Tha thứ cho nhẹ lòng
Đôi lúc, khi chúng ta đang thực hành Tâm Từ, nỗi đau, buồn thương và tuyệt vọng từ quá khứ lại xuất hiện. Bởi vì khi chúng ta có khoảng trống không gian trong tâm, những cảm xúc chưa được giải quyết hoặc đã được tích tụ như vậy có thể lại nổi lên trên bề mặt. Tâm Từ tạo ra một trạng thái tinh thần thoải mái cho phép chúng ta tiếp cận những gì thường khó tiếp cận. Khi điều này xảy ra, hãy thấy rằng bạn đang có một cơ hội tuyệt vời để luyện bản thân biết cách đáp lại những cảm xúc của mình bằng tỉnh thức và tình yêu. Nếu bạn quan sát suy nghĩ của mình một cách chánh niệm mà không cố gắng lý giải chúng, bạn sẽ nhận thấy chúng thay đổi. Mối quan hệ của chúng ta với cảm xúc của chúng ta không phải là tĩnh – chúng ta không gắn chặt với đau khổ, buồn thương hoặc tuyệt vọng.
Trước tiên, bạn có thể có một cảm giác thanh thản khi biết rằng những cảm xúc đau khổ của bạn không phải là vĩnh cửu. Hãy lưu ý rằng những kiểu suy nghĩ cứng nhắc, những thói quen mà bạn đã tiêm nhiễm trong suốt cuộc đời, đã khiến những cảm xúc đó nổi lên.
Hãy cho phép bản thân thư giãn, chấp nhận sự thay đổi và buông bỏ nó. Hãy nhận thức sâu sắc hơn về sự thay đổi và dần dần bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi phản ứng với những cảm xúc theo cách khác đi. Nhận thức của bạn về vô thường càng sâu, bạn càng dễ thực hành Tâm Từ.
Khi nhận thức của bạn về sự thay đổi sâu sắc hơn, bạn có thể thư giãn. Sự thư giãn này dọn đường cho sự tha thứ – một tác dụng phụ tuyệt vời của việc thực hành Tâm Từ. Cuối cùng, bạn có thể tha thứ cho bản thân vì đã nghiêm khắc với chính mình lâu như vậy. Bạn thấy rằng bạn đã khắt khe với chính mình vì những nguyên nhân và hoàn cảnh có thể hiểu được. Bởi vì bạn đã không quan tâm đến những thay đổi vi tế đã diễn ra suốt thời gian qua, nên bạn vẫn tiếp tục những cách thức xử lý nỗi đau như cũ. Bây giờ, khi sự hiểu biết của bạn trở nên sâu sắc hơn, bạn có thể học cách thư giãn và tha thứ cho chính mình. Trái tim bạn mềm mại hơn. Biết rải những suy nghĩ Từ ái tới bản thân mình là một phần rất quan trọng trong thực hành Tâm Từ.
Tâm Từ của chúng ta sau đó dễ dàng lan rộng ra như những gợn sóng trên mặt hồ, mở rộng ra bên ngoài cho những người khác. Mặc dù hành động của họ khiến bạn cảm thấy bị tổn thương, hãy nhẹ nhàng buông bớt thái độ của bạn đối với người hoặc những người liên quan đến việc gây ra tình huống mà bạn phải chịu đau khổ, dẫn đến sự đau khổ và sự chán chường của bạn. Thay vì ép buộc bản thân tha thứ cho họ, hãy quan sát với một trái tim rộng mở về việc họ cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố mà họ không kiểm soát được. Cả bạn và họ đều không nhận thức đầy đủ về những hoàn cảnh đó – ngay cả khi bạn cố gắng tìm hiểu các hoàn cảnh liên quan khiến cho họ có cách hành xử đối với bạn vào thời điểm đó giống như cách họ đã làm trong quá khứ thì bạn cũng sẽ không bao giờ tìm thấy được tất cả lý do. Bạn không nhất thiết phải biết những gì đã làm cho bạn như thế ở thời điểm đó, trở thành nạn nhân trong tình huống đó. Tất cả những gì bạn có thể làm là quan tâm đến những gì bạn có thể làm bây giờ. Khi đã hiểu được thực tế này, hãy thực hành Tâm Từ cho chính bạn và cho họ. Lúc đó, bạn có thể thấy rằng bạn có khả năng để tha thứ cho người đã gây ra nỗi đau khổ, buồn bã và tuyệt vọng của bạn.
Tất cả chúng ta đều có hạt giống Từ ái trong tim mình. Tất cả những gì chúng ta cần là điều kiện thích hợp, mảnh đất thích hợp, và sự chăm sóc cho nó nảy mầm, phát triển và trở nên mạnh mẽ. Mỗi người trong chúng ta đều có tiềm năng cho Tâm Từ nở hoa trong mọi hoạt động của mình.
Câu Chuyện về Tôn giả Angulimala
Trong câu chuyện về Tôn giả Angulimala, chúng ta có thể thấy rằng tất cả chúng ta – ngay cả những người mà chúng ta cho là không thể – đều có bản tính Từ ái. Vào thời Đức Phật còn tại thế, Angulimala, theo cách gọi ngày nay, là một kẻ cuồng sát, một kẻ giết người hàng loạt. Angulimala là một kẻ đáng sợ, cổ anh ta đeo một chuỗi hạt gồm những đốt ngón tay (“Angulimala” có nghĩa là xâu chuỗi ngón tay) lấy từ những người mà anh ta đã giết chết, và anh ta định biến Đức Phật thành nạn nhân thứ một ngàn của mình. Bất chấp tai tiếng về Angulimala và diện mạo khủng khiếp của anh ta, Đức Phật vẫn có thể thấy được năng lực Từ ái tiềm ẩn của anh ta. Do đó, vì tình yêu và lòng từ bi – sức mạnh Tâm Từ của Đức Phật – Đức Thế Tôn đã thuyết pháp cho kẻ sát nhân tàn bạo này. Nhờ lời dạy của Đức Phật, Angulimala đã vứt bỏ thanh kiếm của mình và đảnh lễ Ngài, xin được gia nhập vào Tăng đoàn của Đức Phật và trở thành Tỳ kheo. Hóa ra, Angulimala về bản chất thực ra không phải là một kẻ độc ác, cũng không phải là một người xấu xa. Trên thực tế, anh ta đã từng là một thanh niên tốt bụng và việc giết người là vì thực hiện theo chỉ dẫn sai lầm của vị đạo sư cũ của anh ta. Tâm của anh ta vẫn có sự từ bi, hòa ái, và lòng trắc ẩn. Ngay khi trở thành tu sĩ, bản chất thực sự của anh ta đã được hiển lộ, và không lâu sau khi xuất gia, Angulimala đã giác ngộ.
Một ngày nọ, trong khi đi khất thực, Tôn giả Angulimala nghe thấy tiếng một phụ nữ đang kêu rên đau đớn vì sắp chuyển dạ. Động lòng Từ, Tôn giả đến bạch lại với Đức Phật về người sản phụ đang đau đớn kia. Đức Phật đã khuyên Tôn giả đến bậc cửa nhà người sản phụ và nói câu nguyện sau: “Này chị, từ khi được sinh ra, Sư chưa bao giờ tác ý giết hại một mạng sống nào. Do oai lực của lời chân thật này, nguyện mẹ con chị sinh nở được vuông tròn!”
Tôn giả Angulimala nói: “Bạch Đức Thế Tôn, làm sao con có thể nói rằng con chưa từng giết hại bất kỳ sinh linh nào kể từ khi con được sinh ra? Con đã giết rất nhiều người để lấy ngón tay của họ kết thành chuỗi hạt.”
Đức Phật nói: “Vậy, Angulimala, hãy nói rõ như thế này: ‘Này chị, từ ngày sinh vào dòng thánh, Sư chưa bao giờ tác ý giết hại một mạng sống nào. Do oai lực của lời chân thật này, nguyện mẹ con chị sinh nở được vuông tròn!’”
Tất cả chúng ta đã trải qua những hoàn cảnh khác nhau kết hợp theo một cách thức riêng khiến chúng ta hành động theo những cách mà chúng ta thường thực hiện – bởi hoặc là thất vọng, hoặc là yêu thương, giận dữ, sợ hãi hay thân thiện. Chúng ta không thể quên rằng tất cả chúng ta cũng đều có hạt giống của Từ ái. Không một trái tim nào bị những hoàn cảnh này làm cho chai sạn đến mức không còn khả năng yêu thương người khác và đối xử tốt với chính mình. Đây là bản chất của vô thường – hành vi của chúng ta có thể thay đổi.
Nếu Đức Phật có thể giúp Angulimala tự tha thứ cho bản thân mình bằng cách chỉ ra tiềm năng thức tỉnh to lớn của Tôn giả, bạn chắc chắn cũng có thể tìm thấy lòng tốt để tha thứ cho người khác – và ngay cả cho chính mình.
Trích “Tâm Từ – Thực hành căn bản”
Nguyên tác: Loving-kindness in Plain English
Tác giả: BHANTE GUNARATANA
Giới thiệu tác giả:
Thiền sư Bhante Henepola Gunaratana là một thiền sư đương đại nổi tiếng. Độc giả Việt Nam đã quen thuộc với nhiều tác phẩm của vị thiền sư này như “Bát Chánh Đạo–Con đường đến Hạnh phúc” (The Eight Mindful Steps to Happiness) và “Hành trình đến Chánh Niệm” (Journey to Mindfulness) – cuốn tự truyện của Ngài đều do Diệu Liên Lý Thu Linh dịch; “Con đường Thiền Chỉ và Thiền Quán” (sư Pháp Thông dịch) và đặc biệt là, “Chánh Niệm thực tập Thiền Quán” (Mindfulness in Plain English) do Nguyễn Duy Nhiên dịch. Các cuốn sách gần như đã là tựa sách quen thuộc cho nhiều người muốn tìm hiểu và thực hành Thiền.
Giới thiệu cuốn sách:
Với phong cách diễn đạt quen thuộc của thiền sư Gunaratana: dễ hiểu, sinh động với nhiều ví dụ minh họa xuất phát từ Kinh điển cũng như trong thực tế trải nghiệm của mình, cuốn Tâm Từ Thực hành căn bản (Loving Kindness in Plain English) sẽ giúp bạn đọc kể cả những người mới hay chưa tiếp xúc với Đạo Phật có thể hiểu được nội dung và biết cách ứng dụng vào cuộc sống của mình. Phần phụ lục cuối sách là các bài Kinh nói về Tâm Từ và bài thực hành Tâm Từ do chính thiền sư biên soạn.
Cuốn sách dành cho những người muốn có thêm nhiều yêu thương trong cuộc sống, để nâng cao sức khỏe, cải thiện mối quan hệ và phát triển trong thiền tập.
Thông tin về cuốn sách: https://tiki.vn/tam-tu-thuc-hanh-can-ban-p89492851.html?spid=89492852&fbclid=IwAR3bhTHoszXWBD463FIC-R8AXDxwuOrekyOGWPVOBPZ6Nse66-mlmegfbpQ
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/tha-thu-cho-nhe-long