Yêu thương và dính mắc
Đức Phật đã dạy các bài thực hành nuôi dưỡng lòng Từ ái. Các bài thực hành này đòi hỏi phải gửi năng lượng yêu thương vào bên trong cho chính mình, sau đó hướng ra ngoài cho những người khác, đồng thời đọc những lời mong ước như “Mong cho tôi được hạnh phúc” và “Mong cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc” – song những lời mong ước này không phải là những suy nghĩ nguyện ước đơn thuần. Chúng là một phần thực hành có thể thực sự chuyển hóa trái tim của bạn – và cả bộ não của bạn! Nghiên cứu cho thấy thiền Tâm Từ có những lợi ích đáng kể từ việc gia tăng hạnh phúc cho đến giảm bớt bệnh tật và cải thiện trí tuệ cảm xúc.
YÊU THƯƠNG VÀ DÍNH MẮC
“Tâm Từ không phải là tình yêu thương thông thường. Đó là loại tình yêu mà chúng ta cảm thấy trong toàn bộ cơ thể mình, một tình yêu thương vô điều kiện, không có động cơ thầm kín – và không coi những điều khác là đối lập. Nó không bao giờ có thể chuyển thành thù hận; đơn giản là sự phân biệt yêu-ghét không tồn tại.
Khi chúng ta nói chúng ta yêu thích một người hoặc một điều nào đó, chúng ta thường có ý muốn nói rằng ngoại hình, cách cư xử, tư tưởng, hoặc thái độ của người đó bù đắp cho sự thiếu hụt trong ta. Chúng ta không thực sự hiểu rõ người kia.
Nếu các đặc điểm của họ thay đổi, chúng ta có thể không còn cảm thấy yêu nữa. Khi thị hiếu, sở thích hay suy nghĩ của chúng ta thay đổi, chúng ta cũng có thể hết yêu. Chúng ta yêu bây giờ, nhưng có thể sau này chúng ta lại ghét. Chúng ta yêu khi mọi thứ êm thấm và dễ dàng, nhưng chúng ta có thể cảm thấy điều ngược lại khi mọi thứ trở nên khó khăn. Khi tình yêu của chúng ta giống như vậy, thì cái mà chúng ta gọi là “tình yêu” đó không phải là Tâm Từ, mà là ham muốn, tham lam, hoặc thậm chí là lợi dụng.
Thiền sư Joseph Goldstein giải thích về Tâm Từ như thế này:
‘Loại tình yêu này có nhiều phẩm chất để phân biệt nó với những trải nghiệm tình yêu thông thường khác bị lẫn với ham muốn hoặc dính mắc [chấp thủ]. Sinh ra từ lòng tốt cao thượng, Tâm Từ là sự quan tâm và tử tế, không tìm kiếm lợi ích cho bản thân. Nó không tìm kiếm bất cứ điều gì đáp lại hoặc để trao đổi: “Tôi sẽ yêu bạn nếu bạn yêu tôi”, hay “Tôi sẽ yêu bạn nếu bạn cư xử như thế này.” Từ ái không bao giờ gắn với bất cứ điều gì bất thiện mà luôn sinh ra từ một tâm thanh tịnh.’
Tâm thanh tịnh này cho phép chúng ta cảm thấy tình thân ái nhiệt thành với tất cả chúng sinh là điều tự nhiên đối với chúng ta. Khi chúng ta nuôi dưỡng Từ ái, chúng ta chỉ đơn thuần là để cho sự rộng lượng bẩm sinh của mình được đâm chồi nảy lộc.
Khi tôi lên tám tuổi, tôi bị mất thị lực vào ban đêm, có lẽ là do suy dinh dưỡng. Cứ khi trời tối, tôi như thể bị mù. Tôi không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì, ngay cả dưới ánh sáng đèn dầu. Các anh chị tôi trêu chọc tôi về điều đó, cho rằng tôi giả vờ, nhưng mẹ tôi lại khá lo lắng. Bà đến gặp thầy lang trong làng, và được đưa cho một thang thảo dược có vị đắng mang về cho tôi. Nó được làm từ một loại thảo mộc, nhưng thầy lang không cho bà biết tên loại thảo mộc đó. Nhiều người ở Sri Lanka tin rằng thảo dược có sức mạnh thần bí, và các thành phần của chúng thường được giữ bí mật.
Mẹ tôi có nhiệm vụ nghiền thảo mộc thành bột và cho tôi ăn mỗi ngày cho đến khi thị lực của tôi được cải thiện. Loại bột đó có vị rất khó nuốt, và càng tệ hơn khi tôi phải uống cái thứ thuốc trộn kinh tởm đó vào sáng sớm, lúc bụng tôi đang rỗng. Để cho tôi uống thuốc đó, mẹ tôi phải dùng sức mạnh của tình yêu.
Trước khi bất cứ ai khác trong nhà thức dậy, mẹ ôm tôi vào lòng, hôn tôi, và thì thầm kể cho tôi nghe những câu chuyện. Sau vài phút, tôi thấy thoải mái và vui vẻ tới mức tôi sẽ làm bất cứ điều gì mẹ yêu cầu. Đó là lúc mẹ đưa thuốc vào miệng tôi và bảo tôi nuốt nó thật nhanh. Bà luôn trộn thứ bột đắng ngắt đó với đường, dù nó vẫn có vị rất tệ. Sau vài tháng uống thuốc hàng ngày như vậy, tôi đã hoàn toàn hồi phục thị lực.
Bây giờ, sau nhiều năm, tôi hiểu được sức mạnh của Từ ái. Nó giúp chúng ta nuốt trôi những cay đắng cuộc đời.
Đức Phật đã sử dụng sức mạnh của Tâm Từ để “nhiếp phục” nhiều kẻ thù của mình. Trong một câu chuyện, Đức Phật khi cùng với các đệ tử đang trên đường đi khất thực trở về thì bị người anh họ độc ác và đầy tham vọng của mình là Devadatta thả một con voi dữ ra. Khi con vật khổng lồ lao về phía Đức Phật, rống lên ầm ĩ, Đức Phật đã niệm rải Tâm Từ hướng tới nó. Ananda, Thị giả tận tụy của Phật, chạy đến trước Đức Phật để che chắn cho Ngài, nhưng Đức Phật yêu cầu Ananda bước sang một bên, bởi Ngài biết rằng việc rải tình thương đó là đủ. Việc niệm rải Tâm Từ của Đức Phật có tác dụng mạnh mẽ và ngay lập tức. Khi con voi đến sát Đức Phật, nó đã hoàn toàn được thuần hóa và quỳ xuống trước Đức Phật một cách lễ phép. Từ ái là một khả năng tự nhiên ẩn giấu bên dưới tham sân si của chúng ta. Nó được nuôi dưỡng thông qua trí tuệ và chánh niệm. Không ai có thể tặng nó cho chúng ta. Chúng ta phải tìm nó trong chính mình và tu tập nó một cách chánh niệm. Khi bản ngã không cản đường, Từ ái tự nhiên xuất hiện.
Thiền sư Joseph Goldstein cho biết thêm: ‘Tâm Từ không tạo sự phân biệt giữa chúng sinh. Nó bao trùm lấy tất cả; không có ai bị bỏ ra ngoài phạm vi của nó.’
Từ ái là cảm giác đồng cảm ấm áp, một cảm giác kết nối với tất cả chúng sinh. Bởi vì chúng ta mong muốn an lành, hạnh phúc và niềm vui cho chính mình, chúng ta biết mọi chúng sinh đều mong muốn những điều này. Từ ái lan tỏa ra khắp thế giới ước muốn cho tất cả mọi chúng sinh đều được hưởng một cuộc sống thoải mái với sự hòa hợp, coi trọng lẫn nhau và đủ đầy xứng đáng.
Mặc dù tất cả chúng ta đều có hạt giống Từ ái bên trong, nhưng chúng ta vẫn phải nỗ lực để nuôi dưỡng nó. Khi chúng ta cứng rắn, bực dọc, căng thẳng, băn khoăn, lo lắng và sợ hãi, khả năng Từ ái tự nhiên của chúng ta không thể phát triển. Để nuôi dưỡng hạt giống Từ ái, chúng ta phải học cách thư giãn. Ở trạng thái tâm bình an, như khi chúng ta có được từ thiền chánh niệm, chúng ta có thể quên đi những khác biệt với người khác và tha thứ cho lỗi lầm, điểm yếu và những sai phạm của họ trong quá khứ. Khi đó, Từ ái tự nhiên tăng trưởng trong chúng ta.
Từ ái bắt đầu từ suy nghĩ. Thông thường, tâm của chúng ta luôn tràn đầy các quan điểm, ý kiến, niềm tin, ý tưởng. Chúng ta được điều chỉnh bởi văn hóa, truyền thống, giáo dục, các liên kết, và trải nghiệm của chúng ta. Từ những điều kiện này, chúng ta phát triển các định kiến và phán xét. Những ý tưởng cứng nhắc này kìm hãm lòng Từ ái tự nhiên của chúng ta.
Tuy nhiên, giữa mớ suy nghĩ lộn xộn này, ý tưởng về sự kết nối thân thiện và ấm áp của chúng ta với những người khác đôi khi xuất hiện. Chúng ta thoáng thấy nó như chúng ta có thể thoáng thấy một cái cây dưới ánh chớp. Khi chúng ta học cách thư giãn và buông bỏ sự tiêu cực, chúng ta bắt đầu nhận ra những thành kiến của mình và không để chúng chi phối tâm mình. Lúc đó, ý nghĩ Từ ái bắt đầu tỏa sáng, cho thấy sức mạnh và vẻ đẹp thực sự của nó.
Như tôi đã nói, Từ ái mà chúng ta muốn vun đắp không phải là tình yêu như chúng ta thường hiểu. Khi bạn nói bạn yêu một ai đó, những gì bạn nghĩ trong đầu mình nói chung là một cảm xúc được điều chỉnh bởi hành vi hoặc đặc tính của người đó. Có thể bạn ngưỡng mộ dáng vẻ, phong cách, ý tưởng, giọng nói hoặc thái độ của người đó. Tuy nhiên, nếu những điều này thay đổi, hoặc thị hiếu, sở thích và suy nghĩ của bạn thay đổi, cái bạn gọi là tình yêu đó cũng có thể thay đổi. Trong những trường hợp cực đoan, loại tình yêu mang tính nhị nguyên này gắn với sự ghét bỏ. Bạn có thể yêu người này và ghét người kia. Hoặc bây giờ bạn yêu một người và về sau lại ghét họ.
Hoặc bạn yêu khi bạn cảm thấy thích và không yêu khi không cảm thấy thích. Hoặc bạn yêu khi mọi chuyện đều suôn sẻ, màu hồng và ghét khi có điều gì xấu xảy ra. Nếu tình yêu của bạn thay đổi theo thời gian, địa điểm, và hoàn cảnh như thế này, thì cái mà bạn gọi là tình yêu không phải là điều mà Đức Phật dạy, không phải là Chánh Tư duy về Từ ái. Nó có thể là ham muốn, là tham lam về vật chất, là khát vọng được yêu thương, hay những kiểu tham lam được ngụy trang khác. Tâm Từ thực sự không có động cơ thầm kín. Nó không bao giờ chuyển thành sự ghét bỏ khi hoàn cảnh thay đổi. Nó không bao giờ khiến bạn tức giận nếu bạn không được quý mến lại. Từ ái khiến bạn cư xử tử tế với tất cả chúng sinh vào bất kỳ lúc nào và nói năng hiền hòa từ tốn cho dù họ có mặt hay vắng mặt.
Khi đã hoàn toàn thuần thục, mạng lưới Từ ái của bạn bao trùm lên vạn vật trong vũ trụ không có ngoại lệ. Không có giới hạn, không có ranh giới. Suy nghĩ Từ ái không chỉ bao trùm tất cả chúng sinh vào thời điểm hiện tại, mà còn là mong muốn của bạn cho tất cả chúng sinh, không phân biệt hay thiên vị, luôn hạnh phúc trong tương lai vô hạn.”
→Trích từ cuốn sách “Tâm Từ – Thực hành căn bản“
Nguyên tác: Loving-kindness in Plain English
Tác giả: BHANTE GUNARATANA
Về tác giả
Thiền sư Bhante Henepola Gunaratana là một thiền sư đương đại nổi tiếng. Độc giả Việt Nam đã quen thuộc với nhiều tác phẩm của vị thiền sư này như “Bát Chánh Đạo–Con đường đến Hạnh phúc” (The Eight Mindful Steps to Happiness) và “Hành trình đến Chánh Niệm” (Journey to Mindfulness) – cuốn tự truyện của Ngài đều do Diệu Liên Lý Thu Linh dịch; “Con đường Thiền Chỉ và Thiền Quán” (sư Pháp Thông dịch) và đặc biệt là, “Chánh Niệm thực tập Thiền Quán” (Mindfulness in Plain English) do Nguyễn Duy Nhiên dịch. Các cuốn sách gần như đã là tựa sách quen thuộc cho nhiều người muốn tìm hiểu và thực hành Thiền.
Giới thiệu cuốn sách
Với phong cách diễn đạt quen thuộc của thiền sư Gunaratana: dễ hiểu, sinh động với nhiều ví dụ minh họa xuất phát từ Kinh điển cũng như trong thực tế trải nghiệm của mình, cuốn Tâm Từ Thực hành căn bản (Loving Kindness in Plain English) sẽ giúp bạn đọc kể cả những người mới hay chưa tiếp xúc với Đạo Phật có thể hiểu được nội dung và biết cách ứng dụng vào cuộc sống của mình. Phần phụ lục cuối sách là các bài Kinh nói về Tâm Từ và bài thực hành Tâm Từ do chính thiền sư biên soạn.
Cuốn sách dành cho những người muốn có thêm nhiều yêu thương trong cuộc sống, để nâng cao sức khỏe, cải thiện mối quan hệ và phát triển trong thiền tập.
Link đặt sách
https://bitly.com.vn/gcxp5z
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/yeu-thuong-va-dinh-mac