Tìm phương án tích hợp nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh
Tại Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí (PVPro), Viện Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Đánh giá các phương án tích hợp nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh gắn với NMLD Dung Quất”.
Đây là hội thảo khoa học nhằm đánh giá giai đoạn 1 của hợp đồng đã ký giữa BSR và PVPro về “Đánh giá các phương án tích hợp nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh gắn với NMLD Dung Quất” thuộc chương trình nghiên cứu khoa học của BSR năm 2017.
Tại hội thảo đại diện của PVPro đã báo cáo về các mốc công việc đạt được theo hợp đồng đã ký trong giai đoạn 1, bao gồm các nội dung: nghiên cứu thị trường và công nghệ sản xuất các sản phẩm; đề xuất các phương án tích hợp nguồn khí Cá Voi Xanh vào NMLD Dung Quất; đánh giá lựa chọn phương án tích hợp; lên cấu hình phương án lựa chọn và đề xuất cơ chế ưu đãi, giá khí và lượng khí cần thiết để dự án có tính khả thi đầu tư.
Nghiên cứu trên cơ sở sản lượng khí Cá Voi Xanh; hiện trạng, kế hoạch nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất để từ đó đưa ra kết quả là: xác định sản phẩm tiềm năng; đề xuất một số phương án sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh và đánh giá, lựa chọn phương án đầu tư.
Hội thảo đã đi sâu thảo luận về lựa chọn sản phẩm và chuỗi sản phẩm tiềm năng dựa trên công suất tối đa có thể sản xuất (có xét đến dải công suất trung bình trên thế giới).
Về các phương án đánh giá đề đầu tư, PVPro đã đưa ra 4 phương án, đó là: phương án 1: Sử dụng toàn bộ khí Cá Voi Xanh để sản xuất hóa dầu; phương án 2: Sử dụng khí Cá Voi Xanh để thay thế nhiên liệu DCO & C2= và nguyên liệu cho HGU; phương án 3: Bao gồm phương án 2 và sản xuất Polypropylene thông qua PDH; phương án 4: Bao gồm phương án 2, hoặc phương án 3 kết hợp với sản xuất hóa dầu.
Các chuyên gia của BSR và PVPro thảo luận về các phương án được đưa ra đánh giá tại hội thảo.
Trên cơ sở các phương án được đưa vào đánh giá, hội thảo đã đi sâu phân tích dựa trên các tiêu chí như: tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế, mức độ ảnh hưởng đến hệ thống công nghệ của NMLD Dung Quất, thị trường, công nghệ… Để từ đó nhất trí kết luận sơ bộ với 2 phương án tối ưu cho đề xuất triển khai Pre-FS: phương án 1: Sử dụng làm nhiên liệu phối trộn tại Phân xưởng U 37 và nguyên liệu sản xuất Hydro; phương án 2: Sản xuất hóa dầu Polypropylene Copo Impact (theo phương án giá khí 7,88 USD/MMBtu).
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc BSR nhấn mạnh: “Trước khi vào giai đoạn 2 của hợp đồng cần phải xem xét kỹ lưỡng lại 2 phương án đã được lựa chọn và chứng minh được 2 phương án này là tốt nhất trên cơ sở xem xét đầy đủ các yếu tố như biểu giá chung, địa điểm triển khai dự án, thị trường khu vực, các yếu tố khác như điều kiện kinh tế, xã hội, vv…
Theo kế hoạch hợp đồng ký giữa BSR và PVPro, tới đây sẽ có báo cáo kết quả giai đoạn 2 vào tháng 9/2017 và hoàn thành, nộp báo cáo tổng kết vào tháng 10/2017.
Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100km về phía đông, do Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ) làm nhà điều hành. Mỏ khí này có trữ lượng thu hồi tại chỗ ước tính khoảng 150 tỷ m3, là dự án khí lớn nhất tại Việt Nam cho tới nay. Việc phát triển Dự án khí Cá Voi Xanh sẽ cung cấp nguồn khí quan trọng để ổn định và phát triển khu vực miền Trung, cũng như khả năng bổ sung năng lượng cho miền Nam sau này, tạo đà cho phát triển công nghiệp hóa dầu, tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, thêm động lực phát triển kinh tế địa phương và tạo nhiều công việc làm cho khu vực.
Tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9-10 tỷ m3, trong đó dành khoảng 1 tỷ m3 để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu.
Thegioibantin.com | Vina Aspire
Nguồn: Nangluongvietnam