Người hay lo lắng thực ra là người thông minh
Đừng lo nếu bạn là người hay suy nghĩ. Nhiều nghiên cứu mới đã chỉ ra, có một mối liên hệ tích cực giữa sự lo lắng với trí thông minh của bạn.
Các nhà khoa học phát hiện, một người thường xuyên thấy lo lắng là vì có “mức độ hoạt động tự phát” cao ở vùng não điều khiển cảm nhận về các mối đe dọa. Nghiên cứu được đăng trên tập san khoa học Trends in Cognitive Sciences năm ngoái.
Nỗi sợ cho phép bạn phản ứng kịp thời trước một nguy cơ tiềm ẩn nào đó. Lúc nào cũng vui vẻ nghĩa là bạn không nghĩ về các rắc rối có thể xảy ra. Vì rất khó đoán trước được điều mình không nghĩ tới, nên những người quá thoải mái sẽ gặp bất lợi nếu họ cần vượt qua một tai họa nào đó. Điều này đặc biệt đúng với những vấn đề hiếm hoặc phức tạp, khó dự đoán.
Người hay lo nghĩ đôi khi phản ứng cả với mối đe dọa không tồn tại. Tuy nhiên, phản ứng đó cho thấy trí tưởng tượng của họ đang hoạt động tốt. Khả năng tưởng tượng linh hoạt giúp bạn an toàn trước những nguy cơ mà người khác có thể không thấy.
Người lo lắng là người có khả năng tập trung tốt
Lo lắng thường bị coi là tiêu cực. Vì cảm giác chịu đựng nỗi lo không hề dễ chịu nên phần lớn mọi người đều mong mình chẳng phải lo lắng gì. Nhưng thực ra bạn không nhất thiết phải như vậy. Khoa học chứng minh rằng lo lắng một chút là tốt.
Năm 2012, các nhà tâm lý học Israel đã tiến hành một cuộc thử nghiệm trên 80 sinh viên tại Trung tâm đa ngành Herzliya. Các sinh viên nghĩ rằng họ đến đây để đánh giá ảnh minh họa trên phần mềm.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã gài bẫy trong chương trình. Thay vì xem ảnh minh họa, nhóm sinh viên lại kích hoạt một virus máy tính. Sau đó, các sinh viên được khuyên hãy liên hệ với bộ phận kỹ thuật.
Việc tìm bộ phận kỹ thuật đã đặt ra những thử thách mới. Khi nhóm sinh viên rời khỏi phòng, họ vấp phải nhiều “chướng ngại vật” khác nhau ngăn cản cuộc hành trình. Ví dụ, có người đi qua và đánh rơi tài liệu, người khác lại chặn đường để xin điền thông tin vào phiếu khảo sát.
Thử nghiệm cho thấy những sinh viên muốn đến phòng kỹ thuật để diệt virus nhất là những người lo lắng nhất. Còn những sinh viên không mấy lo lắng lại dễ bị sao nhãng. Họ thường xuyên dừng lại để hoàn thành phiếu khảo sát hay nhặt tài liệu giúp.
Tóm lại, những sinh viên biết lo lắng có cảm nhận về mối đe dọa hoặc nguy hiểm rõ rệt hơn. Vì vậy, họ rất tập trung hoàn thành mục tiêu. Đây chính là nguyên nhân khiến người hay lo nghĩ lại có trí tuệ tuyệt vời. Họ muốn giải phóng nỗi lo của mình, không chỉ bằng cách hoàn thành nhiệm vụ mà còn phải hoàn thành thật tốt.
Do đó, đừng nghĩ rằng cứ lo lắng là tiêu cực. Sự lo lắng sẽ đem lại cho bạn cơ hội thành công cao hơn.
Thegioibantin.com
Nguồn: Theo Trí Thức Trẻ/Lifehack