6 điều Phật dạy giúp giảm nhẹ nỗi đau hôn nhân tan vỡ
Đau khổ là cảm giác thường thấy sau khi ly hôn, nhưng bạn chớ nên tuyệt vọng. Những lời dạy của Đức Phật dưới đây có thể giúp bạn biến khổ đau ấy thành cơ hội hiểu hơn về chính mình và trưởng thành hơn.
Bất cứ ai đã từng trải qua ly hôn đều hiểu rõ rằng nó có thể khiến cái tôi bộc lộ những góc đen tối nhất. Ly hôn thường đi kèm với đối đầu, những cảm xúc tiêu cực, hành vi tồi tệ, và cảm giác mất mát. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi ly hôn thường khiến người ta cảm thấy sợ hãi, xấu hổ, tức giận và oán trách. Khi một cuộc hôn nhân tan vỡ, những cảm xúc và hành vi tiêu cực này có thể bộc phát bất cứ lúc nào, ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Vì vậy, học cách tự kiểm soát chúng là một bước rất quan trọng giúp chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách vững vàng để sẵn sàng bước sang một trang mới của cuộc đời mình.
Đau khổ là cảm giác thường thấy sau khi ly hôn, nhưng bạn chớ nên tuyệt vọng. Những lời dạy của Đức Phật dưới đây có thể giúp bạn biến khổ đau ấy thành cơ hội hiểu hơn về chính mình và trưởng thành hơn. Thật trùng hợp, dưới một góc độ nào đó, trí tuệ của Đức Phật và sự màu nhiệm của Phật pháp cũng bắt nguồn từ chính sự ‘vỡ mộng’ của thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật trước khi thành đạo), khi Ngài ngộ ra thực tế cuộc sống vốn đầy rẫy khổ đau và phiền não, chứ không hề hoàn hảo toàn màu hồng như vua cha đã cố gắng gieo vào tâm trí Ngài. Chúng ta cũng thường ảo tưởng về một cuộc hôn nhânđẹp như mơ, để rồi vỡ mộng với sự thật nghiệt ngã của ly hôn.
Dưới đây là 6 điều Phật dạy có thể giúp ta rộng lòng, và giảm bớt khổ đau khi đối diện với ly hôn:
1/ Cố chấp
Khi một cuộc hôn nhân đổ vỡ, quá khứ, hiện tại hay tương lai đều bỏ ngỏ. Chúng ta trở nên ngờ vực mọi thứ. Đối mặt với sự mơ hồ và bất chắc, bản năng sẽ thôi thúc ta cần phải bám chặt vào những gì ta biết và đã từng có, nhưng Đức Phật dạy rằng sự bám chấp ấy chỉ khiến chúng ta đau khổ mà thôi. Học cách buông bỏ những bám chấp, kỳ vọng vào một kết quả nào đó cho dù là trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, chắc chắn sẽ giúp ta bình tâm hơn. Cố gắng kiểm soát mọi thứ chỉ khiến bạn thêm khó chịu bực bội vì hầu hết những gì chúng ta đang phải đối mặt đều nằm ngoài sự kiểm soát của ta. Khi bám víu và tự trói chặt mình vào những gì ta cho rằng mình “biết”, bạn đang tự tạo ra những đau khổ không đáng có cho bản thân.
2/ Từ bi
Chúng ta có thể dễ dàng yêu thương và cảm thông đối với bạn bè và người thân của mình, nhưng lại vô cùng khó khăn để đối xử tử tế với một người ta không thích hoặc tha thứ cho ai đó đã từng tệ bạc với mình. Trong khi phần lớn chúng ta thường né tránh người này thì Đức Phật lại dạy chúng ta lấy chính họ làm đối tượng để thực hành tâm linh, như một thử thách giúp chúng ta nuôi dưỡng những phẩm chất tíchcực vốn sẵn có. Trái ngược với sự tức giận chính là lòng từ bi; nó giúp chúng ta cởi mở lòng mìnhmỗi khi sợ hãi. Lòng trắc ẩn được nuôi dưỡng khi chúng ta học cách rộng lòng kết nối, cho dù phải trải qua đớn đau. Hành xử tử tế, độ lượng khi ly hôn là một kì tích, nó giúp trái tim chúng ta không bị chai sạn mà luôn ngập tràn năng lượng yêu thương.
3/ Nghiệp
Quy luật về nghiệp chính là nguyên lý tự nhiên về hành động và kết quả của hành động hay luật nhân quả. Mọi điều chúng ta nói hay làm trong cuộc sống hàng ngày là nguồn gốc của hạnh phúc hay đau khổ của chính mình. Đức Phật dạy rằng chúng ta không nên tìm kiếm câu trả lời ở bên ngoài hay tin rằng mình là nạn nhân xui xẻo của cuộc đời. Nếu bạn cảm thấy mình là nạn nhân của một cuộc ly hôn bất hạnh, hiểu biết về nghiệp sẽ giúp chúng ta tự chịu trách niệm đối với những gì xảy ra trong cuộc sống của mình. Bản thân từ “nghiệp” có nghĩa là hành động. Một khi chịu hoàn toàn trách nhiệm cho mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của mình, bạn có thể chuyển hóa nghiệp, và từ đó thay đổi cả hoàn cảnh hiện tại và tương lai theo chiều hướng tích cực.
“Trong cuộc sống, khổ đau không thể tránh, nhưng phiền não hay không là sự lựa chọn của chính mình.”
– Đức Phật.
4/ Chánh niệm
Chánh niệm là khả năng an trú trong phút giây hiện tại. Đó là khả năng chú tâm và nhận biết rõ ràng về động cơ đằng sau mỗi hành động của mình. Đức Phật khuyên chúng ta nên tận dụng năng lực đó để sống tỉnh thức trong hiện tại, ngay bây giờ và ở đây, thay vì tiếc nuối quá khứ hay lo lắng cho tương lai. Thất niệm, thiếu tỉnh thức, chúng ta rất dễ bị chi phối bởi những lời khen chê, phán xét đúng sai. Chính niệm là khả năng nhận biết thực tại một cách trân trọng và không phán xét. Nó giúp bạn biết cách ứng xử phù hợp, có cách nhìn đa chiều, cân bằng và tự tại. Lùi lại một bước và quán chiếu sự việc cho ta cơ hội tuyệt vời để hành động thấu tình đạt lý.
5/ Hận thù
Một trong những giáo lý căn bản nhất của Đạo Phật là chân lý về khổ: khổ đau là một phần tất yếu của cuộc sống, và phiền não thường là cách chúng ta phản ứng trước nỗi đau ấy. Ly hôn là một trong những trải nghiệm đau đớn có thể xảy ra trong đời, nhưng chúng ta có thể lựa chọn không tự làm khổ mình, không chuốc thêm phiền não. Giống như khi chạm vào than nóng, phản ứng đầu tiên của chúng ta là giật tay ra. Nhưng nếu chúng ta cứ ôm mãi hận thù thì chỉ tạo thêm đau khổ, khiến vết thương càng khó lành. Ngoan cố, không chấp nhận thực tại là nguyên nhân của đau khổ. Thay vào đó, Đức Phật dạy rằng, hãy cố gắng cân bằng nội tâm, và để cho mọi chuyện thuận theo tự nhiên. Né tránh và sân hận chỉ làm nỗi đau thêm dai dẳng.
6/ Vô thường
Lẽ vô thường là một chân lý của Đạo Phật. Đó là niềm tin rằng mọi sự vật hiện tượng đều không ngừng biến đổi, và không có gì là thường hằng vĩnh viễn. Một trong những nguyên nhân chính của đau khổ khi ly hôn là cảm giác rằng mọi thứ sẽ không bao giờ trở lại như xưa nữa, và ta sẽ phải chịu nỗi đau này mãi mãi. Trí tuệ về vô thường cho ta cách nhìn đúng mực và sự bình tĩnh đối diện cảm giác đau khổ và mất mát khi ly hôn, bởi chẳng có gì trong cuộc đời là vĩnh viễn, đau khổ, tuyệt vọng nào rồi cũng qua đi.
Tường Vy dịch
Nguồn
https://www.goodtherapy.org/blog/six-buddhist-teachings-can-help-soothe-pain-of-divorce-0116135
http://songhanhphuc.net/tin-tuc/6-dieu-phat-day-giup-giam-nhe-noi-dau-hon-nhan-tan-vo
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/6-dieu-phat-day-giup-giam-nhe-noi-dau-hon-nhan-tan-vo