Phát triển Petrovietnam trở thành tập đoàn năng lượng, với tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi
Ngày 5/11, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì buổi làm việc về việc Cập nhật chiến lược phát triển Petrovietnam giai đoạn 2020 – 2025 định hướng đến năm 2035.
Tham dự buổi làm việc còn có Thành viên HĐTV Phan Ngọc Trung, các Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, lãnh đạo các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn.
Nhìn lại giai đoạn 2016 – 2019, Petrovietnam đã trải qua một thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử xây dựng và phát triển Tập đoàn, công nghiệp dầu khí thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ nửa cuối năm 2014, khiến giá dầu xuống còn 1/3 so với 5 năm trước đó, thậm chí có lúc chỉ còn 1/5; chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp; cùng với đó là những hệ lụy bởi hạn chế nội tại của Petrovietnam. Tuy nhiên, Petrovietnam với những giải pháp kịp thời, nỗ lực vượt khó đã bám sát, thực hiện tốt chiến lược phát triển được phê duyệt tại Quyết định số 1749/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch qua từng năm.
Hằng năm, Petrovietnam cung cấp khoảng 13,5 triệu tấn xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu xăng dầu trong nước và cung cấp khoảng 1,8 triệu tấn sản phẩm hóa dầu. Bên cạnh đó, sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 1,6 triệu tấn urê, chiếm khoảng 75% nhu cầu thị trường urê trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ngoài ra, sản lượng điện hằng năm khoảng 21 tỷ kWh, cung cấp trung bình 12% sản lượng điện cả nước.Từ năm 2016 đến 2019, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn tăng bình quân 15%/năm, vốn chủ sở hữu tăng bình quân 2,7%/năm; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt từ 3,38% – 8,47%. Trong giai đoạn này, Tập đoàn đã có 5 phát hiện dầu khí mới, gia tăng trữ lượng trong nước từ 55,26 – 60,26 triệu tấn quy dầu. Đến hết năm 2019, tổng sản lượng khí được thu gom và đưa về bờ đạt khoảng 148 tỷ m3 khí. Đến nay, Petrovietnam đã xây dựng và đưa vào vận hành 5 hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp khí và đang triển khai đầu tư xây dựng 2 hệ thống khác.
Những tháng qua, bên cạnh những dự báo hết sức bi quan về tình hình kinh tế thế giới, dưới tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với Petrovietnam, tập đoàn kinh tế chủ lực của quốc gia và vẫn là ngành đang chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất bởi giá dầu và dịch bệnh. Chiến lược phát triển Petrovietnam cần phải được cập nhật, bổ sung cho phù hợp trong bối cảnh “khủng hoảng kép”, từ dịch bệnh Covid và giá dầu giảm đã tác động lớn đến ngành Dầu khí, năng lượng nói riêng và kinh tế nói chung. Khó khăn, thách thức còn đến từ sản lượng khai thác dầu, khí của Petrovietnam suy giảm dần, khu vực hoạt động dầu khí trong nước cũng gặp nhiều ảnh hưởng. Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch năng lượng, yêu cầu về giảm phát thải khí carbon là xu hướng tất yếu của các công ty năng lượng trên thế giới, Petrovietnam cũng cần phải thay đổi để phù hợp, đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.
Trong đó, chiến lược cập nhật phải bảo đảm tính logic, khoa học và khả thi, với nguyên tắc xuyên suốt E&P là lĩnh vực cốt lõi cũng như đảm bảo để Tập đoàn phát triển ổn định, bền vững và thân thiện với môi trường.Bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều khó khăn, thách thức, Petrovietnam cần thiết phải xây dựng, cập nhật chiến lược phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của cấp thẩm quyền về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Ngoài ra, các mục tiêu đã được phê duyệt trong chiến lược cũng cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, nguồn lực của Petrovietnam hiện nay và trong các năm tới, với nhu cầu của thị trường.
Trong giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2035, Petrovietnam sẽ hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn năng lượng, phát triển đồng bộ với lĩnh vực cốt lõi là E&P, tiếp tục góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giữ vững vị thế tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước. Bên cạnh đó, Petrovietnam hướng đến đóng góp nhiều trong lĩnh vực khoa học công nghệ dầu khí, sẵn sàng trở thành “người mở đường” cho phát triển khoa học công nghệ về dầu khí, về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong tương lai.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, đánh giá về dự thảo Chiến lược cập nhật chiến lược phát triển của Tập đoàn cho giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn đến năm 2035, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh việc cập nhật Chiến lược phát triển là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hướng trực tiếp đến định hướng phát triển của Tập đoàn trong những năm tiếp theo. Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng yêu cầu cần tập trung nghiên cứu, xây dựng, góp ý hoàn thiện chiến lược sớm nhất, tập trung đưa ra các giải pháp cụ thể, hiệu quả, phù hợp để thực hiện chiến lược. Ngoài việc triển khai các giải pháp chung, Tổng giám đốc Petrovietnam cũng đề nghị cần phải tập trung vào các giải pháp cho từng lĩnh vực phát triển của Tập đoàn, ưu tiên các giải pháp về khoa học công nghệ, thị trường, đầu tư, tài chính, nhân lực và văn hóa doanh nghiệp, từ đó hiện thực việc triển khai chiến lược, tạo động lực Tập đoàn phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn, xứng đáng với vị thế, vai trò và sứ mệnh của Petrovietnam.
Thegioibantin.com | VinaAspire News