Roman Abramovich: Cậu bé mồ côi nhút nhát đi lên từ dầu mỏ
Từ vùng hẻo lánh, cậu bé Abramovich vươn lên trở thành doanh nhân danh tiếng toàn cầu và chính trị gia quyên góp nhiều nhất cho nước Nga
Người thân cận mô tả Abramovich là tỷ phú thầm lặng. Thậm chí, tính từ “nhút nhát” còn được sử dụng để nói về người đàn ông giàu có và thế lực bậc nhất thế giới này.
Hiếm thấy Abramovich xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn. Ông ghét chúng và cảm thấy hồi hộp nếu phải phát biểu trước đám đông.
Lần hiếm hoi tỷ phú Nga phát biểu là trước tòa, trong vụ kiện đối đầu người bạn làm ăn cũ Berezovsky. Abramovich khi ấy thú nhận: “Tôi chưa từng có bài phát biểu nào trước đám đông hoặc ít nhất chưa từng cố gắng làm việc đó. Tôi biết mình không giỏi chuyện này và sẽ trở nên lo lắng vô cùng. Trước phóng viên, tôi quên hết những gì định nói, mọi logic hay những suy nghĩ trong đầu đều bay biến. Vậy nên tôi quyết định rằng đó không phải thế mạnh của mình, thực sự không nên làm”.
Dẫu vậy, con đường kinh doanh từ tay trắng của tỷ phú 52 tuổi không hề thầm lặng như cách ông xuất hiện trước truyền thông.
Tỷ phú gốc Do Thái sắp trở thành người giàu nhất Israel nếu được cấp quyền công dân. Ảnh: CNN.
Roman Abramovich sinh năm 1966 trong gia đình nghèo khó tại thị trấn Saratov, miền Nam nước Nga. Ông mất cả cha lẫn mẹ khi chưa đầy 3 tuổi, phải chuyển đến sống cùng gia đình người bác tại thành phố Ukhta, cách thủ đô Moscow hơn 1.000 km. Chật vật từ sớm khiến cậu bé Abramovich biết quý trọng đồng tiền, học cách tiết kiệm.
Bước chân vào đại học năm 16 tuổi, Abramovich bị gọi nhập ngũ khi chưa kịp tốt nghiệp Học viện Công nghiệp Ukhta. Ông phục vụ quân đội trong 2 năm.
Xuất ngũ, Abramovich lại gia nhập Học viên Vận tải Moscow nhưng cũng dở dang. Cậu sinh viên rời ghế nhà trường sau 4 năm với không bằng cấp nào chỉ còn biết tập trung vào mục tiêu làm giàu sớm nhất có thể. Chính Abramovich từng thừa nhận: “Tôi chưa từng nghĩ mình phù hợp làm một học trò giỏi”.
Abramovich may mắn khi nước Nga bắt đầu cởi mở hơn với kinh doanh tư hữu và đổi mới chính sách thuế cuối thập niên 1980, vừa lúc ông khởi nghiệp. Với toàn bộ vốn liếng tiết kiệm từ các công việc lao động trước đó, chàng thanh niên mở công ty đồ chơi bằng nhựa ngay tại căn hộ mình ở và bán lấy lãi tối thiểu.
Lợi nhuận tuy nhỏ nhưng Abramovich dần bộc lộ khiếu kinh doanh xuất sắc. Vài năm trôi qua, doanh nhân Nga nhận ra đến lúc cần làm ăn lớn hơn.
Abramovich quyên góp cho nước Nga nhiều hơn bất cứ ai trong lịch sử. Ảnh: The Siberian Times
Giai đoạn 1992-1995, nhờ thấu hiểu thị trường bằng nhãn quan sắc bén, Abramovich lựa chọn đúng ngành để đầu tư. Ông lập những công ty bán hàng tiêu dùng trung gian và kiếm được những khoản hời lớn. Từ đó, doanh nhân bắt đầu hướng tầm nhìn tới dầu mỏ. Abramovich phát tài nhờ biết nắm bắt thời cơ những năm 1990, khi chính phủ Nga bắt đầu cho phép thành lập các doanh nghiệp tư nhân. Cũng trong giai đoạn này, ông mở 5 công ty dầu lửa khác nhau.
Năm 1995, Abramovich gặp Boris Berezovsky, doanh nhân đã sẵn tiếng tăm khi điều hành hãng sản xuất ôtô nhà nước Lada. Hai người hợp tác mua cổ phần điều hành tập đoàn dầu mỏ Sibneft với giá 100 triệu USD và trở thành cổ đông chính.
Giá cổ phiếu Sibneft tăng vọt, mang lại gia tài cho Abramovich và cộng sự. Thế nhưng, năm 2000, Berezovsky phải rời quê hương sống lưu vong do bị buộc tội gian lận. Ông bán toàn bộ cổ phần của mình lại cho Abramovich, càng củng cố “đế chế” của người bạn cũ cũng là kẻ thù sau này thắng ông trong vụ kiện trị giá hàng tỷ USD.
Năm 2005, Abramovich bán lại 73% cổ phần tại Sibneft cho tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom, đổi lấy 13 tỷ USD.
Abramovich thường xuyên có mặt cổ vũ Chelsea, đội bóng ông mua với giá 233 triệu USD. Ảnh: Reuters
Tỷ phú Nga còn được biết đến với vai trò chính trị gia. Năm 1999, Abramovich được bầu vào Duma quốc gia Nga, đại diện khu vực Chukotka, một tỉnh hẻo lánh phía Đông đất nước. Tại đây, ông mạnh tay rót tiền cho những kế hoạch cải tổ.
Từ năm 2000 đến 2008, tỉnh trưởng Abramovich chi gần 1 tỷ USD cho phúc lợi xã hội tại Chukotka. Môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, với nhiều nhà đầu tư đổ bộ, nhiều trường học và bệnh viện được xây cất.
Báo chí Nga thông tin Abramovich đóng góp cho các tổ chức từ thiện nước này nhiều hơn bất cứ ai trong lịch sử. Hàng triệu USD được ông rót vào xây dựng trường học, bệnh viện trong khi hàng tỷ USD khác dành cho phúc lợi xã hội và hạ tầng tại một số thành phố của Nga.
Bên cạnh việc là biểu tượng doanh nhân nổi bật bậc nhất xứ sở Bạch Dương, Roman Abramovich còn là bạn thân thiết của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Abramovich kết hôn lần 3 ở tuổi 42 nhưng hiện đã ly thân. Ảnh: Telegraph.
Năm 2018, Forbes ước tính khối tài sản Roman Abramovich sở hữu trị giá 11,5 tỷ USD, giúp ông đứng thứ 140 trong danh sách những người giàu có nhất hành tinh.
Cậu bé mồ côi sống ở vùng hẻo lánh nước Nga ngày nào trở thành tỷ phú danh tiếng toàn cầu với cuộc sống xa hoa: sở hữu siêu du thuyền Eclipse 1 tỷ USD, trả 2 triệu USD cho dàn vệ sĩ 40 người mỗi năm, di chuyển trên phi cơ riêng là chiếc Boeing 767 sức chứa 375 người.
Ông trùm dầu mỏ còn từng mua lại 9 căn hộ cùng tòa nhà tại London để gộp thành dinh thự riêng. Thời điểm hoàn thành, bất động sản gần 3.000 m2 này nằm trong số những ngôi nhà đắt nhất nước Anh.
Tuy vậy, đời sống hôn nhân của nhà tài phiệt lại khá phức tạp. Ông kết hôn lần đầu năm 1987 với người phụ nữ có tên Olga Lysova nhưng ly dị 3 năm sau đó. Tỷ phú lập gia đình năm 1991 với nữ tiếp viên hàng không Irina Malandina, hai người có với nhau 5 đứa con. Sau 16 năm chung sống, họ “đường ai nấy đi” trong vụ dàn xếp hôn nhân tốn kém bậc nhất lịch sử, với khoản bồi thường 300 triệu USD cho Malandina.
Abramovich tự do hẹn hò với bạn gái Dasha Zhukova từ năm 2007. Một năm sau, họ làm đám cưới và kể từ đó, hai đứa con đã ra đời. Cuối năm 2017, BBC đưa tin cặp vợ chồng đã ly thân.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: oilgas.vn