Yếu tố nào “nhấn chìm” giá dầu thế giới?
Ít nhất từ nay cho đến vài tháng tới và thậm chí nửa đầu năm 2016, giá dầu sẽ vẫn trong xu thế giảm, đó là nội dung một dự báo với 5 yếu tố chính về xu thế giá dầu được CNBC đăng tải mới đây.
Nguồn cung dầu thế giới trở nên dư thừa ở thời điểm nhu cầu dầu của nhóm nước mới nổi và Trung Quốc đi xuống – Ảnh: BusinessInsider
Những phiên gần đây, giá dầu liên tiếp giảm. Trong phiên giao dịch gần nhất vào ngày thứ Tư, đã có lúc giá dầu hạ xuống mức 44,86 USD/thùng, thấp nhất trong 3 tuần.
1. Iran tham gia vào thị trường năng lượng
Các công ty sản xuất năng lượng lớn của thế giới tiếp tục duy trì sản lượng dầu ở mức cao trong khi nhu cầu tiếp tục đi xuống. Trong khi các “ông lớn” dầu mỏ ở khu vực Trung Đông muốn duy trì giá dầu ở mức thấp để gây sức ép buộc Mỹ phải thu hẹp ngành sản xuất dầu đá phiến thì các công ty Mỹ lại chứng tỏ khả năng chống đỡ rất tốt. Hiện nay, các công ty Mỹ vẫn cung ra thị trường 9 triệu thùng dầu/ngày.
Tháng 7/2015, Mỹ và 5 nước khác đã đồng ý sẽ giỡ bỏ lệnh trừng phạt với Iran để đổi lấy việc nước này thu hẹp chương trình hạt nhân, Chủ nhật vừa qua thỏa thuận này đã được chấp thuận lần cuối bởi Iran giữ đúng cam kết với chương trình hạt nhân.
Một quan chức Iran cho biết nước này đã đàm phán xong với các đối tác châu Âu và châu Á muốn mua dầu. Ngay khi lệnh trừng phạt chấm dứt, Iran sẽ xuất đi 500 nghìn thùng dầu/ngày.
Tuy nhiên, tất cả những vấn đề liên quan đến Iran sẽ phải chờ đến quyết định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào ngày 15/12/2015.
2. Nguồn cung dầu thừa mứa
Dù thời gian gần đây, thị trường đón nhận một số thông tin về việc Mỹ đang giảm nguồn cung dầu ra thị trường nhưng tính chung lại, tổng mức giảm quá thấp, không đủ để khiến giá dầu tăng.
Số liệu mới nhất cho thấy dự trữ dầu tại Mỹ trong tuần qua lại tăng đột biến 8 triệu thùng và đẩy tổng dự trữ dầu chỉ ở riêng khu vực Gulf Coast lên đến mức kỷ lục 247,2 triệu thùng dầu.
Theo tính toán của ngân hàng Barclays, trong quý 2 và quý 3, nguồn cung dầu thế giới tăng nhanh hơn nhu cầu đến 57%. Mỹ hiện đang cung ra thị trường 2 triệu thùng dầu/ngày.
Các “đại gia” dầu lửa Trung Đông cũng không chịu “lùi bước” trong cuộc chiến giá dầu. Saudi Arabia tiếp tục cung mạnh dầu ra thị trường, sản lượng hàng ngày ở mức 1,3 triệu thùng dầu.
3. Ngành công nghiệp dầu đá phiến
Mùa thu năm ngoái, Saudi Arabia và các nước thuộc OPEC đã từng “thề” sẽ không ngừng duy trì sản lượng để ngăn chặn các nước ngoài phát triển ngành khai thác năng lượng. Thế nhưng quyết tâm của nhóm này đã không cản được bước tiến của Mỹ.
Sự phát triển của ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ đã tác động rất mạnh đến đường đi của giá dầu. Dù ngành có chịu một số ảnh hưởng tiêu cực khi giá dầu duy trì ở mức thấp trong thời gian quá lâu nhưng với tiềm lực tài chính và trình độ công nghệ cao, giới chuyên gia nhận định ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ sẽ không phải thu hẹp quy mô dù giá dầu còn giảm.
Tác động thực sự của giá dầu thấp lên ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ, theo nhận định của nhiều chuyên gia năng lượng, sẽ chỉ đến sau khoảng từ 2 đến 3 quý nữa
4. Các “ông lớn” dầu mỏ đua tăng sản lượng
Hiện nay, Nga và Saudi Arabia là hai nước sản xuất dầu lớn nhất và dù giá dầu giảm hai nước vẫn quyết tâm duy trì sản lượng ít nhất là để giữ thị phần, sau đó là giành thêm thị phần ngay khi có cơ hội.
Chính Saudi Arabia “đạo diễn” cho OPEC dùng chiến thuật giá dầu thấp để hạn chế sản xuất năng lượng ngoài OPEC. Trong buổi họp sắp tới của OPEC vào tháng 12 năm nay, nhiều khả năng chiến lược này vẫn không thay đổi.
Giá dầu thấp giống như chiếc boomerang đang gây ra quá nhiều ảnh hưởng xấu lên cân bằng ngân sách của Nga và Saudi Arabia. Nếu cục diện thị trường dầu không thay đổi, Saudi Arabia có thể cạn kiệt dự trữ quốc gia sau 3 năm nữa.
5. Nhu cầu dầu của thế giới thấp
Nguồn cung dầu thế giới trở nên dư thừa ở thời điểm nhu cầu dầu của nhóm nước mới nổi và Trung Quốc đi xuống. Những nỗi lo về kinh tế Trung Quốc đã ám ảnh thị trường dầu suốt hơn 1 năm qua. Mới đây nhất, thị trường có thêm lý do để lo lắng khi Trung Quốc công bố GDP quý 3/2015 tăng trưởng chỉ 6,9%, thấp hơn mức 7% của quý trước đó.
Trong tuần này, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục ở mức thấp cho đến năm sau và hạ dự báo giá dầu. WB dự báo giá dầu sẽ ở mức trung bình khoảng 52 USD/thùng trong năm nay, tính toán của WB trước đó là 57 USD/thùng. WB cho rằng giá dầu thế giới sẽ ở mức trung bình 51 USD/thùng trong năm 2016.
WB khẳng định việc Iran trở lại thị trường dầu sẽ gây áp lực lên giá dầu thế nhưng nguồn cầu yếu mới là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng lên giá dầu. Trong nhận định mới nhất của mình, Barclays dự báo giá dầu Brent sẽ dao động quanh mức 53 USD/thùng trong quý 4 và lên mức 63 USD/thùng.
Nguồn: Vneconomy