phần quan trọng cùng cả nước vượt qua những khó khăn, thách thức để đẩy nhanh phát triển kinh tế.
Nhìn lại năm 2018, Tập đoàn đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoản. Tuy nhiên, bằng trí tuệ, bản lĩnh, nỗ lực không ngừng của hơn 60 nghìn cán bộ, người lao động, các chỉ tiêu về sản lượng khai thác dầu khí, các sản phẩm công nghiệp chủ lực hầu hết đều hoàn thành và vượt kế hoạch. Đặc biệt, PVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gia tăng trữ lượng khi đạt 12 triệu tấn quy dầu.
Cụm giàn CNTT số 2 mỏ Bạch Hổ |
Sang năm 2019, Tập đoàn phấn đấu thực hiện vượt mức và về đích trước tất cả các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 được Chính phủ giao. Trong đó, PVN đặt mục tiêu đảm bảo gia tăng trữ lượng dầu khí là 10-15 triệu tấn dầu quy đổi. Đây là nhiệm vụ quan trọng và được đánh giá là khó khăn nhất của Tập đoàn trong năm 2019.
Có thể nói, gia tăng trữ lượng dầu khí có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của bất kỳ một công ty dầu khí nào. Gia tăng trữ lượng không những bù đắp sản lượng dầu khí khai thác hằng năm mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2018 và những năm tiếp theo, vấn đề gia tăng trữ lượng dầu khí của PVN đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác vẫn đang ở mức báo động (0,54 lần). Trong giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đạt hệ số 1,5 lần, đây là mức an toàn, đảm bảo cho Tập đoàn phát triển bền vững. Tuy nhiên, những năm trở lại đây thì hệ số này đang ở mức báo động khi năm 2016 đạt 0,65 lần, đặc biệt năm 2017 chỉ đạt 0,17 lần, ở mức báo động nghiêm trọng.
Theo thống kê, tổng vốn đầu tư hằng năm cho công tác tìm kiếm thăm dò giai đoạn 2016-2018 chỉ còn bằng khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư hằng năm cho công tác tìm kiếm thăm dò giai đoạn 2011-2015. Hệ quả của việc suy giảm tổng vốn đầu tư là sự suy giảm tương ứng của khối lượng tìm kiếm thăm dò, kéo theo đó là sự suy giảm của gia tăng trữ lượng dầu khí.
Đồng thời, trong khi các khu vực truyền thống đã được thăm dò và tận thăm dò khá chi tiết, Tập đoàn cùng các đơn vị khâu đầu cần phải mở rộng ra các khu vực nước sâu, xa bờ. Những khu vực này theo đánh giá có tiềm năng dầu khí còn lại chưa phát hiện khá lớn. Tuy nhiên, việc mở rộng vùng hoạt động này cần có vốn đầu tư lớn do khu vực nước sâu, xa bờ, khó triển khai các hoạt động thi công thực địa. Lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí có đặc thù là tính rủi ro rất cao khiến việc thu xếp nguồn vốn cho tìm kiếm thăm dò rất khó khăn, kéo theo đó là việc mở rộng ra các khu vực nước sâu, xa bờ gặp nhiều cản trở.
Chưa kể đến, các cơ chế thu hút, khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò chưa đủ hấp dẫn. Trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về ngành Dầu khí, các chuyên gia kinh tế, pháp luật đều nhất trí rằng nhiều nội dung trong Luật Dầu khí không còn phù hợp với thực tế, cản trở sự phát triển của ngành/hoạt động dầu khí.
Theo các số liệu thống kê thì từ năm 2016 đến nay, Tập đoàn chỉ ký được 2 hợp đồng dầu khí mới, nguyên nhân chủ yếu do Luật Dầu khí và các điều khoản hợp đồng dầu khí hiện hành kém hấp dẫn so với các nước khu vực, không phù hợp với tiềm năng trữ lượng dầu khí hiện tại, không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài
Theo chia sẻ của Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, hợp đồng dầu khí mẫu mới ban hành cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn, góp phần thu hút các nhà thầu dầu khí, đặc biệt là nhà thầu dầu khí nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò. Chính vì vậy, việc hoàn chỉnh Luật Dầu khí, điều chỉnh các hoạt động liên quan đến dầu khí, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho PVN là rất cấp thiết. Cùng với đó, PVN tiếp tục có những kiến nghị tới Chính phủ, các Bộ ngành tạo nguồn vốn, cơ chế chính sách cho hoạt động thăm dò, khai thác phát triển bởi tương lai của ngành Dầu khí phụ thuộc vào việc tìm kiếm và khai thác dầu khí.
Bên cạnh những kiến nghị, bản thân Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tìm kiếm thăm dò thẩm lượng năm 2019, tiếp tục ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm như Lô B, Cá Voi Xanh… nhằm đảm bảo gia tăng trữ lượng dầu khí. Đây là mục tiêu quan trọng, có tính sống còn đối với sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong tương lai.
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Nguồn: Petrotimes.vn
H.A