PVN: Bước chuyển chiến lược cấp bách
Thị trường dầu mỏ thế giới biến động, cạnh tranh gia tăng giữa các công ty xuyên quốc gia đang làm tăng thêm áp lực thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 – 2015) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Hoàn thiện chuỗi giá trị
Trong giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đặt mục tiêu giữ tốc độ tăng trưởng bình quân 18 đến 20%/năm với cơ cấu phát triển chủ yếu trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí.
PVN xác định mục tiêu tập trung đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của ngành là thăm dò, khai thác, lọc hóa dầu, sản xuất điện, đạm từ khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí.
Tổng doanh thu trong giai đoạn 2011-2015 là 3.040 nghìn tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ dầu khí trong tổng doanh thu toàn ngành chiếm từ 35% đến 40%. Tổng nộp ngân sách Nhà nước là 650 nghìn tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ PVN vào khoảng 20% đến 25%/năm.
Tổng sản lượng khai thác dầu khí giai đoạn 2011-2015 đặt mục tiêu vào khoảng 142 triệu tấn quy dầu, trong đó sản lượng dầu là 90 triệu tấn, sản lượng khí khoảng 52 tỷ m3 và sản lượng điện là 108 tỷ kWh. Tập đoàn cũng phấn đấu gia tăng trữ lượng từ 35 đến 45 triệu tấn- quy dầu/năm.
Giai đoạn 2011-2014 của PVN, ông Nguyễn Xuân Thắng – Phó chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam trong một bài viết gần đây đã nhận định, Tập đoàn đã hoàn thiện chuỗi giá trị dầu khí, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý, điều hành trên cơ sở hội nhập kinh tế quốc tế.
PVN tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, bằng việc phát triển đồng đều 5 lĩnh vực cốt lõi, đặc biệt là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí hiệu quả, vững chắc với quy hoạch phát triển lâu dài, ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tập đoàn đã bảo toàn, phát triển vốn một cách mạnh mẽ, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu tăng vượt trội, tổng tài sản đạt trên 35 tỷ USD, vốn điều lệ Thủ tướng giao vào ngày 1-7-2010 là gần 178 nghì tỷ đồng, tương đương gần 8 tỷ USD, đến nay đã tăng gấp 2 lần.
Cơ cấu nộp ngân sách của PVN đã thay đổi. Nếu trước đây, phần lớn thu nhập và nộp ngân sách Nhà nước chủ yếu từ xuất khẩu dầu thô, nay chủ yếu theo mô hình 40-30-30, có nghĩa là từ dầu thô khoảng 40%, từ các sản phẩm công nghiệp từ nguồn dầu khí như lọc dầu, sản xuất điện, đạm… chiếm 30%; phần còn lại 30% là các dịch vụ dầu khí chuyên ngành kỹ thuật cao.
Đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thô thế giới giảm mạnh của năm 2014, PVN gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 48,11 triệu tấn quy đổi, bằng 137,5% kế hoạch. Tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 27,6 triệu tấn.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 745,5 nghìn tỷ đồng, vượt 11,8% kế hoạch năm Chính phủ giao, nộp NSNN đạt 178,1 nghìn tỷ đồng, vượt 37,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 1.77 tỷ USD) so với kế hoạch.
Gần hơn đích 5 năm
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến dầu khí là “phát triển các nhà máy lọc dầu, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu về các sản phẩm dầu trong nước, đưa tổng công suất các nhà máy lọc dầu lên khoảng 25 đến 30 triệu tấn dầu thô”.
Triển khai chiến lược trên, trong những năm tới PVN đặt mục tiêu đầu tư duy trì công suất lọc dầu và công suất sản xuất nhiên liệu sinh học để tổng công suất đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sản phẩm xăng dầu trong nước. Nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, xây dựng các Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Long Sơn. Công suất lọc dầu đạt 16-20 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 30 triệu tấn/năm vào năm 2030 trong đó 83% sản lượng là xăng & DO.
Cùng với đó là xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm dầu khí; xây dựng các kho chứa tàng trữ dầu thô bảo đảm nguồn nguyên liệu vận hành các nhà máy lọc dầu, đồng thời tham gia hệ thống dự trữ dầu thô quốc gia.
Năm 2015, PVN phấn đấu tiếp tục phát huy các ưu điểm, hạn chế tối đa các khó khăn để tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, gia tăng trữ lượng 35-40 triệu tấn quy dầu, khai thác dầu thô 16,80 triệu tấn, khai thác khí 9,8 tỷ m3, sản xuất điện đạt 18,50 tỷ kWh, sản xuất đạm 1,525 triệu tấn, sản xuất xăng dầu đạt 5,550 triệu tấn, giá trị đầu tư 116,8 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, những khó khăn sau khủng hoảng kinh tế, biến động giá dầu thế giới, sự cạnh tranh ngày càng tăng của các công ty xuyên quốc gia… được các chuyên gia kinh tế dự báo tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN trong năm 2015 và giai đoạn tiếp theo.
Công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ngày càng khó khăn do giá thành cao, phải triển khai các lô xa bờ, vùng nước sâu. Một số dự án như nhiên liệu sinh học, xơ sợi kinh doanh chưa hiệu quả do thị trường giảm sút.
Tập đoàn đang đầu tư các dự án lọc hóa dầu, các nhà máy điện… các dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn, đặc biệt là nguồn ngoại tệ cho các dự án ở trong và ngoài nước. Do đó, áp lực vốn cũng là một trong những thách thức lớn của PVN.
Việc thực hiện thắng lợi mục tiêu và nhiệm vụ trong năm 2015 có vai trò đặc biệt quyết định cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2011- 2015, góp phần quan trọng việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025.
Trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động, lãnh đạo PVN quyết tâm không lùi các mục tiêu trọng yếu, nhất là trong nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò, đảm bảo những tiền đề vững chắc cho quy hoạch phát triển lâu dài, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Với nền tảng sản xuất kinh doanh hiệu quả hiện nay, ông Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng, các chỉ số sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trên chặng đường 5 năm 2011-2015 về cơ bản sẽ đạt và vượt kế hoạch.
Nguồn: nangluongvietnam.vn, HẢI VÂN