Đi qua quá nửa đời người, tôi ước rằng được dạy 8 bài học sâu sắc này ở tuổi 30: Nếu biết sớm đã chẳng phải tiếc nuối thế này
Cuộc sống luôn chuyển động không ngừng, vì thế con người ai cũng vậy, cũng sẽ phải thay đổi. Theo thời gian, sẽ có người kết hôn, rồi sinh con. Đến khi tuổi già chia cắt, sẽ có người đi kẻ ở lại. Đời người là như vậy đấy!
Hồi tuổi tác vẫn chỉ dừng lại ở đầu hai, tôi thường đi ăn trưa cùng sếp, tán gẫu mọi thứ chuyện trên trời dưới biển. Một hôm sếp bảo với tôi rằng sắp 30 tuổi rồi thì phải bắt đầu sống có trách nhiệm. Tôi không nghĩ đó thực sự là một lời khuyên hữu ích với mình. Cho đến hiện tại, khi đã 40, tôi lại ước mình đã suy nghĩ nghiêm túc về câu nói ấy.
Dưới đây là 8 bài học tôi đã đúc kết được trong suốt 40 năm cuộc đời, có lẽ hơn nửa cuộc đời rồi. Đó là những điều tôi khao khát được ai đó chỉ bảo từ một thập kỷ trước.
1. Hãy chăm sóc ba mẹ khi còn có thể
Ba mẹ tôi đều ngoài 70 tuổi, sức khỏe của ông bà đều đáng lo ngại. Họ gặp phải các vấn đề sức khỏe về nồng độ cholesterol cao, suy giảm thính lực và phải dùng rất nhiều loại thuốc cũng như bác sĩ thăm khám ngày càng thường xuyên hơn. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu tiền sử bệnh lý của ông bà để biết hướng điều trị cũng như dùng thuốc khi có bất cứ vấn đề bất ngờ nào phát sinh.
Điều tôi muốn nói là hãy chăm sóc ba mẹ thật chu đáo, mang đến những điều tốt nhất mình có thể làm khi họ còn sống. Một mẹ có thể chăm được mười con, mười con chưa chắc đã chăm được một mẹ. Tuy nhiên, hãy dùng hết khả năng của mình để chăm sóc những đấng sinh thành đừng để đến khi mộ xanh cỏ mới làm mâm cao cỗ đầy thể hiện tiếc thương.
Hãy báo hiếu ba mẹ ngay khi họ còn sống.
2. Đừng chi quá nhiều tiền cho đám cưới
Nếu có khoảnh khắc nào đó tôi phải thốt lên rằng: “Giá mà tôi biết trước” thì có lẽ đó là vào đám cưới của tôi. Đám cưới thực sự rất hoành tráng, ai ai cũng tấm tắc khen ngợi. Chúng tôi tổ chức lễ cưới ngoài trời, âm nhạc sôi động, đồ ăn hấp dẫn vô cùng.
Nhưng đám cưới đó thực sự quá tốn kém, nhất là ở một thành phố lớn. Khâu lên kế hoạch thường tạo ra rất nhiều áp lực cho cô dâu, chú rể mà còn gây tranh cãi cho gia đình hai bên vì các khoản tiền phải chi trả.
Nếu bạn muốn tổ chức đám cưới, hãy tập trung vào danh sách khách mời, chỉ mời họ hàng thân thích, anh em bạn bè thân thiết, nói chung những người cần phải có mặt để chứng giám hạnh phúc cho hai vợ chồng bạn.
Nếu tôi có cơ hội làm lại đám cưới một lần nữa thì tôi sẽ đi tuần trăng mật dài hơn, ngọt ngào hơn, cùng nhau xây dựng tổ ấm mới chứ không phải tổ chức một đám cưới xa xỉ và sáo rỗng như thế.
3. Làm bố thú vị hơn làm một ông chú vui tính
Khi chị gái tôi sinh đứa con đầu lòng, tôi đã tặng con bé rất nhiều quà. Và nó vẫn giữ con gấu bông đầu tiên tôi tặng cho đến tận khi 11 tuổi. Khi chị tôi sinh đứa thứ hai, một bé trai, tôi cũng tặng nó rất nhiều quà và nhận trông cả hai đứa cho chị gái. Khi ấy, tôi nghĩ mình là một ông chú thật tuyệt vời.
Có thể nói, chăm sóc hai đứa cháu đã giúp tôi có những bước cơ bản để trở thành một ông bố tốt. Giờ đây, tôi đã làm bố, tôi chẳng thể tưởng tượng nổi sẽ ra sao nếu sống thiếu con trai mình. Những chuyến hành trình chúng tôi cùng đi, những trò chơi chúng tôi cùng chơi đều là những điều vô giá. Tôi mong mỗi khoảnh khắc ấy đều được lưu giữ trọn vẹn.
Tôi dành rất nhiều tình cảm cũng như thời gian cho con trai. Thằng bé khiến tôi muốn trở thành một người tốt hơn, một người cha tuyệt vời hơn chứ không phải một người cha lúc nào cũng chỉ ngồi ở ghế đá công viên mặc cho đứa con chơi một mình. Tôi biết tôi là một người cha tuyệt vời. Thằng bé cũng là một đứa con tuyệt vời.
4. Sống giản dị sẽ tạo ra nhiều thành quả
Khi còn là một đứa trẻ, tôi thích sưu tầm, nhặt nhạnh những thứ nhỏ nhắn có thể lấy trong phòng khách sạn. Sau đó, tôi phát hiện cha tôi đã bị buộc tội vì những chiếc điều khiển TV bị mất. Khi là biên tập viên của một tờ tạp chí, lúc nào tôi cũng lấy một đống tạp chí và tận dụng những thứ đồ miễn phí ở văn phòng. Thế nên tôi đã tích được lượng kem cạo râu phải dùng bốn năm mới hết.
Sau này, tôi đọc được cuốn “Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống” của Marie Kondo. Tôi bắt đầu vứt những thứ vụn vặt không cần thiết như tạp chí, sách báo, DVD, quần áo không mặc nữa, giấy tờ linh tinh…
Tôi cũng chẳng buồn giữ những thứ không mang lại niềm vui cho chính mình. Tôi bắt đầu mặc đồng phục đi làm mỗi ngày. Chẳng ai để ý đến trang phục của tôi nữa.
Thay vì dành thời gian chăm chút vào từng bộ quần áo công sở, tôi đã có nhiều thời gian hơn để tận hưởng cuộc sống xung quanh mình. Bớt phức tạp hóa cuộc sống, bạn sẽ nhận được những điều giản dị đẹp đẽ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc mà có lẽ phải dùng trái tim mới cảm nhận được
5. Chăm sóc bản thân
Tôi bị thương ở tay phải khi chơi boxing, bị thương ở tay trái khi chơi bóng chuyền, lưng bị thoát vị đĩa đệm mà chẳng biết tại sao. Đầu gối lúc nào cũng trầy xước. Cộng thêm cái bụng bia không bao giờ có ý muốn rời xa cơ thể tôi.
Tôi không ước ao có một cơ thể quyến rũ như các ngôi sao nổi tiếng mà chỉ mong muốn có một thân hình cân đối và rắn rỏi. Khi làm biên tập ở mảng sức khỏe và thể hình, tôi thấy lấy lại vóc dáng không khó dù ở bất kỳ độ tuổi nào.
Nhưng chắc chắn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi bạn chỉ cần duy trì một thân hình cân đối. Vậy nên hãy chăm sóc bản thân ngay từ khi còn trẻ.
6. Kiên nhẫn trong sự nghiệp
Tôi tốt nghiệp đại học Syracuse (học viện tư thục tại Syracuse, New York gồm nhiều ngành học như du lịch – dịch vụ nhà hàng, khách sạn, công nghệ thông tin, khoa học, giáo dục, xã hội, truyền thông,…).
Nhưng từ khi tôi làm trong lĩnh vực truyền thông, nhiều người cho rằng tôi tốt nghiệp trường truyền thông Newhouse thuộc đại học này. Thực ra, tôi học chuyên ngành kinh doanh.
Trớ trêu thay tôi luôn ấp ủ muốn trở thành một nhà văn hoặc biên tập viên. Giờ thì tôi đã thực hiện được mong ước đó. Tôi tham gia nhiều dự án thú vị như viết sách, viết bài cho tạp chí, thậm chí còn nhận được giải Emmy.
Nhưng lúc mới ra trường, tôi thiếu nền tảng kiến thức về lĩnh vực truyền thông nên gặp rất nhiều khó khăn. Tôi từng thất nghiệp bảy lần và quãng thời gian đó thực sự tăm tối như địa ngục.
Những thách thức đó nhiều lần đã sắp quật ngã tôi và vợ mình, dập tắt hy vọng về một bước ngoặt lớn nào đó. Cũng chính thời gian ấy đã giúp tôi tích lũy kinh nghiệm và có được những thành công sau này. Những đêm thức khuya để hoàn thành tạp chí hay kịp deadline đều giúp tôi tích lũy thêm một điều gì đó có ích cho sự nghiệp của mình.
7. Suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề đảm bảo tài chính
Tôi luôn tiết kiệm tiền khi có thể. Nhưng chưa bao giờ tôi mạo hiểm đầu tư để sinh lời. Tôi cũng chưa bao giờ phải nhờ đến cố vấn tài chính.
Nhưng mà bây giờ tôi đang phải nỗ lực cân bằng chi tiêu hằng ngày để đảm bảo cho thời gian nghỉ hưu sắp tới. Bài học kinh nghiệm rút ra ở đây là: Không bao giờ là quá sớm để nghĩ đến phần đời phía trước.
8. Bạn thân có thể ngày càng ít gặp nhưng tình cảm thì ngày càng gắn bó
Dù cuộc sống có đổi thay, con người có đổi dạ thì ai trong số chúng ta cũng có những tình bạn keo sơn, gắn bó. Như tôi, tôi cũng có một tình bạn đẹp từ thuở đôi mươi, có thể nói đó là một tình bạn trường cửu, không gì chia cắt được.
Cuộc sống luôn chuyển động không ngừng, vì thế con người ai cũng vậy, cũng sẽ phải thay đổi. Theo thời gian, sẽ có người kết hôn, rồi sinh con. Đến khi tuổi già chia cắt, sẽ có người đi kẻ ở lại.
Suy cho cùng, chúng ta sẽ ngày càng có ít bạn bè đi. Nhưng khi đã là bạn thân thì dù có ít gặp gỡ, họ vẫn sẽ dõi theo cuộc sống của chúng ta. Khi gặp khó khăn cần giúp đỡ, chắc chắn họ sẽ đưa cánh tay về phía chúng ta. Một tình bạn vĩnh cửu còn quý giá hơn bội phần nhiều tình bạn “ăn xổi ở thì”, vui vẻ thì tìm đến, hoạn nạn thì quay đi.
Theo Tri thức trẻ
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tapchithanhcong.org/song-dep/di-qua-qua-nua-doi-nguoi-toi-uoc-rang-duoc-day-8-bai-hoc-sau-sac-nay-o-tuoi-30-neu-biet-som-da-chang-phai-tiec-nuoi-the-nay.html