Cuộc gọi lúc nửa đêm của Warren Buffett giải cứu nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng năm 2008 như thế nào?
Ở thời điểm đó, khi các chuyên gia vẫn đau đầu để tìm ra một giải pháp để đi qua cuộc khủng hoảng thì huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã đưa ra ý tưởng của riêng mình.
Vào tháng 10 năm 2008, giữa “tâm bão” của cuộc khủng hoảng tài chính, CEO của Berkshire Hathaway – Warren Buffett đã thực hiện một cuộc gọi lúc đêm khuya cho Bộ trưởng Tài chính lúc bấy giờ là Henry “Hank” Paulson. Ông nói về ý tưởng chính phủ có thể xoay chuyển diễn biến tồi tệ của nền kinh tế.
Lúc đó Paulson còn đang say ngủ. Ông đã có cả một buổi tối bận rộn với việc thông qua các ý tưởng về chính sách cùng nhóm làm việc để vực dậy tâm lý của Phố Wall.
“Tôi đã kiệt sức”, ông chia sẻ trên một bộ phim tài liệu của Vice Special Report có tên “Panic: The Untold Story of the 2008 Financial Crisis” (Sự hoảng loạn: Câu chuyện chưa kể về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008).
Vào thời điểm đó, Quốc hội vừa thông qua Đạo luật ổn định khẩn cấp nền kinh tế (EESA) hoặc “gói cứu trợ” và thành lập Chương trình Cứu trợ Tài sản gặp Rắc rối (TARP) với 700 tỷ USD để mua lại tài sản của các ngân hàng bị phá sản. Nhưng những động thái này vẫn không đủ để trấn an các nhà đầu tư.
“Trong khi chúng tôi trình dự luật này lên Quốc hội, thì tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi chứng kiến hai vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, đó là Wachovia và Washington Mutual”, Paulson cho hay. “Chúng tôi cần một điều gì đó phát huy hiệu quả nhanh hơn và mạnh mẽ hơn.”
Khi các chuyên gia vẫn đau đầu để tìm ra một giải pháp thì Buffett đã đưa ra ý tưởng của mình.
Đề xuất của Buffett
Lúc đầu, khi vừa thức dậy và chưa nhận thức rõ về cuộc gọi, Paulson đã rất bối rối. Ông còn không biết ai đang gọi điện thoại cho mình: “Mẹ tôi nói bên kia đầu dây một người sửa đồ lặt vặt tên Warren. Tôi tự hỏi, ‘Tại sao người đàn ông này lại gọi cho mình?”
Khi đã tỉnh táo và nắm bắt được điều gì đang diễn ra, ông lắng nghe ý kiến của Buffett về “mầm mống” của những gì chúng tôi đã làm, Paulson kể lại.
Vị tỷ phú nhớ lại về những gì ông nói với Paulson, đó là, “Việc bơm thêm nhiều vốn vào các ngân hàng sẽ hiệu quả hơn là cố gắng mua lại số tài sản đó.”
Vào ngày 13 tháng 10, CEO của các ngân hàng lớn – gồm có John Mack của Morgan Stanley, Jamie Dimon của JPMorgan, Lloyd Blankfein của Goldman Sachs, John Thain của Merrill Lynch và Vikram Pandit của Citigroup – đã đến Bộ Tài chính Mỹ để thảo luận về ý kiến của Buffett.
Không phải tất cả các ngân hàng ở thời điểm đó đều cần đến trợ giúp và một số CEO không muốn nhận tiền mặt, bởi lo ngại rằng hành động đó có thể thể hiện cho công chúng thấy họ đang phải “vật lộn” và khiến các nhà đầu tư hoang mang, rút hết tiền. Nhưng Paulson lại khẳng định rằng gói cứu trợ là rất cần thiết để vực dậy niềm tin đối với nền kinh tế. Và cuối cùng các CEO đều đồng ý.
Cuộc họp kết thúc, Bộ Tài chính đã bơm 250 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng.
Phản ứng của người dân đối với chương trình cứu trợ
Chương trình cứu trợ này không nhận được nhiều sự đồng tình. Nhiều người biểu tình đã xuống đường phán đối về việc tiền thuế của người dân được sử dụng để cứu trợ cho các nhà đầu tư giàu có ở Phố Wall. Họ cho rằng những người này có những quyết định sai lầm, sau đó chịu thất bại và chính là nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng. “TIỀN đổi lấy RÁC?”, dòng chữ ghi trên một tấm biển. Một tấm biển khác: “Cứu trợ cho những người lao động, không phải giới nhà giàu.”
“Tôi nghĩ vẫn có nhiều người tin rằng việc chúng tôi cứu trợ những công ty ở Phố Wall là bởi chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ những người đồng nghiệp trong ngành tài chính, chứ không phải để bảo vệ nền kinh tế Mỹ”, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang – Ben Bernanke – cho biết.
Paulson, Bernake và Chủ tịch Fed của New York – Timothy Geithner cho biết họ giúp đỡ những nhà đầu tư ở Phố Wall cũng là để cứu những người lao động ở “Phố chính” (Main Street). Dù vậy, ba quan chức này thừa nhận rằng họ đã chưa thực hiện một cách hoàn hảo để giải quyết cuộc khủng hoảng, đặc biệt là dẫn đến sự sụp đổ của Lehman Brothers. Chẳng hạn như, họ đứng ngay trước quyết định bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các ngân hàng.
Paulson chia sẻ, thị trường đã hồi phục theo hướng ổn định kể từ năm 2009. Và đó là lý do tại sao ông gọi chương trình cứu trợ là “chương trình thành công nhất và bị phản đối dữ dội nhất lịch sử nhân loại.”
Cựu tổng thống George W. Bush đồng tình: “Đó là gói cứu trợ tài chính lớn nhất từ trước đến nay.” Dù không thể chứng minh, nhưng ông nói “tôi nghĩ, sự can thiệp này chắc chắn đã cứu thế giới khỏi cơn khủng hoảng.”
Hồi tháng 9 vừa rồi, Buffett cho biết thế giới không thể tránh khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, được châm ngòi bởi những đặc điểm trong tính cách của con người tương tự như 10 năm trước, đó là ghen tị và tham lam. Huyền thoại đầu tư nói, thật không may, “đó là một phần không thể thay đổi của hệ thống.”
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Nguồn: cafef.vn