Sau lên đỉnh, giá dầu mỏ đảo chiều đi xuống
Thị trường dầu thế giới chứng kiến giá dầu đảo chiều đi xuống sau khi đạt mức cao nhất năm 2016 vào ngày 26/4.
Giá dầu thế giới bắt đầu sụt giảm mạnh kể từ tháng 11/2014, khi OPEC (dẫn đầu bởi người Saudi) tuyên chiến với Mỹ để giành lại thị phần thay vì cắt giảm sản lượng giống như trong quá khứ. (ảnh: reprt.az)
Giá dầu thô kỳ hạn giảm từ mức cao năm 2016 trong đầu phiên giao dịch ngày 28/4 do các thương nhân chốt lời sau khi giá tăng mạnh trong tháng 4. Hãng Reuters dẫn phân tích của các chuyên gia về việc sản lượng của Mỹ đang giảm và nhu cầu của nhà đầu tư mạnh có thể đẩy giá dầu tăng cao.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn giao dịch là 47,02 Usd/thùng, giảm 16 cent so với đóng cửa phiên trước, dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 12 cent xuống 45,21 USD/thùng. Trong phiên trước giá dầu tăng sau khi Fed công bố giữ nguyên lãi suất và phát tín hiệu giảm bớt mối lo ngại từ kinh tế toàn cầu tới nền kinh tế Mỹ. Giá giảm đến sau khi cả hai loại dầu thô đạt mức cao nhất năm 2016 trong phiên trước. Cả dầu thô Brent và WTI đã tăng hơn 70% kể từ mức thấp tương ứng của chúng trong tháng 1 và tháng 2. Theo giới phân tích, sản lượng đang giảm tại Mỹ và một đồng đô la yếu hơn đang đẩy giá tăng và thu hút các nhà đầu tư.
Thị trường dầu mỏ thế giới đang chứng kiến sự chồi sụt của giá dầu thô. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 6/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,40 USD, tương ứng 3,3%, lên 44,04 USD/thùng, cao nhất kể từ 10/11/2015. Giá dầu Brent giao tháng 6/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,26 USD, tương đương 2,8%, lên 45,74 USD/thùng. Giá dầu Mỹ đã tăng hơn 68% từ mức thấp nhất 13 năm qua hồi tháng 2 do đồn đoán sản lượng dầu thô của Mỹ và một số nước sẽ giảm trong khi nhu cầu tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Tờ Wall Street Journal cho rằng, các nhà đầu tư trên thị trường năng lượng quan ngại việc giá dầu tăng mạnh đến 14% trong tháng 4 có thể sẽ khiến các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ sớm tăng sản lượng để giành thêm thị phần. Bên cạnh đó, có dấu hiệu cho thấy tình trạng thừa cung toàn cầu đang giảm. Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng tình trạng thừa cung có thể cản trở đà tăng của giá dầu.
Vào đầu phiên ngày 27/4 giá dầu tăng mạnh khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố dự báo hoạt động sản xuất dầu của các nước ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ giảm sâu nhất trong 1 thập kỷ. Tuy nhiên sau đó khi đồng USD hồi phục mạnh, thông tin sản xuất Mỹ được công bố và số liệu về dự trữ năng lượng tại Cushing được đưa ra, giá dầu lại giảm sâu.
Các nhà phân tích của Wall Street Journal dự đoán, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 22/4 tăng 1,7 triệu thùng, trong khi dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất lại giảm. Trong khi đó, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ngày 26/4 cũng công bố số liệu về lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 22/4 giảm 1,1 triệu thùng, dự trữ xăng giảm 398.000 thùng và nguồn cung sản phẩm chưng cất giảm 1 triệu thùng. Giới phân tích cho rằng sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tiếp tục giảm khi nhiều công ty dầu mỏ cắt giảm đáng kể chi phí đầu tư vào hoạt động thăm dò và khai thác.
Kết quả cuộc khảo sát các chuyên gia do Wall Street Journal thực hiện cho thấy nhiều khả năng EIA sẽ công bố dự trữ dầu thô tăng 1,7 triệu thùng trong tuần, tuy nhiên dự trữ các sản phẩm xăng dầu trong đó có xăng và dầu diesel sẽ giảm sâu. Viện Xăng dầu Mỹ (API) vào cuối ngày 26/4 cũng công bố một báo cáo độc lập khác, theo đó trong tuần qua dự trữ dầu thô giảm 1,1 triệu thùng, dự trữ xăng giảm 398 nghìn thùng.
Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của Bộ trưởng Năng lượng Nga lại khẳng định, nước này sẽ có thể nâng sản lượng dầu lên mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Iran vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu dầu lên mức 4 triệu thùng/ngày còn Saudi Arabia dọa sẽ khiến thị trường thế giới “ngập” trong dầu.
Nếu tính từ mức giá thấp nhất trong 13 năm được thiết lập vào tháng 2/2015, giá dầu hiện đã tăng hơn 68%, bởi dự báo sản xuất năng lượng tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới sẽ thu hẹp, trong khi nhu cầu dầu sẽ duy trì ở mức cao. Tuy nhiên không ít chuyên gia cảnh báo không nên quá lạc quan bởi chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng dư thừa nguồn cung dầu đã được giải quyết triệt để.
Kéo dài thêm 10 tiếng đồng hồ so với dự kiến ban đầu, hội nghị ở Doha đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào về nguồn cung được đưa ra. Các cuộc đàm phán đổ vỡ sau khi Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh không thể đạt được thỏa thuận mà không có sự tham gia của Iran – quốc gia vắng mặt trong sự kiện này. Theo Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Citigroup, cuộc họp vừa qua là minh chứng rõ ràng cho thấy Chính phủ Saudi không muốn giảm thị phần. “Họ sợ rằng thị trường thế giới sẽ ở trong tình trạng giá xuống trong một thời gian dài nữa, và giống như những gì đã học được từ thời kỳ những năm 1980, nếu để mất thị phần thì sẽ rất khó quay trở lại”.
Giá dầu thế giới bắt đầu sụt giảm mạnh kể từ tháng 11/2014, khi OPEC (dẫn đầu bởi người Saudi) tuyên chiến với Mỹ để giành lại thị phần thay vì cắt giảm sản lượng giống như trong quá khứ. Giá dầu thô biển Bắc đã giảm từ mức trung bình 111 USD/thùng của năm 2011 xuống chỉ còn 35 USD/thùng kể từ đầu năm đến nay. Nhưng kết quả nghiên cứu mới nhất do Tổng thư ký OPEC, ông Abdullah El-Badri, công bố, thì thị trường dầu thế giới sẽ bắt đầu cân bằng từ quý 3 năm nay, rồi sau đó cầu sẽ vượt cung từ năm 2017 dù không có thỏa thuận duy trì sản lượng nào được đưa ra. Khả năng OPEC sẽ lại bàn về mục tiêu không tăng sản lượng để cứu giá trong buổi họp sắp tới vào tháng 6 tới, cũng được Tổng thư ký OPEC nhắc đến.
Thegioibantin.com,
Nguồn: SONG ANH, Nangluongvietnam online