Vượt qua sự xấu hổ của bản thân
Có một số cảm xúc nếu trải qua thường xuyên có thể ngăn cản chúng ta tạo ra những thay đổi tích cực.
Có một số cảm xúc nếu trải qua thường xuyên có thể ngăn cản chúng ta tạo ra những thay đổi tích cực. Mặc dù không thể quy chụp bất kỳ cảm xúc nào là “xấu”, nhưng một cảm xúc cụ thể có thể cản trở sự tiến bộ và khiến chúng ta bế tắc hoàn toàn. Theo thời gian, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trở lại trạng thái bình thường của mỗi người.
Ai cũng đều đã từng trải qua sự xấu hổ. Có thể khi đó chúng ta vô tình quát mắng người mà mình yêu quý chỉ vì mình vừa trải qua một ngày tồi tệ. Hoặc là nhiều người có xu hướng ăn nhiều mỗi khi bị căng thẳng, sau đó họ liền cảm thấy xấu hổ về bản thân. Đây là những trải nghiệm mà chúng ta không thể phủ nhận được. Tuy nhiên nếu thường xuyên cảm thấy xấu hổ, điều đó sẽ thui chột ý chí của bạn.
Sau một thời gian, bạn thậm chí không nhận ra rằng sự xấu hổ đang kìm hãm mình. Cảm giác chịu trách nhiệm khiến bạn không ngừng tự trách bản thân. Nhiều người luôn hà khắc với chính mình, bị dằn vặt bởi những điều mình từng nói và làm. Một niềm tin thậm chí còn đau đớn hơn đó là họ không đáng nhận được sự tha thứ vì những lỗi lầm đã gây ra. Những thông điệp tiêu cực này tạo ra một chu kỳ kéo dài có thể khiến chúng ta không thể mở lòng với mọi thứ. Cuối cùng ta mất động lực để thay đổi, thậm chí mất hy vọng rằng sự thay đổi có thể xảy ra.
Không thể phủ nhận rằng sự xấu hổ có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần và khả năng phục hồi của con người. Tuy nhiên có những gợi ý bạn nên tham khảo để vượt qua khó khăn này.
Hãy nhớ đến con người của bạn
Nhiều người lớn lên trong những gia đình chỉ chăm chăm vào những sai lầm của nhau. Đây là phản ứng rất tiêu cực, sẽ để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sau. Để ngăn chặn điều này, chúng ta phải biết rằng không ai có khả thể sống một cuộc đời hoàn hảo mà không gặp vấp váp nào. Lỗi lầm sẽ là thứ giúp ta nhìn nhận và sửa chữa hành vi của bản thân. Hãy nhận sai mỗi lần mắc lỗi. Điều đó không có gì đáng xấu hổ, ngược lại nó còn thể hiện sự trưởng thành và khiêm tốn của bạn. Những sai lầm sẽ góp phần định hình nên con người chúng ta, nhưng chúng không nói được bạn là ai.
Thừa nhận sai lầm, tìm sự hỗ trợ từ người mà bạn tin tưởng
Một khi bạn vẫn còn để những lựa chọn kém cỏi và sai lầm đè nặng tâm trí mình thì bạn sẽ còn cảm thấy đau khổ. Nếu kéo dài, điều này sẽ khiến đầu óc bạn bị nổ tung. Cách giải quyết tốt nhất là hãy tâm sự với người mà mình tin tưởng nhất, người có thể lắng nghe và cho bạn lời khuyên. Điều này giúp bạn cảm thấy thanh thản và nhẹ nhõm hơn, đồng thời mở rộng tầm nhìn đối với những việc đang xảy ra. Người bạn tin tưởng sẽ biết cách vực bạn dậy bằng sự quan tâm và ủng hộ của họ. Hãy nhớ bạn là một con người bình thường không thể tránh khỏi sai sót. Vì vậy không việc gì bạn phải dìm mình trong vũng lầy do chính bạn tạo ra.
Cảm thông với những khiếm khuyết và đổ vỡ của người khác
Khả năng cảm thông cũng như đồng hành cùng người khác vượt qua khó khăn sẽ phát triển sức mạnh bản ngã của bạn. Điều này cho phép chúng ta hiểu rằng ai cũng có thể mắc sai lầm, theo cách này hay cách khác. Những khuyết điểm của bạn không khác biệt nhiều so với mọi người. Mỗi cá nhân có thể đưa ra những lựa chọn khác nhau để giải quyết khó khăn của mình, nhưng đó là cuộc chiến tâm lý mà ai cũng phải vượt qua để mạnh mẽ hơn mỗi ngày.
Xác định điểm mạnh và phẩm chất tích cực của bạn
Tôi thường yêu cầu khách hàng mới của mình liệt kê những điểm mạnh, tài năng hoặc phẩm chất tích cực của họ. Những người thường xuyên xấu hổ về bản thân sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện yêu cầu này. Thậm chí họ không thể liệt kê được 2 trong 3 ý trên. Sự xấu hổ thường trực khiến họ tin rằng mình hoàn toàn không có bất kỳ phẩm chất tích cực nào.
Tôi khuyên bạn nên xác định được những phẩm chất tích cực của bản thân ngay cả khi bạn nghĩ rằng chúng không đáng được nhắc đến. Những điều tích cực này có thể mang lại hiệu quả trong việc dọn dẹp một tâm trí đang ngổn ngang. Nếu cảm thấy ngại khi tự đánh giá cao bản thân, bạn có thể liệt kê từ những ưu điểm nhỏ nhất của mình.
Trong trường hợp bạn thực sự tin rằng mình không có bất kỳ thế mạnh nào, hãy nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân hoặc bất cứ ai mà bạn tin tưởng. Bạn có thể cảm thấy khó xử hoặc xấu hổ khi nghe ai đó nói tốt về mình, tuy nhiên hãy học cách làm quen với cảm xúc đó và hiểu rằng chúng chỉ là tạm thời. Đó là bước đầu tiên giúp mỗi chúng ta vượt qua rào cản của sự xấu hổ về bản thân.
Ảnh: Photo by @felipepelaquim on Unsplash
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/trial-triumph/202104/overcoming-shame-increases-resilience
Nội dung được dịch và biên tập bởi team Trần Đăng Khoa.
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/vuot-qua-su-xau-ho-cua-ban-than-bi-mat-phuc-hoi-tinh-than-hieu-qua