Kỹ sư Lê Quốc Bảo: “Học Bác, tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất”
Hăng say lao động, yêu nghề thiết tha và sẵn sàng hy sinh “niềm riêng” để cống hiến những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị lớn cho đơn vị chính là những cụm từ để miêu tả kỹ sư Lê Quốc Bảo (Tổ trưởng – chuyên gia thiết bị phân tích fire and gas, Xưởng Đo lường – Tự động hóa, Nhà máy Đạm Phú Mỹ – PVFCCo). Đối với anh, mỗi sáng kiến, mỗi ý tưởng đều là tâm huyết với ngành Dầu khí và với PVFCCo.
Năm nào cũng có sáng kiến
Cơ duyên đến với ngành Dầu khí của anh Lê Quốc Bảo (sinh năm 1978) được anh chia sẻ là “tình cờ và bất ngờ”. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện – điện tử tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, vào tháng 9-2002, anh cũng như nhiều sinh viên khác cùng khóa chưa có nhiều thông tin về ngành Dầu khí. Cái “duyên” đến với ngành Dầu khí cũng là một sự tình cờ khi một người bạn cùng phòng trọ cung cấp thông tin Ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ tuyển nhân sự và đã khuyên anh nên thử sức, vì lúc này dự án đang ở giai đoạn đầu xây dựng và rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Cuối tháng 10-2002, Bảo được vinh dự tham gia vào đội ngũ học viên vận hành – bảo dưỡng thuộc Ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Anh Bảo có điều kiện gắn bó lâu dài với ngành Dầu khí và PVFCCo, vì nơi đây môi trường làm việc tốt, có nhiều cơ hội phát huy tối đa tính sáng tạo. Đặc biệt là được sự quan tâm, ủng hộ hết mình của các cấp lãnh đạo trong ngành.
Tại PVFCCo, công việc chính của anh Lê Quốc Bảo là đảm bảo các thiết bị phân tích và hệ thống F&G trong nhà máy làm việc ổn định, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của pháp luật; đảm bảo các công việc bảo dưỡng, sửa chữa cho các hệ thống, thiết bị trên được tiến hành theo đúng các quy định về quản lý của tổng công ty và nhà máy. Đồng thời anh cũng được phân công kiểm soát chi phí và tồn kho liên quan đến hoạt động bảo dưỡng/sửa chữa; cũng như đánh giá độ tin cậy của hệ thống F&G, đề xuất giải pháp thực hiện tổng thể cho việc cải tạo hệ thống F&G.
Chính sự yêu nghề, hăng say cống hiến đã giúp anh vừa hoàn thành được công việc chuyên môn, vừa có nhiều sáng kiến, sáng chế góp phần tiết giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động cho đơn vị. Từ năm 2005 cho tới nay, không năm nào anh Lê Quốc Bảo không có những sáng kiến lớn, nhỏ đóng góp cho đơn vị, trong đó có không ít sáng kiến làm lợi với giá trị không tính được bằng tiền.
Trong những sáng kiến đó, anh Bảo ấn tượng nhất với sáng kiến “cải tiến hệ thống phân tích On-line Mass Spectrometer” năm 2005. Đây là hệ thống được thiết kế chuyên biệt để ứng dụng trong công nghệ sản xuất ammonia. Anh cho biết: “Để vận hành hệ thống Mass Spectrometer, nhà sản xuất cung cấp chi tiết quy trình vận hành. Tuy nhiên, trong 2 năm đầu hoạt động (2004-2005) thì hệ thống thường xuyên hư hỏng và không làm việc được trong thời gian gần 10 tháng. Với nhiệm vụ theo dõi và bảo trì hệ thống, tôi đã phát hiện nguyên nhân hư hỏng do nước xâm nhập vào thiết bị qua đường ống lấy mẫu có kích thước 30 micromet và đã khắc phục bằng giải pháp thiết kế lại hệ thống xử mẫu, cũng như lập trình toàn bộ chương trình điều khiển cho thiết bị để giảm hao mòn cơ khí và ngăn nước xâm nhập vào hệ thống. Ước tính tại thời điểm 2005, tiết kiệm chi phí cho mỗi lần thiết bị gặp sự cố khoảng 25.000USD”.
Anh cũng chia sẻ: “Ngoài vấn đề làm lợi về tài chính thì sáng kiến này mang lại một ích rất quan trọng khác, đó là kỹ năng làm việc mà đến thời điểm này người kỹ thuật viên vẫn luôn duy trì. Đây là những điều tâm huyết mà tôi rất vinh dự khi thực hiện sáng kiến này”.
Và chỉ tính trong năm 2015, anh Bảo cũng đã có 5 ý tưởng sáng tạo được tổng công ty công nhận. Trong đó có sáng kiến “Lập trình điều khiển, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu thiết bị phân tích 10-AIT-3033A/B – không sử dụng dịch vụ của nhà thầu” với tổng giá trị làm lợi 309 triệu đồng và sáng kiến “Thiết kế thi công hệ thống lấy mẫu tách hơi ẩm và ổn định áp suất cho thiết bị phân tích ôxy gen 20-AIT-1001 phù hợp với model EL3060-MAGNOS206 của Nhà sản xuất ABB“ với tổng giá trị làm lợi 194 triệu đồng.
Trong quá trình công tác, tìm tòi, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, anh đã được các cấp lãnh đạo tạo điều kiện, khuyến khích thực hiện các ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, khó khăn cũng không nhỏ khi áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới vì sự thay đổi phải được kiểm chứng trước khi áp dụng. Nhất là lĩnh vực anh Bảo đang phụ trách, chi phí đầu tư rất cao nên phải chứng minh được việc áp dụng mang lại hiệu quả.
Mỗi sáng kiến đều là tâm huyết
Không chỉ là một kỹ sư giàu nhiệt huyết, có sức sáng tạo mạnh mẽ, anh Lê Quốc Bảo còn có thành tích hoạt động công đoàn rất “đáng nể”. Chỉ tính riêng trong năm 2015, anh đã tham gia phát động “Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo trong đợt bảo dưỡng tổng thể 2015”: đóng góp 5 ý tưởng sáng tạo được tổng công ty công nhận, gồm có ý tưởng “Lắp 2 sợi đốt hỏng (filament-iridium) thành một bộ để tái sử dụng trong hệ thống phân tích On-line Mass Spectrometer”; ý tưởng “Lắp thêm van cách ly (insulation valve) để phục vụ kiểm tra hệ thống chữa cháy tự động khu vực máy nén Xưởng Ammonia”; ý tưởng “Sử dụng sử dụng xi măng chịu nhiệt đổ bê tông cho 10-R-2003 để nối ống lấy mẫu cho thiết bị 10-AIT-2026”; ý tưởng “Chuyển đổi truyền thông giữa hệ thống F&G FSC và MIMIC từ Modbus 422/485 sang tín hiệu quang nhằm đảm bảo hệ thống làm việc tốt, không hỏng card điều khiển khi bị sét lan truyền trong nhà máy” và ý tưởng “Bổ sung tín hiệu phân tích khí CO2 cho thành phần khí đầu vào nhà máy (NG)”.
Không những thế, anh Lê Quốc Bảo còn luôn là “lá cờ đầu”, tích cực tham gia, hưởng ứng các đợt thi đua, các cuộc thi tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước do công đoàn nhà máy và chính quyền tổ chức và tích cực tham gia các hoạt động văn hóa – thể thao do Đoàn Thanh niên tổ chức, tham gia các hoạt động hội khỏe truyền thống PVFCCo…
Từ năm 2005-2014, anh liên tiếp được khen thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; hai lần được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương giai đoạn 2006-2008 và 2012-2014; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009; Bằng khen của Bộ Công Thương năm 2009 và 2014; Bằng khen của Tập đoàn Dầu khí năm 2009, 2010 và 2014.
Anh cho hay, thành công của đơn vị, thành công của các sáng kiến, sáng chế hoàn toàn không phải chỉ nhờ nỗ lực của cá nhân anh, mà tất cả người lao động ở PVFCCo đã – đang và sẽ luôn thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Hơn thế nữa, trong năm 2016, anh Lê Quốc Bảo đã vinh dự được tôn vinh là 1 trong 50 người lao động Dầu khí tiêu biểu do Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức. Chia sẻ về vinh dự này, anh Bảo cho hay: “Được tuyên dương danh hiệu Người lao động Dầu khí tiêu biểu năm 2016 là một vinh dự lớn cho bản thân tôi. Cảm ơn các cấp lãnh đạo đã quan tâm và tạo điều kiện tốt cho người lao động chúng tôi có động lực phấn đầu và phát triển bản thân. Trong hoàn cảnh ngành Dầu khí đang gặp nhiều khó khăn, tôi muốn gửi lời tới những anh chị đồng nghiệp, chúng ta hãy luôn đoàn kết, cùng chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thách thức trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của đất nước”.
Anh Bảo ấn tượng nhất với sáng kiến “cải tiến hệ thống phân tích On-line Mass Spectrometer” năm 2005. Đây là hệ thống được thiết kế chuyên biệt để ứng dụng trong công nghệ sản xuất Ammonia. Anh cho biết: “Để vận hành hệ thống Mass Spectrometer, nhà sản xuất cung cấp chi tiết quy trình vận hành. |
Thegioibantin.com