Nền kinh tế trước thách thức giá dầu thô
Diễn biến phức tạp của thị trường tài chính thế giới đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thu ngân sách nhà nước từ dầu thô và xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, nhận định trên được đưa ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 – 2015 do Thủ tướng Chính phủ – Nguyễn Tấn Dũng chủ trì trong hai ngày 30-9 và 1-10.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, giá dầu thô giảm mạnh đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế. Ảnh: Hải Vân
Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo kết quả 3 năm (2013-2015) triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và một số nội dung quan trọng khác.
Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, quý III đạt 6,81%, 9 tháng đạt 6,5%.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2015 giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 0,4% so với tháng 12/2014, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Nhưng cạnh đó, nền kinh tế vẫn đang đối diện một số khó khăn, thách thức như giá dầu thô và hàng hóa thế giới giảm mạnh, cùng với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính thế giới đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thu ngân sách nhà nước từ dầu thô và xuất nhập khẩu.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu.
Bộ trưởng Nên cho biết, tại phiên họp,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục bám sát mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là các động thái của các quốc gia có tác động lớn đến Việt Nam để phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, kiểm soát tỷ giá, thị trường ngoại hối.
Tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước. Theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để chủ động có những giải pháp ứng phó kịp thời.
Về các báo cáo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện, cập nhật lại số liệu, làm rõ hơn mặt được, chưa được, nguyên nhân và các biện pháp khắc phục.
Về định hướng khung cân đối ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2016, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là 5 năm tới, phải cơ cấu lại ngân sách theo hướng tích cực hơn, chi thường xuyên giảm, chi đầu tư tăng lên, dứt khoát bội chi là để chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn nợ công.
—
Nguồn: nangluongvietnam.vn, HẢI VÂN