Cúng đầy tháng cho bé theo ngày âm hay dương?
Em bé đã chào đời và bên bạn một tháng đầu tiên của cuộc đời. Lúc này, cúng đầy tháng cho bé chính là nghi lễ để ra mắt bé với gia tiên, cũng như mọi người xung quanh. Đây cũng là nghi lễ đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời bé cũng như mẹ. Từ đây, mẹ sẽ kết thúc kỳ ở cữ và trở lại sinh hoạt như bình thường.
1. Cúng đầy tháng cho bé có ý nghĩa gì?
Cúng đầy tháng là một trong nhiều nghi lễ quan trọng trong cuộc đời nhiều người Việt. Đặc biệt, đây cũng được xem là một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người Việt Nam, được lưu truyền từ xưa đến nay.
Theo quan niệm dân gian, việc tổ chức lễ cúng đầy tháng trước tiên là tạ ơn Mụ Bà đã nặn ra đứa trẻ, đem đứa trẻ đến với gia đình và đặc biệt là phù trợ cho “mẹ tròn con vuông”. Sau nữa, cúng đầy tháng là dịp để trình với nội – ngoại, họ hàng, làng xóm về đứa bé sau một tháng chào đời, cũng như để chứng nhận sự tồn tại của một con người trong cộng đồng và mong cộng đồng có trách nhiệm giúp đỡ, cưu mang, che chở cho đứa bé.
Sau nghi lễ cúng đầy tháng cho bé, mẹ sẽ trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường mà không còn ở cữ nữa. Mọi người cũng có thể thăm hỏi 2 mẹ con một cách thoải mái hơn, kết thúc mọi kiêng cữ ở tháng đầu tiên.
2. Cúng đầy tháng cho bé theo ngày âm hay dương?
Theo phong tục từ xưa đến nay thì cúng đầy tháng cho bé cũng như mọi nghi lễ cúng khác đều tính theo lịch âm. Từ thời xưa, Việt Nam là nước văn minh lúa nước, chủ yếu sống bằng nông nghiệp, cách tính thời gian mùa màng theo mặt trăng. Do vậy, điều này cũng quy định cách tính mọi ngày lễ tết, cúng bái đều lấy âm lịch làm chuẩn.
Tuy nhiên, trong thời hiện đại hội nhập toàn hóa cầu thì lịch dương được sử dụng rộng rãi hằng ngày. Do đó, nhiều gia đình có thể tổ chức đầy tháng hay thôi nôi cho bé theo dương lịch. Tóm lại cúng đầy tháng cho bé theo ngày âm hay dương đều được, miễn sao cho thuận tiện, dễ nhớ.
Cúng đầy tháng cho bé được tính theo nguyên tắc “gái sụt hai, trai sụt một”. Tức là, nếu như bé gái sinh ngày 22 tháng 1 âm lịch thì tổ chức đầy tháng vào ngày 20 tháng 2 âm lịch. Còn nếu như bé trai sinh ngày 20 tháng 1 âm lịch thì đầy tháng vào ngày 19 tháng 2 âm lịch.
3. Nghi lễ cúng đầy tháng cho bé như thế nào?
Mâm lễ vật cúng kính 12 Bà Mụ gồm chè, xôi, cháo, thịt quay, bánh hỏi… mỗi loại 12 chén (đĩa). Mâm cúng kính 3 Đức Ông gồm một con gà luộc, ba đĩa xôi lớn, một tô chè lớn, một tô cháo lớn. Ngoài ra, gia chủ cần chuẩn bị hương, hoa, trà, rượu, bánh trái và hàng mã. Cách sắp đặt mâm lễ cần theo nguyên tắc “Đông bình Tây quả”, tức là phía Đông đặt bình hoa và phía Tây đặt lễ vật.
Sau khi bày lễ vật, một người lớn đại diện trong gia đình thắp ba nén hương và khấn bài cúng đầy tháng cho bé : “Hôm nay, ngày (mùng)… tháng… (âm lịch), ngày cháu (nội hay ngoại…họ, tên…) tròn 1 tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật này, cung thỉnh thập nhị mụ bà và tam đức ông trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu (tên…) mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền, ngoan, phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc”.
Tóm lại, việc cúng đầy tháng cho bé thông thường vẫn tính theo lịch âm. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tính theo ngày dương nếu thuận tiện hơn. Quan trọng là cần theo nguyên tắc riêng cho bé trai hay bé gái và việc thực hiện nghi lễ cúng theo truyền thống văn hóa Việt Nam.
Thegioibantin.com| VinaAspire News
Nguồn: Yeutre.vn