Lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến vận hành vào đầu năm 2018
Mới đây, trong dịp công tác tại Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới thăm khu kinh tế Nghi Sơn và đến thăm, làm việc tại Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn do Công ty Liên doanh TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) làm chủ đầu tư, bao gồm các bên tham gia là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Dầu hỏa Kuwait quốc tế (KPI), Công ty Idemitsu Kosan (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui (MCI).
Dự án triển khai thực hiện từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 9,2 tỷ USD; quy mô đầu tư là 670 ha trên bờ, 590 ha mặt nước; sản lượng khoảng 200.000 thùng dầu thô/ngày. Tới nay dự án đã giải ngân được 7,2 tỷ USD, tương đương 96,5% tiến độ.
Theo kế hoạch, quý I/2018, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ bắt đầu chạy thương mại nhưng hiện nay Nhà máy chưa nghiệm thu được phần cơ khí (chậm nghiệm thu 5 tháng) vì tính chất phức tạp của hợp phần này; dự án cũng chưa chuẩn bị xong các điều kiện để được cơ quan chức năng cấp phép chạy thử. Ngoài ra, đại diện Liên doanh cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa thực hiện cấp nước đầy đủ nhằm đáp ứng được nhu cầu vận hành của dự án.
Trao đổi với các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án có tính động lực, lan tỏa rất lớn tới kinh tế- xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. “Chúng tôi cho rằng Dự án sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp lọc hóa dầu nói riêng và ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, cho sự tăng trưởng của GDP Việt Nam và bảo đảm an ninh năng lượng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Về việc chậm tiến độ nghiệm thu phần cơ khí, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ với các nhà thầu về tính phức tạp của công nghệ và quy mô vốn lớn của hợp phần quan trọng này. Phó Thủ tướng tin tưởng với dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại, được xây lắp quy củ, cùng với trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các nhà thầu, Dự án sẽ sản xuất được sản phẩm có chất lượng đáp ứng được yêu cầu.
Phó Thủ tướng đề nghị các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu sớm nghiệm thu phần cơ khí để đưa vào chạy thử và chính thức vận hành thương mại trong thời gian sớm nhất có thể; yêu cầu tỉnh Thanh Hóa đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn bảo đảm việc cung cấp nước sạch về số lượng và chất lượng cho Dự án vận hành hiệu quả.
Về vấn đề môi trường, Chính phủ lưu ý tỉnh Thanh Hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm khi trong Dự án có cả nhà máy nhiệt điện, nhà máy gang- thép, lọc hóa dầu. “Các cổ đông, tỉnh Thanh Hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải rà soát, giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu môi trường khi chạy thử nghiệm. Việt Nam không đánh đổi môi trường để tăng trưởng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.
Hiện nay, Dự án chưa chạy thử được là do chưa hoàn thành xây dựng hồ điều hòa sinh học và lắp đặt hệ thống camera giám sát việc vận hành, xử lý chất thải. Do đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét khi thấy Dự án có đủ điều kiện thì nhanh chóng cấp phép về môi trường để chạy thử nghiệm. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cổ đông phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện bảo đảm bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
“Với quy mô đầu tư lớn, Dự án cần được hợp tác, vận hành theo nguyên lý của thị trường, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam mong muốn Dự án mang lại lợi ích tổng thể cho quốc gia và các nhà đầu tư, để hai bên cùng có lợi”, Phó Thủ tướng nói với các nhà đầu tư.
Thegioibantin.com | Vina Aspire
Nguồn: NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM