Giá vàng đen “bốc hơi” mạnh
Tỉ lệ thất nghiệp cao tại Mỹ và tình trạng lạm phát khó kiểm soát tại Trung Quốc đang là hai nhân tố gây sức ép giảm giá đối với “vàng đen”. |
Giá dầu giảm mạnh sau khi Trung Quốc hôm qua công bố chỉ số dịch vụ tháng 8 giảm xuống mức thấp kỷ lục, cộng thêm bản báo cáo thị trường lao động tháng 8 của Mỹ cho thấy mức tăng trưởng việc làm mới bằng 0%. Nhà đầu tư thực sự lo lắng về triển vọng tiêu thụ dầu thô trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, một thông tin khác cũng ảnh hưởng tới thị trường dầu mỏ là báo cáo của ngân hàng HSBC cho biết chỉ số quản lý sức mua của Trung Quốc tháng 8 đã giảm xuống 50,6 điểm, từ mức 53,5 điểm trong tháng 7. Dự kiến, hôm nay (6/9), Mỹ sẽ công bố bản báo cáo cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp dịch vụ ở mức thấp nhất trong hơn một năm.
Giá dầu thô hiện đang ở mức thấp nhất trong hơn một tuần qua, do triển vọng lực cầu yếu.
Trước đó, chiều 5/9, giá dầu thô giao dịch trên thị trường châu Á cũng đã giảm nhẹ. Cụ thể, tại sàn giao dịch Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 10 giảm 91 xu xuống 85,54 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 73 xu xuống 111,60 USD/thùng.
Victor Shum, chuyên gia thuộc công ty tư vấn Purvin and Gertz, có trụ sở tại Singapore, nhận định tỉ lệ thất nghiệp cao tại Mỹ và tình trạng lạm phát khó kiểm soát tại Trung Quốc đang là hai nhân tố gây sức ép giảm giá đối với “vàng đen”.
Còn theo nhận định của hãng tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates, thị trường dầu mỏ đang hứng chịu những tác động tiêu cực, đặc biệt là các số liệu về tình hình việc làm tại Mỹ. Ritterbusch and Associates dự đoán trong dài hạn giá dầu sẽ tiếp tục rơi xuống những mức thấp mới. Hiện Mỹ là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Tuần trước, giá dầu thô quốc tế đã được giao dịch trong một biên độ khá rộng, nhờ một bên là những nhân tố không hỗ trợ cho giá dầu, như nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ yếu xuất phát từ những số liệu yếu kém của kinh tế Mỹ, với một bên là những nhân tố hậu thuẫn như nỗi lo về nguồn cung bị ảnh hưởng xuất phát từ các trận bão lớn đe dọa nước Mỹ.
Ngoài ra, những đồn đoán về kế hoạch nới lỏng định lượng thứ 3 sắp được tung ra cũng hỗ trợ cho giá dầu mặc dù cho đến thời điểm này không ai biết được rằng gói kích thích kinh tế mới (nếu có) sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế Mỹ trong dài hạn, trong khi những khó khăn vẫn còn rất lớn.
Phiên cuối tuần 2/9, giá dầu giảm mạnh, trong bối cảnh những số liệu yếu kém của kinh tế Mỹ được công bố, cùng vụ kiện của Chính phủ Mỹ đối với 17 ngân hàng và định chế tài chính lớn của nước này. Tất cả làm tăng thêm những quan ngại về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi trở lại vào suy thoái, khiến nhu cầu dầu giảm sút.
Tuy nhiên, đóng cửa phiên 2/9, giá dầu thô giao tháng 10 giảm xuống 86,45 USD/thùng, song vẫn tăng nhẹ so với mức 85,48 USD/thùng của cuối tuần trước nữa. Còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm xuống còn 113,23 USD/thùng, nhưng cũng vẫn tăng nhẹ so với mức 111,10 USD/thùng của cuối tuần trước nữa.
Theo VnEconomy