Tình hình tài chính của PVN sẽ ra sao khi giá dầu xuống mức 30 USD/thùng?
Kịch bản giá dầu ở mức 30 USD/thùng đã được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tính đến trước áp lực giá dầu tiếp tục giảm sâu trong năm 2016.
Mặc dù Quốc hội thông qua phương án giá dầu 60 USD/thùng trong năm 2016 nhưng PVN đã xây dựng kế hoạch tài chính theo các phương án giá dầu ở mức 60, 55, 50, 40, 35, 30 USD/thùng.
Cụ thể, với phương án giá dầu ở mức 60 USD/thùng, tổng doanh thu toàn tập đoàn là 514,5 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách là 104,2 nghìn tỷ đồng. Trong khí đó, với phương án giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì tổng doanh thu đạt 354,6 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách là 57,3 nghìn tỷ đồng.
Đối với kết quả kinh doanh hợp nhất, trong trường hợp giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì PVN vẫn ước đạt 16,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Theo PVN, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi với mức tăng khoảng 3,2 – 3,8% so với năm 2015, và nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, sẽ tạo nhiều cơ hội cho Tập đoàn mở rộng sản xuất, xuất khẩu.
Tuy nhiên, với tốc độ phục hồi chậm của kinh tế, đặc biệt là giá dầu thô được dự báo là ở mức thấp và khó đạt mức trung bình của những năm 2014, 2015. Do đó, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập doàn không những trong năm 2016 mà còn là cả giai đoạn 2016 – 2020.
Do nguồn thu của Tập đoàn bị giảm nhiều, nhiều dự án lớn có mức đầu tư cao phải thúc đẩy tiến độ nên sức ép về thu xếp vốn là rất lớn. Việc vay vốn từ các tổ chức quốc tế gặp khó khăn do lệnh trừng phạt kinh tế của các nước EU và Mỹ với Nga; việc vay vốn của các tổ chức tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn do các quy định hiện hành chưa đồng bộ và thống nhất.
Theo đó, để đạt mục tiêu trên, PVN cho rằng bên cạnh việc thực hiện các giải pháp chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành để thực hiện mục tiêu, thì cần phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện. Theo đó, bám sát diễn biến giá dầu năm 2016 để chỉ đạo và có các giải pháp kịp thời ứng phó với những biến động của giá dầu ở từng thời điểm.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cho rằng vấn đề cần tập trung là tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; đưa các giải pháp công nghệ nâng cao hiệu quả kinh doanh; nâng cao công tác quản trị rủi ro; củng cố và tăng cường công tác dự báo thị trường để chủ động cân đối hợp lý sản lượng khai thác của từng mỏ so với giá thành.
Từ đó, điều phối hợp lý sản lượng khai thác, xuất khẩu và chế biến để đảm bảo hiệu quả giữa chỉ tiêu tăng GDP, thu ngân sách, đảm bảo an ninh năng lượng và hiệu quả của doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tài chính từ cân đối nguồn vốn, dòng tiền cho nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu.
Trong năm 2015, giá thành dầu trung bình của hầu hết các mỏ dầu của Tập đoàn đang khai thác đều có giá dưới 50 USD/thùng, trung bình là 24,4 USD/thùng, giảm 12,4 USD/thùng so với giá trung bình mà kế hoạch đặt ra là 36,8 USD/thùng. Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng các đơn vị của PVN cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để giảm chi phí giá thành để đạt mục tiêu đề ra.
Trong kế hoạch đặt ra, PVN phấn đấu sẽ ký 2 – 3 hợp đồng dầu khí mới; đưa 04 mỏ và công trình dầu khí mới ở trong nước vào khai thác gồm Thiên Ưng; Rồng RC-9; Thỏ Trắng và Sư Tử Trắng; thực hiện dự án phát triển mỏ Lô B; Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; Long Phú 1; Quảng Trách 1; Sông Hậu 1; dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2; Lọc dầu Nghi Sơn… (Trí Thức Trẻ 11/1, mục kinh tế vĩ mô, tác giả An Ngọc; Đại Biểu Nhân Dân 12/1, tr4).
ThegioiBantin.com