Tình yêu kiểu “bao bọc” thường tạo ra những con người “vô ơn”: Cách thương yêu đúng đắn nhất là nên “bớt yêu đi”
Yêu thương con là cách tốt nhất để một đứa trẻ trở nên có ích với xã hội, nhưng giáo dục kiểu bao bọc, che chắn lại không phải cách yêu thương con đúng đắn. Bởi lẽ, những con chim ấy là những con chim yếu ớt nhất, không bao giờ dám bay…
Cha mẹ luôn là những người yêu thương con cái, luôn cố gắng đùm bọc con cái nhiều nhất có thể, dù chúng đã đủ lông đủ cánh để rời xa bố mẹ, làm kinh tế riêng, xây dựng sự nghiệp. Trong mắt bố mẹ, con cái có lớn thế nào, trưởng thành ra sao thì vẫn mãi chỉ là những đứa con bé bỏng.
Một người có thành đạt hay không đều do sự giáo dục từ bé của bố mẹ. Yêu thương con là cách tốt nhất để một đứa trẻ trở nên có ích với xã hội, nhưng giáo dục kiểu bao bọc, che chắn lại không phải cách yêu thương con đúng đắn. Bởi lẽ, những con chim ấy là những con chim yếu ớt nhất, không bao giờ dám bay…
Cậu con trai đích tôn, sự nuông chiều và trái đắng…
Con trai ông bà hàng xóm gần nhà tôi tên X., 35 tuổi, không có vợ con, cũng không có nghề nghiệp. Bố mẹ X. có 3 người con, trước X. là 2 chị gái. Vì đẻ cố được thằng con trai nên từ khi sinh ra, X. được nuông chiều như hoàng tử. Bố mẹ cũng chẳng giàu có gì nhưng vì có cậu con trai đích tôn nên chiều hết mực, không cần học giỏi học chăm, chỉ cần con vui là được. Còn hai chị gái X. phải làm mọi việc nhà, phải làm theo như lời bố mẹ dặn là không được để em động chân động tay vào bất cứ việc gì, em muốn gì thì phải chiều theo em.
Cấp 2, rồi đến cấp 3, cuộc đời X. được bố mẹ trải toàn bằng hoa hồng, thi không đỗ, bố mẹ tìm mọi cách chạy trọt để con được ngồi vào trường chuyên lớp chọn. Biết con trai cũng chẳng thi đỗ đại học nên bố mẹ X. đã tính đến bước xin cho con làm tiếp viên hàng không để con được sống sung sướng cả đời, để con bằng bạn bằng bè. Nhưng bánh xe đi mãi cũng mòn, ngựa đi mãi cũng mỏi. Quen cái thói ăn chơi trác táng, không biết nghĩ về gia đình, lại quen thói hống hách với bố mẹ, nên X. sa vào con đường nghiện ngập.
Bố mẹ hết lời khuyên can, chạy chữa, nhưng không dám để con vào trại cai nghiện, đưa vào rồi lại xót con xin cho về nhà. Lại vì sợ ánh mắt của những người xung quanh nên đành bán nhà, chuyển ra một tỉnh lẻ sống ở miền Bắc. Cậu con trai quý tử ngày nào giờ trở thành tên trộm cướp, vay lãi, đánh đập bố mẹ để có tiền ăn chơi, thõa mãn thói đời. Ngày nào, bố mẹ X. cũng phải đối mặt với những kẻ cầm dao dọa giết con trai đứng bên ngoài đập cửa ầm ầm.
Sự đùm bọc thắt chặt của bố mẹ đối với cô con gái ngây ngô
Ngọc M., người em họ hàng với gia đình tôi, đã 24 tuổi, tốt nghiệp đại học được 2 năm nhưng vẫn ở nhà không chịu tìm việc. Cô gái này học hành cũng thuộc loại khá, khuôn mặt cũng ưa nhìn. Nhưng vì là con một trong gia đình hiếm muộn nên bố mẹ hết sức bảo vệ con, không muốn con khổ. Chỗ nào yêu cầu con gái làm việc thêm sáng thứ 7 là bố mẹ không đồng ý, chỗ nào nhiều đồng nghiệp nam là bố mẹ cũng không muốn con đi làm vì sợ những “tình huống xấu”.
M. được bố mẹ chăm sóc từ nhỏ giống như công chúa trong truyện cổ tích nên 24 tuổi rồi nhưng cô vẫn còn rất ngờ nghệch những chuyện ngoài xã hội. Đến khi gặp được một anh chàng lí tưởng, M. đã dốc toàn tâm toàn ý, kể cả tiền bạc vào tình yêu của mình. Nhưng chính vì sự ngờ nghệch, cả tin của mình mà cô đã đồng ý mang cả sổ đỏ cho anh chàng cao chạy xa bay khiến bố mẹ thêm khốn đốn.
“Những em bé lớn xác” – chuyện không mới
Những người như X. và Ngọc M. trong tâm lí học được gọi là “những em bé lớn xác”. Đặc điểm chủ yếu của những em bé lớn xác là tuổi sinh lý đã đạt được tiêu chuẩn của người trưởng thành, nhưng tâm hồn và trí tuệ lại chỉ như những đứa trẻ.
Nhân cách của “những em bé” này chủ yếu bắt nguồn từ hai phương diện: một là giáo dục gia đình, hai là môi trường xã hội. Vì bố mẹ sợ con vấp ngã, sợ con phải chịu khổ nên luôn muốn làm chỗ dựa cho con. Nhiều bố mẹ luôn cho rằng người lớn đi trước, có nhiều kinh nghiệm hơn nên biết đường nào sướng, đường nào khổ, vả lại, bố mẹ đã mất cả đời để xây dựng sự nghiệp, chịu vất vả rồi thì con cái phải là người được hưởng.
Trên thực tế, trong một mối quan hệ, những người được người khác quan tâm, chăm sóc “kĩ lưỡng” dễ hình thành một lối tư duy dựa dẫm, ỷ lại. Họ cho rằng những người khác có nhiệm vụ phải giải quyết những phiền phức của họ. Vì thế, họ không ngờ rằng đấy lại chính là cách tự hủy hoại mình, họ không hề được trao cơ hội để trưởng thành, nói cách khác là bị tước đoạt quyền-được-làm-người-lớn.
“Những em bé lớn xác” luôn được người thân chăm chút từng chút một, khi ngã sẽ có người nâng, khi khóc sẽ có người dỗ dành. Chính vì thế mà đôi khi họ cũng cảm thấy bị bức bối, khó chịu và không được lắng nghe ý kiến riêng. Sự quan tâm quá mức của người thân lại trở thành sự khống chế, tình yêu lại trở thành sự tổn thương.
Họ sẽ dần mất đi khả năng tự phán đoán và sức chịu đựng rất mong manh. Họ không có cơ hội tự mình đối diện với cuộc sống và tiếp xúc trực tiếp với xã hội. Vậy nên họ không thể nhìn thấy những khiếm khuyết cần hoàn thiện và những kỹ năng cần học hỏi. Tình yêu tốt nhất giữa những người thân nên là: Hãy buông tay cho họ tự do bay lượn bằng đôi cánh của chính mình.
Tình yêu nào cũng có giới hạn, kể cả tình yêu giữa bố mẹ và con cái
Dù con cái là người bố mẹ yêu thương nhất trong cuộc đời thì điều tốt nhất bố mẹ nên vì con mà làm chính là buông tay. Cách chung sống tốt nhất giữa người với người là: “Cuộc sống của bạn tôi chỉ chúc phúc chứ không can thiệp, quyết định của bạn tôi chỉ tôn trọng chứ không ép buộc.” Nếu con cái muốn sống tự lập thì bố mẹ nên ủng hộ quyết định trưởng thành này, không nên ngăn cản, ra điều cấm kị.
Trong những gia đình mà ít có cảm giác về giới hạn hợp lý, đa phần đều tồn tại những vấn đề nghiêm trọng như: cha mẹ con cái không hòa hợp, con cái chẳng thành tài. Còn trong những gia đình có thể buông tay một cách phù hợp, đa số cuộc sống đều rất hạnh phúc, hai thế hệ yêu thương và kính trọng lẫn nhau. Mối quan hệ giữa các thành viên vô cùng hòa hợp.
Trên đời này, tình mẹ tốt nhất chính là sự rút lui một cách phù hợp. Tình thân vĩ đại nhất là biết buông tay đúng lúc. Tình yêu chân chính hóa ra lại là bớt yêu đi một chút. Hãy để con cái được là chính mình, sống thực với những gì mình mong muốn. Đó mới là lời chúc phúc tốt đẹp nhất mà bố mẹ nên dành cho con. Cứ để con vấp ngã, rồi con sẽ lớn hơn!
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafebiz.vn