Tiềm năng dầu khí của các bể trầm tích trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam
Vừa qua, tại khách sạn Sông Hồng (Vĩnh Phúc), Viện Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tiềm năng dầu khí của các bể trầm tích trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện 7 nhóm tác giả trình bày về đặc điểm cấu trúc địa chất, hệ thống dầu khí, tiềm năng dầu khí các khu vực: bể Cửu Long, bể Phú Khánh, cụm bể Hoàng Sa, bể trầm tích Sông Hồng, bể Nam Côn Sơn, Trường Sa – Tư Chính – Vũng Mây, bể Mã Lai – Thổ Chu – Phú Quốc…
Hội thảo cũng đã nghe lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các chuyên gia trong lĩnh vực địa chất, tìm kiếm thăm dò dầu khí của Petrovietnam góp ý về phương pháp đánh giá khả năng sinh dầu khí tại các cấu tạo trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, thông số đánh giá tiềm năng dầu khí… là cơ sở dữ liệu quan trọng để tập thể tác giả bổ sung, hoàn thiện đề án.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam TS Đỗ Văn Hậu nhấn mạnh: Việc hoàn thành Dự án “Đánh giá tiềm năng Dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” có ý nghĩa rất quan trọng, là tư liệu chính xác nhất về tiềm năng dầu khí của Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở, định hướng để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Để dự án hoàn chỉnh đạt chất lượng cao nhất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu Viện Dầu khí Việt Nam huy động nguồn lực, trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực E&P của toàn ngành.
Qua hơn 33 năm xây dựng và phát triển, Viện Dầu khí Việt Nam đã thực sự trở thành một tổ chức khoa học công nghệ hàng đầu của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam, với một số lĩnh vực ngang tầm khu vực, có khả năng triển khai nghiên cứu phát triển và cung cấp dịch vụ khoa học – kỹ thuật cho toàn bộ chuỗi công nghiệp dầu khí. Đặc biệt trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, hoạt động khoa học công nghệ của Viện Dầu khí Việt Nam tập trung chủ yếu vào xử lý, minh giải tài liệu địa chất, địa vật lý đã góp phần làm sáng tỏ các cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng dầu khí các bể trầm tích trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam cũng như ở nước ngoài – nơi có hoạt động dầu khí của Tập đoàn như: Algeria, Malaysia, Iraq…
Đồng thời, Viện Dầu khí Việt Nam góp phần vào việc phát hiện dầu khí trong đá móng trước Kainozoi, chú trọng nghiên cứu xây dựng các mô hình địa chất, mô phỏng mỏ dầu khí làm cơ sở tối ưu hóa công tác khoan, khai thác, bơm ép nước, gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi dầu; đồng hành cùng Tập đoàn và các đơn vị thành viên thực hiện công tác thăm dò, khai thác mỏ ở nước ngoài; bắt đầu triển khai nghiên cứu, xác định nguồn tài nguyên dầu khí phi truyền thống…
Nguồn: Petrotimes