Thị trường dầu mỏ trước diễn biến “nóng” ở Libya
Khi Tripoli đang tiếp tục “nóng” bởi chiến sự leo thang, thị trường dầu đang có nhiều xáo trộn bất ổn định và giới thương gia lại hồi hộp dõi theo những diễn biến ở Libya. |
Những xáo trộn đầy bất ổn trên thị trường dầu mỏ
Trong tuần qua, giá dầu thế giới đã giảm mạnh do giới đầu tư lo ngại nguy cơ một cuộc suy thoái mới khởi nguồn từ Mỹ và châu Âu sẽ lan rộng ra toàn thế giới, đe dọa nhu cầu về dầu trên toàn cầu, và khép lại tuần qua, tính chung, giá dầu ở các hợp đồng đều giảm so với cuối tuần trước nữa.
Không chỉ riêng thị trường dầu mỏ, chuyên gia phân tích Filip Petersson thuộc SEB Commodity Research cho rằng: tại thời điểm này, sự lo ngại đang bao phủ các thị trường tài chính và phần lớn các khu vực trên thế giới đều đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bất ổn, đe dọa nhiều tới tiến trình hồi phục.
Nhà phân tích về dầu mỏ John Kilduff tại Again Capital cho biết, hiện triển vọng về nhu cầu dầu mỏ khá ảm đạm, song giới đầu tư vẫn hy vọng một sự biến chuyển về tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm nay và năm tới, từ đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng tăng lên.
Song, bức tranh tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn còn nhiều quan ngại, bởi người khổng lồ Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời là quốc gia tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất toàn cầu, vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn trước mắt.
Nhờ sự hồi phục của chứng khoán toàn cầu và sự suy yếu của đồng USD, giá dầu phiên đầu tuần ngày 15/8 đồng loạt đi lên ở tất cả các thị trường trên thế giới.
Tuy nhiên, ngay trong phiên 16/8 kế tiếp, giá dầu đã quay đầu đi xuống trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức và Pháp, nhằm thảo luận về các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng lan rộng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trong phiên 17/8, giá dầu lại phục hồi đi lên mặc dù tâm lý thị trường vẫn còn rất xấu sau khi cuộc họp của các nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã không thể xoa dịu những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone.
Theo các nhà phân tích, những quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone vẫn đè nặng tâm lý giới đầu tư, ngay cả sau khi Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bàn về việc tăng cường sự hợp nhất trong khối cũng như bảo vệ đồng euro và đẩy lùi cơn bão nợ công.
Thêm vào đó, theo Cơ quan thống kê liên bang Đức, GDP của Đức chỉ tăng 0,1% trong quý II/2011 (làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ mất đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu), trong khi tăng trưởng GDP của khu vực 17 thành viên Eurozone trong cùng kỳ cũng chậm lại ở mức 0,2%.
Giá dầu tiếp tục sụt giảm mạnh trong hai phiên cuối tuần 18 và 19/8 trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, trong khi các thị trường đón nhận một loạt số liệu kinh tế xấu mới nhất từ Mỹ, cùng với những bất ổn mới của hệ thống ngân hàng châu Âu, khiến giới đầu tư nản lòng và các thị trường chìm ngập trong nỗi lo lo về khả năng một đợt suy thoái tiếp theo tại Mỹ và châu Âu.
Chỉ tính riêng trong phiên ngày 18/8, giá dầu đã để mất tới gần 6% trên các thị trường New York và London, khi các thị trường cổ phiếu toàn cầu hoảng loạn lao dốc.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 19/8, tại New York và London, đà giảm đã có phần nào được chặn lại, tuy trong phiên giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9/2011 và giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 10/2011 đã có lúc giảm sâu xuống 79,17 USD/thùng và 105,06 USD/thùng trước khi hồi phục vào cuối phiên.
Khép lại tuần qua, tại các thị trường New York và London, giá hai hợp đồng dầu trên chốt tuần ở các mức lần lượt là 83,04 USD/thùng (giảm so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước nữa là 86,63 USD/thùng) và 108,51 USD/thùng (so với cuối tuần trước nữa là 108,48 USD/thùng).
Trong một thông tin có liên quan, theo các nhà phân tích thị trường dầu lửa thế giới, Mỹ đã không còn vị thế chi phối thị trường dầu lửa thế giới và quyền lực này nay đã thuộc về thế giới đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi.
Giới đầu tư hồi hộp dõi theo diễn biến ở Tripoli…
Các thương nhân tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến của tình hình Tripoli, bởi họ lo ngại chiến sự ở quốc gia dầu mỏ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường dầu thế giới.
Kênh truyền hình Al-Jazeera đưa tin lực lượng nổi dậy Libya tối 21/8 tuyên bố họ đã kiểm soát thủ đô Tripoli ngoại trừ thành trì Bab al-Aziziyah đồng thời đã chiếm Quảng trường Xanh ở trung tâm Thủ đô.
Quan chức cao cấp của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) Abdullah Almayhop cho biết lực lượng nổi dậy đang loại bỏ những gì còn lại của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Cùng ngày, điều phối viên NTC Adel Dabbechi thông báo Mohammed Al-Gaddafi, con trai cả của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, đã đầu hàng lực lượng nổi dậy. Trước đó, người con trai thứ Saif Al-Islam cũng đã bị bắt.
Về phía mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi cần nhận thức được rằng chế độ của ông đã đến ngày tàn và nên từ chức ngay lập tức để cứu người dân Libya tránh khỏi cảnh đổ máu.
Đồng thời ông Obama cũng kêu gọi các phiến quân Libya tôn trọng nhân quyền và bảo đảm cho các tổ chức nhà nước phát triển theo hướng dân chủ.
Theo tin mới nhất hôm nay, ngày 22/8, dầu tiếp tục giảm ngày thứ 3 tại New York sau khi phiến quân Libya tiến vào Thủ đô Tripoli và các dữ liệu kinh tế tiêu cực từ Mỹ làm dấy lên mối lo ngại nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sẽ giảm.
Giá dầu thô tương lai giao tháng 10 giảm 1% trước dự báo Libya sẽ dần hồi phục hoạt động sản xuất. Dầu Brent giao dịch ở London giảm 1,8% trước dự đoán đơn đặt hàng thiết bị của các công ty Mỹ giảm trong tháng 7, dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng kinh tế đang suy yếu.
Giá dầu thô giao tháng 10, loại hợp đồng được giao dịch nhiều nhất, giảm 84 cent xuống 81,57 USD/thùng trong giao dịch điện tử tại New York Mercantile Exchange, và giao dịch ở mức 82,25 USD/thùng lúc 10h29 tại Australia.
Giá dầu tương lai giao tháng 9 hết hạn vào hôm nay, giảm 6 cent xuống còn 82,2 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 10 giảm 1,55 USD xuống còn 107,07 USD/thùng tại sàn ICE của London.
Nguồn: petrotimes