Một người không có thiện niệm thì càng mạnh càng bị thương vong nhiều
Cổ nhân có câu: “Quốc vô nghĩa, tuy đại tất vong. Nhân vô thiện chí, tuy dũng tất thương”. Ý tứ chính là, một quốc gia nếu không có chính nghĩa thì cho dù rất mạnh, rất lớn cũng chắc chắn bị diệt vong. Một người nếu không có chí hướng tốt đẹp thì cho dù dũng mãnh, gan dạ cũng sẽ bị thương vong, tổn hại.
Trong suốt chiều dài lịch sử từ thời cổ đại đến nay có rất nhiều trường hợp thực tế chứng minh câu nói này của cổ nhân là đúng. Có không ít võ tướng dũng mãnh trong chiến trận nhưng vì không có thiện niệm, thiện chí mà cuối cùng bị thất bại, thậm chí bị mất mạng. Ví như, Lã Bố trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, người được xưng là “khắp thiên hạ không có địch thủ” là một trong số ấy.
Tuy kiêu dũng vô song là thế nhưng nhiều sử gia đánh giá Lã Bố chỉ là hạng người tham lợi bỏ nghĩa và háo sắc nên dễ dàng bất trung và thay chủ. Chỉ vì một con ngựa Xích Thố Lã Bố phản Đinh Nguyên theo Đổng Trác. Chỉ vì một mỹ nhân Điêu Thuyền, Lã Bố tiếp tục sát hại Đổng Trác theo về với Vương Doãn.
Tới khi cơ nhỡ, lưu lạc, được Lưu Bị cho nương tựa, Lã Bố lại tiếp tục trở mặt. Nhân lúc Lưu Bị sơ hở, ông ta cũng tính kế chiếm giữ thành Từ Châu. Sau này, cũng chính vì thói quen này mà Lã Bố đã phải chịu một kết cục thương vong bi thảm.
La Mã Cổ Đại từng là đế quốc cường đại nhất trong lịch sử. Theo ghi chép của nhà sử học La Mã là Publius Cornelius Tacitus, bạo chúa Nero đã dùng khủng bố làm chính sách cai trị.
Vị Hoàng đế này là điển hình về phóng túng, buông thả, bạo ngược, tàn bạo và biến thái. Để thưởng thức cảnh tượng đại hỏa hoạn, ông ta nhất định hạ lệnh đốt thành La Mã. Về sau, vị Hoàng đế này lại vu oan cho các tín đồ Cơ Đốc giáo và lấy cớ này để đàn áp, trừng phạt họ.
Đồng thời, Hoàng đế Nero cũng ra lệnh, phái người đi tứ phía bắt giáo đồ cơ đốc giáo. Về sau họ còn đưa những giáo đồ cơ đốc giáo đến đấu trường để mặc cho mãnh thú xé xác, ăn thịt.
Ngoài ra, có một số giáo đồ cơ đốc giáo bị vị Hoàng đế này trị tội trước dân chúng bằng cách đóng đinh họ trên thập tự giá.
Kinh khủng hơn, ông ta còn bắt một số giáo đồ cơ đốc giáo khác mặc quần áo nịt đúc bằng nhựa đường, hoặc bị cột vào “cọc thiêu sống” và đốt cháy. Nhưng rồi chỉ 4 năm sau, bản thân Nero đã phải nhờ người khác giết mình để tránh sống trong tủi nhục trong một cuộc lật đổ.
Một trường hợp tương tự là Adolf Hitler (1889-1945), người đứng đầu của đảng quốc xã. Hitler ngay từ nhỏ là người có đam mê hội họa và có tài năng về hội họa. Tự tin với tài năng của mình, Hitler đã quyết định hiện thực hóa giấc mơ họa sĩ bằng cách đăng ký dự thi vào Học viện Mỹ thuật danh tiếng ở Vienna.
Sau hai ngày thi cử, mặc dù Hitler cảm thấy rất tự tin và lạc quan. Nhưng khi biết kết quả, tâm trạng của ông đã chuyển thành cực kỳ thất vọng. Hitler nằm trong danh sách 85 thi sính bị trượt trong số 113 người dự thi. Hitler từng kể lại tâm trạng thất bại này trong cuốn tự truyện Mein Kampf (Cuộc đấu tranh của tôi): “Nó như một tia chớp làm lóa mắt tôi”.
Sau sự thất bại này, Hitler bắt đầu giao tranh trên chính trường ở Đức. Trong đầu ông có một lý niệm cuồng nhiệt rằng, dân tộc của mình mới là dân tộc ưu tú nhất trên thế giới. Hitler coi hết thảy các dân tộc khác đều là hạ đẳng hoặc là chủng tộc thấp hèn.
Dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của lý niệm này, Hitler lập chí phấn đấu vì sự quyền uy và cường đại của dân tộc mình. Cuối cùng, loại khát vọng, chí hướng đáng sợ này đã trở thành một trong những nguyên nhân tạo thành cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Cuộc chiến tranh khiến máu chảy thành sông, người Do Thái gần như rơi vào nguy cơ diệt tộc, lưu vong khắp thế giới…
Con người có thiện niệm là phù hợp với Thiên đạo nên mới có được sự may mắn, lập thiện chí mới có thể kết được thiện quả. Người không có thiện chí, đơn thuần chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà tranh mà đấu thì càng “dũng cảm” càng bị tổn hại, thương vong. Chỉ người lập chí hướng tốt đẹp, chất phác thuần thiện mới có thể không tranh giành cùng người, không tranh giành với vạn vật, bước đi trên con đường đời chân chính, tiêu sái và thoát tục.
Người mà trong lòng lập chí thiện niệm chính là vì bản thân mà lựa chọn một tương lai tốt đẹp, cuối cùng “lợi người, lợi mình.” Trái lại, nếu một người lập chí ác niệm thì chẳng khác nào “gieo quả đắng”, cuối cùng chắc chắn là “hại người, hại mình”.
Không chỉ thế, nếu một người lập một chí hướng phấn đấu sai lầm hoặc “bước lầm lên con tàu cướp biển” thì càng cố gắng, cuối cùng sẽ càng bị thương vong nặng hơn.
Bên nhà Phật có câu, tiền tài là vật ngoài thân. Nhưng có biết bao người vì “vật ngoài thân” ấy mà cả đời phấn đấu. Quyền lực cũng giống như vậy, khiến bao người bị mê mờ mà cuối cùng gặp phải kết cục bi thảm, tai ương ngập đầu. Một người có thiện chí, gặp sai mà biết sửa, rời khỏi cái ác, đi theo cái thiện thì mới là trí tuệ, đã lựa chọn một kết quả tốt đẹp cho tương lai của bản thân mình.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: An Hòa