Lời khuyên cho SMEs: Kinh doanh cũng như bơi, hãy học trước khi bơi, đừng vừa bơi vừa học!
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017, năng lực hạn chế là một trong ba vấn đề nổi cộm của doanh nghiệp dân doanh ở Việt Nam, mà phần lớn trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
“Năng lực của con người trong kinh doanh, có 3 yếu tố: thái độ, kỹ năng, kiến thức. Tất cả những người khởi nghiệp đều có thái độ rất tốt: Họ muốn bước ra cuộc sống, làm điều gì đó để tạo ra giá trị cho xã hội và kiếm tiền. Họ có kỹ năng làm nghề trong thời gian đi làm thuê. Nhưng họ thiếu kiến thức.”
Đó là chia sẻ của ông ông Nguyễn Huy Minh – CEO Sunshine Holding tại sự kiện “Thiết lập và rà soát bản đồ bay. Những thách thức trong hoạt động xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh ở doanh nghiệp Vừa và Nhỏ” được tổ chức mới đây bởi Thanhs Branding & Management.
Ông Huy Minh đã có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí Phó Giám đốc chiến lược bán hàng, Marketing, Trade Marketing của các tập đoàn lớn (Phú Thái Group, Siemens, Brightstar…). Hiện là nhà chuyên gia tư vấn doanh nghiệp và làm việc nhiều với SMEs, ông Minh chia sẻ:
“Học các kiến thức cơ bản và biết cách sử dụng các công cụ quản trị kinh doanh là điều cần thiết trước khi khởi sự kinh doanh. Giống như trước khi bơi thì phải học kĩ thuật bơi, đừng vừa bơi vừa học, nếu không thì khả năng chết đuối là rất cao.”
Thiếu nhất là quản lý tài chính và xây dựng thương hiệu
Một khảo sát vào năm 2017 của JETRO (2017) cho thấy, có 55,6% những quản lý doanh nghiệp SMEs ở Việt Nam không có kiến thức đầy đủ, đặc biệt trong lĩnh vực đang kinh doanh, quản lý doanh nghiệp và luật doanh nghiệp.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Huy Minh cho biết: “Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, khi bước chân ra ngoài thị trường kinh doanh đều là bắt đầu từ làm điều mình thích, hoặc là dựa trên sự kế thừa. Mà khi làm vì đam mê, vì sự kế thừa thì cứ làm đã, học sau. Đến khi nào vấp ngã tơi bời thì lúc ấy mới thấy là: À, hóa ra là mình thiếu!”
Và khi đó thì lại càng khó để bù đắp được những cái thiếu một cách bài bản. “Họ chỉ vừa làm việc vừa đọc tài liệu, đi học một khóa học ngắn hạn…” ông Minh chia sẻ.
Theo ông Huy Minh, các SMEs tại Việt Nam thiếu nhất về quản lý tài chính và xây dựng thương hiệu
“Họ nghĩ rất đơn giản là có một cô kế toán, quản lý phụ trách đầu ra đầu vào, tính toán giá cả là xong. Nhưng mà quản lý tài chính còn hơn như thế: Tính toán ngân sách cần cho các hoạt động, tính toán giá cả chi phí, hoạch toán được những khoản đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn…”
Về xây dựng thương hiệu, ông Minh cho biết, SMEs mơ hồ trong xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, sản phẩm, và đội ngũ lãnh đạo.
Ngoài ra, ông Minh còn liệt kê những kiến thức quản trị doanh nghiệp mà người lãnh đạo công ty trong ngành kinh doanh nào cũng phải có: “Thứ nhất là phải biết lập kế hoạch, đặt mục tiêu. Thứ hai là kiến thức về tổ chức quản lý doanh nghiệp. Thứ ba là kiến thức về xây dựng hệ thống giám sát, kiểm tra và đánh giá. Thứ tư là xây dựng cái kiến thức về xây dựng chế độ chính sách về nhân sự, phát triển nguồn nhân lực.”
Và… “chết đuối”
Kiến thức thiếu dẫn đến năng lực yếu. Hậu quả là hiệu quả kinh doanh giảm và chi phí hoạt động tăng. Đồng thời đội ngũ lãnh đạo thiếu tầm nhìn, sự chủ động khi quản lý doanh nghiệp, dẫn đến không có những kế hoạch kinh doanh để đạt được những mục tiêu dài hạn. Và vì việc kinh doanh được điều hành chủ yếu bởi kinh nghiệm hạn chế của người quản lý, sẽ trôi theo những kế hoạch và thời cơ ngắn hạn.
Ông Minh kể về một kịch bản rất phổ biến trong các SMEs: “Họ có thể có nhiều tiền lúc ban đầu, nhưng không biết quản lý số tiền đó. Rồi không biết doanh nghiệp họ phải phát triển đến đâu, như thế nào, trong khi các đối thủ khác vượt qua. Và khi họ sốt ruột, họ sẽ ra nhiều quyết định liều lĩnh hơn.”
“Sẽ có các doanh nghiệp tìm đến các nhà tư vấn,” ông Minh cho hay, “nhưng khi người chủ kiến thức không bằng người nhân viên và không hiểu người tư vấn nói gì thì họ không tin vào và họ sẽ từ chối.
Chưa phát huy được tiềm năng, chưa kịp lớn, chết yểu… là những cụm từ mà các tờ báo dùng để miêu tả SMEs tại Việt Nam trong những năm gần đây. 43.000 là con số doanh nghiệp phải làm thủ tục giải thể, tạm dừng hoạt động và phá sản trong 6 tháng đầu năm 2017 (Tổng cục Thống kê). Trong đó, có trên 92% doanh nghiệp “chết đuối” có quy mô dưới 10 tỉ đồng.
Khi nào là đủ để bơi?
Ông Minh cho rằng việc trang bị kiến thức trước khi kinh doanh không có nghĩa là phải theo học bài bản trong trường đại học hay một khóa MBA. Mà theo ông, doanh nghiệp đủ để bơi là khi nhà lãnh đạo biết những kiến thức cơ bản và đã áp dụng thử.
“Có được kiến thức cơ bản về quản lý thì không khó, rất dễ tìm. Đầu tiên là cố gắng đọc, đọc và áp dụng thử, có kinh nghiệm áp dụng chính trong một doanh nghiệp. Đồng thời quan sát những người quản lý ở các công ty cùng quy mô của mình, họ làm gì trong vấn đề đấy để mà mình học hỏi và rút kinh nghiệm.
Thứ hai, cần phải nắm trong tay các công cụ cho công việc quản lý. Ví dụ, form để lập kế hoạch kinh doanh, form để lập báo cáo, form để lập kế hoạch marketing, form để quản lý nhân viên, form mô tả công việc. Tất cả những cái đó đều có form hết rồi, Google đều có, hoặc đến những công ty tư vấn hỏi. Nhưng điền cái gì vào trong đấy thì lại cần kiến thức.”
Ông Minh lấy ví dụ trong việc lập chiến lược kinh doanh: “Cần hiểu xây dựng mô hình kinh doanh như thế nào, có hiểu biết về từng thị trường, khách hàng, quy trình làm sản phẩm…”
Ngoài ra, ông Minh đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp: ” Trước khi khởi nghiệp cần có sự chuẩn bị rõ ràng về định hướng, mục tiêu, mô hình kinh doanh và các nguồn lực cần có. Bên cạnh đó cần có sự thiết lập các tình huống kinh doanh giả định và chuẩn bị các phương án cần thiết phục vụ cho việc ứng phó, giải quyết các tình huống kinh doanh luôn biến động khôn lường.
Nhưng, nếu đã… lỡ bơi rồi thì sao? “Cần xác định được rất rõ là đang thiếu cái gì, và phải ngay lập tức tập trung vào cái thiếu đó, trong một thời gian ngắn làm chủ được kiến thức cơ bản… Bằng cách là tìm thầy, tìm thợ, tìm bạn, tìm những nhân viên mà họ có kiến thức đấy để họ kết hợp được với mình, liên kết tạo ra sức mạnh,” ông Nguyễn Huy Minh kết luận.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nước ta có khoảng gần 600.000 doanh nghiệp SME, chiếm khoảng 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế; tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp SME xấp xỉ 121 tỉ USD, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: hbr.edu.vn