Dòng chảy phương Bắc 2 và địa chính trị châu Âu
Theo lập luận của các nước Đông Âu, dự án “Dòng chảy phương Bắc -2” của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại “những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu”.
Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski mới đây đã lên tiếng yêu cầu Đức thay đổi kế hoạch của mình để bố trí các nhánh của dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” chạy qua lãnh thổ Ba Lan nhằm trả lại “công bằng” cho nước này.
Theo khẳng định của Ngoại trưởng Witold Waszczykowski trên kênh truyền hình BILD của Đức, Warsaw sẽ ủng hộ dự án xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” dẫn khí đốt từ Nga sang các nước Tây Âu nhưng các tuyến đường ống này cần phải đặt trên lãnh thổ Ba Lan.
Theo Witold Waszczykowski, nếu các nước Tây Âu, nhất là Đức, đồng ý với phương án này của Ba Lan thì điều đó mới thể hiện được sự đoàn kết và quan hệ đối tác giữa EU với các nước Trung và Đông Âu.
Trước đó, Warsaw đã nhiều lần phản đối kế hoạch của Đức trong việc hợp tác với Nga xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” vì theo kế hoạch, đường ống này sẽ chạy dưới đáy biển Baltic mà không đi qua lãnh thổ Ba Lan.
Tháng 12/2015, đích thân Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda lên tiếng khẳng định rằng đường ống này sẽ không chỉ làm tổn hại đến các lợi ích của Ba Lan mà còn làm gia tăng sự phụ thuộc vào Nga.
“Chúng tôi muốn rằng các tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Tây Âu sẽ chạy qua lãnh thổ Ba Lan. Đây sẽ là dấu hiệu cho thấy dự đoàn kết và quan hệ đối tác hữu hảo giữa EU với các nước Trung và Đông Âu”- Witold Waszczykowski khẳng định.
Ngoài ra, Ba Lan còn lên tiếng yêu cầu EU và Berlin thể hiện sự đoàn kết thông qua việc bố trí các căn cứ quân sự thường trực của NATO trên lãnh thổ của mình.
“Ba Lan đã là thành viên của NATO trong 16 năm. Và cho đến nay mức độ đảm bảo an toàn của Ba Lan vẫn kém xa so với mức độ đảm bảo an toàn của các nước Tây Âu.
Chúng tôi muốn rằng NATO sẽ bố trí một phần lực lượng của mình trên lãnh thổ Ba Lan để xóa bỏ sự bất công bằng này. Chúng tôi không đòi hỏi phải có sự ưu tiên mà chỉ đòi hỏi sự công bằng. Phía Đức trong vòng nhiều năm qua đã cản trở sự công bằng này chỉ vì không muốn khiêu khích Nga”- Witold Waszczykowski lên tiếng.
Ngoại trưởng Ba Lan cũng bày tỏ hy vọng rằng Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến được tổ chức tại Ba Lan vào tháng 7/2016 sẽ bàn luận đến vấn đề này.
Thay đổi thái độ vì lợi ích cá nhân?
“Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án hợp tác giữa Nga và Đức để xây dựng 2 nhánh đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy qua biển Baltic sang Đức với tổng công suất 55 tỷ mét khối/năm. Dự án này được các bên liên quan ký kết ngày 4/9/2015.
Sơ đồ đường đi của Dòng chảy Phương Bắc 2. |
Sau khi các thông tin về dự án này được công bố, Ba Lan, Slovakia và 7 nước Đông Âu khác đã kịch liệt lên tiếng phản đối dự án này. Các nước này thậm chí còn gửi đơn kiện lên Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk để yêu cầu đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU được tổ chức vào tháng 12 vừa qua.
Theo lập luận của các nước Đông Âu, dự án này của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại “những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker đã bác bỏ lập luận này của các nước Đông Âu và cho rằng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” chỉ đơn thuần là dự án thương mại chứ không liên quan đến các vấn đề chính trị.
Dự án này được thực hiện sẽ là đảm bảo quan trọng cho nguồn cung khí đốt từ Nga sang EU được thông suốt mà không phụ thuộc vào tình trạng quan hệ giữa Nga với Ukraine.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh EU được tổ chức hồi trung tuần tháng 12 vừa qua, vấn đề này đã không được bàn bạc cụ thể theo yêu cầu của Ba Lan và các nước Đông Âu.
Đức vẫn lên tiếng khẳng định sẽ quyết tâm triển khai thực hiện dự án này để “đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu”.
Theo giới phân tích quốc tế, chính sự cương quyết của Đức và thái độ của lãnh đạo Ủy ban châu Âu đã khiến Ba Lan nhìn nhận lại và thay đổi quan điểm của mình.
Thay vì quyết tâm phản đối dự án này, Ba Lan đã khôn khéo khi đòi dự án này phải chạy qua lãnh thổ của mình để vừa có được nguồn cung khí đốt ổn định, vừa có thể nhận được lợi tức từ việc trung chuyển, đồng thời lại có được khả năng gây áp lực ngược lại đối với Nga (giống như trường hợp Ukraine).
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng tham vọng này của Ba Lan khó có thể được Đức và Nga chấp nhận vì nhiều lý do khác nhau.
Về mặt địa lý, việc tuyến đường ống được bố trí dưới đáy biển Baltic chạy thẳng từ Nga sang Đức sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với việc chạy đường vòng qua lãnh thổ Ba Lan để sang Đức.
Về mặt kinh tế, việc chạy thẳng dưới đáy biển Baltic sẽ giúp Nga tiết kiệm được đáng kể chi phí vận chuyển khí đốt mà không phải phụ thuộc vào khâu trung gian nào khác.
Về mặt địa chính trị, Nga càng không thể chấp nhận bố trí đường ống của mình chạy qua lãnh thổ Ba Lan, một quốc gia thời gian qua luôn duy trì thái độ không thân thiện với Nga.
Hơn nữa, việc vừa đòi hỏi bố trí đường ống dẫn khí đốt của Nga trên lãnh thổ của mình, vừa đề nghị NATO bố trí lực lượng quân sự thường trực dường như lại là các chính sách đầy mâu thuẫn của Ba Lan.
Trong khi, Nga đã rất nhiều lần lên tiếng phản đối việc NATO bố trí lực lượng quân sự gần biên giới của Nga. Do đó, Nga càng khó chấp nhận tham vọng này của Ba Lan.
Chính vì vậy, giới phân tích nhận định rằng tham vọng của Ba Lan là khá “ảo tưởng” và dường như sẽ không thể trở thành hiện thực.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới. Ngày 9/12/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập tờ Tiếng nói nước Nga và RIA Novosti thành Rossiya Segodnya (hãng tin tức quốc tế Russia Today (RT)).
Thegioibantin.com
Nguồn: Infonet/ RIA Novosti