Thế giới trong mắt người mù mặt

0

NGƯỜI PHỤ NỮ MẮC CHỨNG MÙ MẶT

CÔ ẤY KHÔNG PHÂN BIỆT ĐƯỢC BẤT CỨ AI, KỂ CẢ CHỒNG MÌNH

Khuôn mặt là thứ mà chúng ta sở hữu ngay từ khi sinh ra cho tới khi chết đi – cũng là thứ mà chúng ta dùng để, và khiến chúng ta phải “đối mặt” với thế giới. Tuổi của chúng ta, giới tính của chúng ta in hằn lên khuôn mặt.

Khuôn mặt cũng là nơi mà mọi cảm xúc của chúng ta được hiển thị, từ những bộc bạch bản năng của Darwin cho đến những xúc cảm ẩn giấu, kìm nén được mô tả bởi Freud. Khuôn mặt phô bày ra suy nghĩ, và đôi khi cả những ý định thầm kín. Một khuôn mặt thật sẽ không bao giờ che giấu được bất cứ điều gì.

Khi chúng ta gặp nhau ngoài thế giới, sẽ có những ấn tượng mà ai đó để lại trong tâm trí bạn, từ cánh tay, bờ vai, đôi chân cho đến ngực hoặc mông của họ. Nhưng đến cuối cùng, khuôn mặt vẫn là tiêu chuẩn tiên quyết cho “vẻ đẹp” mang tính thẩm mỹ, và cả những nét “thánh thiện” trong đạo đức hoặc tâm hồn.

Quan trọng hơn cả, khuôn mặt định nghĩa con người chúng ta như từng cá thể. Khuôn mặt định danh bạn là ai, tính cách bạn ra sao, trải nghiệm sống của bạn thế nào… Người ta nói một người đàn ông cho tới tận năm 40 tuổi mới có được khuôn mặt mà anh ta xứng đáng có.

Nhưng một đứa trẻ ba tháng tuổi đã có thể nhận ra khuôn mặt của mẹ đang cười với mình. Nó đáp lại nụ cười ấy bằng một nụ cười. Tình mẫu tử cũng từ đó mà hình thành, trong quá trình đối thoại liên tục giữa hai khuôn mặt.

Bất chấp điều đó, bạn sẽ tìm thấy khoảng 2% dân số, một trong 50 người sống xung quanh bạn, bị mắc một hội chứng gọi là “prosopagnosia”, hay “mù khuôn mặt”.

Prosopagnosia được ghép từ “prosōpon” trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “khuôn mặt” và “agnōsia” nghĩa là “không có khả năng nhận thức”. Đó là một tình trạng thần kinh, trong đó một người không có khả năng nhận dạng khuôn mặt của những người xung quanh mình. Họ phải sử dụng các đặc điểm khác như kiểu tóc, giọng nói hoặc quần áo để phân biệt người này với người khác.

Xung quanh cuộc sống của một người mắc hội chứng prosopagnosia xảy ra rất nhiều tình huống éo le, ví dụ như câu chuyện dưới đây của Sadie Dingfelder, một cây viết khoa học người Mỹ được cô chia sẻ trên tờ Washingtonpost. Sadie dường như đã mắc chứng “mù khuôn mặt” kể từ khi cô sinh ra, nhưng sau gần 40 năm cuộc đời cô mới phát hiện ra tình trạng bệnh của mình.

Hội chứng prosopagnosia đã giải thích cho cô ấy biết tại sao tuổi thơ mình không có nhiều bạn bè. Cô có thể quên bất cứ ai mà mình đã từng gặp. Sadie cũng không thể nhớ mặt những đồng nghiệp của mình, những người mà cô từng phỏng vấn. Thậm chí, cố ấy từng nhận nhầm một người đàn ông trong siêu thị là chồng mình, chỉ vì hôm đó hai người mặc cùng một chiếc áo giống nhau.

Vậy thế giới trong mắt một người bị hội chứng mù khuôn mặt sẽ như thế nào? Căn bệnh có thể dằn vặt tinh thần của họ ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu qua câu chuyện mà Sadie đã chia sẻ.

1 CÔ ẤY KHÔNG PHÂN BIỆT ĐƯỢC KHUÔN MẶT CỦA BẤT CỨ AI, KỂ CẢ CHỒNG CỦA MÌNH

Đó là năm 2013, khi tôi mới chuyển đến làm việc tại The Washington Post được 4 tháng thì mọi người tổ chức buổi tiệc chia tay Sara. Cô ấy là một đồng nghiệp của tôi và sắp chuyển công tác đến Philadelphia.

Tôi nhớ hôm đó mọi người đã tập trung xung quanh góc tòa soạn mà tôi ngồi, trong khi nghe tổng biên tập nói về đóng góp của Sara cho tờ báo. Một sự thật rõ ràng, tất cả đều buồn khi nghe tin cô ấy phải ra đi. Nhưng cá nhân tôi thì cảm thấy mọi thứ vẫn bình thường.

Tôi không thực sự quen biết Sara, cũng như tôi chưa từng cảm thấy thân thiết với bất kỳ ai trong văn phòng của mình. Trong nhận thức của tôi, cô ấy chỉ là một phóng viên “đa-zi-năng”, một biên tập viên tin tức và một cây viết thời trang khó có thể thay thế.

“Em nghĩ khi chúng ta già đi, chúng ta đều gặp khó khăn trong việc kết bạn với những đồng nghiệp của mình”, tôi đã nói với bạn trai của mình, Steve, vào buổi tối hôm đó sau khi trở về nhà.

Nhưng điều bất ngờ xảy ra vào sáng hôm sau khi tôi đến tòa soạn, tôi thấy Sara vẫn còn ở đó. Cô ấy đứng bên cạnh chiếc máy photocopy. Suy nghĩ duy nhất nảy lên trong đầu tôi lúc đó có lẽ là Sara đang phải thu dọn nốt đồ đạc.

Một cách đầy tự tin, tôi đã tiến đến chỗ cô ấy và thả một câu bông đùa: “Em không định đến Philadelphia nữa sao?”. Nhưng Sara nhìn tôi qua cặp kính gọng nhựa và đáp lại: “Em không phải Sara. Em là Holley”.

“Ô, tất nhiên rồi!”, tôi nói với hy vọng rằng Holley sẽ nghĩ tôi bị nhầm cô ấy với Sara. Nhưng thực tế là trong suốt vài tháng nay, kể từ khi bắt đầu làm việc ở The Washington Post, tôi đã luôn nghĩ Sara và Holley chỉ là cùng một người.

“Mọi người ở tòa soạn của em, ai ai trông cũng giống nhau”, một lần nữa tôi về nhà và phân trần với Steve. “Họ đều là những cô gái da trắng, đeo kính hipster và bận quần áo ModCloth”.

“Em vừa mô tả chính bản thân mình đấy Sadie”, anh ấy đáp lại. Trên thực tế thì Steve đã nói đúng, chỉ thiếu mỗi một điều: Tôi thấy mọi người tại tòa soạn đều thực sự giống tôi, mọi người tại mọi tòa soạn mà tôi từng làm việc, cũng như mọi người mà tôi từng gặp.

Năm ngoái, tôi đang đi sau Steve – lúc bấy giờ anh ấy đã là chồng của tôi – trong một cửa hàng tạp hóa. Steve lấy một lọ bơ đậu phộng trên kệ, loại có nhãn hiệu của cửa hàng. Tò mò, tôi nhấc nó ra khỏi giỏ hàng và kiểm tra nhãn dán.

“Anh thích mua những đồ không thương hiệu này từ khi nào vậy?”, tôi hỏi.

Steve nhảy dựng lên, đôi mắt của anh ấy mở to phần vì ngạc nhiên phần vì sợ hãi. Đó là một biểu hiện không giống bất cứ điều gì tôi từng thấy trên khuôn mặt chồng mình trước đây. Và đó cũng là lúc mà tôi muộn màng nhận ra, người đàn ông này không phải là chồng mình.

Tôi đánh rơi lọ bơ đậu phộng và quay mặt chạy đi – bỏ lại người đàn ông lạ mặt tội nghiệp đang vô cùng bối rối. Khi tôi tìm thấy Steve trong lối đi dành cho thực phẩm đông lạnh, tôi đã kể cho anh ấy nghe chuyện gì đã xảy ra.

“Tất cả chỉ tại vì anh và anh ta mặc cùng một chiếc áo khoác”, tôi giải thích. “May là hai người đi xe khác nhau, không thì em đã về nhà cùng với anh ta mất”.

“Nhưng em cũng đâu biết xe của anh trông như thế nào đâu”, Steve nói.

Trên thực tế, Steve rất hiểu tôi. Anh ấy biết rằng tôi sẽ đứng bên lề đường, liếc nhìn mọi chiếc xe chạy qua nếu anh không bấm còi hoặc vẫy tay ra hiệu.

Ngày xưa, tôi đã cho rằng chỉ những người cuồng xe hơi mới có thể phân biệt được những chiếc xe mà họ thấy trong tầm mắt. Nhưng sau đó, tôi bắt đầu hiểu rằng thế giới thị giác của tôi rất khác, nó khác rất nhiều so với những người bình thường khác.

Thử nghĩ mà xem, tôi có thể phát hiện ra một nhãn hiệu khác trên lọ bơ đậu phộng. Nhưng tôi làm điều đó còn tốt hơn cả cách mà tôi nhận ra khuôn mặt của chồng mình. Điều đó đâu có xảy ra với những người bình thường khác đâu.

Vậy nên lần này, thay vì xoa dịu sự nhầm lẫn của mình thành một câu chuyện hài hước, tôi quyết định đối mặt với nó. Rõ ràng, đây là bằng chứng cho thấy có điều gì đó không ổn đang xảy ra với não bộ của tôi.

2. CÓ MỘT HỘI CHỨNG GỌI LÀ MÙ KHUÔN MẶT

Mùa xuân năm nay là lần đầu tiên tôi phát hiện ra mình mắc một hội chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp gọi là prosopagnosia, hay còn gọi là hội chứng mù khuôn mặt. Khám phá này đã đưa tôi vào một cuộc hành trình, mà thoạt đầu, tôi nghĩ nó như một trò đùa vậy.

Sau tất cả, tôi là một người trưởng thành, hạnh phúc và thành công – ai quan tâm việc trong đầu tôi chứa một bộ não không hoàn toàn giống với những người khác? Nhưng điều mà tôi đã không nhận ra là chẩn đoán này sẽ khiến tôi phải đặt câu hỏi về tất cả những câu chuyện mà tôi đã từng kể về bản thân mình, chính là những gì đã thêu dệt lên bản chất của tôi như một bản thể.

Chẩn đoán mù khuôn mặt ở cuối tuổi 30 giống như cảm giác tôi vừa mua một tấm vé để chơi trò đu quay, nhưng cuối cùng lại bị phóng lên tận vũ trụ.

Lần đầu tiên biết về nó – hội chứng mù khuôn mặt là vào năm 2010, khi đọc một bài báo của Oliver Sacks trên tờ The New Yorker. Giống như tôi, Sacks từ lâu chỉ cho rằng việc ông ấy khó nhớ mặt mọi người chỉ là vì ông ấy quá đãng trí.

Mãi cho đến nửa đời sau, Sacks – một nhà thần kinh học! – mới nhận ra mình đang mắc một chứng rối loạn thần kinh.

Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề NGƯỜI ĐÀN ÔNG TƯỞNG NHẦM VỢ MÌNH LÀ CÁI MŨ Và Những Ca Bệnh Tâm Lý Thần Kinh Hiếm Gặp. Mua sách tại Tiki: https://shorten.asia/WQU9qvQM

Tôi đã đọc bài viết đó với một sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi Sacks mô tả một vài khoảnh khắc trong cuộc sống của ông ấy. Đó có lẽ cũng chính là những gì mà tôi đã trải qua. Ví dụ, cả hai chúng tôi đều vô tình phớt lờ những gì bác sĩ nói, để rồi sau đó buộc phải giải mã các sự cố trong suốt quãng đời mà mình gặp phải.

Có lần tôi đã đi khám và bác sĩ của tôi, Jadin, đã nhận ra tôi không thể nhớ được mặt ông ấy. Nhưng tôi đã đáp lại thái độ nghiêm túc của Jadin bằng một câu đùa cợt: “Không chỉ có anh thôi đâu, đôi khi tôi còn chẳng nhận ra mẹ ruột của mình nữa”.

Bác sĩ Jadin có lẽ đã nghĩ tôi đùa, nhưng trên thực ra vào Lễ Tạ ơn năm ngoái, tôi đã nhầm dì với mẹ của tôi thật. Tôi nói rằng hai người trông quá giống nhau. Nhưng rồi một ngày tôi thấy cả dì và mẹ mình đều trở nên giống hệt mình khi họ nhuộm lại tóc.

Bất chấp những điểm tương đồng này, tôi vẫn do dự để tự chẩn đoán mình mắc chứng mù khuôn mặt như của Sacks. Nếu có thì chỉ là một chút tự phụ khi nghĩ rằng tôi cũng có cùng tình trạng với một nhà khoa học và nhà văn khoa học nổi tiếng thế giới.

Ngoài ra, kinh nghiệm của ông ấy không hoàn toàn giống với tôi. Như Sacks viết: “Tôi nghĩ việc mình thường hay gặp khó khăn trong khi nhận dạng khuôn mặt người khác là một hệ quả từ ‘tính nhút nhát’ của tôi. Tôi thường sống ẩn dật, ít giao tiếp xã hội, có một chút lập dị và thậm chí mắc một hội chứng tự kỷ dạng Asperger”.

Những điều này nghe có vẻ không giống với tôi chút nào. Tôi không phải là người nhút nhát – trên thực tế, tôi nói chuyện với người lạ mỗi ngày. Đôi khi có cảm giác như tất cả những gì tôi làm là nói chuyện với người lạ.

Tôi ném bài báo của Sacks trên The New Yorker vào thùng tái chế, nhưng chủ đề về hội chứng mù khuôn mặt vẫn còn đó. Đôi khi, tôi thậm chí còn kết nối nó với chính mình, tôi nói với ai đó rằng: “Tôi xin lỗi, tôi hơi bị mù mặt”. Nhưng tất cả những điều đó với tôi chỉ là một lời bông đùa, một sự phóng đại hài hước.

Cho đến một ngày nọ, tôi nghĩ về sự cố trong cửa hàng tạp hóa của mình, lần mà tôi đã nhầm Steve với một người đàn ông khác. Đó là lúc tôi bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu về prosopagnosia.

Tôi “google” tất cả những gì mà tôi có thể tìm thấy, sau đó, mò vào cả các cơ sở dữ liệu y tế. Tôi gửi email cho một danh sách dài các nhà khoa học, hỏi họ có thể gửi cho tôi toàn văn nghiên cứu được không, bởi tôi không thể tìm thấy chúng miễn phí trên internet.

Các bài báo ấy chẳng mấy đã chất đống trên bàn làm việc của tôi, cho đến khi tôi có một câu hỏi tò mò khác: Tại sao prosopagnosia chỉ là một tình trạng hiếm gặp thôi mà lại có quá nhiều nghiên cứu về nó đến vậy?

3. BÀI KIỂM TRA KHUÔN MẶT CAMBRIDGE

Tầng 11 của Bệnh viện VA ở Boston không giống bệnh viện cho lắm. Nó có mùi mùn cưa thay vì chất khử trùng, và các bảng chỉ dẫn được thay thế bằng áp phích nghiên cứu. Thư viện cũng yên tĩnh, ngoại trừ những tiếng trao đổi thì thầm đầy nghiêm túc của những sinh viên 20 hoặc 30 tuổi – tôi đoán họ phải là những sinh viên đã tốt nghiệp.

Hôm nay tôi đến để tìm Anna Stumps hoặc Alice Lee – hai trợ lý nghiên cứu đã dành cả ngày rưỡi để dắt tôi qua các bài kiểm tra nhận dạng khuôn mặt. Công việc nhằm xác định xem tôi có thể tham gia vào một chương trình nghiên cứu dành cho người mắc chứng mù khuôn mặt hay không.

Một người tóc vàng, người kia tóc nâu, nhưng tôi không nhớ rõ hai người họ trông như thế nào. Tôi ngồi trên sàn – không có ghế – nở một nụ cười ấm áp với mọi người phụ nữ trẻ tóc dài đi ngang qua. Một trong số họ làm tôi cảnh giác. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người khác đã làm tôi phải rùng mình như thế.

Sau 10 phút, tôi gửi email cho Anna, cô ấy nói với tôi rằng tôi đang ở nhầm tầng. Khi tôi tìm thấy cô ấy trên tầng 12, chúng tôi bước xuống hành lang để đến cuộc hẹn với Joseph DeGutis, nhà khoa học đang dẫn đầu cuộc nghiên cứu về bệnh mù khuôn mặt mà tôi đã đến Boston để tham gia.

Bề ngoài, DeGutis là một người đàn ông trẻ, lực lưỡng. Anh ấy là một nhà khoa học thần kinh đang làm việc trong biên chế của cả Trường Y Harvard lẫn Bệnh viện VA Boston.

DeGutis đứng dậy khỏi ghế, cảm ơn tôi vì đã đến. Tôi biết tôi sẽ còn phải tìm gặp lại anh ấy sau này, khi chúng tôi hẹn nhau chụp fMRI não bộ của tôi, vì vậy tôi cố gắng ghi nhớ khuôn mặt của anh ấy. Có hai nét nổi bật mà tôi có thể cảm nhận, DeGutis đẹp trai và mặt anh ta có chút gì đó hau háu giống chó sói.

“Vậy tôi có bị mắc chứng mù khuôn mặt không?”, tôi hỏi.

Anh ấy đáp: “Chúng tôi nghĩ rằng cô có thể mắc chứng prosopagnosia từ thể nhẹ cho đến trung bình”. DeGutis không muốn trình bày chi tiết vì biết quá nhiều về thử nghiệm có thể làm hỏng dữ liệu mà tôi sẽ đóng góp: “Chúng tôi sẽ cho cô biết mọi thứ cô có thể muốn biết vào thời điểm các thử nghiệm hoàn thành”.

Trong những chia sẻ của anh ấy, tôi biết việc tìm kiếm được những người mắc hội chứng mù khuôn mặt để tham gia vào nghiên cứu là khá khó khăn. Đó là bởi họ rất giỏi trong việc giải quyết tình trạng của mình, đến nỗi họ đánh lừa được mọi người và cả chính họ rằng họ hoàn toàn bình thường.

Và khi họ nhận ra rằng có điều gì đó không ổn, mọi thứ lại trở nên thật khó khăn để thuyết phục những người khác về sự thật rằng họ không ổn. Thật khó để mô tả cách bạn nhìn thế giới như thế nào khi bạn không có bất cứ thứ gì để so sánh.

Thêm vào đó, các bài kiểm tra ban đầu về nhận dạng khuôn mặt đã bị đánh bại bởi những người prosopagnosia sử dụng tóc, tai và nét mặt để nhớ và phân biệt người này với người khác.

Aha! Vậy đây chính là lý do tại sao tôi phải dành ra cả một ngày rưỡi chỉ để ngắm nghía hàng tá những bức ảnh chụp khuôn mặt vô hồn của những người đàn ông trẻ tuổi. Chúng được lược bỏ đi mọi chi tiết khác, như tóc, tai, thậm chí bị Photoshop vào những bức màn đen giống như áo khoác của nữ tu.

Những bài kiểm tra ấy khiến tôi quá mệt mỏi, đến nỗi khi phải trở lại bệnh viện, tôi đã bắt một chiếc Uber chỉ để tránh phải nhìn thấy quá nhiều người trên tàu điện ngầm.

“Việc đánh giá mức độ mù khuôn mặt là rất khó, vì vậy, chúng tôi phải làm cô thấy choáng ngợp với những bài kiểm tra bất khả thi”, DeGutis nói.

Các bài kiểm tra tôi đã thực hiện vào sáng hôm đó thực sự là quá khó. Tôi đặc biệt phải đấu tranh với một tấm lưới có sáu khuôn mặt. Bằng cách nào đó, tôi phải ghi nhớ chúng và sau đó chọn ra những khuôn mặt tôi đã thấy từ một tập hợp những khuôn mặt gần giống hệt nhau.

“Không ai có thể làm được điều đó”, tôi khẳng định. Thế nhưng DeGutis nói với tôi: Trên thực tế, bài kiểm tra trí nhớ khuôn mặt Cambridge này khá dễ dàng đối với hầu hết người bình thường.

Nếu bạn là người bình thường thì bạn có một khả năng đặc biệt để chụp và nhớ ngay những khuôn mặt mà bạn vừa nhìn thấy. Khả năng ghi nhớ này rất đặc biệt, bởi bạn sẽ không thể sử dụng nó với bất kỳ đối tượng nào khác – ngoài khuôn mặt.

Hãy thử cho mọi người nhìn một tấm hình chụp 6 viên đá, họ sẽ chẳng có cách nào để chọn ra đúng viên đá mà họ đã nhìn thấy trước đây. Nhưng với khuôn mặt thì khác, chúng có xu hướng tạo nên một dấu ấn khó phai trong tâm trí chúng ta.

Điều này xảy ra nhờ một khối não có kích thước bằng quả ô liu, nằm ngay phía sau mỗi bên tai của bạn gọi là vùng thoi mặt (Fusiform Face Area – FFA).

4. PHẦN MỀM NHẬN DIỆN KHUÔN MẶT TRONG NÃO BỘ

Các nghiên cứu cho thấy FFA là vùng não chịu trách nhiệm cho khả năng phát hiện, nhận diện và ghi nhớ khuôn mặt của chúng ta. Nó đã được lập trình để phát hiện các cấu trúc mắt, mũi, miệng, mạnh đến nỗi bạn có thể nhìn thấy cả hình dạng khuôn mặt từ những đồ vật vô tri như ổ cắm điện, đèn ô tô, trên lát bánh mì nướng – về cơ bản là bất kỳ thứ gì có hai dấu chấm xuất hiện phía trên một đường kẻ ngang.

“Ngay cả trước khi được sinh ra, bạn đã có cảm giác với khuôn mặt”, DeGutis nói. Đó là lý do tại sao trẻ sơ sinh được vài giờ tuổi đã có phản ứng với khuôn mặt của người mẹ đang cười với mình. Khi các nhà nghiên cứu chiếu đèn pin vào bụng của những người phụ nữ mang thai, họ thậm chí phát hiện những thai nhi trong 6 tháng cuối cũng có khả năng này.

Mặc dù chúng ta được sinh ra với phần mềm nhận dạng khuôn mặt cơ bản, nhưng chúng ta luôn phải cập nhật nó hàng ngày, bằng cách ngắm nhìn kỹ lưỡng các khuôn mặt xung quanh mình, DeGutis nói.

Đây là lý do tại sao bạn có thể dễ dàng phân biệt được khuôn mặt của những người cùng chủng tộc với mình, nhưng với người ngoại quốc thì thấy khuôn mặt ai ai cũng na ná như nhau. Và đó cũng là lý do những người mù bẩm sinh, sau khi tìm lại được thị giác ở tuổi trưởng thành nhưng vẫn không có khả năng phân biệt khuôn mặt.

Ngược lại, một số người khác chỉ bắt đầu mắc hội chứng mù khuôn mặt sau một cơn đột quỵ, thứ đã gây ra những tổn thương trong vùng FFA của họ. Nhưng xét trên đa số, hầu hết tình trạng này xảy một cách bẩm sinh, do lỗi trong vùng FFA.

“Có một yếu tố di truyền nào đó đóng góp vào tình trạng này”, DeGutis nói. “Gia đình cô có ai mắc hội chứng mù khuôn mặt hay không?”.

“Theo tôi biết thì không”, tôi trả lời anh ấy. “Nhưng tôi còn mắc chứng mù không gian nổi”.

Hai bên mắt của tôi bị lệch trục, đến mức não bộ của tôi không thể kết hợp hai hình ảnh của chúng lại với nhau để tạo ra cảm giác về chiều sâu. Việc chỉ có thể nhìn bằng mắt này hoặc mắt kia khiến thế giới của tôi như một mặt phẳng. Tôi không bao giờ có thể xem phim 3D và thậm chí chưa bao giờ bắt được một quả bóng bay.

“Điều đó chắc chắn có thể liên quan đến chứng mù mặt của cô”, DeGutis nói. Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ câu chuyện – có khoảng 6% đến 12% dân số bị mù không gian nổi, nhưng chỉ khoảng 2% mù khuôn mặt. Không phải lúc nào hai tình trạng này cũng đi đôi với nhau.

Một điều thú vị về những người mắc hội chứng mù khuôn mặt bẩm sinh là ngoài chuyện đó ra thì họ hoàn toàn là những người bình thường. Theo kinh nghiệm của DeGutis, những người mắc chứng mù khuôn mặt thậm chí còn có xu hướng thông minh hơn dân số trung bình, có lẽ vì họ thường trải qua tuổi thơ cô đơn với nhiều thời gian để đọc sách, suy ngẫm và theo đuổi những mục đích đơn độc khác.

“Hội chứng mù khuôn mặt chỉ là một vấn đề nhỏ, xảy ra trong một vùng não nhỏ cụ thể”, anh ấy nói. “Từ cấp độ khoa học, đó là một trong những thứ cụ thể nhất đang diễn ra trong não bộ mà chúng ta biết được”.

Đây là lý do tại sao các nhà khoa học rất muốn nghiên cứu prosopagnosia, và tại sao lại có nhiều bài báo về nó đến vậy. Hội chứng mù khuôn mặt rõ ràng đang cung cấp một mục tiêu xác định, giúp các nhà khoa học kiểm tra những giả thuyết của họ về hoạt động của não, thứ sau này có thể giải thích được vô số rối loạn não khác phức tạp hơn.

“Tôi nghĩ điều này thực sự sẽ mở ra nhiều hiểu biết về cách bộ não của chúng ta phát triển”, DeGutis nói.

 “Vậy chữa trị không phải là ưu tiên hàng đầu hay sao?”, tôi hỏi.

“Một số nhà nghiên cứu đã thử tiêm oxytocin cho những người mắc hội chứng mù khuôn mặt – đó là một loại hormone tin cậy, nhưng nó có mặt tối”, DeGutis nói. “Những người được tiêm đã cải thiện được khả nhận diện những người có cùng chủng tộc với mình, nhưng với những người khác chủng tộc, khả năng đó lại càng suy giảm”.

Trong nghiên cứu của chính mình, DeGutis và các đồng nghiệp đã thử một phương pháp khác. Họ kích thích vùng não FFA bằng cách cho một dòng điện yếu chạy qua da đầu. “Nó chẳng có tác dụng chút nào cả”, anh ấy nói.

Tuy nhiên, có một phương pháp điều trị đã cho thấy một số hứa hẹn. Đó là một chương trình đào tạo mà DeGutis đã thiết kế ra khi còn là một sinh viên tốt nghiệp từ Berkeley. Nó có tác dụng dạy cho những người mù khuôn mặt một phản xạ, phán đoán nhanh khoảng cách của các đặc điểm trên khuôn mặt qua đó nhận diện chúng.

DeGutis đã thử nghiệm chương trình máy tính đó trên một người bạn mắc chứng mù khuôn mặt. Thật ngạc nhiên khi nó đã có tác dụng. “Tôi phải thốt lên, ‘Ôi Chúa ơi!'”, DeGutis nhớ lại. “‘Khoa học thật tuyệt vời. Đây là cảm giác tuyệt vời nhất từ trước đến nay. Chúng tôi đã thực sự giúp được một ai đó”.

Mắc hội chứng mù khuôn mặt nghĩa là bạn phải sống trong một thế giới toàn những người xa lạ. Bạn sẽ không nhận ra được khuôn mặt của cả những người thân hay bạn bè xung quanh mình.

Thực tế thì, đây là một trong những nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lo âu. Một người đàn ông mắc chứng mù khuôn mặt mà tôi từng đọc lúc nào cũng cúi gằm mặt xuống đất khi ra ngoài, chỉ để tránh tình cờ chạm mắt những người mà ông ấy biết nhưng không thể nhận ra.

Kết quả là ông ấy bị đánh giá là người xa lánh xã hội, điều khiến ông càng trở nên khó kết bạn hơn. Chỉ có một cách duy nhất để những người mù khuôn mặt tránh được sự xấu hổ từ xã hội, đó là ở nhà.

Bị trói buộc bởi chứng lo âu xã hội, nhiều người mù khuôn mặt – bao gồm cả Oliver Sacks – đã tránh đến những bữa tiệc và sự kiện kết nối. Hậu quả của điều đó là tình bạn, cuộc sống tình yêu và cả sự nghiệp của họ đều bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp bi thảm nhất, họ sẽ tự đào cho mình một cái rãnh cô đơn và rất khó để thoát ra, nếu không muốn nói là không thể. Chính tôi cũng từng đi trên một con đường giống như họ, cho đến khi bố tôi, ông ấy cho tôi một lời khuyên đáng giá.

Đó là năm 19 tuổi, và tôi đang nghỉ phép sau kỳ học đầu tiên ở trường đại học. Bố dẫn tôi tới tiệm tạp hóa để mua sắm.

“Chà, thật là mất lịch sự”, ông ấy nói khi chúng tôi đã vào xe.

“Sao cơ bố?” Tôi hỏi.

“Bạn của con, Susan Zartman”, ông nói. “Con vừa đi ngang qua cô ấy mà chẳng hỏi han gì cả”.

“Ồ, đó là Susan ư?”, tôi hỏi về cô gái với mái tóc ngắn màu nâu đã vẫy tay chào tôi trong cửa hàng. “Cô ấy không phải là bạn của con”, tôi lập luận. “Con đã không gặp Susan kể từ hồi học cấp hai”.

Sau đó, tôi phát hiện ra một sự thật chấn động rằng, hóa ra Susan vẫn học chung lớp với tôi ở trường trung học. Chỉ có điều suốt thời trung học, tôi đã xem cô ấy như thể một người xa lạ. Susan đã cảm thấy rất tổn thương kể từ đó.

Có điều gì đó đã xảy ra – có lẽ cô ấy đã cắt tóc hoặc đeo kính – khiến tôi không thể nhận ra Susan thời trung học chính là người bạn cấp hai của mình. Và khi tôi không còn “gặp” cô ấy thường xuyên, hình ảnh cô ấy chỉ đơn giản đã mờ nhạt đi trong tâm trí tôi. Trên thực tế, tôi đã quên cả sự tồn tại của Susan.

Có một số bằng chứng cho thấy khuôn mặt hoạt động như một thư mục lưu trữ bên trong não. Nó chứa đựng tất cả các thông tin khác mà bạn thu thập được về mọi người – bạn đã gặp họ khi nào, ở đâu, trong hoàn cảnh nào; ban nhạc yêu thích của họ; tên của người bạn trai cuối cùng của họ; và tại sao họ lại chia tay.

Bởi vì bộ não của tôi không thể tạo ra một tập hồ sơ tốt, những chi tiết này thường bị mất ở trong cùng một ngăn kéo. Một số người mù khuôn mặt có thể lưu trữ tiểu sử của mọi người qua giọng nói. Nhưng đối với tôi, mù khuôn mặt khi đó cũng có nghĩa là không nhớ được mọi người.

Tất nhiên, năm 19 tuổi tôi chưa biết được tất cả những điều này. Những gì tôi biết chỉ là việc có vô vàn người xa lạ xung quanh cứ chào hỏi mình. Sau đó, tôi giả vờ nói chuyện với họ, không ngừng, chỉ vì sợ rằng họ sẽ biết tôi không nhận ra họ và cảm thấy bị xúc phạm.

Tôi đã hỏi bố mình: “Làm thế nào bố nói chuyện được với một người mà bố chưa nhận ra họ?”. Ông ấy đáp: “Mọi người chỉ muốn nói về bản thân mình. Vì vậy con chỉ cần đặt nhiều câu hỏi, và họ sẽ nghĩ con là người hấp dẫn nhất trên thế giới”.

Tôi đã mang mẹo nhỏ này của bố tôi vào đại học, và nó chính xác là thứ đã thay đổi cuộc đời tôi. Chỉ qua một học kỳ, tôi đã đi từ chỗ một con bé cô đơn, đến chỗ có quá nhiều bạn bè. Tôi có nhiều bạn đến nỗi không thể tụ tập hết họ lại và nhét vừa phòng ký túc xá của mình.

Bí quyết của tôi và tất cả những gì tôi làm chỉ là giả vờ rằng tôi biết những người dường như biết tôi. Khi tôi đang đi bộ vào lớp, nếu ai đó có vẻ đang nhìn về phía tôi, tôi mỉm cười. Nếu họ mỉm cười, tôi dừng lại để trò chuyện. Chẳng bao lâu sau, toàn bộ khuôn viên trường tràn ngập những người bạn thân thiết của tôi. Chỉ có duy nhất một điều, tôi không phân biệt được ai với ai trong số họ.

Tất nhiên, có một vài người bạn sẽ nổi bật hơn giữa đám đông. Bạn thân nhất của tôi, Melissa, có mái tóc dài màu xanh lam. Thalia và Annette cao một cách kỳ lạ và thường bị ướt do cả hai thích tập bơi.

Những người còn lại với tôi, tôi không thể nhớ họ. Nhưng điều đó không cản trở được cuộc sống xã hội đang nở rộ của tôi. Khi một người phụ nữ trông có vẻ quen quen nằm xuống giường của tôi và bắt đầu kể về bạn trai cô ấy, tôi sẽ vui vẻ tiếp chuyện.

Bí quyết một lần nữa là đừng nói bất cứ điều gì có thể tiết lộ sự thật rằng, theo như tôi biết, đây là lần đầu tiên tôi nghe cô ấy kể về người bạn trai của mình.

Sự quảng giao của tôi đạt đến đỉnh điểm vào năm 2 đại học, khi tôi được bầu làm chủ tịch tổ tự quản của ký túc xá. Để có thể nhớ hết khuôn mặt mọi người ở đây, tôi đã bày ra một trò. Tôi nói mình cần 80 tấm ảnh chân dung của mọi người để dán lên bảng thông báo, tại vị trí ghi họ và tên của mỗi người, điều này là vì lợi ích của khu ký túc, tôi nói.

Nhưng sau đó, tôi đã tự in và giữ riêng cho mình một bộ ảnh. Tôi viết tên, quê quán của các bạn cùng ký túc ở mặt sau của chúng. Đêm nào tôi cũng giở bộ ảnh ra và tìm cách ghi nhớ.

Thế nhưng một thực tế là tôi vẫn chẳng bao giờ thực sự học thuộc được khuôn mặt của mọi người. Lợi ích duy nhất của những tấm flashcard đó chỉ là tôi đã kết nối được tên và quê quán của tất cả nữ sinh trong ký túc lại với nhau.

“… Melissa lúc nào cũng chứng nào tật nấy, nó lại dùng bàn chải tóc của tớ…”, cô gái lạ mặt đang nằm trên giường tôi phàn nàn. “Melissa đến từ New Hampshire ấy hả?”, tôi hỏi.

Đối với người bình thường thì chẳng có lý do gì để họ phải kể ra quê quán của Melissa, nhưng đối với tôi, tôi thấy rất hài lòng với bản thân vì đã nhớ ra điều gì đó, bất cứ điều gì, đến nỗi tôi không thể không thốt ra câu nói đó.

Đến tận bây giờ cũng vẫn như thời đại học, tôi có rất nhiều người quen biết nhưng chỉ một số ít trong số họ là bạn thân. Điều đặc biệt là tất cả những người bạn thân của tôi đều có vẻ ngoài khác biệt. Chẳng hạn Miriam là một cô gái có mái tóc xù dài màu tím; Sieren thì cực kỳ cao và gầy còn Steve là một người đàn ông khổng lồ nặng 160 ký.

Những người bạn khác trông bình thường hơn chỉ xuất hiện trong ý thức của tôi như những tấm hình lắp ghép. Dani, một người bạn của tôi, đã nói rằng tôi nhiều lần lẳng lặng đi bộ cùng cô ấy từ lớp tập yoga về nhà mà chẳng nói gì. Cho đến một ngày, đột nhiên tôi lại quay sang và bắt chuyện với cô ấy, để nói về một chủ đề dở dang mà chúng tôi đã nói chuyện cách đấy cả tháng.

Rất nhiều bạn bè của tôi không tin, khi tôi nói với họ rằng tôi bị mù khuôn mặt. “Nhưng bạn vẫn có thể nhận ra tôi, phải không?”, họ nói. Câu trả lời của tôi là: Đôi khi. Nếu bạn đang ở trong một bối cảnh phù hợp, trong điều kiện ánh sáng tốt và đeo cặp kính mà bạn vẫn thường dùng, bộ não của tôi có thể tổng hợp tất cả các manh mối ấy lại với nhau và nghĩ ra một cái tên.

Nếu bạn đến một nơi nào đó bất ngờ hoặc đi cắt tóc, rất có thể tôi sẽ không làm được như vậy. Thay vào đó, những gì tôi thấy sẽ là một người dường như biết tôi, và tôi sẽ chào đón bạn một cách nồng nhiệt, hy vọng rằng trong một khoảnh khắc nào đó bạn sẽ nói điều gì đó có thể tiết lộ cho tôi biết bạn là ai.

Cứ như vậy, tôi đã dành cả cuộc đời để giả vờ rằng tôi biết những gì đang xảy ra và tin tưởng rằng cuối cùng tôi sẽ tìm ra nó. Sự thoải mái với những gì không chắc chắn này có lẽ là món quà lớn nhất từ hội chứng mù khuôn mặt mà tôi nhận được – nhưng đồng thời nó cũng là đặc điểm khiến tôi khó chịu nhất.

6. TẬP VẬT LÝ TRỊ LIỆU CHO NÃO BỘ

Một vài tuần sau khi trở lại Washington DC, tôi nhận được email từ trợ lý của DeGutis, Alice Lee. Cô ấy cảm ơn tôi vì đã đến Boston để kiểm tra và thông báo tôi đã chính thức được chọn để tham gia chương trình đào tạo, chương trình mà DeGutis đã thiết kế riêng nhằm giúp những người mù khuôn mặt cải thiện được kỹ năng nhận diện của mình.

Trong phiên bản trên máy tính, nó bao gồm 30 buổi tập luyện nhắm đến những người mắc hội chứng mù khuôn mặt nặng nhất. Mỗi buổi đào tạo bắt đầu với một lưới hình ảnh gồm 10 khuôn mặt – thực tế chúng đều là các biến thể từ cùng một khuôn mặt, được tinh chỉnh để có một số đặc điểm khác đi đôi chút.

Một đường ngoằn ngoèo rạch qua màn hình chia những khuôn mặt gần giống nhau này thành hai nhóm: Ở nhóm 1 là những khuôn mặt có mắt và miệng cách xa nhau hơn, nhóm 2 là những khuôn mặt trông có vẻ thon và gọn.

Tôi được phép nghiên cứu các khuôn mặt này trong vài phút, trước khi nhấn nút bắt đầu. Toàn bộ lưới mặt sau đó sẽ biến mất, thay vào đó là một trình chiếu từng khuôn mặt riêng lẻ. Nhiệm vụ của tôi là phải xác định khuôn mặt này thuộc nhóm 1 hay nhóm 2, bằng cách nhấn phím “1” hoặc “2” trên bàn phím.

DeGutis đã thiết kế một chương trình đào tạo nhằm giúp những người mù khuôn mặt cải thiện được kỹ năng nhận diện của mình.

Đó là một bài tập kỳ lạ, nhưng từ những bài báo mà tôi đọc được trước đó, tôi biết đây là cách để các nhà khoa học dạy tôi hướng sự chú ý của mình vào các khu vực giàu thông tin nhất trên khuôn mặt. Sau đó, tôi có thể sử dụng các thông tin đó để phân biệt các khuôn mặt khác nhau một cách rõ ràng, nhanh chóng.

Lần đầu làm bài tập này đúng là một thảm họa. Tất cả các khuôn mặt ấy – với tôi vẫn như mọi khi, chúng giống nhau y đúc và tôi đã bấm phím 1 và 2 như một người mù.

Sang đến lượt thứ hai, tôi đã thử sử dụng những nếp gấp màu trắng trên móng tay của mình để đo khoảng cách giữa các phần trên khuôn mặt được hiển thị. Chiến thuật này cũng chẳng có tác dụng, có quá ít thời gian để tôi có thể hoàn thành chúng trước khi màn hình chớp nháy màu đỏ báo hiệu bài kiểm tra kết thúc.

Đến lượt thứ ba, các khuôn mặt bắt đầu trông có gì đó hơi khác biệt, nhưng máy tính đang thay đổi kích thước của chúng – một số khuôn mặt được làm lớn hơn còn một số đang thu nhỏ lại.

Bài tập này rõ ràng được thiết kế để tôi phải nhớ khoảng cách tương đối giữa các bộ phận trên khuôn mặt mọi người. Đây là điều mà một người bình thường có thể làm được dễ dàng mà không cần cố gắng. Nhưng đối với tôi thì mọi chuyện gần như là không thể.

Cuối buổi đào tạo hôm đó, tôi chỉ trực khóc, thất vọng vì mình không thể vượt qua.

Vào ngày thứ hai, tôi nghĩ ra một chiến lược khác. Thay vì gọi đó là nhóm 1 và 2, tôi đặt tên cho họ là Steves và Bobs, cố gắng tạo ra một mối gắn kết tình cảm với hai nhóm mặt. Steves là những khuôn mặt nhỏ gọn và có vẻ thông minh.

Tôi thích Steves hơn là những chú Bob ngốc nghếch, với đôi lông mày nhướng lên và cái miệng thấp trông ngớ ngẩn. Chiến lược này làm cho nhiệm vụ trở nên thú vị hơn, nhưng điểm số mà tôi đạt được thì vẫn vậy.

Một tuần sau, tôi gửi email cho Alice, cầu xin sự giúp đỡ: “Tôi có cần phải in những tấm flashcard rồi học chúng trước làm bài kiểm tra với máy tính không?”.

“Không, chị vui lòng đừng tạo bất kỳ flashcard nào hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nghiên cứu khuôn mặt nào khác… vì nó có thể trở thành một biến số gây nhiễu và làm sai lệch kết quả”, Alice hồi đáp.

Cô ấy cũng yêu cầu tôi làm bài kiểm tra nhanh hơn – mỗi phiên chỉ được phép làm trong 30 phút mà tôi lúc nào cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Lời khuyên này rõ ràng chẳng có ích gì với tôi cả.

Trong nhiều tuần, tôi chỉ biết đến thất bại và gần như muốn bỏ cuộc. Mãi cho đến khoảng tuần thứ 10, tôi mới phát triển được một chiến lược giúp tôi chiến thắng bài kiểm tra đó.

Thay vì cố gắng đánh giá tổng thể từng khuôn mặt, tôi chia những khuôn mặt ra thành hai nửa, trên và dưới. Sau đó, tôi quyết định vị trí nào trong số ba vị trí (cao, trung bình hoặc thấp) là nơi lông mày đang ở, còn vị trí nào trong bốn vị trí (cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp hoặc thấp nhất) là nơi có miệng của họ. Tôi cũng thuộc lòng những cặp đặc điểm nào thuộc nhóm nào.

Một đêm khi tôi đang nằm trên giường và gõ 1 với 2 trên bàn phím, Steve – chồng tôi, anh ấy đã tỏ vẻ phát ngán ra mặt. Steve nằm cạnh tôi và đang thực hiện một dự án cải thiện bản thân khác của chính anh ấy: Xem bộ phim sitcom Brooklyn Nine-Nine hết tập này đến tập khác.

“Em phải làm việc này trong bao lâu?”, chồng tôi hỏi.

“Có lẽ là mãi mãi”, tôi nói, đồng thời giải thích cho anh ấy biết ngay cả khi tôi nằm trong số 50% những người mù khuôn mặt cải thiện được tình trạng thông qua đào tạo này, hiệu quả của nó sẽ giảm dần xuống nếu tôi dừng các buổi tập luyện.

“Ý anh là, tối nay em phải tập bài tập đó trong bao lâu”, Steve giải thích. Có lẽ vì việc tôi cứ lẩm bẩm một mình khiến anh ấy thấy khó chịu.

Dẫu sao, chiến thuật lần này đã có tác dụng. Điểm của tôi tăng vọt trong những bài kiểm tra với máy tính. Nhưng có một điều đáng thật vọng hơn, điểm số đó không được dịch ra đời thật, kỹ năng nhận diện khuôn mặt của tôi bên ngoài thế giới vẫn tệ hại như vậy.

Ngày cuối cùng trong chương trình đào tạo, tôi đã ngồi ngay cạnh Dani, người bạn của tôi tại một quán cà phê mà không nhận ra cô ấy. Dani kể lại cho tôi vài ngày sau đó: “Bạn đã nhìn thẳng vào mặt tôi mà không hề nhận ra”.

Nhưng đến cuối tuần, một điều bất ngờ đã xảy đến: Một người hàng xóm của tôi bước vào quán cà phê nơi tôi tôi đang ngồi viết một câu chuyện và không muốn bị quấy rầy. Đúng lúc đó, tôi liếc mắt nhìn lên và nhận ra rằng mình biết anh ta, nhưng tôi đã cố tình lảng mắt đi.

Có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời tôi, tôi cố tình lảng tránh một ai đó, một cách có chủ ý vì tôi nhận ra họ.

7. KHẢ NĂNG NHẬN DIỆN KHUÔN MẶT CỦA TÔI CHỈ TƯƠNG ĐƯƠNG VỚI MỘT CON KHỈ

Sau khi kết thúc khóa đào tạo, tôi trở lại Boston để thực hiện một vòng kiểm tra và chụp ảnh não bộ khác. “Mọi thứ ổn chứ?”, Alice hỏi trong khi bật chiếc laptop màu xám sang trọng của cô ấy.

“Tôi không nhận thấy sự khác biệt lớn. Nhưng khi tôi nhận ra ai đó, tôi cảm thấy chắc chắn hơn về trực giác của mình”, tôi đáp lại.

Alice gật đầu lia lịa, rồi cô ấy yêu cầu tôi hoàn thành một phiên bản mới của những bài kiểm tra tương tự thứ mà tôi đã thực hiện trong chuyến đi đầu tiên đến Boston. Nhưng trước khi bắt đầu, tôi đã thử cố gắng nhớ khuôn mặt của cô ấy, Alice.

Khuôn mặt cô ấy có hình bầu dục hay hình vuông? Lông mày của cô ấy cao hay thấp? Tôi chẳng nảy ra ý nhiệm gì cả. Theo như trí nhớ của tôi, cô ấy chỉ là một phụ nữ trẻ với mái tóc đen dài. Chẳng bao lâu sau đó, sự tồn tại của Alice tan biến, chỉ còn lại tiếng bước chân khi cô ấy rời xa tôi trên hành lang dài của bệnh viện.

3 tuần sau, DeGutis gọi cho tôi để thông báo kết quả.

“Vậy trên nguyên tắc tôi có bị mù khuôn mặt không?”, tôi hỏi.

“Có. Khả năng phân biệt những gương mặt mới của cô thực sự kém”, anh ấy nói. “Cô là một trong những người có điểm số thấp nhất mà chúng tôi từng tuyển dụng được vào nghiên cứu”.

Không có gì ngạc nhiên, tôi đón nhận chẩn đoán của DeGutis như một sự giải thoát. Trên thực tế, tôi đã lo lắng rằng các bài kiểm tra sẽ chỉ ra tôi thực sự giỏi trong việc nhận dạng khuôn mặt. Nếu điều đó xảy ra, nó đồng nghĩa với việc tôi không thể nhớ được mọi người chỉ vì tôi tự cho mình là trung tâm vũ trụ.

“Ảnh quét não của tôi có nói lên điều gì không?”, tôi hỏi. Đối với tôi, đó là một câu hỏi lớn. Có thể tôi đã cố tình làm sai các bài kiểm tra vì trong tiềm thức, tôi muốn có một chẩn đoán càng tệ càng tốt. Nhưng không ai có thể đánh lừa được máy cộng hưởng từ MRI.

“Điều này mới thực sự thú vị”, DeGutis nói. “Chúng tôi nhận thấy rằng vùng FFA của cô thực sự lớn hơn người bình thường. Lớn hơn nghe có vẻ tốt, nhưng… mỏng hơn mới là thứ thực sự tốt hơn cho vùng FFA”.

Tôi có vùng FFA giống hệt một đứa trẻ 12 tuổi. Còn khả năng nhận dạng khuôn mặt của tôi chỉ bằng một đứa trẻ lên 3.

Từ khi là một đứa trẻ, vùng FFA của chúng ta đã được sinh ra với độ dày nhất định. Cho đến khi não xác định được tế bào thần kinh nào hữu ích và tế bào thần kinh nào đang cản đường, nó sẽ làm chúng mỏng dần đi. Quá trình gọi là “cắt tỉa thần kinh” này dường như đã dừng lại trong não bộ của tôi, để lại vùng FFA vẫn còn dày đặc.

“Cô có vùng FFA giống hệt một đứa trẻ 12 tuổi”, DeGutis nói.

Và khả năng nhận dạng khuôn mặt của tôi thì chỉ bằng một đứa trẻ 3 tuổi?, tôi hỏi.

“Đúng vậy, và tôi có thể nói cô có khả năng nhận diện khuôn mặt tương đương một con khỉ, thậm chí dưới cả mức của một con khỉ trung bình”, anh ta trả lời.

Tôi cười rộ lên trong phòng, để che đi một sự thật rằng tôi đang bị sốc.

Nếu đó là tin xấu, thì đây là một tin tốt có thể vớt vát lại: Sau 30 giờ đào tạo trong chương trình của DeGutis, kỹ năng nhận dạng khuôn mặt của tôi đã được cải thiện đáng kể.

“Cô thực sự đang ở thang điểm tệ nhất của chứng mù khuôn mặt. Nghĩa là cô đã thực sự gặp khó khăn, nhưng lợi ích mà cô đạt được từ các bài kiểm tra này là rất đáng kể. Nếu xuất phát điểm của cô ở mức cao, cô đã chẳng tham gia vào nghiên cứu này làm gì”, anh ấy nói.

Ngay cả DeGutis cũng không thực sự chắc chắn tôi đã tiến bộ trong quá trình đào tạo như thế nào. Nhưng các cuộc kiểm tra tiếp theo cho thấy nhận thức về khuôn mặt của tôi vẫn còn tồi tệ.

Tôi không thể ghép chính xác một khuôn mặt với chính khuôn mặt đó – nếu nó được chụp ở một góc độ hơi khác đi một tí, và ngay cả khi cả hai khuôn mặt đang hiển thị trước mắt tôi. Chiến lược mà tôi sử dụng, dường như chỉ là từ sức mạnh ý chí, thứ khiến tôi nắm giữ một cách tuyệt đối bất cứ thông tin sơ sài nào mà tôi có thể thu thập được.

“Có thể cô đang thực hiện nhiều mã hóa liên kết này hơn và chú ý đến phần bù trừ này nhiều hơn một chút”, Degutis nói. “Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta đã khắc phục được sự thâm hụt tri giác của cô”.

Sau khi cảm ơn DeGutis và chào tạm biệt, tôi đã đeo cặp kính râm và chạy khỏi văn phòng anh ấy. Tôi đã khóc trong suốt thời gian nói chuyện với Steve điện thoại. Khuôn mặt của tôi khi đó là một đống đổ nát.

“Chuyện gì vậy?”, Steve hỏi trong bữa tối hôm đó. Sự quan tâm của anh ấy lại tiếp tục khiến nước mắt tôi trào ra. “Em có khu vực FFA giống như một đứa trẻ 12 tuổi và khả năng nhận dạng khuôn mặt thì còn chẳng bằng một con khỉ”, tôi khóc.

8. KHỦNG HOẢNG DANH TÍNH CỦA MỘT NGƯỜI MÙ KHUÔN MẶT

Chẩn đoán không phải là vấn đề chính khiến tôi sụp đổ. Vấn đề lớn hơn là tôi luôn nghĩ rằng mình là một người mạnh mẽ, một người chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình. Tôi nghĩ tôi là một cây bút, một phóng viên bởi vì tôi đã quyết định chọn đi theo con đường sự nghiệp này.

Nhưng chẩn đoán lần này đã khiến tôi phải nghĩ lại. Có lẽ tôi đã bị cuộc đời xô đẩy để trở thành một phóng viên. Bởi bộ não của tôi bị lỗi, tôi đã có một tuổi thơ cô đơn mà tôi phải trải qua bằng cách đọc mọi thứ. Sau đó, khi còn là một thanh niên, chứng mù khuôn mặt đã khiến tôi trở thành một chuyên gia trong việc nói chuyện với người lạ.

“Tất nhiên em đã trở thành một phóng viên”, tôi nói. “Nhưng em sẽ làm được gì khác với loại hình đào tạo đó?”.

Steve đáp lại trong khi tôi xì mũi một tiếng dài: “Anh nghĩ có một cách để nghĩ khác về chuyện này. Hãy xem đây chỉ là một hành trình khám phá thú vị, về lý do tại sao em lại trở thành con người như em đang là”.

“Có lẽ anh nói đúng”, tôi đáp.

Trong nhiều tuần sau đó, tâm trí tôi ngập trong một mớ hỗn độn. Bất cứ thứ gì cũng có thể khiến tôi rơi nước mắt. Tôi khóc trong viện bảo tàng. Tôi khóc trong bữa tiệc sinh nhật một người bạn. Tôi khóc khi một chiếc xe buýt băng cắt qua.

Cuối cùng, có một điểm nút khiến tôi thấy mọi chuyển trở nên rõ ràng: Đó là thời trung học của tôi.

Toàn bộ cuộc điều tra này đã mở lại một bí ẩn từ quá khứ, một điều mà tôi nghĩ rằng tôi đã đóng nó lại từ lâu: Tại sao tôi không có bất kỳ người bạn nào khi tôi còn nhỏ? Trước đây tôi từng nghĩ đó chỉ vì tôi trẻ con, xấu tính và hành động hơi kỳ lạ. Nhưng bây giờ, khẳng định đó đã bị đem ra xét hỏi.

Trên tinh thần cuộc hành trình khám phá để hiểu chính bản thân mình, tại sao tôi phải dừng lại ở nhận định này, phải không? Và thế là tôi đã có một quyết định tương đối bốc đồng.

Tôi viết một bức thư lên Facebook của mình, nói cho các bạn học cũ của tôi biết rằng tôi vừa được chẩn đoán với hội chứng mù khuôn mặt. Tôi hỏi họ xem điều đó có liên quan gì đến việc tôi không được hòa đồng với họ hay không?

“Có ai trong số các bạn ở đó nhớ bất cứ điều gì liên quan không?”, tôi hỏi. “Ở tuổi này, mình thực sự chỉ tò mò muốn biết. Bây giờ mình là một người trưởng thành hạnh phúc, thành công và có da mặt dày hơn. Vì vậy, nếu bạn nhớ lại rằng mình là một kẻ lập dị khó hiểu, hoặc không có ai làm bạn với mình vì người mình lúc nào cũng bốc mùi, mình hứa rằng mình sẽ không buồn đâu”.

Các câu trả lời đến nhanh chóng. “Bạn đã có bạn! Chúng mình từng la bạn bè!”, một người bạn cùng lớp viết. Tôi đã định tranh luận với cô ấy, nhưng cô ấy tiếp tục kể lại một kỷ niệm về việc cô đã tới nhà tôi làm bánh. Có vẻ đúng như vậy, năm tôi 10 tuổi, bố mẹ đã cấm tôi mua bánh kẹo, do đó, tôi đã tự làm bánh tại nhà.

Những người bạn khác nhớ lại rằng tôi không phải là một người quá cô đơn, nhưng tôi là một người khá kín đáo. “Bạn dường như luôn hài lòng với việc làm của riêng mình”, một cô gái viết. “Bạn luôn tự làm mọi thứ theo ý mình”, một người khác nói.

Một người phụ nữ thứ ba tuyên bố rằng cô ấy đã cố gắng làm bạn với tôi, nhưng dường như tôi chưa bao giờ mặn mà với cô ấy. “Chúng ta đi chơi với nhau một chút và tôi nghĩ rằng bạn không thực sự thích tôi”, cô ấy nói.

Những lời bộc bạch đó khiến tôi thấy choáng váng. Tôi đã bỏ lỡ bao nhiêu tình bạn vì chứng mù khuôn mặt của mình? Đến tận bây giờ tôi vẫn bỏ lỡ bao nhiêu người, bất chấp sự thân thiện mà tôi nghĩ là mình có?

Tôi sẽ không bao giờ biết.

Vào tháng 7, tôi tổ chức sinh nhật lần thứ 40 mà mời tới khoảng 60 người bạn thân nhất của mình, nhiều người trong số họ là những người tôi không thể nhận ra khi nhìn thấy. Tôi ổn với điều đó, và có lẽ họ cũng vậy.

Hầu hết bạn bè không biết rằng tôi bị mù khuôn mặt; họ có lẽ chỉ nghĩ rằng tôi đang lơ đãng. Hoặc có lẽ tôi đã rất giỏi trong việc giả vờ đến nỗi họ chưa bao giờ biết rằng trong mắt tôi tất cả họ đều là những người trông giống nhau.

Mặc dù tôi có thể tiếp tục thực hiện những buổi đào tạo định kỳ của DeGutis để duy trì kỹ năng phân biệt khuôn mặt, nhưng tôi đã dừng làm chúng. Những cải thiện mà tôi có được trước đó có lẽ cũng dần tan biến.

Lý do thật đơn giản, tôi không muốn tốn thời gian cho chúng nữa. Thời gian là thứ tôi muốn dành cho những sở thích của mình, chẳng hạn như chơi violin hoặc ngắm những con chim bay về tổ mỗi buổi chiều chẳng hạn.

Tôi thích ngồi trong công viên cạnh căn hộ của mình, chiêm ngưỡng những sinh vật xinh đẹp này và tự hỏi chúng đã trải qua một ngày như thế nào. Trong lúc đó, vẫn có một cảm giác hồi hộp trào dâng khi tôi cố xác định đâu là con chim này, còn đâu là một con chim khác.

Tham khảo NewYorker, Thewashingtonpost, Webmd

Theo Thể thao & Văn hóa 

Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin

Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/the-gioi-trong-mat-nguoi-mu-mat

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ