Cổ nhân: “Đức” vĩnh viễn quan trọng hơn “tài”
Tu dưỡng đạo đức và tài năng, trí thông minh (sự khôn ngoan, nhạy bén) của một người, yếu tố nào quan trọng hơn? Một người có được tài năng, trí thông minh và bản sự (khả năng làm được việc) liệu có phải là đã có được sự đảm bảo chắc chắn cho sự thành công trong sự nghiệp và cuộc đời?
(Hình minh họa: Qua chuanme)
Tương tự như vậy, đạo đức đối với một người có quan trọng không? Nó có mối liên quan nào đối với họa và phúc của một người hay không? Nếu một người chỉ dựa vào sự thông minh và bản sự thì có thể thực hiện được mục tiêu và đạt được mục đích của đời mình hay không?
Để tìm đáp án cho những câu hỏi này, chúng ta cùng tham khảo những luận đàm về “đạo đức” và “tài năng” của cổ nhân trong sách cổ “Hoài Nam Tử” dưới đây:
Trong sách cổ viết: Đối với người tự tin thì không thể dùng lời gièm pha hay khen ngợi để thay đổi chí hướng của anh ta. Đối với người biết đủ thì không thể dùng quyền thế, lợi ích để dẫn dụ ham muốn của anh ta. Cho nên, người hiểu rõ thiên tính sẽ không theo đuổi những sự tình mà vốn dĩ thiên tính là không thể làm được. Người hiểu vận mệnh sẽ không lo lắng về những sự tình mà bản thân không thể chi phối, thao túng được. Đối với người thông hiểu đạo sẽ không có vật ngoại thân nào có thể làm đảo lộn sự bình thản trong nội tâm của họ.
Trong “Liệt Tử, Thuyết Phù” viết: “Thần vị thường văn thân trị nhi quốc loạn giả dã, hựu vị thường văn thân loạn nhi quốc trị giả dã.” ý nói, hạ thần chưa từng nghe nói bản thân người cai trị đất nước (Vua) có tu dưỡng đạo đức mà quốc gia lại loạn lạc, và cũng chưa từng nghe nói bản thân người cai trị (Vua) thác loạn mà quốc gia lại thịnh trị bao giờ.
Thước mà không ngay ngắn thì không thể vẽ được hình vuông, compa mà không đúng chuẩn thì khó vẽ được hình tròn. Cho nên, tu dưỡng của con người cũng phải có quy tắc, khuôn phép giống như thước và compa.
Trong cổ văn viết: Biết ngọn nguồn của thiên tính thì sẽ không bị họa phúc mê hoặc. Trong lòng có dự định đoan chính thì sẽ không bị thay đổi “hỉ nộ ái ố” thất thường. Điều hòa được tính tình thì sẽ có thể tiết chế được dục vọng. Khi không bị họa phúc mê hoặc thì hành vi có thể động tĩnh theo lý, không “hỉ nộ” thất thường thì thưởng phạt sẽ không bị thiên lệch, không tham lam thì sẽ không vì ham muốn hưởng thụ vật chất mà thương tổn bản tính, dục vọng có thể được tiết chế thì sẽ biết đủ. Những phương diện này không thể dựa vào người khác mà có được, chỉ có thể dựa vào sự tu dưỡng của bản thân thì mới có thể đạt được.
Trong “Hoài Nam Tử” cũng viết: Những sự tình trong thiên hạ, không phải chỉ dựa vào trí lực là có thể làm thành được, cũng không thể chỉ dựa vào sự thông minh mà có thể nhận thức được rõ ràng, càng không thể chỉ dựa vào bản sự của một người mà có thể làm thành được. Tương tự, người ta không thể chỉ dựa vào sách lược nào đó mà có thể khiến người khác quy thuận, chỉ bằng sức mạnh thì lại càng không thể. Trí lực, sự thông minh, bản sự, phương sách, sức mạnh đều thuộc phạm trù tài năng của một người. Nhưng nếu một người chỉ có những tài năng này mà đức hạnh không cao thì không thể làm thành được sự tình gì. Chỉ có tu dưỡng đức hạnh tốt thì những tài năng này mới có thể theo đó mà phát huy tác dụng.
Sách cổ viết: “Cố đắc đạo tắc ngu giả hữu dư, thất đạo tắc trí giả bất túc. Độ thủy nhi vô du sổ, tuy cường tất trầm; hữu du sổ, tuy luy tất toại. Hựu huống thác vu chu hàng chi thượng hồ!” Ý nói, vì đắc được “Đạo” nên có thể khiến người ngốc không có tài năng đều sẽ cảm thấy có sức mạnh vô cùng. Trái lại, mất đi “Đạo” sẽ khiến người thông minh cũng cảm thấy “lực bất tòng tâm”. Điều này giống như một người bơi qua sông Trường Giang và Hoàng Hà mặc dù có thân thể cường tráng nhưng không có kỹ thuật bơi lội thì nhất định sẽ chìm. Nhưng một người dù gầy gò mà có kỹ thuật bơi lội sẽ nhất định thuận lợi vượt qua.
Có thể thấy được rằng, cổ nhân vô cùng coi trọng việc tu dưỡng đạo đức. Họ coi việc tu dưỡng đạo đức quan trọng hơn tài năng. Chỉ có tu dưỡng đạo đức tốt mới là đảm bảo căn bản cho sự thành công. Một người có được sự thông minh, bản sự nhưng không có đạo đức tốt đẹp thì có thể thu được những lợi ích ngắn ngủi, tạm thời mà không thể được lâu dài. Thông minh, bản sự, tài trí của một người chỉ có thể làm phụ trợ cho “đức”. Cho nên, không thể “bỏ gốc lấy ngọn”, trước tiên phải học tập, tu dưỡng “đạo đức”.
Ghi chú: “Hoài Nam Tử” là những bộ sách quan trọng của Đạo giáo Trung Hoa do Hoài Nam Vương Lưu An đã tập hợp các học giả lại để biên soạn. “Hoài Nam Tử” có nhiều điểm tương đồng với các quan niệm về triết học tự nhiên của các triết gia Hy Lạp cùng thời, cùng với “Đạo Đức Kinh” và “Nam Hoa Kinh” tạo nên hệ thống quan điểm của Đạo giáo, có giá trị xuyên suốt đến ngày nay.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: trithucvn.net