OPEC trước triển vọng “đóng băng” sản lượng
Sau khi Saudi Arabia “ngỏ lời” về mong muốn nâng giá dầu thế giới, thị trường năng lượng đang dấy lên đồn đoán về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nối lại đàm phán về thỏa thuận “đóng băng” sản lượng dầu mỏ trong cuộc họp bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) tổ chức tại Algeria từ 26-28/9.
Theo các chuyên gia phân tích, triển vọng của một thỏa thuận “đóng băng” sản lượng, với sự tham gia của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới vào tháng Chín, dường như còn khá mong manh.
Nguồn tin của Reuters dẫn phát biểu mới đây của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih, cho biết, Riyadh sẽ hợp tác với các thành viên OPEC và những nước ngoài khối này nhằm mục tiêu ổn định thị trường dầu mỏ.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng nói rằng nước này đang thảo luận với Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác nhằm đạt được sự cân bằng trên thị trường dầu mỏ, đồng thời “để ngỏ” khả năng đàm phán về thỏa thuận “đóng băng” sản lượng nếu cần thiết.
Thông tin này đem lại tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư về triển vọng các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới có thể đạt được thỏa thuận về sản lượng. Tuy nhiên, theo giới quan sát, con đường tiến tới một thỏa thuận chung vẫn còn nhiều chông gai.
Kể từ năm 2014, Saudi Arabia, quốc gia sản xuất dầu mỏ nhiều nhất trong OPEC, đã quyết định tăng sản lượng nhằm giành lại thị phần từ những đối thủ có chi phí sản xuất cao hơn, trong đó có các nhà sản xuất dầu đá phiến.
Động thái này khiến thị trường “vàng đen” tràn ngập nguồn cung, và đẩy giá dầu lao dốc, từ đỉnh cao 115 USD/thùng vào giữa năm 2014 rớt xuống 27 USD/thùng vào tháng Một năm nay.
Tháng Một năm nay, sáng kiến “đóng băng” sản lượng nhằm bình ổn thị trường đã bị đổ vỡ khi Saudi Arabia mong muốn sự tham gia của các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu trên thế giới, trong đó có Iran.
Tuy nhiên, Tehran cho biết nước này cần khôi phục thị phần đã mất trong giai đoạn chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây, và khẳng định sẽ không tham gia thỏa thuận trên.
Phát biểu trong tuần trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh bày tỏ mong muốn tăng sản lượng dầu mỏ của nước này lên 4,6 triệu thùng/ngày trong vòng 5 năm tới, cao hơn nhiều so với sản lượng hiện tại – ở mức 3,6 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, Iraq, mặc dù ủng hộ thỏa thuận “đóng băng” sản lượng hồi tháng Tư, cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận với các công ty năng lượng lớn nhằm phát triển các mỏ dầu khổng lồ của nước này. Dự kiến, kế hoạch trên sẽ giúp tăng sản lượng của nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai OPEC này thêm khoảng 350.000 thùng/ngày trong năm tới.
Các chuyên gia cũng đánh giá Nigeria và Libya sẽ là những yếu tố khiến cho các cuộc thảo luận về sản lượng trở nên phức tạp hơn. Sản lượng của Nigeria trong năm nay đã chạm “đáy” của hơn 20 năm do các cuộc tấn công vào các cơ sở khai thác dầu mỏ ở nước này.
Còn Libya đang sản xuất ở mức khá thấp so với thời điểm trước khi xảy ra bất ổn tại nước này. Trong khi Nigeria ủng hộ sáng kiến hạn chế sản lượng, Libya từ chối tham gia đàm phán.
Nga cũng đang đẩy mạnh hoạt động khai thác, với sản lượng dầu mỏ của nước này hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, vào khoảng 10,85 triệu thùng/ngày.
Ngay cả Saudi Arabia cũng đã tăng sản lượng lên mức cao kỷ lục 10,67 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy, từ 10,2 triệu thùng/ngày hồi tháng Một, mà theo Bộ trưởng Falih giải thích, là do nhu cầu tiêu thụ nội địa và thế giới gia tăng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPEC sẽ tăng thêm 300.000 thùng/ngày trong năm tới, sau khi giảm 900.000 thùng/ngày trong năm 2015, khi hoạt động khai thác của các nhà sản xuất tại Bắc Mỹ ổn định trở lại.
Theo các chuyên gia phân tích, triển vọng của một thỏa thuận “đóng băng” sản lượng, với sự tham gia của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới vào tháng Chín, dường như còn khá mong manh.
Thegioibantin.com
Theo: TTXVN/ Reuters