Phân biệt công ty Ltd. ; Pte. ; Corp. ; J.S.C hay PLC ?
Ltd. hay LLC. là từ viết tắt của Limited Liability Company – chỉ loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn. Mô hình kinh doanh vừa và nhỏ. Ở Anh, 99% các công ty theo mô hình Ltd.
Sở dĩ gọi là Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) là vì các thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp. Công ty trách nhiệm hữu hạn không được quyền phát hành cổ phần để huy động vốn.
Là mô hình công ty đóng, việc chuyển nhượng vốn góp của thành viên trong công ty TNHH rất hạn chế, khi muốn chuyển nhượng vốn góp trước hết phải ưu tiên cho các thành viên khác của công ty.
Nếu chỉ có duy nhất một tổ chức hoặc cá nhân là chủ sở hữu của công ty thì sẽ được gọi là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Và một công ty trách nhiệm hữu hạn không được phép có quá 50 thành viên.
Tổ chức lãnh đạo cao nhất của công ty trách nhiệm hữu hạn là Hội đồng thành viên
JSC là gì?
JSC là từ viết tắt của Joint Stock Comapany –chỉ loại hình công ty cổ phần, số lượng chủ sở hữu tối thiểu phải là 3, có thể là pháp nhân hay thể nhân. Vốn góp được chia thành những phần bằng nhau được gọi là cổ phần (share) và người góp vốn được gọi là cổ đông (shareholder).Cổ đông được cấp một giấy chứng nhận sở hữu cổ phần gọi là cổ phiếu (stock). Chỉ có công ty cổ phần mới được phát hành cổ phiếu. Như vậy, cổ phiếu chính là một bằng chứng xác nhận quyền sở hữu của một cổ đông đối với một Công ty Cổ phần và cổ đông là người có cổ phần thể hiện bằng cổ phiếu.
Quyền lực cao nhất trong mô hình công ty cổ phần thuộc về Đại hội cổ đông (Annual General Meeting)– phiên họp thường kỳ của tập thể các cổ đông, có thể được tổ chức hàng năm. Và trong các đại hội này, người ta bầu ra Hội đồng quản trị (Board of Director) để điều hành công ty. Một trong những lợi thế lớn của mô hình công ty cổ phần (Jsc.) là Nhà đầu tư có khả năng điều chuyển vốn đầu tư từ nơi này sang nơi khác, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác dễ dàng thông qua hình thức chuyển nhượng, mua bán cổ phần;
PLC là từ viết tắt của Public Limited Company, hay gọi tắt là Public Company là mô hình Công ty đại chúng. Đây là những công ty thực hiện huy động vốn rộng rãi từ công chúng thông qua phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) niêm yết tại các trung tâm giao dịch chứng khoán (stock exchange) hoặc chứng khoán không niêm yết nhưng được giao dịch thông qua các thể chế môi giới chứng khoán. Tùy từng nước có thể có định nghĩa cụ thể hơn về công ty đại chúng. Cụ thể, tại Việt Nam, một công ty cổ phần (Jsc.) muốn trở thành một công ty đại chúng (Plc.) phải đảm bảo được một trong ba điều kiện sau đây theo Luật Chứng Khoán:
– Đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng.
– Có cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán
– Có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên.
Cơ quan có thẩm quyền công nhận một công ty là công ty đại chúng tại Việt Nam là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Nét đặc trưng của các công ty đại chúng là có sự tham gia của nguồn vốn từ bên ngoài với nhiều nhà đầu tư, do đó đặt ra yêu cầu quản trị công ty như là yếu tố khác biệt với vấn đề quản lý công ty. Công ty phải báo cáo công khai hoạt động của mình cho công chúng, nên chịu sự giám sát của công chúng, xã hội. Thêm vào đó, hội đồng quản trị và ban giám đốc phải công khai các hoạt động quản lý và điều hành công ty. Ban giám đốc phải chăm lo việc phát triển công ty cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, cơ cấu hợp lý vốn, nếu không thì các giám đốc sẽ bị sa thải; như vậy hoạt động công ty đại chúng đã ràng buộc các giám đốc phải tuân thủ pháp luật, điều hành công ty theo đúng luật công ty.
Thông thường, công ty cổ phần (Jsc.) chỉ có thể trở thành công ty đại chúng (Plc.) sau khi đã tiến hành chào bán công khai công khai cổ phiếu lần đầu cho công chúng – IPO (initial public offering)
Private limited liability Company (Pte) là loại hình phổ biến nhất tại Singapore.
• Đây là loại hình doanh nghiệp mà các chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm pháp lý về các khoản nợ hữu hạn trong phần vốn góp tại doanh nghiệp.
• Chủ sở hữu còn có thể chọn lựa nhiều hình thức khác như văn phòng đại diện hoặc chi nhánh công ty.
Corp. và Inc.
Corp viết tắt của từ Corporation còn Inc. là viết tắt của Incorporated. Đây đều là hậu tố để chỉ các công ty đa quốc gia có quy mô tập đoàn. Về cơ bản, Corp và Inc. giống nhau về hình thức, tính pháp lý, nghĩa vụ thuế, tư cách pháp nhân, có khác nhau thì chỉ khác cái từ này khi công ty được thành lập, và nếu đã chọn tên công ty là A Corp thì không được ghi trên giấy tờ là A Inc. và ngược lại. Những công ty là Corp và Inc. đều có quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn, nếu lỡ xui bị phá sản thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm trả nợ trong vốn điều lệ chứ các cổ đông không bị truy thu tài sản cá nhân để trả nợ.
Corp được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, ví dụ Sony Corporation, Samsung Corp, riêng ở Mỹ vừa sử dụng Inc. vừa có Corp, ví dụ tên đầy đủ của Apple là Apple Inc.
(*) Corp. : thì thường được sử dụng phổ biến, còn Inc. chủ yếu ở Bắc Mỹ (North America).
Việt Nam
Có 3 loại hình doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất ở Việt Nam:
- Doanh Nghiệp Tư Nhân: Private Company thường viết đầy đủ ko viết tắt
- Công ty trách nhiệm hữu hạn: Company Limited viết tắt là Ltd hay Co., Ltd
- Công ty cổ phần: Joint Stock Company viết tắt là JSC
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Nguồn: vungtauHR