Làm thế nào để tránh những suy nghĩ không mong muốn?
Sau khi chia tay người yêu, bạn có thể nghĩ rằng mình vẫn ổn cho đến khi lái xe ngang qua một góc phố quen, hoặc tình cờ gặp một người bạn chung, hoặc nghe một bản tình ca quen thuộc trên radio. Cho dù bạn muốn ngừng nghĩ về người đó đến mức nào, mọi thứ
Sau khi chia tay người yêu, bạn có thể nghĩ rằng mình vẫn ổn cho đến khi lái xe ngang qua một góc phố quen, hoặc tình cờ gặp một người bạn chung, hoặc nghe một bản tình ca quen thuộc trên radio. Cho dù bạn muốn ngừng nghĩ về người đó đến mức nào, mọi thứ xung quanh dường như đều nhắc nhở về mối quan hệ đó. Tuy không thể xóa bỏ toàn bộ ký ức, nhưng chúng ta có cách nào để xua đuổi những suy nghĩ đó không?
Câu trả lời ngắn gọn là: có thể. Nhưng về lâu dài, liệu chúng ta có nên làm như vậy hay không thì phức tạp hơn.
Làm thế nào dễ dàng để xua đuổi hoặc ngăn chặn những suy nghĩ không mong muốn? (Ảnh: Pixabay)
Joshua Magee, một nhà tâm lý học lâm sàng và là người sáng lập Wellness Path Therapy, người đã tiến hành nghiên cứu về những suy nghĩ, hình ảnh và sự thúc giục không mong muốn trong các rối loạn tâm thần, cho biết suy nghĩ của mọi người ít tập trung hơn – và ít bị kiểm soát hơn nhiều – so với những gì họ tưởng tượng.
Trong một nghiên cứu nổi tiếng năm 1996 trên tạp chí Cognitive interference: Theories, methods, and findings của tác giả Eric Klinger, giáo sư tâm lý học danh dự tại Đại học Minnesota, những người tham gia được yêu cầu theo dõi tất cả suy nghĩ của họ trong một ngày. Kết quả là trung bình, mỗi người báo cáo họ thấy có hơn 4.000 suy nghĩ riêng lẻ. Và những suy nghĩ thường là thoáng qua, và kéo dài không quá năm giây.
Magee nói: “Những suy nghĩ liên tục rút đi rồi tuôn ra, và nhiều người trong chúng ta không nhận thấy”. Theo nghiên cứu năm 1996, một phần ba những suy nghĩ này dường như xuất hiện hoàn toàn từ hư không. Magee cho biết thêm, việc trải qua những suy nghĩ cảm thấy lo lắng là điều bình thường. Trong một nghiên cứu năm 1987 được thực hiện bởi Klinger và các đồng nghiệp, mọi người cho rằng 22% suy nghĩ của họ là kỳ lạ, không thể chấp nhận được hoặc sai trái – ví dụ, bạn có thể tưởng tượng mình đang cắt phải ngón tay khi đang nấu ăn hoặc đánh rơi con khi bạn bế chúng vào nôi.
Trong một số tình huống, bạn nên kìm nén những suy nghĩ không mong muốn này. Ví dụ, trong một kỳ thi hoặc một cuộc phỏng vấn xin việc, bạn không muốn cảm thấy bị phân tâm bởi suy nghĩ rằng bạn sẽ thất bại. Hay như trên một chuyến bay, chắc hẳn bạn không muốn nghĩ đến việc máy bay rơi. Và có bằng chứng cho thấy có thể dập tắt những suy nghĩ này, Magee cho biết.
Trong một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí PLOS Computational Biology, một nhóm các nhà nghiên cứu Israel đã thuê 80 tình nguyện viên để xem một loạt 5 slide hiển thị các danh từ khác nhau. Khi xem, họ được yêu cầu viết nhanh mỗi từ mà họ nghĩ là có thể kết hợp với mỗi danh từ trong slide – ví dụ: “đường xá” để đáp lại từ “xe hơi”. Các nhà nghiên cứu nói với một nhóm rằng họ sẽ không được trả tiền cho những từ kết hợp bị lặp lại. Một nhóm đối chứng khác thì lại có thể tùy ý lặp lại bao nhiêu từ mà họ muốn. Với phương pháp này, các nhà nghiên cứu đã tìm cách mô phỏng điều gì sẽ xảy ra khi ai đó nghe thấy bản tình ca quen thuộc trên radio và cố gắng nghĩ về bất cứ điều gì khác ngoài người yêu cũ của họ.
Kết quả cho thấy rằng khi những người tham gia nhìn thấy từng danh từ lần thứ hai, họ mất nhiều thời gian hơn so với nhóm đối chứng để nghĩ ra một liên kết mới – ví dụ: “lốp xe” thay vì “đường xá” – cho thấy rằng phản ứng đầu tiên xuất hiện trong tâm trí họ trước khi họ thay thế nó. Câu trả lời của họ đặc biệt bị trễ đối với những từ mà họ đánh giá là “liên kết chặt chẽ” với từ gợi ý lần đầu tiên. Tuy nhiên, những người tham gia sẽ nhanh hơn mỗi khi họ xem cùng một slide, cho thấy rằng mối liên hệ giữa từ gợi ý và câu trả lời đầu tiên của họ – suy nghĩ mà họ đang cố gắng tránh – đang suy yếu.
Tác giả chính của nghiên cứu Isaac Fradkin, người đã thực hiện nghiên cứu với tư cách là nhà tâm lý học tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, nói với Live Science: “Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng cho thấy mọi người hoàn toàn có thể tránh được những suy nghĩ không mong muốn”. Nhưng kết quả cho thấy rằng việc thực hành có thể giúp mọi người tránh một suy nghĩ cụ thể tốt hơn.
Theo Medical News Today, không phải ai cũng đồng ý rằng việc trình chiếu các danh từ ngẫu nhiên là một cách tốt để tìm hiểu xem mọi người kìm nén những suy nghĩ đầy cảm xúc như thế nào. Và nghiên cứu khác cho thấy rằng tránh suy nghĩ về một điều gì đó có thể phản tác dụng.
Magee nói: “Khi chúng ta ngăn chặn một suy nghĩ, chúng ta đang gửi đến bộ não của chúng ta một thông điệp”. Nỗ lực này dán nhãn suy nghĩ như một thứ gì đó đáng sợ. “Về bản chất, chúng ta đang làm cho những suy nghĩ này trở nên mạnh mẽ hơn bằng cách cố gắng kiểm soát chúng”.
Một phân tích về ức chế suy nghĩ dựa trên 31 nghiên cứu khác nhau năm 2020 trên tạp chí Perspectives on Psychological Science cho thấy việc ức chế chỉ có tác dụng – trong ngắn hạn. Tuy những người tham gia có xu hướng thành công trong các nhiệm vụ ngăn chặn suy nghĩ, nhưng suy nghĩ tránh né lại xuất hiện trong đầu họ thường xuyên hơn sau khi nhiệm vụ kết thúc.
Cuối cùng, theo Fradkin, sẽ tốt hơn nếu thực hiện một cách tiếp cận đơn giản đối với những suy nghĩ không mong muốn là đợi chúng qua đi thay vì tránh chúng – giống như hàng ngàn suy nghĩ khác lướt qua đầu bạn mỗi ngày.
Ông nói: “Chúng ta có thể chỉ cần cho phép những suy nghĩ này ở trong tâm trí, không bám giữ chúng quá chặt và không cố gắng chống lại chúng”.
[Một phương pháp khác để xử lý những suy nghĩ không mong muốn, đó là chánh niệm. Chánh niệm giúp chúng ta hiểu được bản chất của suy nghĩ. Hầu hết chúng ta đang lạc trong những thước phim của tâm mình và thậm chí không hay biết được sự thật rằng mình đang suy nghĩ. Nhưng khi chúng ta trở nên chánh niệm hơn đến suy nghĩ và coi nó như một đối tượng của sự hay biết thì chúng ta bắt đầu ghi nhận điều mình đang suy nghĩ, và sau đó, ở một mức độ sâu hơn, trí tuệ thấy được bản chất VÔ THƯỜNG, PHÙ DU của chính suy nghĩ này.
Những suy nghĩ khởi lên trong tâm không hề có sự tồn tại vững chắc hay thực chất nào cả. Thế cho nên, chẳng có nguyên cớ gì khiến chúng ta phải làm nô lệ cho chúng…Một khi chúng ta nhận ra rằng những suy nghĩ là rỗng không, tâm sẽ không còn khả năng dối gạt chúng ta nữa.]
Trích từ cuốn sách CHÁNH NIỆM – HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH ĐẾN GIÁC NGỘ
https://tiki.vn/chanh-niem-huong-dan-thuc-hanh-den-giac-ngo-p205884473.html?spid=205884474&fbclid=IwAR2aOoTMT5IemPfhVIJEGry0UgYecB-UVasXbiJRT3phTMR8nCJCqhSrF_I
Văn Thiện dịch
Nguồn
https://www.ntdvn.net/khoa-hoc/lam-the-nao-de-tranh-nhung-suy-nghi-khong-mong-muon-384682.html
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/lam-the-nao-de-tranh-nhung-suy-nghi-khong-mong-muon