Bạn biết gì về tính cách người Nhật
“Người Nhật vừa hung bạo vừa hiền hòa, vừa nghiêm khắc vừa thơ mộng, vừa cứng nhắc vừa nhu nhuyễn, vừa trung thành vừa phản trắc, vừa can đảm vừa hèn nhát, vừa bảo thủ vừa cấp tiến… và chịu ảnh hưởng cùng lúc của Thần Đạo và tam giáo Nho, Phật, Lão…”.
“Người Nhật vừa hung bạo vừa hiền hòa, vừa nghiêm khắc vừa thơ mộng, vừa cứng nhắc vừa nhu nhuyễn, vừa trung thành vừa phản trắc, vừa can đảm vừa hèn nhát, vừa bảo thủ vừa cấp tiến… và chịu ảnh hưởng cùng lúc của Thần Đạo và tam giáo Nho, Phật, Lão…”.
Bà Ruth Benedict, một chuyên viên Nhân chủng học ở Đại học Columbia đã viết như vậy về tính cách người Nhật vào thập niên 40. Tài liệu của bà được dùng để làm nền tảng cho chính sách đối ứng của Hoa Kỳ.
Nhận định trên của bà Ruth Benedict đã nêu bật được tính tích cực, đôi khi cực đoan ở cả hai thái cực của người Nhật.
Xã hội: Kỷ luật đi đối với giáo dục
Người Nhật nổi tiếng là có kỷ luật. Nhưng cho dù sự kỷ luật đó – bắt nguồn từ hoàn cảnh sinh sống khó khăn, từ việc nghĩ tới lợi ích chung, từ văn hóa – đã trở thành sự tự giác, các nhà làm luật vẫn phải luật hóa các ứng xử xã hội, để không có ngoại lệ. Song song đó là sự hướng dẫn, giáo dục cụ thể.
Những nơi sinh hoạt công cộng luôn đầy những bảng hướng dẫn, thông báo. Mặt đường đâu đâu cũng trắng xóa các lằn kẻ phân luồng xe chạy.
Người Nhật cũng nổi tiếng là chu đáo. Xe điện liên tục thông báo mở cửa bên nào, lưu ý hành khách đừng để quên hành lý, khi bước ra coi chừng khoảng cách giữa toa xe và thềm ga…
Để hướng dẫn cho người bị mù, mặt đường được lót những tấm nhựa chỉ đường và loa phát nhạc ở một số chỗ băng ngang đường. Tiền giấy cũng có dấu hiệu nổi đặc biệt, ở ga xe điện thì dán bảng ghi bằng chữ nổi để người mù có thể tự mua vé…
Quanh các trường tiểu học thường có người cầm cờ hướng dẫn các em nhỏ qua đường.
Giao tiếp: Mềm mỏng theo nguyên tắc
Theo bà, người Nhật vừa nghiêm khắc vừa thơ mộng Ai cũng biết người Nhật rất lễ nghĩa. Họ chào nhau không phải một lần mà đôi khi năm bảy lượt trong một ngày.
Ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ. Người đi làm đều ăn mặc lịch sự, đặc biệt họ không mặc quần áo bảo hộ (trang phục riêng cho ngành nghề) đi ở ngoài đường.
Người Nhật rất điềm tĩnh trong ứng xử, ít nổi nóng, nhưng nếu đã nổi nóng thì cũng khó can.
Khi rầy la, người Nhật nhiều khi không nói thẳng và cụ thể, nên người bị la không hiểu người la muốn gì.
Nhiều người nhận xét là người Nhật “lạnh nhạt”. Điều đó chỉ đúng một nửa, với những người mới quen. Khi quen lâu thì người Nhật tỏ ra khá thân thiện.
Tuy nhiên, người Nhật vốn được giáo dục tính tự lập từ nhỏ nên sẽ có nhiều người ngoại quốc rất ngạc nhiên khi thấy họ cư xử khác nhau trong hai lần được nhờ giúp đỡ. Người Nhật không vui khi được nhờ cùng một việc đến lần thứ hai, họ không muốn giúp mà muốn người nhờ hãy tự lập.
Người Nhật rất trọng nguyên tắc, đến độ khó tính và cứng rắn. Họ tuân thủ mọi điều lệ của tổ chức mà mình tham gia. Họ chấp nhận xếp hàng cả tiếng đồng hồ để đến lượt mình, và luôn đúng giờ hẹn, nhất là trong làm ăn.
Làm việc: Lâu chuẩn bị, nhanh thi hành
Người Nhật chấp nhận khó khăn, phức tạp và rất kiên nhẫn học hỏi và chịu đựng, cộng thêm với lối làm việc có phương pháp là bí quyết thành công của họ. Nhiều người ngoại quốc đã rất sốt ruột khi quá trình chuẩn bị của họ quá lâu, nhưng rồi mọi người phải ngạc nhiên về tốc độ và mức độ chuyên nghiệp của họ khi bắt tay vào việc.
Người Nhật làm việc đến xong, xong một cách hoàn mỹ mới nghỉ. Nói chung họ chủ trương làm chậm mà chắc, muốn sản phẩm vượt hơn những thứ đã có.
Những điều “lạ” của người Nhật
1- Cởi giày khi vào nhà. Người Nhật đi dép nhẹ trong nhà vì ngày xưa phòng lót chiếu, nay nhà thường lót thảm, hay nhựa, gỗ… nhưng thay giày bằng dép riêng thì giữ cho nhà sạch hơn.
2- Lập tức cám ơn, xin lỗi. Người Nhật luôn cám ơn và rất sẵn sàng nhận lỗi, hơi phiền người khác một chút là xin lỗi ngay.
3- Ăn thức ăn sống. Người Nhật ăn cá sống nhiều thứ nhì thế giới sau một nước ở Nam Mỹ.
4- Tặng quà Tết và Trung Nguyên (các cửa hàng lớn đều chưng các các hộp quà định sẵn, người mua chỉ việc trả tiền là quà tới tay người nhận).
5- Ăn mì hay soba húp xùm xụp. Người Nhật nổi tiếng lịch sự, nhưng khi ăn mì nước, bún nước… thì họ húp kêu rất to, theo họ, ăn như vậy mới đã.
6- Cầu tiêu kiểu Nhật. Nhiều khi vào không biết ngồi quay hướng nào, quay vào hay quay ra, thực ra là quay vào.
7- Không phải trả tiền típ. Nếu khách ngoại quốc trả típ sẽ làm họ bối rối, còn nếu tự ý bỏ lại, họ sẽ vội gọi báo cho khách là “để quên tiền”.
Theo Duhocnhatban