5 Bài học từ Steve Jobs mọi Lãnh đạo Doanh nghiệp nên biết
Ghé thăm bất kỳ một hãng công nghệ hay đầu tư nào tại Silicon Valley, bạn chắc chắn nghe được nhiều lời tán dương Steve Jobs, cố Tổng Giám đốc Apple. Họ sẽ nói ông là vị lãnh đạo tài tình nhất, sáng tạo nhất, là người thương thuyết tỉnh táo nhất với tầm nhìn mạch lạc nhất tại nơi này.
Jobs đã tạo ra cả một tín ngưỡng và thương hiệu tại Apple, cô đọng trong quảng cáo “To the crazy ones” và quảng cáo Macintosh 1984. Rất dễ để nói “tôi ngưỡng mộ người này, người kia” song thực tế rất ít người học theo phong cách của thần tượng. Đặc biệt, những bài học giá trị nhất từ Steve Jobs lại bị chính những người luôn khẳng định ngưỡng mộ bỏ qua.
Steve nổi tiếng vì sự rèn giũa nghiêm khắc đội phát triển sản phẩm với chỉ thị vứt bỏ mọi thứ và bắt đầu lại từ đầu. Cái giá này không hề thấp song kết quả là Apple luôn thành công trong khi người khác lại thất bại. Microsoft nghiên cứu máy tính bảng và phần mềm nhiều năm trước Apple nhưng chính iPad mới là sản phẩm xác lập một phân khúc mới. Các công ty khác có thể đưa nhiều tính năng lên thiết bị và ra mắt sớm hơn, song các nghiên cứu về sự thỏa mãn của người dùng lại cho thấy công chúng ưu ái giải pháp của Apple hơn.
1. Phải kiên nhẫn mới có sản phẩm tốt
Trong kỷ nguyên mà phần lớn đi theo chủ nghĩa công bố sớm, để thị trường định đoạt hướng đi, Steve lại dành thời gian để trau chuốt sản phẩm nội bộ cho tới khi ông cảm thấy đã sẵn sàng. Nó đòi hởi thời gian mà gần như mọi công ty không muốn hay không đáp ứng được. Ngoài ra, cách tiếp cận có phần kiêu ngạo của Jobs khi cho rằng mình biết nhiều hơn mọi người lại giúp ông nhìn xa hơn và mường tượng những gì mà người dùng còn chưa biết mình cần.
2. Nghĩ lớn
Nghĩ những điều vụn vặt không nằm trong tính cách của Steve Jobs. Có hàng ngàn người đến thung lũng Silicon để tìm vận may cho dự án, mong muốn nhà đầu tư có thể rót tiền vào, song họ cũng là những người chỉ làm ra các ứng dụng tìm bạn bè, chia sẻ mạng xã hội hay giải pháp đám mây từa tựa nhau. Steve không phải người như vậy, ông dám xáo trộn mọi thứ và nảy ra các ý tưởng lớn lao, điên rồ.
3. Tập trung vào điểm mạnh
Nhiều người ngưỡng mộ cách Steve nói không với các dự án và cứu sống Apple khi ông quay trở lại công ty, đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc tạm quyền năm 1997. Rõ ràng, Jobs đã học được nhiều thứ trong khi ngao du bên ngoài và khi trở lại, ông biết nên tập trung vào các điểm Apple làm tốt, thu hút khách hàng quay lại. Điều đó đòi hỏi sự hiểu biết tường tận về thế mạnh của công ty cũng như thị hiếu của khách hàng. Hiện nay, có không ít công ty phân tán năng lượng theo nhiều hướng khác nhau. Họ nên nhìn lại năm 1997 và học từ tấm gương của Steve Jobs.
4. Nghĩ khác
Nhiều người học theo thành công từ người khác, răm rắp nghe theo lời khuyên, lời chỉ bảo của bất kỳ ai. Tuy nhiên, Steve sẽ nói với bạn rằng nghe lời người khác chính là con đường dẫn đến sự tầm thường. Bạn không thể “nghĩ khác” nếu chỉ đi theo một hướng như mọi người.
5. Công nghệ là chưa đủ
Steve không học xong đại học song ông xem trọng kiến thức và văn hóa, áp dụng những gì ông biết về âm nhạc, thiết kế, kiến trúc vào các dự án của Apple. Ngày nay, lập trình viên hay doanh nhân trẻ thường được khuyến khích bỏ ngang việc học hoặc không theo đuổi học vị cao để tập trung vào viết code hay cách điều hành một công ty. Những thiên tài như Shakespeare, Beethoven, Manet có nghĩa lý gì đến một người dành tới 20 tiếng mỗi ngày trước máy tính?
Tuy nhiên, sản phẩm Apple được ưa chuộng không chỉ bởi vì nó hữu dụng mà còn vì sự hấp dẫn đến từ thiết kế và khái niệm. Dù không phải lúc nào cũng đạt đến độ hoàn hảo, nỗ lực của Apple lại gợi nhắc mọi người đến ước mơ riêng của họ.
Giống như Steve Jobs đã nói trong lễ ra mắt iPad 2 tháng 3/2011: “Trong DNA của Apple, chỉ riêng công nghệ là chưa đủ. Nó phải là công nghệ kết duyên cùng nghệ khoa học xã hội và với con người để mang đến kết quả kiến cho trái tim chúng ta phải ca hát”