Những bước xoay xở của PVD

0

PVD thực sự ngấm đòn khi giá dầu suy giảm trong một thời gian dài khiến doanh thu và lợi nhuận liên tục lao dốc.

Từng là một ông lớn trong ngành dầu khí, nhưng giờ đây Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) đang vất vả chèo chống để có việc làm, doanh thu và giữ cho kinh doanh không rơi vào thua lỗ.

Số lượng giàn hoạt động của PVD năm 2016 chỉ đạt mức bình quân 2,5 giàn so với mức 4,6 giàn trong năm 2015

Sức ép

Kết quả kinh doanh quý II/2017 đã kéo dài khoản lỗ cho PVD với lũy kế lỗ liên tiếp hai quý trong năm 2017 đã hơn 245 tỷ đồng. Theo giải trình của PVD với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, do đơn giá thuê giàn giảm 35-40% so với cùng kỳ năm trước, chưa kể khối lượng công việc cũng ít đi nên kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Ông Đỗ Văn Khạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVD cho biết, doanh thu của PVD được cấu thành từ đơn giá nhân với số ngày hoạt động và số lượng giàn khoan hoạt động. Do dịch vụ khoan là nền tảng kinh doanh cốt lõi của PVD nên chỉ cần các yếu tố trên suy giảm là tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận của công ty.

PVD hiện chỉ đạt mức giá thuê giàn trung bình từ 55.000-60.000 USD/ngày. Con số này rất thấp so với cách đây 2 năm có giá từ 150.000-200.000 USD/ngày. Thời gian làm việc của giàn rất ngắn từ 3-4 tháng và sau đó phải chờ việc. Một thống kê cho thấy, số lượng giàn hoạt động của PVD năm 2016 chỉ đạt mức bình quân 2,5 giàn so với mức 4,6 giàn trong năm 2015.

Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến điều này. Trước hết, giá dầu suy giảm, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của mọi công ty trong ngành dầu khí. Theo ông Đỗ Văn Khạnh, PVD là công ty chuyên cung cấp dịch vụ khoan, nhưng giá dầu quá thấp khiến các nhà thầu dầu khí thắt chặt hầu bao, tạm dừng các chiến dịch khoan khiến cho nhu cầu về thuê giàn thấp. Và tất yếu, một khi chênh lệch cung cầu quá lớn thì giá thuê giàn sẽ phải giảm mạnh.

Hiện nay có hơn 50% số lượng giàn khoan trong khu vực Đông Nam Á đang không có việc làm. Ngoài ra, các công ty nước ngoài chào giá dưới giá thành sản xuất nhằm kiếm việc làm. Chưa kể một lượng rất lớn giàn khoan đang đóng mới chờ đưa vào vận hành, tạo ra một lượng cung dư thừa, gây cạnh tranh lớn trên thị trường. Tất cả yếu tố này đưa đến giá thuê giàn càng sụt giảm. PVD không nằm ngoài cuộc chơi này và hệ quả tất yếu là việc kinh doanh không thể khả quan”, ông Khạnh nói.

Trong khi các giàn khoan khác của PVD dù giá thuê thấp nhưng vẫn có công việc thường xuyên thì sự bất lợi khác mà PVD phải đối diện là việc chưa có hợp đồng mới cho giàn khoan số 5, vốn đem lại biên lợi nhuận rất tốt cho công ty nhiều năm qua. Giàn khoan này vừa kết thúc hợp đồng khoan cho POC Biển Đông với giá thuê bình quân 200.000 USD/ngày, đáng lẽ tiếp tục công việc ở dự án Cá Rồng Đỏ, nhưng do nhiều nguyên nhân nên tạm hoãn. Nếu trong năm 2017, giàn số 5 không có hợp đồng mới, chắc chắn PVD sẽ mất đi khoản lợi nhuận không nhỏ.

Trong khi kinh doanh khó khăn thì PVD lại đang có các khoản nợ khó đòi khá lớn. Tính đến quý II/2017, công ty phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này lên đến 303 tỷ đồng. “PVD thực hiện công việc cho các công ty cùng ngành và bản thân những công ty này cũng rơi vào tình trạng như PVD nên họ cũng không có dòng tiền mạnh để thanh toán”, ông Khạnh giải thích.

Theo ông Khạnh, với giá dầu 50 USD/thùng, hầu hết các công ty dầu khí đều hoạt động cầm chừng. Nếu giá dầu vượt qua mốc 60 USD thì các nhà thầu dầu khí triển khai hoạt động mạnh mẽ, các giàn khoan của PVD sẽ không còn tình trạng chờ việc. Còn nếu giá dầu leo lên trên 70 USD thì việc kinh doanh của các công ty trong ngành dầu khí trở nên ổn định hơn.

Theo một thống kê của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), giá dầu thô trung bình 6 tháng đầu năm 2017 chỉ ở mức 54,4 USD/thùng. Có thể thấy rằng, kinh doanh của PVD chưa thể khởi sắc.

Chống đỡ

Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Phó tổng giám đốc PVN cho biết, giá dầu suy giảm tác động mọi mặt đến kinh doanh của hầu hết công ty dầu khí. Giờ đây, các công ty này phải làm quen với mặt bằng giá mới và có những điều chỉnh chiến lược kinh doanh để tồn tại. “Mặc dù PVD đang có những khó khăn nhất định nhưng đây là công ty có năng lực hoạt động rất tốt và chất lượng dịch vụ đạt ở mức tiêu chuẩn quốc tế. PVN đang nắm vai trò chi phối tại PVD, do đó, sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ. Một mặt, chúng tôi đã cử các chuyên gia giỏi trong tập đoàn để cùng PVD hoạch định chiến lược, phân tích thị trường, tham gia đấu thầu quốc tế, mặt khác, các dự án của PVN sẽ ưu tiên cho PVD. Giai đoạn 2018-2019, PVN có nhiều dự án khoan thăm dò lớn như: mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, Lô B Ô Môn… có thể đảm bảo công việc lâu dài cho PVD”, ông Lâm cho biết.

Theo ông Đỗ Văn Khạnh, rất khó để biết thời điểm nào giá dầu quay trở lại thời hoàng kim, vì vậy PVD phải trông chờ vào chính nội lực của mình để vượt qua khó khăn và phát triển bền vững. PVD đã thực hiện một loạt các biện pháp mạnh mẽ với trọng tâm là tái cấu trúc công ty nhằm duy trì hiệu quả hoạt động.

Nhiệm vụ trọng tâm của PVD vẫn là tìm kiếm các hợp đồng mới cho các giàn khoan. Ông Khạnh cho biết, PVD đang tập trung các nỗ lực triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường quốc tế. Hiện nay, các giàn khoan của PVD đều sử dụng các công nghệ mới nhất trên thế giới về khoan thăm dò. Một trong những lợi thế kinh doanh khác là các giàn khoan của PVD luôn hoạt động an toàn và đạt hiệu suất rất cao (98 – 99%). Năm 2016, PVD đã thắng thầu trước nhiều công ty tên tuổi để giành lấy hợp đồng dịch vụ khoan tại Myanmar do Total làm chủ đầu tư.

Đến giờ phút này thì 5/6 giàn khoan của PVD đã có việc làm. Nổi bật nhất là việc ký được hợp đồng với Rosneft, một trong những công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới với tổng giá trị 42 triệu USD.

Thegioibantin.com | Vina Aspire News

Nguồn: Theo Enternews

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ